Đình, đền, chùa Yên Xá đều được xây dựng trên đất thôn Yên Xá, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 15km về phía tây. Đình và Đền thờ phụng Úy Đô Linh Lang Đại vương, con của Lạc Long quân và Âu Cơ làm thần hoàng. Chùa Yên Xá thờ Phật.
Làng Yên Xá vào đầu thời Nguyễn tên là An Xá, thuộc tổng Thượng
Thanh Oai, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông. Làng cùng với làng Triều Khúc ở bên cạnh
vốn cùng có tên Nôm là Kẻ Đơ, sau thường được gọi Đơ Bùi, do nơi đây xưa kia trồng
được một thứ khoai lang ăn rất bùi. Từ tháng 6/1961, hai làng Triều Khúc và Yên
Xá nhập lại thành xã Tân Triều, thuộc huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Khác với làng Triều Khúc (Đơ Thao, Đơ Đồng), làng Yên Xá
chuyên làm nông nghiệp trên khoảng 500 mẫu đất ruộng màu mỡ ven sông Nhuệ. Dân
làng còn có các nghề phụ như nấu bánh đúc, thêu ren, rồi làm guốc mộc, những sản
phẩm này và giống lúa thơm ngon đã từng một thời được người nội thành Thăng
Long – Hà Nội ưa chuộng.
Thôn Yên Xá xưa tuy nhỏ nhưng bên cạnh chùa Thanh An lại còn
có đình làng và ngôi đền thiêng thờ Linh Lang đại vương, một vị thần theo huyền
thoại đã hạ phàm nhiều lần đánh giặc ngoại xâm, lần này là con trai thứ của vua
Lý Thánh Tông (1054 - 1072), đó là Hoàng tử Linh Lang. Ngài cũng được thờ phụng
ở hàng trăm nơi khác.
Những địa danh như: gò Tầm Cấp, Cốc Đống, Điểm Danh, Đống
Vương Ngự, Vườn Mai, Địa Đạo có liên quan đến truyền thuyết ngài về Yên Xá
chiêu mộ lính, đóng trại, thu trữ lương thảo và khao quân khi thắng trận.
Đình Yên Xá được xây dựng trên một khu đất cao rộng, bằng phẳng,
nằm ngay giữa làng bên cạnh con đường cũ. Tam quan hiện nay mở ra bên hữu, du
khách bước qua cổng sẽ thấy một sân gạch có hai cổ thụ che mát.
Đình quay hướng Đông Nam, nhìn ra bức bình phong cuốn thư trấn
phong thủy. Sau bức bình phong là hồ phong thủy, có tường thấp ngăn với khu nhà
dân bao quanh. Năm 1972, đình đã bị bom Mỹ phá hủy gần hết, chỉ còn hậu cung.
Giữa sân là phương đình xây 2 tầng chồng diêm 8 mái, trống
phía dưới với 8 các cột cái. Sau lần trùng tu mới đây, những kết cấu gỗ cũ được
thay bằng cột bê-tông quét sơn giả gỗ. Trong phương đình bày hương án của Thành
hoàng. Các góc mái ở tầng trên được trang trí đắp nề dây hoa lá cách điệu xoắn tròn,
tầng dưới thì đắp nổi rồng uốn khúc mềm mại . Đầu rồng quay vào trong, mắt lồi,
miệng rộng, bờm tóc bay ngược uống theo đầu đao.
Tòa đại đình Yên Xá được xây dựng theo kiểu chữ “Đinh”, bao
gồm nhà tiền tế 5 gian và hậu cung. Tòa Tiền tế bị phá hủy trong chiến tranh được
xây lại với Kiến trúc truyền thống thời Nguyễn vùng nông thôn đồng bằng sông Hồng,
kết cấu khung gỗ với vì kèo chồng rương, giá chiêng, hệ thống kẻ ngang, xà dọc
ăn mộng với nhau. Kết cấu bộ vì kèo mái nhà tiền tế được kết nối với bộ khung
mái hậu cung. Chính điện bài trí trang nghiêm, hai bên là các bệ gạch lát gạch,
sát vách đặt cặp ngựa gỗ và cỗ trống đại, phía trước cung cấm có một hương án cổ
trước kh vào hậu cung.
Hai bên sân đình là hai nhà tả hữu vu song song với phương
đình. Hữu vu 3 gian, gian bên trái giáp với cửa gian nhà của thủ từ cạnh đầu hồi
đại đình. Dãy tả vu thông liền 3 gian, thường được sử dụng làm nhà hậu cần
trong các dịp lễ lớn.
Tòa phương đình nằm ở giữa sân đình Yên Xá
Đền Yên Xá được xây dựng trên một khu đất rộng ven làng, kiến
trúc nhỏ ẩn mình dưới bóng cổ thụ um tùm. Đền có kết cấu hình “chuôi vồ” gồm ba
gian Tiền tế và một gian Hậu cung.
Tòa Tiền tế xây dựng theo kiểu đầu hồi bít đốc. Tường hồi tay
ngai, phía trước có cột trụ biểu, đỉnh trang trí nghê chầu, phần lồng đèn đắp
phù điêu tứ linh. Bờ nóc đắp lưỡng long quán nhật, hai đầu hai trụ đấu.
Đình và
đền Yên Xá hiện lưu 38 đạo sắc phong, đạo sớm nhất ghi niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 8
(1626), đời vua Lê Thần Tông. Sắc phong cuối cùng được ban đời vua Khải Định
(1916-1920). Trong tòa đại đình hiện còn lưu giữ được bộ hương án chế tác từ thời
Lê và các bệ đá hình hoa sen kê chân cột, đây là những hiện vật cổ nhất còn lại.
Chùa Yên Xá có tên chữ là Thanh An tự. Chùa thuộc phái Bắc Tông tương
truyền được lập từ rất lâu đời.
Trải qua mấy trăm năm, chùa Thanh An đã được trùng
tu nhiều lần và không còn giữ được dáng vẻ ban đầu. Hiện kết cấu chùa chủ yếu
mang phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn và muộn hơn. Mặt bằng chùa
đang được mở rộng: phía trước tam quan cũ đã xây thêm một tòa tháp cao hình bát
giác bên hữu, bên tả là một giếng tròn với cây cầu nhỏ bắc sang hòn non bộ,
trên đặt pho tượng Quan Âm.
Tam quan chùa xây theo kiểu gác chồng dạng tháp, đây là kiến
trúc cổ nhất còn sót lại song cũng đang phủ bạt và đứng trước nguy cơ bị sửa đổi.
Qua Tam quan là hai ngọn tháp hai bên một sân gạch rộng và
tòa tam bảo ở giữa, bên cạnh có lối vào sân hậu. Tòa Tam bảo là Tiền đường rộng
5 gian 2 dĩ, cửa gỗ bức bàn, kết nối với hậu cung kiểu “chữ Đinh”.
Sau tam bảo là ngôi đền Tứ phủ thờ các Mẫu Địa, Mẫu Thủy, Mẫu
Thượng Ngàn và Mẫu
Liễu Hạnh, hình thành kiến trúc “tiền Phật, hậu Thánh”. Hai bên sân hậu còn
có nhà Tổ, nhà Ni, phía sau là vườn và khu phụ. Phía tả tam bảo có một cổng phụ
mở ra vườn tháp mộ, dấu tích nhà Văn chỉ và nghĩa trang của làng Yên Xá.
Thanh An tự vẫn giữ được nhiều mảng chạm khắc tinh tế và các
bộ tượng Phật giáo đầy đủ. Các pho tượng Tam thế Phật và A-di-đà đều được tạo
tác rất đẹp với phong cách nghệ thuật điêu khắc thời cuối Lê, đầu Nguyễn.
Trong chùa hiện còn tới 21 tấm bia đá, trong đó có 16 tấm
bia hậu đều khắc chữ “Nhâm Tý” dưới thời Lê Trung hưng, những năm Nhâm Tý thời
đó là: năm 1612, năm 1672 và năm 1772, ghi tên các vị quan, vương phi, vương hầu
đóng góp tiền của tu bổ chùa và đền. Chùa còn giữ được một quả chuông đồng đúc
từ thời Tây Sơn, mang niên hiệu Cảnh Thịnh (1793 – 1802).
Hàng năm cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, nhằm ngày mùng 9 đến 12
tháng giêng, nhân dân làng Yên Xá khai hội tưởng nhớ và tôn vinh công đức của Đức
thánh Uy Đô Linh Lang Đại vương Thượng Đẳng Phúc Thần, Thành hoàng làng phù hộ
cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, xóm làng bình an, hạnh phúc và ấm no.
Lễ hội diễn ra với nhiều tục lệ truyền thống đặc sắc, hấp dẫn.
Sáng mùng 10 tháng Giêng, lễ tế chính thức được tiến hành ở Đình. Khi nghi lễ tế
kết thúc, người dân địa phương tham gia vào các trò chơi dân gian như đấu vật,
đá bóng, hát chèo, múa rồng.
Những cuộc thi đấu vật ở làng Yên Xá trước kia đã từng thu
hút rất nhiều đô vật nổi tiếng đến từ Thanh Trì, Mai Động. Múa rồng là Nghệ thuật
múa truyền thống của làng, ra đời từ thuở ngôi đình thờ Bố Cái Đại vương được
xây dựng. Bao năm nay, đội múa rồng vẫn duy trì và phát huy được giá trị văn
hóa tinh thần của di sản phi vật thể lịch sử này.
Ngày 27/12/1990 quần thể đình, đền Yên Xá và chùa Thanh An
đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Nguồn: Người Hà Nội