Một nữ tướng của Nhị vua Hai Bà Trưng từng trong vai kẻ ăn mày để đi thu thập tin tức của giặc, tuy không phải là tướng được nhiều người biết đến, nhưng cũng là anh thư hào kiệt triều Trưng Vương, đó là Tả sứ tướng quân Ả Quán.
Theo bản thần tích về Ả Quán do Nguyễn Bính soạn năm Nhâm
Thân niên hiệu Hồng Phúc thứ nhất (1572) đời vua Lê Anh Tông và được Nguyễn Hiền
sao lại vào năm Canh Thân niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 6 (1740) đời vua Lê Ý Tông, bản
thần tích được chép trong tập Phú Thọ tỉnh, Phù Ninh huyện, Phú Lão tổng, Thái
Bình xã, Bình Thản thôn thần tích cho biết Ả Quán là con gái một gia đình họ
Đào cư trú ở đất Long Biên (nay thuộc Hà Nội).
Từ khi sinh ra cho đến lúc lớn lên trở thành một thiếu nữ, Ả
Quán nổi tiếng thông minh, tính cách mạnh mẽ, đẹp người đẹp nết. Theo thần tích
ghi lại, vào năm 16 tuổi, nàng có ý nguyện "thoát vòng tục lụy" nên
đã đến một ngôi chùa ở ấp Thái Đán, trang Thái Bình, huyện Phù Khang, phủ Tam Đới,
đạo Sơn Tây để tu hành, sớm hôm đèn hương thờ Phật.
Bấy giờ đất nước ta đang nằm dưới ách đô hộ của giặc Đông
Hán, căm hận sự tàn bạo của chúng, quyết lòng rửa thù nước trả thù nhà, bà
Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị kêu gọi, vận động các tù trưởng, thổ hào nhiều
nơi chuẩn bị lực lượng để đứng lên lật đổ ách đô hộ của ngoại bang. Ngày 6
tháng giêng năm Canh Tý (năm 40) nghĩa quân hội tụ ở bãi Trường Sa bên cửa sông
Hát làm lễ tế cờ:
Một xin rửa sạch quốc thù
Hai xin nối lại nghiệp xưa họ Hùng
Ngọn cờ khởi nghĩa phất lên, anh hùng hào kiệt khắp nơi nổi
dậy hưởng ứng, sách Đại Việt sử ký toàn thư có đoạn viết: "Trưng Trắc,
Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố và 65
thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay,
đủ biết tình thế nước Việt ta có thể dựng được cơ nghiệp bá vương".
Cuộc khởi nghĩa năm Canh Tý (40) thắng lợi do nhiều yếu tố,
như có sự chuẩn bị chu đáo; thành công trong việc vận động các tù trưởng, thổ
hào nhiều nơi tập hợp lực lượng để đứng lên lật đổ ách đô hộ của ngoại bang,
giành lại độc lập cho đất nước; có đường hướng, sách lược đúng đắn… Và góp phần
vào thắng lợi này có đóng góp của nhân dân, của những con người yêu nước, họ đã
đem sức lực, xương máu, của cải, tài trí của mình ra vì nghĩa lớn; trong số đó
có Ả Quán.
Tương truyền, khi đang tu hành ở Sơn Tây, nghe tin Hai Bà
Trưng khởi nghĩa, Ả Quán liền bỏ áo nâu sồng, khoác chiến bào, chiêu mộ quân
binh đi theo. Lúc gặp mặt, thấy Ả Quán là người khí phách mạnh mẽ, lại có tài
nên bà Trưng Trắc đã phong cho hiệu là Phu nhân chỉ huy Tả sứ tướng quân.
Khi ấy, bộ chỉ huy nghĩa quân cần rất tin tức về nội tình của
giặc, nhiều tướng lĩnh được lệnh thu thập tin tình báo đã tỏa đi khắp nơi để thực
hiện nhiệm vụ. Nơi cần nắm rõ thôn tin hơn cả, đó là trị sở đô hộ của giặc tại
Luy Lâu, nơi Thái thú Tô Định đóng quân nên người ta thường gọi là Tô thành.
Luy Lâu là một tòa thành lớn, kiên cố được xây dựng trên một
vùng đất trù phú, lương thực đầy đủ, quân lính đông đảo. Nắm rõ được sự bố
phòng của giặc cũng như thông tin đầy đủ về các cơ sở quân sự của chúng là việc
làm không phải dễ.
Mặc dù nữ tướng Phùng Thị Chính đã tình nguyện lọt vào hàng ổ
giặc để nắm tình hình, nhưng Ả Quán nghĩ rằng một người khó có thể có đủ tin tức
nên nàng xin với chủ tướng Trưng Trắc được đảm trách nhiệm vụ nguy hiểm, khó
khăn này.
Cũng trong vai một người ăn xin, Ả Quán đã xâm nhập được vào
trong thành lũy, đồn trại của quân Tô Định, tiếng là xin ăn mà thực là để do
thám.
Những tin tức quan trọng do lực lượng tình báo cung cấp đã
giúp cho bộ chỉ huy nghĩa quân có những phương sách đúng đắn, dẫn đến chiến thắng
nhanh chóng, toàn diện, trên một vùng rộng lớn.
Thế nhưng, nền độc lập của dân tộc ta giành lại chưa được
bao lâu thì vua Hán sai quân sang đàn áp để tái lập ách đô hộ của chúng:
Ba thu gánh vác sơn
hà,
Một là báo phục, hai
là bá vương.
Uy thanh động đến Bắc
phương,
Hán sai Mã Viện lên
đường tiến công.
(Trích Đại Nam quốc sử
diễn ca)
Sử sách chép rằng: "Năm Quý Mão (43 SCN) (Hán, năm Kiến
Vũ thứ 19). Tháng Giêng, mùa xuân. Trưng Trắc cùng em gái là Nhị cự chiến với
quân Hán. Hai bà bị thua và mất" (Đại Việt sử ký toàn thư).
Mặc dù Hai Bà Trưng tuẫn tiết, nhiều tướng lĩnh hi sinh
trong cuộc chiến đấu với giặc Hán; dù thế giặc rất mạnh nhưng nhiều tướng lĩnh
khác vẫn chống trả quyết liệt. Theo bản thần tích về nữ tướng Ả Quán, bà đem
tàn quân chạy về huyện Phù Khang (nay là huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) lập đồn
lũy, tuyển thêm tráng đinh để tiếp tục kháng chiến.
Đầu tháng 7 năm Quý Mão (43 SCN), giặc huy động lực lượng lớn
bao vây, tấn công, Ả Quán và nghĩa binh chống cự đến cùng rồi Tả sứ tướng quân
tự vẫn để giữ khí tiết, hôm đó là ngày mồng 7 tháng 10.
Để tưởng nhớ đến người nữ tướng anh hùng, sau này dân trong
vùng đã lập miếu thờ cúng. Các triều vua sau này đã sắc phong cho bà hiệu là
Thánh mẫu Ả Quán khể nha phu nhân.
Ths Nguyễn Thy Ngà đăng