Đình Cổ Miếu thờ phụng Đông Hải Uy Linh đại vương. Thần Đông Hải là thuỷ thần xuất thế, có công phò nhà Lý chống giặc, được các triều đại sau sắc phong và ban mỹ tự “Dực Bảo Trung Hưng Thượng đẳng thần”. Đền Cổ Miếu thờ hai bà Ngọc Thanh và A Nguyệt Nga công chúa, đều là các vị âm phù cho vua Trưng, vua Lý, vua Lê thắng giặc ngoại xâm.
Đình, đền, chùa Cổ Miếu thuộc thôn Cổ Miếu, xã Thụy Lâm, huyện
Đông Anh, Hà Nội. Cổ Miếu là một làng cổ nằm bên sông Cà Lồ có lịch sử tồn tại
và phát triển lâu đời. Cổ Miếu còn có tên nôm là Râm Chợ, là một trong 4 làng
“râm” của làng Cổ Thư Lâm xưa. Cụm di tích đình chùa Cổ Miếu là minh chứng sống
động của vùng đất mang trên mình nhiều truyền tích.
Bản đồ thôn Cổ Miếu, xã thụy Lâm
Căn cứ vào thần phả ghi trên bia đá và hệ thống sắc phong thần
cho chúng ta biết vị thần được thờ trong đình Cổ Miếu là Đông Hải Uy Linh đại
vương. Thần Đông Hải là thuỷ thần xuất thế, có công phò nhà Lý chống giặc. Khi
mất được các triều đại sau sắc phong và ban mỹ tự “Dực Bảo Trung Hưng Thượng đẳng
thần”.
Bên cạnh đình, ngồi đền Cổ Miếu thờ hai bà Ngọc Thanh và A
Nguyệt Nga công chúa, đều là các vị âm phù cho vua Trưng, vua Lý, vua Lê thắng
giặc ngoại xâm.
Đình - đền - chùa Cổ Miếu được toạ lạc trên khu đất rộng,
phong cảnh hữu tình, có cây đa cổ thụ, bến nước ao đình, tạo nên một quần thể
di tích cổ kính, ấm cúng mà thâm nghiêm.
Ngôi đình có niên đại khởi dựng từ rất sớm, dấu tích còn lại
cho đến nay minh chứng ngôi đình đã có từ thời Lê. Dưới tán lá xum xuê của cây
cổ thụ, mái đao cong thấp thoáng rêu phong. Với 5 gian 2 dĩ bề thế, Hậu cung chạy
dọc tạo bố cục chữ “đinh”, cột cái, cột quân vững chãi đỡ các bộ vì chồng rường.
Trên các đấu kê, con rường đều chạm vân xoắn, rồng mây, lá đề cách điệu. Các bức
cốn trang trí đề tài tứ linh sinh động. Tất cả đều hiện lên như một bức tranh đủ
sắc màu thể hiện tài nghệ của nghệ nhân xưa đã thổi hồn mình vào gỗ, mang hơi
thở của cuộc sống và nhân gian để truyền tụng mãi về sau cho con cháu.
Đáng chú ý là các di vật còn lưu giữ được tại đình như 3 tấm
bia đá ghi lại công tích của Thành hoàng làng Cổ Miếu, 5 đạo sắc phong thần
trong đó sắc có niên hiệu sớm nhất Thiệu Trị thứ 6 (1846) và sắc muộn nhất có
niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924) cùng hệ thống hoành phi, câu đối, ngai thờ bài
vị... giúp cho các nhà nghiên cứu có dịp tìm hiểu sâu sắc hơn về vùng đất cổ Bằng
Lâm, Thư Lâm.
Ngôi chùa Cổ Miếu còn có tên chữ Lưu Khánh tự, toạ lạc ngay
bên cạnh đình tạo nên quần thể kiến trúc sầm uất đầy tâm linh. Toà Tiền đường 5
gian 2 dĩ cùng với thượng điện 3 gian chạy dọc tạo thành bố cục chữ “đinh” truyền
thống. Hệ thống tượng tròn trong chùa còn khá nguyên vẹn, thể hiện đầy đủ nét
chạm khắc cổ qua nhiều thời đại, nó làm tăng thêm giá trị của ngôi chùa. Chùa
còn bảo lưu nhiều di vật quý như: Chuông đồng có niên hiệu Tự Đức (1851) trên
khắc bài minh ca ngợi cảnh đẹp của chùa, hệ thống cửa võng, hoành phi, câu đối
cổ được trang trí với đề tài tứ quý tạo nên cảm giác âm cúng, thanh bình nơi cửa
Phật.
Với những giá trị về lịch sử - kiến trúc nghệ thuật, đình và
chùa Cổ Miếu được Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội xếp hạng di tích lịch sử -
văn hóa năm 2002.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01