Danh tướng Côn nương, người Kinh Bắc, nợ nước thù nhà bà đầu quân dưới trướng Nhị vua Hai Bà Trưng và trở thành một trong những tướng trụ cột của đại quân Mê Linh.
Theo sử sách thì làng Bùng có từ lâu đời, kinh tế nông nghiệp
phát triển, dân cư đông đúc. Nơi đây có truyền thống thượng võ và trọng văn,
qua sự tích về đức thánh Côn Nương, nữ tướng tài ba cuộc khởi nghĩa Hai Bà
Trưng cách đây 2000 năm trước.
Bấy giờ làng Bùng có Phan tiên sinh thông hiểu kinh nghĩa được
Ngô tộc trưởng mời lên Thanh Cương (Đại Từ Thái Nguyên) dạy học cho con gái là
Côn Nương và Vân Nương. Thái thú Tô Định cho quân đến bắt Côn Nương về làm tì
thiếp, nhưng bị Ngô tộc trưởng cự tuyệt.
Ông bị Tô Định bắt tra tấn đến chết. Phan tiên sinh đưa chị
em Côn Nương về quê lánh nạn ở chùa làng. Sau này bà trở thành nữ tướng trụ cột
của khởi nghĩa Hai Bà Trưng, được phong chức Trưởng lĩnh nội thị công chúa và
ban duyên với em chồng Trưng vương là Thái bảo quốc chính Tuyên Công.
Khi Mã Viện dẫn quân sang xâm lực, quân binh Nhị vua Hai Bà
Trưng thất bại ơ Cẩm Khê, nữ tướng Côn Nương thống lĩnh binh lĩnh bản bộ rút về
quận Cửu Chân tiếp tục chiến đấu. Quân Hán truy kích ráo riết, giao chiến diễn
ra khốc liệt, nữ tướng Côn Nương hy sinh oanh liệt ở bến Giang Tân. Dân làng
thương tiếc lập đền thờ ở chính dinh Tụ Nghĩa, kề liền chùa Khánh Linh, ngôi
chùa che chở nữ tướng khi xưa.
Làng Bùng, thời xưa là xã Phùng Xá của tổng Đại Lai huyện
Gia Bình, nay là thôn Bùng thuộc xã Bình Dương huyện Gia Bình. Làng có hai xóm
cách rời chân tre riêng biệt là Bùng Trên (Bùng Thượng) và Bùng Dưới (Bùng Hạ).
Hiện làng Bùng có 360 hộ, 1500 khẩu, diện tích canh tác 66 hec ta, chủ yếu là
chân vàn và vàn cao, phù hợp sản xuất nông nghiệp và cây rau màu.
Thời trước, làng Bùng nổi tiếng trong vùng với nghề trồng
cây thuốc lào. Chợ Bùng là chợ lớn giao thương ở địa phương, nay phát triển
thành một thị tứ khá sầm uất với ngành kinh tế tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ,
đầu tàu phát triển kinh tế của cả xã Bình Dương. Do quần cư lâu đời, lại là nơi
đất lành chim đậu nên làng có đến trên 40 dòng họ, như các họ Trần Trọng, Trần
Như, Nguyễn Gia, Nguyễn Đình, Phùng Bá…
Truyền rằng ngôi đền được xây dựng từ lâu đời và đã trải qua
nhiều lần tu bổ tôn tạo. Hiện khu di tích đền thờ Côn Nương nằm trên một gò
đất có tổng diện tích là 6363m2. Nơi đây có 2 công trình, một là
đền, hai là chùa. Đền xưa kia làm theo kiểu chữ đinh, có 5 gian tiền
tế và 3 gian hậu cung (5 gian tiền tế đã phá năm 1947 do tiêu thổ
kháng chiến). Bên ngoài có 2 dãy tả vu, hữu vu mỗi bên là 3 gian,
cũng đã tiêu thổ trong kháng chiến năm 1947.
Khu đền phần hậu cung còn cơ bản nguyên vẹn gồm 5 gian
tiền tế các cụ và nhân dân thôn Bùng mới tu tạo lại.
Hậu cung kết cấu kiểu chồng cốn, gỗ lim, lợp ngói
mũi, tường gạch, nền lát gạch.
Khu di tích đền thờ Côn Nương luôn luôn được nhân dân
thôn Bùng nói riêng và toàn vùng nói chung từ thế hệ này tới thế
hệ khác có một ý thức gìn giữ và bảo vệ rất chu đáo những giá
trị to lớn của lịch sử dựng nước và giữ nước của tổ tiên để lại.
Đó là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, chúng ta lớp con
cháu càng phải trân trọng và bảo vệ tốt hơn nữa những giá trị lịch
sử mà tổ tiên để lại.
Đền thờ Côn Nương còn lưu giữ được những tài liệu
và đồ thờ quý hiếm như: hệ thống bia đá thời Nguyễn, bệ thờ đá, kiệu bát
cống, long đao, chấp kích, bát bửu, giá văn, hộp sắc, mâm bồng; đặc biệt
là 3 pho tượng thời Lê, sơn son thếp vàng lộng lẫy, chạm trổ rồng
phượng hoa lá vô cùng đẹp đẽ.
Với những giá trị cơ bản trên đền Côn Nương đã được Bộ Văn
hóa xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa. Quyết định số: 921/QĐ – BT, ngày 20
tháng 7 năm 1994.
Phía trước đền có sân và ao, kề bên còn có một ngôi
chùa Khánh Linh, làm theo kiểu chữ đinh, 3 gian tiền đường, 2 gian tam
bảo. Trước cửa chùa là sân và ao trồng sen, chùa cũng được xây dựng
từ thời Lê. Trong chùa còn một quả chuông, có chiều cao là 65cm,
đường kính 45cm đúc từ thời Nguyễn. Chùa còn 8 pho tượng bằng gỗ và
một pho Thích ca, tổng số là 11 pho tượng, 1 hoành phi, 1 câu đối và một số đồ
thờ tự khác.
Chùa Khánh Linh được tôn tạo lại từ thời Lê, hướng Tây Nam,
kiến trúc kiểu chữ Đinh, gồm 3 gian Tiền đường và 2 gian Thượng điện. Phía trước
có sân và ao rộng, đẹp. Nhìn chung ngôi chùa còn tương đối cổ kính ở
vùng này.
Danh tiếng nữ tướng Côn Nương luôn sáng bừng trong tâm khảm
người dân Việt mỗi khi đến thăm viếng người. Tấm gương liệt nữ ấy đã thành nơi
hội tụ của lòng thiện cả nước hướng về.
Năm 2013, đền thờ nữ tướng được tân tạo do ông Phí Kim Long,
Chi hội trưởng Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ tình người (trực thuộc Hội Chữ thập
đỏ thành phố Hà Nội) đứng ra kêu gọi hội viên công đức xây dựng.
Tiếp đó, dường như lòng thành và lòng thiện càng trỗi dậy mạnh
mẽ, ông Phí Kim Long tiếp tục đề nghị địa phương cùng trùng tu nâng cấp ngôi
Tam bảo chùa Khánh linh trong quần thể di tích đền Côn Nương, do đã xuống cấp
nghiêm trọng.
Đến cuối năm 2015, quần thể di tích đền Côn Nương - chùa
Khánh Linh đã hoàn thành, kinh phí xây dựng tới 30 tỉ đồng hoàn toàn tự nguyện
công đức, gồm các hạng mục: đền thờ, tam bảo, cổng đá, cầu và kè lan can đá, tả
hữu cung La Hán, cung Ngọc Hoàng Vua Cha, cung Tam Tòa Vương Mẫu, cung Tứ phủ
công đồng, nhà tổ, nhà khách, nhà biện lễ, khuôn viên và một số hạng mục phụ trợ
khác.
Ngay sau khi hoàn thành xây dựng, có một vị khách quen đến
thăm và tiếp tục dấy lên lòng thiện xin được công đức quả đại hồng chung và
tháp chuông cho chùa. Đó là ông Lưu Quang Lãm, một doanh nhân thành đạt, quê
làng Thanh Hà (xã An Thịnh huyện Lương Tài), cháu ngoại của làng.
Truyền thuyết bát hương chị - em
Làng Thượng Lỗi, Tức Mặc xưa (thuộc phường Lộc Vượng, TP.Nam
Định), nay đã lên phố thị. Nhà tầng mọc lên san sát, phố xá bán buôn sầm uất cả
ngày.
Nhưng câu chuyện truyền kiếp về bát hương chị - em cùng mối
kết nghĩa giao hảo giữa hai làng vẫn không đổi theo thời gian. Trong cuốn ngọc
phả lưu giữ ở đình làng Tức Mặc vẫn còn ghi lại rõ ràng về mối kết nghĩa chị -
em của hai làng từ ngàn năm về trước.
Tương truyền kể rằng, câu chuyện bắt nguồn từ lịch sử của
làng Thượng Lỗi (nay thuộc phường Lộc Vượng, TP.Nam Định, tỉnh Nam Định), vốn
là quê hương của bà Phạm Thị Côn Nương, một tướng thủy quân phù tá đánh giặc
cho bà Trưng Trắc - Trưng Nhị.
Năm Quý Mão 43, trong trận chiến với tướng Trung Quốc là Mã
Viện, Hai Bà Trưng thua trận, quyết không cho giặc bắt, bà Côn Nương đã tự vẫn ở
dòng Hát giang để giữ khí tiết. Để tưởng nhớ tới lòng quả cảm của vị tướng này,
người dân đã lập đền thờ tại làng Thượng Lỗi.
Tới năm 1138, có một viên quan tên hiệu là Lý Triều Công đi
đánh giặc đóng quân ở gần làng Thượng Lỗi vào thắp hương khấn vái đền thờ bà
Côn Nương để cầu chiến thắng trong trận đánh sắp tới.
Thắng trận trở về, để tỏ lòng biết ơn, Lý Triều Công đã quay về dâng hương ở đền
thờ Côn Nương một lần nữa.
Cụ Trần Khắc Kê (80 tuổi, ở Tức Mặc, phường Lộc Vượng) - thủ
từ đình Tức Mặc kể lại, sau khi tướng Lý Triều Công mất, dân làng Thượng Lỗi
cũng lập bát hương thờ.
Mặc dù hai vị tướng cách nhau cả ngàn năm, nhưng người dân lập
chung đền thờ, mỗi người một bát hương coi 2 vị tướng như “hai chị em”. Về sau,
dân làng Tức Mặc xin làng Thượng Lỗi một bát hương về thờ, do nhầm lẫn
nên đã lấy phải bát hương chị. Từ đó, hai ngôi làng kết nghĩa giao hảo “chị -
em”. Tức Mặc là dân chị còn Thượng Lỗi là dân em.
Theo tập tục, cứ ba năm một lần vào ngày
24.11 trong những năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, dân làng hai bên lại tưng bừng
mở lễ rước giao hảo từ truyền thuyết năm xưa. Các cụ cao niên hai làng ngồi
quây quần trong sân đình gợi nhắc mối kết nghĩa thân tình chị em hai làng để khắc
sâu, ghi nhớ và răn đe con trẻ sau này.
Khởi nguồn từ mối kết nghĩa giao hảo ấy nên từ ngàn đời
nay, trai gái 2 làng không được phép kết duyên với nhau vì là chị em trong cùng
một nhà.