Hành Thiên Cung, ngôi đền nổi tiếng thờ Quan Vũ tại Đài Bắc luôn có rất
đông người dân đi lễ. Tuy nhiên, kể từ năm 2014, thay vì cách cầu nguyện
truyền thống là đốt hương hoặc vàng mã, giờ đây, du khách đến với Hành
Thiên Cung chỉ chắp tay, cúi đầu thực hiện nghi thức cầu nguyện. Trong
khi đó, theo các khung giờ nhất định, những nhân viên của đền sẽ thắp
các cây hương thân thiện môi trường, đặc biệt tỏa ra ít khói hơn.
“Mọi người đến đây cầu xin một cuộc sống tốt đẹp và khỏe mạnh hơn, vì
vậy thật phản tác dụng nếu họ phải hít thở khói và bụi có thể gây ảnh
hưởng đến sức khỏe,” ông Wu Yueh-yu, một chức sắc của đền chia sẻ.
Ngày càng có nhiều đền chùa tại Đài Loan hướng đến việc bảo vệ môi
trường, trong đó có cả ngôi chùa lâu đời và nổi tiếng nhất, chùa Long
Sơn (Đài Bắc). Ngôi chùa này hiện giới hạn mỗi khách thập phương chỉ
được đốt một nén hương, và giảm số lượng bát hương từ bảy xuống còn
một.Những nỗ lực của các ban quản lý chùa cũng đi kèm với nhiều biện
pháp của chính quyền Đài Loan, nhằm giảm việc đốt hương và vàng mã,
hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng không khí của hòn đảo này.
Theo tờ Straits Times, kể từ năm 2018, Đài Loan cũng sẽ thắt chặt việc
sản xuất và nhập khẩu hương để đảm bảo các sản phẩm hương đốt không chứa
lượng lớn chất hóa học có thể gây ra ô nhiễm môi trường.
“Chúng tôi quan tâm đến môi trường và không muốn các truyền thống của
mình để lại tác động xấu đến mọi người” - ông Hsu Wen-bao, Chủ tịch Tổng
Hiệp hội Đạo giáo Đài Loan nói. Ông cũng cho biết, các đền chùa nên
được phép thực hiện những biện pháp thân thiện môi trường “vào thời điểm
thích hợp nhất với họ”.
Tính đến giữa năm 2017, có khoảng 1.100 ngôi đền chùa tại Đài Loan đã
làm việc với chính quyền địa phương để áp dụng hạn chế việc đốt hương và
vàng mã. Năm 2016, số lượng vàng mã đốt ở Đài Loan là 195.000 tấn, giảm
15.000 tấn so với năm trước đó.
Theo Tổ Quốc