Cụm di tích miếu và chùa Trung Hành thuộc làng Trung Hành, xã Đằng Lâm, huyện An Hải (nay là phường Đằng Lâm, quận Hải An), thành phố Hải Phòng. Miếu thờ đức vua Ngô Quyền, chùa thờ Phật.
Cụm di tích nằm ở phía Đông Nam, cách trung tâm thành phố Hải
Phòng khoảng 5 km; tọa lạc trong một khuôn viên rộng rãi và đẹp, cạnh tuyến đường
lớn Lê Hồng Phong nối liền sân bay Cát Bi với trung tâm thành phố.
Trung Hành là tên của một làng thuộc tổng Trung Hành, huyện
An Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương xưa, nay thuộc phường Đằng Lâm, quận Hải
An, Hải Phòng. Xưa kia là vùng đất Ngô Quyền đóng quân và huy động sức người, sức
của, đánh quân xâm lược Nam Hán năm 938, mở đầu kỷ nguyên độc lập lâu dài của đất
nước. Là một trong số 17 làng, xã có hệ thống bố phòng, tích chứa quân lương của
Ngô Quyền, nên Trung Hành được các triều đại kế tiếp phong sắc, công nhận việc
thờ tự Ngô Vương.
Miếu Trung Hành thờ Ngô Quyền là một công trình văn hoá cổ,
quay hướng Tây, có quy mô vừa phải, kết cấu hoàn chỉnh, khép kín và tương đối
nguyên vẹn; được trùng tu lớn vào khoảng thế kỷ XVII mà dấu vết còn để lại trên
4 cây cột cái sơn son tại tòa bái đường. Toàn bộ di tích gồm 3 lớp kiến trúc
chính:
Cổng miếu là một kiến trúc độc lập, mô phỏng kiểu cổng thành
cổ, có ba tầng mái đao cong vút “thượng thu, hạ thách. Chính giữa là cửa ra vào
theo kiểu cuốn tò vò. Toàn bộ kiến trúc được xây bằng gạch Bát Tràng (300 x 300
x 90 cm), kết dính bằng vật liệu truyền thống là vôi mật và giấy bản; nằm chếch
về hướng Bắc 15 độ so với toà bái đường; dụng ý đi vào không đối diện với tượng
Ngô Quyền được tôn thờ tại cung trong; đi ra không quay lưng lại cung cấm.
Hai hồi dưới mái cổng đắp nổi phù điêu hổ phù. Đóng, mở cổng
(dưới vòm cửa tò vò) trước đây là hai tấm gỗ dày vẽ hình võ sỹ cầm binh khí đứng
gác. Năm 1982 đến nay được thay bằng khung cửa sắt thoáng. Phần trên cổng miếu
đề 4 chữ Hán “Đằng Giang Thiên cổ”; phần dưới viết hai vế đối chữ Hán, ca ngợi
chiến công Bạch Đằng, cùng mảnh đất nơi di tích tọa lạc:
- Chinh hải anh
uy, thiên địa tịnh
- Thắng giang tuấn
kiệt, cổ kim minh.
Toàn bộ kiến trúc ngôi miếu Trung Hành kiểu nội công, ngoại
quốc. Cổng miếu cổ kính gắn với cảnh quan thiên nhiên hết sức gần gũi. Hiện tại
cổng – sân miếu hiện còn lại 3 cây gạo, 1 cây bàng, 1 cây nhãn cổ thụ.
Tòa bái đường (đại bái): 5 gian, 6 vì. Kết cấu vì kèo: 3
gian giữa kiều chồng rường kẻ suốt, 2 gian bên kiểu cột ngồi trên kẻ liên kết
giữa các vì (kiểu 4 hàng cột) bằng hệ thống xà thượng kẻ góc. Lối rải đòn tay
kiểu “thượng tứ hạ ngũ”.
Hai gian bên được nối dài bởi những thanh hoành song song
cách đều, tạo hai giải vũ đối xứng nhau. Phần mái lợp bằng ngói cổ kiểu vẩy rồng.
Hai giải vũ song song liên kết tòa bái đường với thềm hiên của cung ngoài thành
một kiến trúc liên hoành, có khoảng không gian mở vô cùng độc đáo là chiếc sân
hình chữ khẩu với 3 cấp đá xanh kiểu sân bộ rồng trước nơi cung cấm.
Tòa cung ngoài: Kết cấu 3 gian, 4 vì kèo kiểu giá chiêng 1
vì, 4 hàng cột, trang trí tập trung ở vì giữa (1 và 2), vì 3,4 đỡ các cây hoành
áp tường cấu trúc theo kiểu “bào trơn, đóng bén”, không trang trí gì.
Cung trong: tạo thành bởi liên kết giữa 3 vì kèo kiểu giá
chiêng trên câu đầu, vuông góc với tòa cung ngoài. Hai cung nối liền qua hệ thống
xà hạ và 4 hàng cột. Phân cách cung ngoài với cung trong bằng lớp bình phong gỗ,
cao 0,86 mét. Cung trong được kết cấu thành một sàn gỗ đặt chính giữa cao
0,54m; rộng 2 mét, trên đặt tượng Ngô Quyền được bảo vệ trong khám kín.
Căn cứ bản sắc phong năm Cảnh Hưng 44 (1784), ngôi miếu ban
đầu được khởi dựng cuối thời Hậu Lê (dấu vết để lại qua các mảng rồng, mây,
đao, mác thân mảnh, vẽ trên 4 cột cái và phần lớn ngói vẩy rồng, 3 chấm vạch, độ
nung già dặn lợp trên trên kiến trúc hiện nay). Về sau, ngôi miếu được tháo dỡ,
dựng lại như ngày nay. Một số đồ thờ tự bằng gỗ cũng mang dấu ấn nghệ thuật cuối
thế kỷ XVII như: ba thanh bát bửu, chấp kích.
Những cổ vật thời
Lê – Nguyễn còn được lưu giữ: Chuông đồng, Bát bửu, chấp kích, Nhang án gỗ: Đặt
chính giữa cung ngoài. Hai bức Hoành phi Đại tự: hai bức. Long đình thời Nguyễn.
Kiệu bát cống: hiện còn tương đối nguyên vẹn, mang phong cách nghệ thuật Nguyễn.
Tượng Ngô Quyền: Đặt trên sàn gỗ cao, chiếm gần trọn diện tích cung trong; tạo
theo tư thế ngồi thiền. Hai chiếc lọ cắm hoa. Đôi chóe hoa lam
Các Đạo sắc phong: Miếu Trung Hành còn lưu giữ nguyên vẹn 12
đạo sắc phong của các triều vua đời sau dâng tặng vua Ngô Quyền, sắc phong là
Đương cảnh thành hoàng tại bản xã như: Chiêu
Thống nguyên niên: 22/3/1787, Quang
Trung năm thứ 4: 18/9/1788. Cảnh Thịnh năm thứ 4 16/5/1793; Cảnh Hưng năm thứ
44, tức năm 1784 cùng các vua triều Nguyễn khác, từ Gia Long, Đồng Khánh, Thành
Thái, Duy Tân, Khải Định đều có sắc phong.
Lễ hội diễn ra tại miếu Trung Hành vào ngày 17 tháng Giêng.
Dân làng làm lễ tại miếu, đưa Thánh tượng Ngô Vương ra cung ngoài tế lễ (di
cung); sau 1 đến 3 ngày lại làm lễ an vị.
Trước đây, đất Trung Hành có tục múa roi, múa lân trong lễ hội;
đồng thời làng có tục giao lân với dân làng Hạ Lũng, cùng là nơi thờ anh hùng
dân tộc Ngô Quyền. Nay có phần giản tiện hơn nhưng vẫn giữ được tính tôn nghiêm.
Chùa Trung Hành: tên chữ là Trung Khánh tự. Theo truyền
ngôn, chùa có lẽ được xây dựng từ thời Lý – Trần (1010-1400), nhưng chỉ là một
ngôi chùa nhỏ bằng tranh tre, nứa lá; đến thời Mạc (thế kỷ XVI), được trùng tu,
tôn tạo thành một cảnh Phật nổi tiếng trong vùng.
Chùa Trung Hành với nhiều tòa ngang, dãy dọc hiện nay được
khôi phục gần như nguyên vẹn từ buổi hoàng kim (thời Mạc) nhưng đã bị dỡ bỏ, hỏng
nát một số tòa nhà trong thời gian gần đây. Chùa được xây dựng trên khu đất
thoáng đãng phía Tây Nam thôn; chùa quay hướng Tây và được phân bố:
Từ ngoài vào là tam quan sừng sững như cổng cung cấm xưa.
Hai cửa bên xây kiểu 2 tầng, 8 mái trổ lối đi hình vòm cuốn quen thuộc. Cổng giữa
3 tầng 12 mái thể hiện cho tam tài là Thiên – Địa – Nhân. Tam quan còn đảm nhiệm
chức năng là gác chuông; tầng 2 của kiến
trúc là treo quả chuông đồng lớn cao tới 1,4 mét, đường kính miệng rộng 70 cách
mạng, đúc năm Minh Mạng tam niên (1822).
Sau tam quan là một sân gạch vuông nối với tòa tiền đường.
Khu vườn bên trái là khu tháp cổ với 8 ngôi cả thảy. Tòa tiền đường 5 gian,
xung quanh xây tường gạch, hồi uốn hình quai chảo mềm mại, bờ nóc đắp phẳng,
chính giữa đắp bức đại tự ghi nổi dòng chữ Hán “Hưng Khánh tự”, đầu kia đắp nổi
triện văn. Tòa ống muống là 3 gian dọc, nối tiền đường và hậu cung.
Hậu cung là tòa nhà song song với tiền đường, nhưng có mái
cao hơn nhiều. Sát tường sau tòa hậu cung là khu vườn bia gồm 7 tấm to nhỏ,
niên đại khác nhau; hình thức đa dạng, phong phú. Nội dung chủ yếu là bia hậu
Phật, nói về công lao tu bổ, xây dựng chùa.
Tòa nhà thờ tổ 5 gian, mái lợp ngói mũi hài lớn (thường dùng
ở các công trình kiến trúc thời Mạc). Bao quanh các công trình là hệ thống tường
gạch tạo thành một khuôn viên vuông vức.
Hàng hiên các tòa nhà được lát gạch bó đá tảng. Toàn bộ mặt
bằng của các tòa nhà được bố trí cân đối, trang trọng, các tòa nhà chính cao dần
lên để rồi thấp xuống một sân sau rộng rãi, tiếp nối nhà tổ phía sau và hai
hành lang kèm đỡ hai bên, tạo thành tổng thể kiến trúc quân bình trong tương xứng.
Hệ thống mái của các tòa nhà phụ bên cạnh có tác dụng là các
đường diềm bao quanh kiến trúc chính, tạo nên sự tương phản khiến cho các tòa nhà
kia càng cao to hơn.
Các cổ vật được lưu giữ tại chùa:
Tượng Phật: hệ thống tượng Phật trên tòa tam bảo, tam tòa
thánh mẫu, tượng Đức Ông. Ngoài ra còn có một ban thờ đặt ở hồi phải của tòa tiền
đường thờ một vị vua nhà Mạc (chưa rõ là triều đại nào).
Nhang án đá kép thời Mạc: Có giá trị nghệ thuật và lịch sử đặc
biệt, hiếm hoi nhưng đáng tiếc là đã không còn nguyên vẹn và bị chắp vá làm sai
lạc đến nguyên gốc.
Chùa Trung Hành không chỉ là một công trình kiến trúc lớn,
tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc chùa làng Việt Nam mà còn là nơi ẩn chứa nhiều
di vật có giá trị nghệ thuật và lịch sử.
Cụm di tích miếu và chùa Trung Hành, phường Đằng Lâm, quận Hải
An, thành phố Hải Phòng đã được Bộ Văn hoá – Thông tin công nhận là Di tích Lịch
sử và Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia theo Quyết định số 57-VH/BT ngày 18/01/
1993).
Nguồn: Thành đoàn Hải Phòng