Làng Đại Đồng, thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên, Thành phố Hà Nội (xưa là trang Đào Xá, động Phù Vân, huyện Thượng Phúc, đạo Sơn Nam), gồm ba làng: Làng Đông, làng Đoài và làng Nam thuộc xã Đại Đồng, huyện Phú Xuyên, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông (cũ).
Làng Đại Đồng, thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên, Thành phố
Hà Nội (xưa là trang Đào Xá, động Phù Vân, huyện Thượng Phúc, đạo Sơn Nam), gồm
ba làng: Làng Đông, làng Đoài và làng Nam thuộc xã Đại Đồng, huyện Phú Xuyên,
phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông (cũ).
Đình làng Nam (tiểu khu Đại Nam) thờ hai vị Thành hoàng là Ả
Lanh Nga My công chúa và Văn Bồng đại tướng. Thần phả chép rằng: “… Cha của Ả
Lanh là con của Lạc tướng và là cháu ngoại của Vua Hùng làm tù trưởng châu Phù
Vân.
Tuy đã ngoài 50 tuổi vẫn chưa có con vì thế mà buồn rầu
không vui. Làm quan được bổng lộc ông đều mang hết chẩn cấp cho người nghèo,
làm việc nhân nghĩa.
Khoảng hai, ba năm sau ông sinh được một người con gái. Khi
đó Quang Vũ nhà Đông Hán cho Tô Định làm Thái thú đất Giao Châu. Định là người
tham tàn bạo ngược thả sức chém, giết, kể cả ông cũng bị hãm hại cho đến chết.
Ả Lanh khi đó mới 10 tuổi, ba năm mang tang, mai táng theo
nghi lễ cho cha xong, nàng nhẫn nhục ôm hận chiêu nạp các bậc ẩn sĩ, hợp sức đồng
lòng.
Đến năm 16 tuổi, nàng cùng với gia thần là Văn Bồng thề không đội trời chung với
kẻ thù, ngầm dụ sĩ tốt thu phục lòng người. Trong khoảng ba, bốn năm tiếng tăm
lừng lẫy.
Nghe tin có nữ chúa Mê Linh, Phong Châu họ Trưng tên Trắc là
con gái Lạc tướng ở Giao Châu, bà Trưng Trắc lấy Thi Sách người Chu Diên. Tô Định
giết Thi Sách. Trưng Trắc đã cùng em là Trưng Nhị ngầm dưỡng tướng sĩ, ngựa,
voi để mưu tính việc dấy binh cứu nước trả thù nhà.
Nữ trung hào kiệt Ả Lanh cả mừng đã cùng gia thần là tướng
Văn Bồng tập hợp sĩ tốt được hơn 500 người đến cùng hội binh cùng nhị vua Hai
Bà Trưng ở bờ sông Hát.
Thấy Ả Lanh là người trung dũng lẫm liệt, quả là bậc anh thư
hào kiệt trong thiên hạ, là người anh hủng trong giới nữ lưu, một lòng vì nước
trừ kẻ bạo tàn cứu giúp muôn dân, Nhị vua Hai Bà Trưng vô cùng mừng rỡ, thiết yến
khao tướng sĩ, ban cho Ả Lanh là hiệu Nga My Công chúa. Rồi cho bà trở về chiêu
mộ binh sĩ, động viên nhân dân, hẹn ngày hội binh cùng mưu việc lớn. Ả Lanh trở
về trang Đào Xá, động Phù Vân đóng quân, lập trại và phát hịch bốn phương. Chỉ
trong 10 ngày, các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố người kéo đến tụ hội đông
vô kể.
Số quân đã lên tới hàng vạn, cờ xí rợp trời, gươm giáo sáng loáng. Bà đem quân
hội cùng đại binh của Nhị vua Hai Bà Trưng, phất cờ khởi nghĩa, đánh đuổi Tô Định,
thu lại 65 thành trì.
Sau khi Nhị vua Hai Bà Trưng xưng vương, Ả Lanh xin được về
quê cũ là trang Đào Xá dạy cho dân chúng cách làm ăn và sửa sang lễ nghĩa.
Nhân dân tôn kính gọi bà là “Đức Vua Bà”… Trải qua các đời
Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần mở mang cơ nghiệp, Bà đều được ban sắc phong thần là: Ả
Lanh Nga My Công chúa. Không có thông tin về ngày “hóa” của bà và Văn Bồng đại
tướng quân, có thể nhị danh tướng đều hy sinh trong các trận chiến sau này, khi
Mã Viện đưa quân sang xâm lược.
Dân làng thờ Ả Lanh Công Chúa và Văn Bồng Đại Tướng là Thành
hoàng làng, phụng thờ hương hỏa ngàn năm không dứt.
Hằng năm dân làng tổ chức lễ hội từ ngày mùng 9 đến 11 tháng
Giêng, chính hội mùng 10 tháng Giêng. Lễ hội có rước kiệu Vua Bà và kiệu tướng
Văn Bồng, tế công đồng ở đình làng. Làng có tục “kiêng” khi đặt tên húy “Ả
Lanh”, “Văn Bồng”, và gia đình nào có người chết không được phát tang trong các
ngày hội. Làng còn lưu giữ được thần phả và 14 đạo sắc phong thần.
Đền thờ Ả Lanh Nga My Công Chúa và Văn Bồng Đại Tướng được Bộ
Văn hóa - Thông tin và Thể thao xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa ngày
21/01/1992
Hai ngôi đền nằm trên địa bàn Tiểu khu Đại Nam, thị trấn Phú
Xuyên (huyện Phú Xuyên), được xây dựng từ năm Cảnh Hưng 16 (1755) với kiến trúc
3 gian 4 mái rất tinh xảo.
Đền còn lưu giữ nhiều di vật quý giá như thư tịch cổ, 14 đạo
sắc phong, tượng chân dung, long ngai… Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đền bà Ả
Lanh được sử dụng làm nơi che giấu cán bộ cách mạng.
Trải qua thời gian và chiến tranh loạn lạc, đền bị hư hỏng
và được trùng tu một lần duy nhất vào năm 1933. Năm 1992, hai ngôi đền được Bộ
VH-TT (nay là Bộ VH,TT&DL) xếp hạng cụm di tích lịch sử cấp quốc gia.
Hiện nay, hai ngôi đền này đều bị xuống cấp, ảnh hưởng
nghiêm trọng đến việc bảo quản các cổ vật và lưu giữ kiến trúc cổ quý hiếm. Đền
bà Ả Lanh bị nứt tường, cột kèo ở gian Đại bái mục nát, mái võng, dột do ngói
xô, nền nhà, nền sân đều lún, các khuôn cửa bị mọt… Đền Thánh Cả bị lún nứt,
rêu mốc, tường bong tróc từng mảng, lại ở địa thế thấp nên hễ trời mưa là sân đền
bị ngập nước.