Danh tướng vợ chồng Đào Kỳ – Phương Dung, 2 vị tướng kiệt xuất trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng Anh thư Hào kiệt (Nguyễn) Phương Dung, dấy cờ khởi nghĩa ở Lang Tài (Bắc Ninh). Được Trưng Vương Sắc phong Đăng Châu công chúa. Lĩnh ấn Trấn-nam đại tướng quân. Thống lĩnh đại binh Giao Chỉ, Đào Kỳ, lĩnh ấn nguyên soái hai đạo binh thủy bộ, huyện doãn Đông Ngân.
Trang Vĩnh Tế huyện Lang Tài có chàng thanh niên Nguyễn Trác (hoặc
Trát) vũ dũng và ngang tàng nổi tiếng. Nhà Nguyễn Trát bốn đời là dân cày thuê,
đất một thước một tấc cũng không có. Tới đời Nguyễn Trát cũng chỉ có một chiếc
khố và hai bàn tay trắng, mồ côi bố mẹ từ nhỏ, tự kiếm lấy mà ăn.
Chàng Nguyễn Trác mày rậm mắt tròn, miệng rộng mặt vuông, mỗi bữa ăn
hết đấu gạo, bằng ba người, cày bằng mười người, nên nhà giàu nào cũng muốn giữ
Trát ở với mình. Trát không chịu ở đâu lâu, mỗi vụ một nơi, chỉ cần được ăn no,
không bao giờ bận tâm tới chuyện vườn ruộng vợ con này nọ.
Chàng Trác rất khỏe, vác chiếc cối đá lớn, miệng rộng ba gang tay đi
ba vòng quanh sân đình mà nét mặt vẫn không thay đổi. Tính nết Trát cũng khác
thường, thấy việc gì trái mắt là tóc dựng lên không chịu bỏ qua, tuy thân phận
là tôi tớ nhưng chưa bao giờ chịu chắp tay cúi đầu với ai bao giờ.
Một hôm, Trác đang cày vỡ thấy dân làng xôn xao, bèn bỏ cày về, thì
thấy cường hào họ Đặng cậy thế giặc Hán bắt hiếp vợ người ta, đang thét bọn gia
nhân lôi kéo một thiếu phụ xinh đẹp đầu tóc rũ rượi.
Người làng chỉ kêu gào mà không ai dám cứu gỡ cho người đàn bà.
Người chồng bị trói vào gốc cau, bị đánh đập đến nát da chảy máu. Nguyễn Trát
lập tức trợn đôi mắt hổ, duỗi cánh tay vượn nắm lấy cổ cường hào họ Đặng nhấc
lên rồi dầm đầu hắn xuống đất. Cường hào họ Đặng chết tươi. Từ đó, Trát phải bỏ
làng.
Nhân năm đói kém, Trát họp dân đói được mươi người nổi lên đánh cướp
các nhà cường hào cho thỏa lòng căm tức. Trác thường cắm cây sào tre mà đu mình
vào cướp phá các trang trại, không kể gì hào rộng luỹ dày. Bữa ăn, kẻ giàu thì
ngồi xếp chân bằng tròn, người nghèo thì ngồi xổm, riêng Trác bao giờ cũng chân
duỗi chân quỳ mà ăn, vì thế hơi động là trở tay đánh đỡ ngay được.
Có lần dân binh cường hào đuổi chàng Trác tới một con ngòi rộng,
Trát vỗ đùi nhảy qua nhẹ như chim liệng. Dân đói theo về với Trát mỗi ngày một
đông. Huyện quan là người Hán nhiều lần vây đánh Trát nhưng cũng không dẹp nổi.
Huyện quan sợ để Trác hoành hành mãi thì mình cũng bị mất chức mới
tìm cách chiêu dụ Trác. Vùng vẫy được hơn hai năm, chàng Trác đã có thanh thế.
Nhưng cứ lang bạt mãi cũng không được, nhân dịp huyện quan chiêu dụ, Trác xin
khẩn đất hoang mở trang trại bên sông.
Trát lấy một người con gái ở Cối Giang tên là Trần Thị Nghĩa làm vợ,
xây dựng cơ nghiệp, nghiễm nhiên trở thành một hào trưởng ở huyện Lang Tài. Vợ
chồng Trát sinh được ba trai khôi ngô tuấn tú, Trát đặt tên là Nguyễn Tất,
Nguyễn Hiển, Nguyễn Minh. Tuổi ngoài năm mươi, Trát lại sinh được một cô gái út
đặt tên là Phương Dung. Vợ chồng Trác yêu quý nâng niu Phương Dung như hòn ngọc
trên tay. Phương Dung càng lớn càng đẹp, hay lam hay làm, không ai là không
mến.
Một hôm Phương Dung cùng mẹ về thăm quê ngoại để sửa lại phần mộ tổ
tiên và viếng họ hàng. Quê ngoại Phương Dung ở bên sông Cối, một làng nhỏ vừa
làm ruộng vừa chài lưới. Khi ra đi, Phương Dung nói với anh trai là Nguyễn Minh
rằng : " Em theo hầu mẹ về thăm quê quán ông bà ta, anh ở lại trông nom bố
cho cẩn thận vì tính nết bố nóng nảy không biết chịu nhịn, lại hay rượu. Anh
hãy luôn luôn ở bên cạnh bố. Anh cười rằng : " Ôi, em gái sao lo nhiều như
vậy. Em cứ về quê đôi mươi ngày hoặc cả một mùa ba con trăng nữa và khi em trở
lại đây thì đình làng ta đã dựng xong rồi đấy ! ". Hai anh em vui vẻ chia
tay nhau.
Ôi dòng sông quê hương đẹp thay ! Dòng sông mát rượi đậm đặc phù sa
như một dải lụa đào nàng tiên nào lỡ để rơi trên mặt đất. Phương Dung yêu dòng
sông quê ngoại, vì nàng sinh ra ở đây và dòng sông tắm mát tuổi thơ của nàng.
Phương Dung yêu dòng nước xuôi nhiều, sóng nước rì rào với làn gió lao xao
hương lúa, là những cánh buồm mở ra như cánh bướm khổng lồ chẳng biết từ đâu
đến và sẽ đến đâu.
Lần này, về quê, nàng lại gặp lại Đào Kỳ, người bạn trai từ hồi còn
nhỏ tuổi. Nàng ngạc nhiên khi thấy Đào Kỳ đã là một chàng trai đẹp đẽ cũng như
các anh nàng và cũng khỏe như thế. Nhìn ánh mắt và nét mặt Đào Kỳ nàng hiểu
rằng chính Đào Kỳ cũng ngạc nhiên khi thấy người bạn gái đã lớn bằng này.
Lâu ngày không gặp nhau, nhưng lần này họ nói với nhau ít và khi Đào
Kỳ mời trầu Phương Dung thì tự nhiên nàng thấy mặt nóng bừng. Đào Kỳ giản dị và
chân thực tiếp Phương Dung tại túp lều nhỏ của mình bên sông Cối.
Đào Kỳ ở một mình trong túp lều tre rụng đầy mái và gió sông đầy
gian. Lều chỉ có một chiếc chõng tre và vài tấm lưới gai với những chiếc lao cá
và cần câu. Đào Kỳ không phải người quê đây. Bố mẹ chàng tránh loạn lạc rồi bỏ
trang Nông Cống huyện Lương Giang phủ Thiện Thiên, quận Cửu Chân lần ra ngoài
này. Hai ông bà già sống cực khổ vài năm thì qua đời. Đào Kỳ mồ côi cả bố lẫn
mẹ, từ năm mười tuổi đã phải lăn lộn kiếm sống. Phương Dung thương Đào Kỳ vì
thấy chàng trơ trọi và nghèo khổ.
Phương Dung muốn Đào Kỳ về với bố và các anh mình. Đào Kỳ vội vã lắc
đầu.Chàng sống như con chim trời, con cá nước, sống thế quen rồi. Nửa tháng
qua, Đào Kỳ, Phương Dung càng thương nhau và Đào Kỳ thấy buồn nhớ khi Phương
Dung sắp theo mẹ về Vĩnh Tế.
Một ngày mưa to gió lớn, ngôi nhà hai mẹ con Phương Dung đang ở rung
lên bần bật, bỗng cửa bị xô mạnh mưa gió thốc cả vào nhà...Ông cậu và Đào Kỳ
bước vội vào, liền theo sau là một người mái tóc hoa râm, ông Nguyễn, người hầu
thân tín nhất của bố nàng ! Một tin dữ từ gia đình khiến cả hai mẹ con nàng
choáng váng, đất trời đổ sập. Cả nhà nàng đã bị thảm sát.
Lòng nàng sôi sục căm thù. Nàng nhớ thương bố mẹ và các anh vũ dũng
của nàng. Nàng cũng nhớ tới hàng trăm con người nghèo khổ đã theo bố nàng cùng
nhau xây dựng nên một cơ nghiệp giàu có. Tất cả đều tan tác hết sau đêm Tô Định
vây đánh với hàng trăm quân từ phủ thái thú kéo về, với tất cả bọn tay sai
cường hào ác bá trong huyện Lang Tài.
Đêm lửa và máu. Đêm ấy những người anh hùng còn đang mê mệt trong
giấc ngủ nồng hơi rượu của cả ba ngày tiệc mừng khởi công làm đình, sau ba ngày
hội lớn có đủ mặt từ viên huyện quan người Hán cho tới các hào trưởng trong
vùng. Những người anh hùng vô tư không hề đề phòng, và trong đêm thứ ba, đao
của họ bị nhấc đi, khiên của họ bị giấu đi, hàng trăm tên giặc Hán cùng bọn
cường hào ồ ạt, hùng hổ, hò hét khoa đao chém giết, hãm hiếp, đốt phá...
Đào Kỳ chống sào đẩy thuyền đưa Phượng Dung và ông Nguyễn rời khỏi
làng Cối nhỏ nghèo, trốn tránh sự truy lùng của Tô Định vì tên này biết rằng
Phương Dung còn sống là còn nguy hiểm đối với bọn nó hơn cả Nguyễn Trác và các
con của họ Nguyễn.
Từ đấy, những người trốn tránh sống trong sự che chở của dân làng
quê ông Nguyễn. Phương Dung cùng Đào Kỳ luyện tập múa roi đánh kiếm, sủ dụng
sào chống thuyền, khiên đao, luyện tập bài binh bố trận.
Sau đó hai vợ chồng lại cùng tập luyện với trai, gái trong làng và
những người cùng chí hướng, bị giắc Hán hãm hại đến tan cửa nát nhà. Chỉ có vài
ba chục người, vì đấy cũng chỉ là một làng nhỏ nhoi, hẻo lánh. Họ tập kín đáo
với nhau, cánh đồng chiêm mênh mông nước với lũy tre làng dày đặc đã che chở
cho họ.
Khi Nhị vua Hai Bà Trưng khởi nghĩa đánh đuổi giắc Hán, tiêu diệt
ách thống trị của thái thú Tô Định, hai ông bà Đào Kỳ, Phương Dung đem hơn 300
gia nhân đến thẳng Hát Môn yết kiến. Nhìn thấy hai bậc tướng lược uy phong
trước đạo quân. Trưng Trắc mừng lắm, thốt lên: "Trời vì ta sinh người tài
giỏi, phò ta rồi". Bèn phong Phương Dung là Trấn Nam đại tướng quân Giao
Chỉ, Đào Kỳ làm tướng nguyên soái, lĩnh ấn đốc thống cả hai đạo quân, thuỷ bộ.
Đánh đuổi Tô Định xong, Nhị vua Hai Bà Trưng thu hồi 65 thành trị,
lên ngôi vua. Bể lặng sóng yên, đất cũ về một mối, non sông hết bóng giặc thù,
Đào Kỳ được phong trấn thủ huyện Đông Ngàn, và Phương Dung phong tước Công
chúa, cùng chồng chăm lo mọi việc trong quận hạt. Huyện thành được xây dựng
ngay nơi thành cũ Cổ Loa của An Dương Vương xưa, trên mảnh đất gọi là làng Ốc.
Chính quyền đô hộ Hán chỉ đặt ở đây một một đồn quân. Vợ chồng Đào Kỳ về sửa
lại thành quách, lập dinh sở, mở đường làm cầu. Loa thành lại trở thành một nơi
đô hộ đông vui. Ngày qua tháng tới, ba năm liền được mùa, dân no, làng vui,
những thôn xóm mới mọc lên, dân huyện Đông Ngàn đều ca ngợi vợ chồng quan trấn
thủ hiền từ và chăm sóc tới dân.
Bấy giờ giặc Hán là Mã Viện lại kéo sang uy hiếp vùng biên giới.
Biết Mã Viện là một danh tướng của triều Hán, Trưng Vương cho lệnh gọi hai vợ
chồng Phương Dung, Đào Kỳ về triều, truyền rằng : " Biên giới phải có
tướng tài lên chặn giặc. Nay ta giao các ngươi đem quân bản hộ lên tới trấn
Lạng Sơn lấy quân trấn cùng nhau ra sức chống giặc ". Hai vợ chồng Phương
Dung, Đào Kỳ hăng hái lĩnh mệnh ra đi.
Hai tướng đánh với giặc bảy trận trong ba ngày, giặc phải bỏ đường
Lạng Sơn mà chia làm nhiều đạo mới tiến được sâu vào nội địa. Giặc hợp quân ở
vùng Bắc sông Đuống chính là vùng trấn thủ của Đào Kỳ. Vợ chồng Đào Kỳ, Phương
Dung nóng lòng được trở về đánh giặc ngay trên đất quê hương. Trưng Vương không
cho lệnh gọi về. Hai vợ chồng đành nắm quân chờ để chặn đánh giặc khi chúng bị
đập tan tác phải rút chạy về biên giới.
Quả nhiên giặc vấp phải sức kháng chiến quyết liệt của quân dân Việt
đã phải rút về phía Bắc. Hai tướng chặn đánh. Giặc quăng giáo, quẳng giáp mà
chạy. Trưng Vương cho lệnh hai tướng vẫn đóng lại ở Lạng Sơn.
Lần thứ hai, giặc tràn sang. Quân binh Nhị vua Trưng Vưong thua trận,
lệnh cho hai tướng Phương Dung, Đào Kỳ về mở mặt trận Bắc sông Đuống để gỡ thế
nguy. Hai vợ chồng đem quân về cứu. Vua lúc đó đang bị khốn ở vùng Lãng Bạc.Vua
bà Trưng Vương rút về Cẩm Khê. Nhiều
trận đánh lớn diễn ra ở vùng Bắc sông Đuống. Trong trận đánh nhị tướng Phương
Dung, Đào Kỳ cưỡi ngựa sóng nhau đứng trên đồi cao nhìn thế giặc đóng quân kéo
dài từ đồi nọ tới lũng kia, giáo dựng tua tủa, cờ xí rợp trời, trông chẳng khác
một con rắn hoa đang trườn mình, mà không biết chủ tướng giặc đóng ở chỗ nào.
Hai người nhìn ngắm một hồi rồi bảo nhau cứ giữa trận mà đánh, bèn
ruỗi ngựa xuống đồi, quân bốc theo sau, múa giáo lao vào chiến tuyến kẻ thù.
Chẳng ngờ quân ta vừa tiến vào giữa trận thì từ hai đầu trận giặc cuộn lại vây
chặt hai tướng Việt vào giữa. Giặc dồn đến lớp lớp đan dày, tiếng chiêng,
trống, tiếng la thét vang trời. Quân của Đào Kỳ, Phương Dung bị chia ra từng
mảnh, đầu đuôi không ứng cứu được nhau. Hai tướng biết mình trúng kế, cố sức mở
đường máu tìm lối ra, vợ một nơi, chồng một ngả đều đã bị thương nặng.
Đào Kỳ bị trúng một đao chém ngang sườn, máu chảy ra ướt đẫm áo
giáp. Đào tướng quân cắt mảnh đai áo buộc vết thương rồi phóng ngựa ra khỏi
trận. Lúc ấy quân tan tướng lạc, tướng quân một mình một ngựa phóng đi, chạy
tới một gốc đa lớn bèn gò ngựa lại.
Dưới gốc đa có một bà lão đang quét lá. Đào tướng quân cất tiếng
chào hỏi : " Bà cụ quét lá làm gì đó ? ". Bà già đáp : " Lão
quét lá về nấu nước ". Đào tướng quân lại hỏi : " Đây là nơi nào ?
" Bà cụ đáp : " Đào tướng quân, đây chỉ cách ba dặm là tới dinh cơ
của tướng quân ở trong thành nội kia, tướng quân quên rồi sao ? ". Đào
tướng quân xuống ngựa, lúc ấy bà lão mới biết Đào Kỳ bị thương nặng, sợ hãi hỏi
: " Tướng quân ơi, thế ra quân ta thua to rồi sao ? Còn nữ chủ tướng đâu ?
". Nói rồi bà nắm lấy tay Đào Kỳ, ứa nước mắt khóc.
Đào Kỳ ngửa mặt lên trời, kêu to một tiếng. Lá rụng rào rào, gió ào
ào thổi, một đàn quạ từ đâu tới liệng thành vòng. Đào Kỳ ngã xuống, mũi đao cắm
phập bên cạnh. Bà lão phục cạnh Đào tướng quân mà khóc.
Nữ tướng Phương Dung phá được vòng vây, cùng vài bộ tướng phóng ngựa
tìm về Loa thành. Thấy xa xa có bầy quạ lượn đen, tiếng quạ kêu báo điềm dữ, Trấn
Nam tướng quân Phương Dung đau buốt trong lòng, dự cảm sự khủng khiếp, nàng
phóng ngựa chạy thẳng tới nơi. Thấy xác chồng nằm trên đất, đao cắm bên mình,
nàng nhào xuống ôm lấy chồng, ngất đi.
Bà lão và các tướng gọi hồi lâu, nàng tỉnh dậy, liền nâng lưỡi đao
của chồng trên tay, than rằng : " Quân tan tác hết rồi, chúa mất, chồng
cũng mất, ta còn sống sao được nữa ! ". Các tướng chưa kịp can thì Phương
Dung đã gục xuống, máu đỏ đao báu. Mọi người đào đất đắp mộ cho đôi vợ chồng
anh hùng ngay dưới gốc đa. Hai ngôi mộ của đôi vợ chồng Phương Dung, Đào Kỳ nằm
sóng bên nhau dưới bóng rợp mát của cây đa cổ thụ.
Hôm đó là ngày mười sáu tháng tám năm Quý Mão.
Lăng mộ của tướng quân Đào Kỳ và nữ tướng Phương Dung - Đăng châu công chúa, Trấn Nam đại tướng quân Giao Chỉ
Bài viết theo tài liệu của Vũ Tuấn Sán có dịch thơ cổ và câu đối để
vịnh nhị tướng gia Phương Dung, Đào Kỳ như sau :
" Sinh vi tướng, tử vi thần
Vạn cổ cương thường hệ thử thân
Loa địa song đôi thu nguyệt ảnh
Anh hùng liệt nữ tướng quân phần "
Dịch :
" Sống làm tướng giỏi, chết làm thần
Muôn thuở cương trường nặng tấm thân
Đôi mộ thành Loa trăng chiếu sáng
Hào kiệt anh thư mộ tướng quân ".
Câu đối :
" Vi lý Phục Ba thi, loan giá lâm lưu không ẩm hận. Bất Tiên
Trấn giáp, Loa thành quy mã thượng trì thanh ".
Dịch :
" Chưa bọc xác Phục Ba, sống cảnh xa loan còn vang uất hận. Chẳng
rời giáp Tiên Trấn, ngựa về thành Ốc vẫn vọng âm thanh ".
Truyền thuyết và nơi thờ
phụng
Theo gia phả của Họ Đào Việt Nam, hiện có Đình Thanh Am – Quận Long
Biên, đình - đền của năm thôn: Mai Hiên, Lộc Hà, Phúc Thọ, Trung Thôn thuộc xã Mai
Lâm, hai thôn Đông Trù và Hội Phụ của xã Đông Hội, Huyện Đông Anh – Hà Nội thờ
hai vị thần tướng là tướng quân Đào Kỳ và nữ tướng Phương Dung.
Đình Thanh Am, Quận Long Biên, Hà Nội
Đình Thanh Am
Làng Thanh Am nằm về phía Bắc thành phố Hà Nội, khu di tích đình –
chùa Thanh Am vốn vẫn là những kiến trúc văn hóa – tôn giáo của một cộng đồng
làng xã cổ truyền. Từ tháng 11/2003, khu vực này đã chuyển đổi địa danh hành
chính từ xã Thượng Thanh, huyện Gia Lâm thành phường Thượng Thanh, quận Long
Biên. Đình hiện ở tổ 24 của phường.
Đình Thanh Am được xây dựng trên khu đất rộng, trong khu vực cư trú
của dân làng. Hiện tại, mặt bằng kiến trúc của khu di tích bao gồm: 2 sân gạch
rộng, đình chính hình chữ công, gồm Đại đình, Phương đình và Hậu cung. Hai bên
nhà Phương đình có 2 dãy Giải vũ chạy song song, phía sau là chùa Thanh Am.
Đình có quy mô kiến trúc khá lớn, tòa Đại đình xây gạch, 4 mái lợp
ngói mũi hài với các góc đao cong. Chính giữa bờ nóc đắp đôi Rồng lớn chầu, Hổ
phù đội mặt trời lửa. Bên trong chia thành 5 gian, 2 chái, 6 hàng chân, bố trí
không đều nhau: gian giữa lớn hơn cả thể hiện sự tôn kính và để thực hiện các
nghi lễ thờ Thành hoàng. Các gian bên được tôn nền cao hơn 30cm làm nơi sinh
hoạt cộng đồng của các giáp mỗi khi có việc làng. Bộ khung nhà làm bằng gỗ lim
với 6 bộ vì chính và hệ thống xà, kè đỡ các mái hồi. Các bộ vì được làm thống
nhất, có kết cấu kiểu chồng rường giá chiêng, vì nách theo kiểu chồng rường,
rồi tới hệ thống kẻ hiên. Đỡ các câu đầu của các vì là các đầu dư chạm hình đầu
Rồng. Từng bộ vì nóc được tỳ lên trên 2 cột cái (có đường kính khoảng 0,57m,
cao khoảng 5m), đường kính cột quân 0,44m và cột hiên là 0,35m. Liên kết các vì
là hệ thống xà đai thượng, xà đai hạ chạy khắp các gian.
Nằm giữa Đại đình và Hậu cung là Phương đình xây kiểu 2 tầng 8 mái,
góc đao uốn cong, trên đầu kìm và bờ nóc đắp nổi các đầu Rồng trang trí bằng
vôi vữa. Phương đình được xây tường gạch kín 2 bên, bộ khung đỡ mái gồm các cột
trốn đặt trên 2 thanh xà ngang, gác trực tiếp lên tường bao. Hậu cung là một
nếp nhà ngang 3 gian, cao và hẹp lòng. Bộ khung đỡ mái gồm 4 bộ vì được làm
theo kiểu chồng rường liên kết với kẻ hiên. Bên trong lòng nhà xây bệ gạch cao,
trên đặt Long ngai, bài vị thờ Thành hoàng làng.
Trang trí trên kiến trúc tập trung ở tòa Đại đình: trên các thanh
rường chạm các hình hoa lá, văn mây bằng kỹ thuật chạm nổi. Đầu kẻ chạm nổi
hình Rồng. Đầu dư chạm hình đầu Rồng bằng kỹ thuật lộng nhiều lớp. Đáng chú ý
là trên vì nách của 2 bộ vì gian giữa đã xếp các thanh rường chồng khít lên
nhau tạo thành dạng cốn mê, trên bề mặt các bức cốn này chạm khắc các đề tài
truyền thống như tứ linh: Long – Ly – Quy – Phượng; tứ quý: Thông – Trúc – Cúc
– Mai.
Đình Thanh Am còn lưu giữ được nhiều đạo sắc, trong đó, có đạo sắc
sớm nhất có niên hiệu Vĩnh Khánh năm thứ 2 (1730) cho thấy: đình Thanh Am được
xây dựng từ sớm, đó là nơi thờ vợ chồng Đào Kỳ – Phương Dung, 2 vị tướng kiệt
xuất trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Trình Quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm,
một danh nhân văn hóa thế kỷ XVI, làm Thành hoàng làng.
Thần phả Họ Đào Việt Nam viết rằng:
Cụ Đào Kỳ quê ở Lương Giang, phủ Thiệu Thiên, Ái Châu, nay là huyện
Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá.
Thân phụ của Ngài là Đào Minh. Thân mẫu Trần Thị Vân. Gặp buổi Lương
Giang đói kém, hai ông bà đi bộ tớ trang Cối Giang, huyện Đông Ngàn, phủ Từ
Sơn, đạo Kinh Bắc. Hai ông bà trú trong một cái am nhỏ. Ngày 15 tháng 3 Nhâm
Thân sinh hạ một trai tuấn tú đặt tên là Kỳ. Cha mẹ cho theo học Hiên đường
tiên sinh. Mới qua mấy năm đã nổi tiếng văn chương, võ nghệ tinh thông, tài
năng vượt người.
Đến năm 15 tuổi, bố mẹ qua đời. Đào Kỳ nén nỗi đau luyện tập võ
nghệ, miệt mài văn chương, nuôi chí lớn. Năm sau gặp được Phương Dung, người họ
Nguyễn. Bố nàng tên Nguyễn Trác, thân mẫu Trần Thị Nghĩa. Bà Phương Dung cũng
là bậc võ nghệ thao lược, hai người kết duyên vợ chồng.
Khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa đánh Tô Định, hai ông bà Đào Kỳ, Phương
Dung đem hơn 300 gia nhân đến thẳng Hát Môn yết kiến. Nhìn thấy hai bậc tướng
lược uy phong trước đạo quân. Trưng Trắc mừng lắm, thốt lên: "Trời vì ta
sinh người tài giỏi, phò ta rồi". Bèn phong Đào Kỳ làm nguyên soái, lĩnh
ấn tướng, đốc thống cả hai đạo quân, thuỷ bộ.
Đánh đuổi Tô Định xong, Hai Bà Trưng thu hồi 65 thành trị, lên ngôi
vua, phong cho Đào Kỳ làm huyện doãn Đông Ngân. Hai vợ chồng về lập hành cung ở
Cuối Giang, khuyến khích dân chăm lo việc nông trang, sống hoà mục, hết lòng vì
việc nghĩa, làm cho phong tục đẹp, già trẻ ai cũng chịu ơn.
Nhà Đông Hán cử Mã Viện làm thống tướng, đưa quân sang đàn áp dã man
triều đình non trẻ của Trưng Nữ vương. Hai ông bà Đào Kỳ, Phương Dung được
Trưng Nữ vương giao cho chỉ huy đạo quân chính giao chiến với quân tướng Mã
Viện nhiều trận lớn. Trận quyết chiến ở Kim Khê (nay là Cẩm Khê) quân của hai
ông bà bị vây hãm giữa trùng vây của quân chính quy Mã Viện. Đào tướng quân
cùng vợ mở đường máu thoát vây rồi lạc nhau. Đào Kỳ bị trọng thương, cố ôm đầu
ngựa chạy về Khả Lỹ tức là Cổ Loa ngày nay. Gặp một bà lão bán nước, Đào tướng
quân hỏi:
- Xưa nay không còn đầu liệu có ai sống được không hả bà lão?
Bà hàng nước trang trọng đáp:
- Thưa dũng tướng, con người sống phải toàn vẹn. Tôi chưa từng nghe
ai nói không đầu mà sống được.
Bà lão dứt lời, Đào tướng quân ngã xuống đất, hoá. Hôm ấy là ngày 15
tháng 8.
Lại nói Đào tướng phu nhân thoát vây quay ngựa chạy về đến Cổ Loa.
Thấy một ngôi mộ lớn do mối đùn mà thành bèn xuống ngựa hỏi bà cụ bán hàng
nước. Hỏi: "Mộ của ai?". Bà lão trả lời: "Mộ của Đào tướng
quân". Bà Phương Dung kêu to: "Chồng ta chết, ta sống thế nào được
nữa". Dứt lời rút gươm tử tiết theo chồng.
Bà lão bán nước đứng ra mai táng hai ông bà tại đất thiêng Cổ Loa.
Theo dân gian hiện nay, Lăng mộ Đào Kỳ và Phương Dung vẫn còn trên cánh đồng
Mai Lâm. Hai vị thần tướng rất linh thiêng thường phù hộ dân lành gặp nhiều may
mắn. Khi Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân qua vùng Cối Giang, bà Phương Dung
đã báo mộng, âm phù, giúp nhà vua dẹp loạn thống nhất giang sơn.
Thần tích còn viết rõ, về sau Sĩ Nhiếp, còn gọi là Sĩ Vương nhà Hán
sang làm Thứ sử, cảm phục đức hy sinh lớn của hai ông bà, sức cho dân vùng Cối
Giang lập đền thờ và phong ngài là Đào tướng quân dũng lược tế thế đại
vương, phong bà là Đào phu nhân Phương Dung công chúa.
Đền thôn Mai Hiên ghi công đức của hai vị thần tướng
Đình Thôn Mai Hiên
Về sau, dân cả vùng Cối Giang, Mai Lâm, Đông Hội hai bên sông Đuống
đều thờ Đào tướng quân và Phương Dung công chúa. Hiện nay tại cánh đồng sát đê
Bắc Đuống thuộc xã Mai Lâm vẫn còn lăng hai ông bà. Lăng mộ tướng quân Đào Kỳ
và Phương Dung công chúa đã được chính quyền và nhân dân trong vùng đầu tư, tôn
tạo thành một di tích lịch sử văn hoá.
Uy linh của ngài bao toả khắp vùng. Dân vùng này có tục lệ kiêng uý
chữ Kỳ. Tất cả chữ Kỳ trong lời nói, chữ viết đều được đọc thành chữ cờ để
tránh huý của Ngài.
Đình Thái Bình và chùa Diên Phúc
Đình Thái Bình và chùa Diên Phúc thuộc thôn Thái Bình xã Mai Lâm,
huyện Đông Anh, Hà Nội. Đến với di tích có thể đi bằng nhiều đường, song thuận
tiện hơn cả là từ trung tâm Hà Nội qua cầu Chương Dương, đến Dốc Vân cạnh Cầu
Đuống thuộc địa phận xã Mai Lâm, rẽ trái theo đường đê Đuống, đi khoảng 2km là
đến đình, chùa Thái Bình.
Cụm di tích nằm ở gần chân đê, rộng thoáng, uy nghiêm vói nghi môn
đình và tam quan chùa lộng lẫy.
Đình nhìn về hướng Nam, có mặt bằng chữ “Đinh”. Tòa đại đình 5 gian,
2 dĩ với 4 mái dao cong, hệ thống cửa bức bàn chắc khỏe cùng với cổng nghi môn
tạo nên một không gian thờ uy nghiêm. Trong đình còn bảo lưu được một số di vật
quý như thần phả, sắc phong, hoành phi, câu đối và các đồ thờ có giá trị.
Đình Thái Bình thờ thành hoàng làng là Đào Kỳ và Phương Dung công
chúa, là những danh tướng giúp Hai Bà Trưng đánh đuổi giặc Hán, thu phục non
sông về một mối, mở đầu thời kỳ độc lập tự chủ của nước Việt vào đầu Công
nguyên.
Chùa Thái Bình (Diên Phúc Tự), theo lưu truyền của dân gian được xây
dựng từ thế kỷ XI. Theo bài Minh trên quả chuông cổ còn lưu giữ tại chùa thì
chùa Diên Phúc ở thôn Đông Thái Đường, xã Hoa Lâm, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn,
trấn Kinh Bắc.
Đình được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch
cấp bằng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2000.
Theo truyền thuyết thờ Mẫu ở Việt Nam, nữ tướng Phương Dung, Đăng Châu công chúa được vinh danh là Cô Sáu.
Ths .Nguyễn Thy Nga tổng hợp