Xã Yên Lợi (Ý Yên) là vùng quê giàu di sản văn hóa. Năm 2012, quần thể di tích Đình - chùa Ngô Xá, chùa Nề và phế tích Bảo tháp Chương Sơn được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Yên Lợi là xã duy nhất trong cả nước được Thủ
tướng Chính phủ ký quyết định công nhận có 2 Bảo vật quốc gia là: Tượng Phật A
Di Đà (Niên đại: thời Lý, hiện lưu giữ tại chùa Ngô Xá), Lan can thành bậc
(Niên đại: đầu thế kỷ XII, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Nam Định).
Đại đức Thích Thanh Vũ, Trụ trì chùa Ngô Xá, xã
Yên Lợi cho biết: Theo "Việt sử lược", "Đại Việt sử ký toàn
thư" và các thư liệu cổ, núi Ngô Xá (hay còn gọi là núi Chương Sơn), dưới
thời Vua Lý Nhân Tông, trên đỉnh núi này có một toà bảo tháp có tên là Vạn
Phong Thành Thiện, dân gian vẫn gọi là Tháp Chương Sơn, được xây dựng từ đầu
thế kỷ XII.
Sách “Việt sử thông giám cương mục” ghi một loạt
sự kiện xảy ra quanh núi Chương Sơn: Vua ngự chơi Chương Sơn năm 1106; ba lần
rồng vàng hiện lên ở đây vào những năm 1107, 1114, 1117. Điều đó cho thấy đây
là vùng đất thiêng và các vua nhà Lý thường lui tới.
Cùng với giá trị lịch sử, quần thể di tích này có
giá trị sâu sắc về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật. Chùa Nề (hay còn gọi là
Long Chương tự), ở thôn Nề, phía đông núi Chương Sơn, theo tư liệu lịch sử,
ngôi chùa này nổi tiếng cả nước với kiến trúc chùa cổ trăm gian. Từ chùa Nề đi
vào chân núi, thuộc thôn Ngô Xá là cụm di tích đình, chùa Ngô Xá và phế tích
tháp Chương Sơn. Chùa Ngô Xá (tên chữ là Phi Lai tự).
Theo hồ sơ di tích, đình Ngô Xá thờ Đức Thành
hoàng là Đức Thánh Cao Sơn Đại Vương, Quý Minh Đại Vương - những dũng tướng
thời Hùng Vương và Tản Viên Sơn Thánh. Tương truyền, xưa kia đình Ngô Xá cũng
nằm trong quần thể kiến trúc liên hoàn cùng với Bảo tháp Chương Sơn và ngôi
chùa cổ trăm gian; sau khi Bảo tháp Chương Sơn bị giặc Minh phá hủy, dân làng
đã dời cả đình, chùa và phủ Mẫu xuống chân núi để thờ tự.
Vào thời Lý, Vua Lý Nhân Tông đi ngang qua núi
Chương Sơn dừng chân nghỉ ngơi, khi ngước lên trời thấy xuất hiện hai con rồng
vàng uốn lượn xung quanh ngọn núi rất lâu, nghĩ đây là điềm báo, vua liền cho
quân lính xây dựng một ngôi chùa lớn khoảng 100 gian xung quanh núi, ở chính
giữa cho xây dựng Bảo Tháp Vạn Phong Thành Thiện. Thế kỷ XV, khi quân Minh sang
xâm lược, toàn bộ quần thể chùa và Bảo tháp đều bị tàn phá tan hoang chỉ còn là
khu phế tích.
Đến năm 1670, có hai chị em gái Lương Thị Ngọc
Phú và Lương Thị Ngọc Vinh cùng là quý phi của Tây Định Vương Trịnh Tạc đã bỏ
tiền ra xây lại chùa sát dưới chân phía tây núi, vật liệu dùng để xây dựng lại
là một phần còn sót lại từ ngôi chùa trăm gian trên núi. Sau khi chùa được xây
dựng, người dân nơi đây đã đưa một số bảo vật còn sót lại của phế tích Chương
Sơn xuống chùa để thờ cúng.
Vì thế, chùa Ngô Xá còn có tên chữ là Phi Lai Tự
(nghĩa là chùa được làm lại). Trong tháng 4 và 5-2012, Bảo tàng Lịch sử quốc
gia đã phối hợp Sở VH, TT và DL và Bảo tàng Nam Định đã khai quật diện tích
trên 1.000m2 ở đỉnh núi Phương Nhi - cách núi Ngô Xá khoảng 800m về phía đông
bắc, thu được hàng trăm di vật thời Lý - Trần, Lê với nhiều chất liệu, loại
hình khác nhau như đất nung, gốm sứ, đá, dây đồng, tiền đồng, cá chì.
Kết quả khai quật cho thấy, các di tích trên núi
Phương Nhi chính là các công trình kiến trúc thời Lý được xây dựng hướng về
trung tâm là Bảo tháp Chương Sơn tạo nên một quần thể kiến trúc liên hoàn.
Nhiều di vật độc đáo thời Lý chỉ tìm thấy ở chùa Ngô Xá, mà đến nay chưa phát
hiện được ở bất kỳ một di tích nào khác, như cột đá chạm búp sen rồng cuốn đã
được đưa về trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa,
nghệ thuật, tháng 6-2012, Bộ VH, TT và DL đã có Quyết định xếp hạng cụm di tích
Đình - Chùa Ngô Xá, chùa Nề và phế tích Bảo tháp Chương Sơn là Di tích lịch sử
- văn hóa cấp quốc gia.
Đặc biệt là trong năm 2013 và 2015, tỉnh ta được
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia 3 hiện vật,
trong đó, xã Yên Lợi có 2 Bảo vật quốc gia: Tượng Phật A Di Đà (thời Lý), hiện
lưu giữ tại chùa Ngô Xá, xã Yên Lợi (Ý Yên) và Lan can thành bậc.
Tượng Phật A Di Đà bằng đá ở chùa Ngô Xá có chất
liệu là đá khối màu xám xanh (đá cát). Về kích thước, tượng có tổng thể bệ và
tượng cao 2m. Trong đó, phần tượng cao 0,92m, hai đầu gối khuỳnh rộng 0,72m,
phần bệ cao 1,08m, bệ sen có đường kính 0,76m.
Tượng có khuôn mặt và dáng hình nam giới, ngồi
trong tư thế thiền định, hai chân xếp bằng, đầu gối khuỳnh rộng, thế ngồi hơi
dướn mình ra phía trước. Tóc xoắn ốc, giữa đỉnh đầu có một khối u nổi. Đầu
tượng và thân tượng ghép với nhau bằng mộng. Mình tượng thon thả, bụng mảnh
dẹt, mặc pháp y với hai lớp áo mỏng bó sát người, xếp thành nhiều nếp. Thân
tượng liền khối với cổ bệ. Cổ bệ hình tròn dẹt, 2 mặt trên dưới phẳng, xung
quanh chạm nổi 2 con sư tử trong tư thế nhìn nghiêng, miệng cùng ngậm chung một
viên ngọc, đuôi chụm nâng hình lá đề.
Bệ tượng có phần trên là đài sen dùng để đặt
tượng. Trên mặt các cánh sen chạm nổi hình một đôi rồng chầu, thân hình mềm
mại, đầu hướng lên trên, với các chi tiết hoa văn dày đặc được chạm đục tinh
tế. Dưới đài sen là chân bệ hình bát giác, hình chóp cụt, gồm 2 bộ phận
ghép với nhau. Nửa trên phần sát với cổ bệ chạm nổi một bông sen 2 lớp cánh lật
úp, tiếp đến là các tầng bát giác giật tam cấp, cứ một mặt to xen một mặt nhỏ,
mặt đứng chạm đôi rồng đuổi, mặt nằm chạm hoa cúc dây hình sin; nửa dưới có đế
bằng, thân tạo 2 tầng, chạm nổi hoa văn sóng nước.
Lan can thành bậc là cấu kiện ghép ở hai bên
thành của bậc lên xuống Bảo tháp Chương Sơn - một công trình kiến trúc nổi
tiếng xây dựng từ đầu thời Lý thế kỷ thứ XII, được phát hiện trong cuộc khai
quật khảo cổ tại phế tích tháp Chương Sơn trên núi Ngô Xá năm 1966-1967. Trong
số hàng trăm hiện vật chất liệu đá cấu thành Bảo tháp Chương Sơn thì Lan can
thành bậc là một trong số ít hiện vật còn tương đối nguyên vẹn về hình thức và
độc đáo về hoa văn trang trí.
Đây không chỉ là hiện vật gốc độc bản có niên đại
thời Lý tại Nam Định mà còn là tiêu bản duy nhất phát hiện ở Việt Nam hiện nay.
Đặc điểm tạo hình và chức năng của hiện vật không chỉ giúp chúng ta hình dung
được quy mô to lớn bề thế của tháp Chương Sơn, mà còn là cơ sở để nghiên cứu
dựng lại cấu tạo kiến trúc của Bảo tháp.
Hai Bảo vật quốc gia đã được công nhận cùng nhiều
hiện vật thời Lý được tìm thấy tại quần thể di tích Đình - Chùa Ngô Xá, chùa Nề
và phế tích tháp Chương Sơn là minh chứng cho một vùng địa linh, còn lưu giữ
bao giá trị đặc sắc về lịch sử, văn hóa cũng như kiến trúc, nghệ thuật.
Những kết quả khảo cổ này đã phần nào cho phép
nhận diện về một quần thể di tích tôn giáo thời Lý rất quy mô và rộng lớn trên
địa bàn tỉnh; bổ sung thêm tư liệu quý giá về các vấn đề liên quan đến Bảo tháp
Chương Sơn, phục vụ cho công tác nghiên cứu, trùng tu và tôn tạo quần thể di
tích có ý nghĩa lịch sử này trong tương lai.
Bài và ảnh: Việt Thắng
Ths Nguyễn Thy Ngà đăng tải