Cụm di tích Tiên Lục gồm: Cây Dã Hương ngàn năm tuổi, đình Viễn Sơn, Chùa Phúc Quang, đình Thuận Hòa... Cụm di tích Tiên Lục đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc Gia và đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước
Đến Bắc Giang du khách sẽ được tham quan, tìm hiểu về những
giá trị lịch sử nghệ thuật của những ngôi chùa cổ kính, được khám phá trải nghiệm
với những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú mà tự nhiên ưu đãi cho Bắc Giang và Cụm
di tích Tiên Lục là một trong những điểm dừng chân lý tưởng cho du khách gần
xa. Nằm cách thành phố Bắc Giang khoảng 20km về phía Đông Bắc thuộc xã Tiên Lục
huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.
Cụm di tích Tiên Lục gồm một quần thể di tích nằm trong
không gian thoáng đãng, thơ mộng của một vùng trung du tràn đầy sức sống. Cụm
di tích Tiên Lục gồm: Cây Dã Hương ngàn năm tuổi, đình Viễn Sơn, Chùa Phúc
Quang, đình Thuận Hòa... Cụm di tích Tiên Lục đã được Nhà nước công nhận là di
tích lịch sử cấp Quốc Gia và đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách trong
và ngoài nước.
Cây Dã Hương nghìn năm tuổi
Điểm đến thứ nhất đó là Cây Dã Hương nghìn năm tuổi. Theo
các nhà khoa học, cây này được vua Lê Cảnh Hưng phong cho là “ Quốc chúa đô mộc
Dã Đại Vương” (cây Dã lớn nhất nước); được ghi tên, in ảnh trong cuốn Từ điển
bách khoa Larausse của Pháp và giới thiệu ảnh tại hội chợ Maseille (Pháp) năm
1932; được trường Viễn Đông Bác cổ ( nay là bảo tàng Lịch sử Việt Nam) xếp hạng
là cây cổ thụ quý hiếm của Việt Nam.
Năm 1989, Bộ Văn hóa - Thông tin đã xếp cây dã hương ở Bắc
Giang nằm trong quần thể cụm di tích quốc gia (gồm cây dã hương, đình Viễn Sơn,
chùa Phúc Quang, đình Thuận Hòa...).
Theo ước lượng, gốc cây dã hương to đến 8 người ôm, còn theo
những người làm công tác nghiên cứu vòng đo điểm to nhất của thân cây là 11m,
chỗ nhỏ nhất là 8,3m, cây cao khoảng 36m, có đường kính trên 2,5m. Lớp vỏ cây
trung bình dày 15cm. Tán cây dã hương xòe phủ kín mái đình Tiên Lục, tạo ra một
cảnh quan đặc sắc cho một vùng quê giàu di tích văn hóa. Hoa dã hương thường nở
vào cuối xuân đầu hè, màu vàng nhạt, cánh nhỏ li ti và có mùi thơm tựa hoa dạ
lan
Cây không chỉ là nét đẹp của cảnh quan môi trường, cảnh quan
thiên nhiên mà còn là nét đẹp văn hóa, biểu tượng rất đỗi mộc mạc, thân thiết,
linh thiêng trong không gian văn hóa Việt.
Theo người dân ở đây thì mỗi một cành cây gẫy là thể hiện một
sự kiện báo hiệu một sự chuyển biến lớn của đất nước như: Năm 1945 cành dã
hương lớn phía đông bắc gãy là lúc Cách mạng Tháng Tám thành công; Năm 1954,
cành phía tây gãy là năm chiến thắng Điện Biên Phủ; Năm 1964 cành phía nam gãy
gắn với sự kiện Vịnh Bắc Bộ chiến tranh mở rộng ra miền Bắc; Năm 1975 cành phía
tây gãy gắn với sự kiện giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; Năm 2006 một cảnh
ở đỉnh ngọn phía Nam gãy thì năm đó nước ta gia nhập tổ chức Thương mại thế giới
(WTO)
Hiện nay cây dã hương đã được nhà nước coi là di sản quốc
gia, hàng ngày có rất nhiều đoàn khách về đây không chỉ để chiêm ngưỡng, cảm nhận
vẻ đẹp của cây “dã đại vương” nghìn năm tuổi, được người dân nơi đây lưu truyền
từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo nên những thông điệp có ý nghĩa nhân văn
sâu sắc về một cây cổ thụ như một biểu tượng, tượng trưng cho một sức sống trường
tồn của dân tộc.
Cây Dã Hương được người dân trong xã gọi là “cây Dã ngàn
năm”, nó đã sống ở đây được gần một thiên nhiên kỷ, cũng từng trải qua bao
thăng trầm của lịch sử Việt Nam nên người dân trong vùng luôn coi cây như một
linh vật phù hộ cho làng từ ngàn đời nay.
Chùa Phúc Quang nằm trong Cụm di tích Tiên Lục
Ngay bên cạnh cây Dã Hương là Đình Viễn Sơn đã “sánh đôi” từ
thủa nào và đã cùng trải qua rất nhiều biến cố. Theo lời kể lại của các bậc cao
niên trong làng vào thập Niên 70 của thế kỷ trước. Hồi đó miền Bắc có phong
trào “bài trừ mê tín dị đoan”.
Tại một số nơi, do không nắm được đầy đủ tinh thần chỉ đạo của
Trung ương, vận dụng sai nên bị biến thành phong trào phá bỏ hàng loạt đền miếu,
đình chùa. Nhẹ hơn thì đình chùa – những di sản quý bao đời trở thành nhà kho,
công xưởng. Đình Viễn Sơn cũng suýt trở thành nạn nhân trong đợt đó. Mà nếu điều
đó xảy ra thì số phận của cây Dã Hương cũng không biết thế nào.
Nhưng thật may, thời điểm đình Viễn Sơn đang bị phá dỡ để
làm hợp tác xã mua bán thì xảy ra sự cố. Người chịu trách nhiệm chính bị đột tử
không rõ nguyên nhân. Tin dữ ấy loan truyền khắp trong và ngoài làng xôn xao đồn
thổi rằng ông này bị “thánh phạt” vì dám xâm phạm đến nơi tôn nghiêm thần bí.
Từ đó, không ai còn nghĩ đến việc phá bỏ đình Viễn Sơn và
ngay cả chùa Phúc Quang gần kế bên cũng vậy.Sau đo ba gian tiền tế phía ngoài của
đình bị biến nơi mua bán nhưng việc mua bán bị thua lỗ và chỉ trong thời gian
ngăn sau đó tài sản của hợp tác xã bị thất thoát.
Sau đo đình được trưng dụng làm lớp học cho trẻ con Tiên Lục
rồi làm kho quân khí. Khi Đình Viễn Sơn được trả lại chức năng khởi thủy thì lại
đến lượt cây Dã gặp nạn. Năm 1982, khi chuyển vũ khí đi người ta đem vứt bỏ giẻ
lau súng đạn phía ngoài. Đám trẻ trăn châu trong làng nghịch ngợm đã lấy giẻ
nhét vào lỗ hổng quanh thân cây Dã Hương châm lửa đốt. Chúng đâu ngờ trong thân
cây dã có một số lỗ thông lên ngọn, khi lửa cháy đã bén thông nhau. Toàn thân
cây âm ỉ cháy nhưng vì cháy ngầm nên rất khó phát hiện. Phải đến hôm sau khi
mùi thơm của cây kết hợp với mùi khói lan tỏa khắp xóm thì mọi người dân trong
xóm mới phát hiện ra.
Mọi người xúm vào dập lửa nhưng do lửa cháy to, lại cháy âm
trong thân cây khổng lồ nên các biện pháp dập lửa thủ công không hiệu quả. Khi
đó chính quyền xã đã phải nhờ xe cứu hỏa từ trên tỉnh về hỗ trợ. Họ đã phải
trèo lên bịt hết các lỗ thông khói rồi phun nước ngầm vào trong cây mới cứu được
Dã Hương.
Điểm đến tiếp theo đó là chùa Phúc Quang hay nhân dân vẫn gọi
là Phúc Quang Tự - một ngôi chùa cổ đã gần 300 năm tuổi, nằm ngay cạnh đình Thuận
Hòa và trụ sở UBND xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang, ở ven đường tỉnh lộ ĐT295 được
coi là nơi thờ tự linh thiêng, có kiến trúc độc đáo và gắn với những câu chuyện
kỳ bí nhất.
Văn bia tại đây cho biết chùa được thành lập từ mùa xuân năm
Long Đức thứ ba (20-3-1734) dưới thời vua Lê Thuần Tông, bên cạnh một ngôi chùa
cổ hơn do sư cụ Chiếu Chiêm kêu gọi nhân dân hợp sức xây dựng. Trải qua gần 300
năm tuổi, hiện nay chùa vẫn lưu giữ được chiếc chuông lớn có từ ngày đầu và khoảng
90 pho tượng Phật giáo quý giá.
Tuy nhiên những mảng điêu khắc gỗ đá hầu như đã không còn nữa.Trong
suốt những năm tháng chiến tranh, mặc dù các xã xung quanh bị bom đạn oanh tạc
đến xơ xác, riêng chùa Phúc Quang và xã Tiên Lục vẫn được bảo vệ an toàn. Nhân
dân địa phương do đó càng tin chắc rằng chính ngôi chùa cổ đã trấn giữ vùng đất
này, giúp họ an cư lạc nghiệp.
Theo truyền thuyết xưa kia có một vị vua mặc thường phục vi
hành, vô tình đi qua ngôi chùa Phúc Quang. Vì trước đó có hiềm khích với đạo Phật
nên vị vua này đã để lại lời nguyền: bất kỳ nhà sư nào cũng không được ở trong
chùa này. Người dân nghĩ đó chỉ là câu nói buột miệng của vua nên không để tâm.
Cho đến sau này, có một thiền sư được giao đến trông nom
chùa, nhưng vừa bước tới Tam Bảo đã bị rắn cắn nên sợ quá bỏ chùa. Những vị sư
tiếp đó đến chùa chỉ ở được một thời gian rồi cũng phải ra đi. Dân chúng khi ấy
mới nhớ đến vị vua lạ và bắt đầu lan truyền câu chuyện rắn thần ứng nguyện lời
nguyền cản bước các vị sư.
Gần đây nhất có sư Huệ Cửu về trụ trì từ năm 2010. Tuy
nhiên, chưa đầy 3 năm sau, sư gọi xe giữa đêm, thu dọn hành lý bỏ đi không lời
từ biệt, đến sáng người dân trong làng mới biết. Sau đó không ai nghe tin gì về
sư Huệ Cửu nữa.
Tiếp theo có vài vị sư khác đến thăm chùa cũng muốn ở lại,
nhưng sau khi thắp hương khấn vái và nhìn cây hương có dòng chữ Nho họ đều lẳng
lặng ra đi, không bao giờ trở lại... Chùa Phúc Quang gần đây phần lớn đã được
trùng tu, nhìn chung vẫn mang dáng vẻ của nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn.
Chùa tọa lạc trên một gò đất thấp, mặt quay hướng nam nhìn
ra một sân gạch rộng có những cây nhãn lâu năm, xa hơn là vườn cổ thụ. Bên tiền
đường hữu là dãy nhà giải vũ 3 gian 2 dĩ, bên tả là mặt sau của ngôi đình làng
cũng mới tu sửa.
Chùa được xây dựng với mặt bằng theo hình "nội Công ngoại
Quốc". Tiền đường rộng 7 gian cửa bức bàn, hai bên thiêu hương có cặp tượng
Hộ Pháp khá to. Thượng điện gồm đầy đủ những pho tượng Bắc Tông, ánh sáng chủ yếu
lấy từ hai cửa ngách thông sang hai dãy hành lang nơi đặt các pho tượng La Hán
và Bát bộ Kim Cương. Tất cả các tượng đều mới tô lại. Phía cuối hai hành lang nối
liền tòa hậu đường làm theo kiểu hai tầng chồng diêm, có cầu thang dốc để lên
gác chuông.
Cuối cùng nằm trong cụm di tích Tiên Lục là Đình Thuận Hoà:
Đình Thuận Hoà hay còn được nhân dân trong vùng quen gọi là đình Cây Bàng. Đình
toạ lạc trên một khu đất rộng và bằng phẳng kế sát ngay đình là cây bàng cổ thụ
um tùm quanh năm toả bóng mát, phía trước đình là đường 295 từ Vôi đi Tiên Lục,
đình cách đồi thông chừng hơn 100m.
Đình Thuận Hoà được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ XVIII,
đình thờ 2 vị thành hoàng làng là Cao Sơn Đại vương và Quý Minh Đại vương. Đình
có lối kiến trúc hình chữ đinh gồm 5 gian đại đình và 3 gian hậu cung.
Cũng giống như đình Viễn Sơn, toàn bộ hệ mái của ngôi đình
Thuận Hoà được làm bằng gỗ lim chắc khoẻ, các đề tài chạm khắc được bàn tay của
các nghệ nhân thể hiện một cách hết sức tài tình, khéo léo. Hiện nay trong đình
còn lưu giữ được nhiều đồ thờ có giá trị lịch sử như: 06 sắc phong thời Nguyễn,
03 ngai thờ, 01 bát hương thời Nguyễn…
Đến với Tiên Lục du khách còn có cơ hội được tìm hiểu về lễ
hội truyền thống đặc sắc của người dân Tiên Lục. Đây là một lễ hội lớn của huyện
Lạng Giang thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và khách thập phương về dự. Lễ
hội Tiên Lục được tổ chức một năm 4 lần vào mồng 9. 1 Âm lịch, 20. 5 Âm lịch,
20. 8 Âm lịch và 20 tháng 11 Âm lịch hàng năm, diễn ra ở 4 khu vực chính là
đình Viễn Sơn, chùa Quang Phúc, đền Tiên Lục và nhà Thảo Xá.
Bảo Thoa