Cuộc khởi nghĩa năm Canh Tý (40) lật đổ chế độ cai trị nhà Hán, giành được độc lập do nhiều yếu tố, với đóng góp sức lực, xương máu, của cải, tài trí của nhân dân, của những người con yêu nước vì nghĩa lớn; trong số đó có danh tướng Cống Sơn – mưu sĩ của Nhị vua Hai Bà Trưng.
Về cuộc khởi nghĩa của Nhị thánh vương Hai Bà Trưng, các sử
gia thường nhắc đến các nữ tướng kiên trung, dũng cảm mà ít đề cập tới các nam
tướng chí dũng song toàn, chính bởi vậy hậu thế không mấy ai biết đến một danh
tướng, nhà quân sư mưu lược trong cuộc khởi nghĩa gây chấn động triều Hán năm
Canh Tý (40) thế kỷ thứ I Công Nguyên.
Theo ngọc phả đình Bạch Trữ (nay thuộc xã Tiến Thắng, huyện
Mê Linh, Hà Nội) thì danh tướng Cống Sơn tên thật là Hoàng Cống, quê ở động Hoa
Lư, phủ Trường Yên thuộc châu Ái ( (nay thuộc Hoa Lư, Ninh Bình), xuất thân
trong gia đình nhiều đời làm nghề thuốc, cha là Hoàng Công Tạo, mẹ là Đinh Thị
Điền.
Vợ chồng ông Hoàng Công Tạo chỉ sinh được một người con là
Hoàng Cống vào ngày mồng 10 tháng Giêng năm Qúy Hợi (năm thứ 3 SCN). Từ nhỏ
Hoàng Cống đã nổi tiếng mưu trí, lớn lên văn võ toàn tài.
Năm Hoàng Cống tròn 22 tuổi, cha mẹ nối nhau qua đời. Ông
Đinh Đạm đang giữ chức trưởng bộ ở bộ Vũ Ninh (nay thuộc Bắc Ninh), cậu ruột của
Hoàng Cống cho người gọi cháu ra Bắc để có thêm trợ thủ trong mưu đồ việc lớn.
Nhưng việc chuẩn bị khởi nghĩa của ông Đinh Đạm bị bại lộ,
Thái thú Tô Định cho quân đến đàn áp, vây bắt và giết hại. Anh kiệt Hoàng Cống
phải bỏ trốn trở về Hoa Lư làm nghề dạy học, lấy nơi dạy dỗ làm điểm bí mật gặp
gỡ các nghĩa sĩ đồng chí hướng để mưu tính kế sách chống giặc, chờ cơ gội nổi dậy
khởi nghĩa.
Khi truyền hịch kêu gọi, vận động chuẩn bị lực lượng đứng
lên lật đổ ách đô hộ của nhà Hán, nghe tin ở Hoa Lư có Hoàng Cống là người đức
độ, có danh tiếng lại đa mưu túc trí, Bà Trưng Trắc đã cử em gái là bà Trưng Nhị
thân đến mời ra phù giúp. Gặp những người đồng chí hướng, ông Hoàng Cống nhận lời
ngay. Sau khi đàm đạo, Bà Trưng Trắc giao cho ông đảm trách việc “thao luyện
binh mã, huấn diễn binh thư”.
Không chỉ là một vị tướng, Hoàng Cống đóng góp nhiều mưu lược,
kế sách chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa, được Vương bà Trưng Trắc khen ngợi phong
làm quân sư.
Sống anh hùng, chết vẻ vang, muôn đời ơn nhớ
Ngày 6 tháng giêng năm Canh Tý (năm 40) Trưng Trắc cho hội
quân ở bãi Trường Sa bên cửa sông Hát làm lễ tế cờ:
Một xin rửa sạch quốc thù,
Hai xin nối lại nghiệp xưa họ Hùng.
Ba kẻo oan ức lòng chồng,
Bốn xin vẹn vận sở công lênh này.
(Trích Thiên Nam ngữ lục diễn ca)
Nữ chủ Trưng Trắc bước lên đàn làm lễ tế cáo trời đất, xin tổ
tiên và chư vị thần linh phù hộ: “Xét như nước ta, từ thuở trước đều có các bậc
anh minh đời đời sáng nghiệp, là đất nước nhân nghĩa, có giáo hóa nên dân chúng
yên ổn, vui đời làm lụng chuyên cần, chẳng biết đến binh đao.
Nay Tô Định là loài dê chó, hống hách lộng quyền, tàn bạo, ức
hiếp, ngược đãi dân ta khiến đất trời, thần linh, người người đều căm giận. Con
là cháu xa Hùng Vương, nhắc đến cảnh dân tình là sa nước mắt; hôm nay, đau lòng
vì nước, dựng nghĩa trừ kẻ hung tàn, bạo ngược, cúi xin chư vị thần linh về đàn
tế chứng giám cho.
Con nguyện dấy binh dẹp giặc cứu nước, cứu dân thoát khỏi
vòng nước lửa, lầm than; không phụ lòng của trời cao, không phụ vẻ linh thiêng
của tông miếu. Xin các vị tiên tổ anh linh hô mây, gọi gió, dồn âm binh hàng
ngàn hàng vạn đội phù giúp đánh giặc”
Sau đó bà Trưng Trắc phát lệnh dấy binh khởi nghĩa, truyền hịch
kêu gọi các quận huyện cùng nổi dậy đánh đuổi quân xâm lược, giành lại độc lập
cho đất nước. Bài hịch viết rằng: “Kẻ đại gian ác từ lâu vốn lòng độc địa. Người
có đức có nhân thường vẫn nuôi chí tiễu trừ. Mảnh hịch tre ruổi ngựa từ đêm, ba
quân chấn động.
Nước ta dựng nền thực từ thuở vua Hùng vỗ trị, khi ấy quan
dân vui vẻ, mọi người êm ấm nhàn hạ, mưa thuận gió hòa, một thân lúa thẩy đều
hai bông. Đời đời nối tiếp, ngàn thu lưu truyền. Đến đời An Dương Vương, qua đời
Triệu Vũ Đế, chẳng may đức suy, gặp phải tai ách. Bọn Hi Tải, Chu Chương, Ngụy
Lang thay nhau làm quận thú cai trị.
Đám Đặng Nhượng, Tích Quang, Đỗ Mục nối tiếp làm châu mục. Dẫu
tham lam, hà khắc không giống nhau, nhưng chưa từng có kẻ nào bạo ngược, tàn bạo
quá lắm như Tô Định. Tới nay yêu nghiệt họ Tô tham tàn ngang ngược, giết hại
sinh linh, coi sừng tê, ngà voi làm quý. Khinh miệt hiền tài, lấy giống chó
loài ngựa làm trọng.
Khai mỏ vàng, khiến dân khốn khổ, rét thấu xương, mặt vàng,
da nứt. Mò ngọc châu, để người lặn vực thẳm, mò ngọc trong mồm rồng ngậm, trăm
kẻ đi, một người về. Thuế má nặng nề phải nghiêng bồ vét bịch. Hình pháp phiền
phức liên lụy từng nhà, từng xóm. Dân không sống được yên, vật phải dời chỗ ở!
Ta vốn dòng dõi hoàng tộc, con cháu Hùng tướng, vì nghĩa trừ
hại. Bọn các ngươi đều có trí khôn, lại cùng tiên tổ, thù nước phải báo. Hãy kề
vai sát cánh mà giương cây cung mạnh, quét sạch bọn ngoại bang, lấy hết nước
sông Thiên Hà mà rửa binh khí. Cơ nghiệp hùng vĩ do đó mà được tái tạo, nhân
dân ly tán được yên vui.
Bảo vệ xã tắc, gối đầu trên giáo mác, chính là lúc này đây.
Hãy lập công danh để ghi vào sử sách, như thế chẳng tốt đẹp hay sao? Thảng hoặc
kẻ nào còn hồ nghi, do dự thì xem hịch này sẽ được sáng tỏ. Các ngươi cần phải
cố gắng lên!” (Theo Thiên Nam vân lục). Tương truyền người soạn bài hịch này
chính là Hoàng Cống.
Từ Mê Linh, nghĩa quân chia thành các đạo binh tiến đánh hàng loạt
thành lũy, đồn trại của giặc; sử chép: “Các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều
hưởng ứng, lấy được 65 thành ở Lĩnh Nam” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Sau thắng lợi, bà Trưng Trắc lên ngôi vua (Trưng Vương),
phong tước, ban thưởng cho những người có công; Hoàng Cống được phong làm Hùng
tướng công, được ban đất làm thực ấp ở Thủy Trung châu (còn gọi là Kẻ Bạch, sau
gọi là Bạch Trữ) thuộc huyện Chu Diên, lại cho đón gia quyến của ông về đây lập
nghiệp; dân làng Bạch Trữ cũng được chuẩn miễn thuế khóa, phu dịch.
Năm Nhâm Dần (42), sau thời gian chuẩn bị lực lượng, vua Hán
sai Mã Viện làm tướng dẫn quân sang đánh báo thù, mục đích tái lập ách đô hộ của
chúng. Nhiều trận giao tranh ác liệt đã xảy ra, nhưng thế giặc mạnh, chúng vẫn
tiến sâu vào nước ta, một trong những trận đánh lớn xảy ra ở Lãng Bạc (nay thuộc
huyện Tiên Du, Bắc Ninh).
Hoàng Cống thấy tình thế bất lợi đã dẫn đội quân của mình
đánh thẳng, thọc sâu vào doanh trại giặc khiến chúng bất ngờ, lúng túng đối
phó, nhờ đó Trưng Vương có thời gian rút đại quân về xây dựng phòng tuyến ở Cấm
Khê.
Tiếp sau đó là trận đánh ở Cấm Khê, quân ta thất bại, Hai Bà
Trưng và nhiều tướng lĩnh hy sinh tại đây; còn Hoàng Cống từ trận Lãng Bạc, ông
đem lực lượng còn lại rút về đất phong của mình ở Bạch Trữ (nay thuộc xã Tiến Thắng,
huyện Mê Linh, Hà Nội) tiếp tục chiến đấu chống giặc.
Tương quan lực lượng quá chênh lệch nên trong một trận huyết
chiến, Hoàng Cống cùng một số tướng sĩ của mình đã tử trận, theo truyền tụng
dân gian thì đó là ngày 11 tháng Chạp năm Qúy Mão (43), có thuyết nói là năm
(47).
Hàng năm vào ngày này, người dân làng Bạch Trữ lại tổ chức lễ
hội kỷ niệm ngày giỗ trận tại bãi Đồng Số, xưa là nơi Hoàng Cống luyện quân và
cũng là nơi diễn ra trận chiến đấu cuối cùng của ông.
Nhớ ơn vị tướng tài, người quân sư mưu lược có nhiều đóng
góp vào sự nghiệp đánh giặc cứu nước, người dân Bạch Trữ đã lập đền thờ Hoàng Cống.
Đến giai đoạn độc lập, tự chủ lâu dài, khi mà tín ngưỡng thờ Thành hoàng phát
triển và phổ biến rộng rãi đến các làng quê, người dân đã tôn Hoàng Cống là
Thành hoàng làng; các triều đại có sắc phong Hoàng Cống là Phúc thần, quân sư Cống
Sơn đại vương.
Đình làng Bạch Trữ
Là một trong những ngôi đình lớn và cổ của Vĩnh Phúc, đình Bạch
Trữ được biết đến với sự độc đáo về kiến trúc, chứa đựng những tác phẩm điêu khắc
gỗ dân gian hết sức đặc sắc, nối tiếp dòng nghệ thuật chảy từ vùng Hùng Lô, Lâu
Thượng qua Thổ Tang đến, như một biểu hiện cho đỉnh cao về kiến trúc của đình
làng cổ truyền Việt Nam thời Lê Trung hưng thịnh.
Cảnh đình nhìn từ xa
Đình thuộc thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh. Hiện
tại gồm 3 tòa: Tiền tế, đại đình, hậu cung và 2 ống muống. Về mặt bố cục có thể
khẳng định rằng, vỗn dĩ khởi đầu (khoảng cuối thế kỷ XVII) đình chỉ có dạng chữ
nhất với toà đại đình ở giữa, về sau người ta mới dựng tiếp toà tiền tế và tiếp
sau là hậu cung; cả 3 tòa được nối với nhau bởi 2 ống muống để tạo nên hình thức
mái theo kiểu chữ “Vương”, nền chữ “Tam”.
Trước đình có hồ bán nguyệt, sau hồ là bình phong kiểu cuốn
thư có hình cành trúc mai sum họp. Phía sau là một sập thờ làm kiểu chân quỳ dạ
cá đắp nổi hình dơi tượng cho ngũ phúc lâm môn (Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh) và
tiếp nữa là một nghi môn tứ trụ. Qua một khoảng sân hẹp vào tòa tiền tế, người
ta có thể cảm thấy choáng ngợp bởi kiến trúc 5 gian 2 dĩ với bộ mái 2 tầng
hoành tráng.
Đặc biệt ở đây còn lưu giữ được những nét nghệ thuật của thế
kỷ XVII. Đó là những cốn bên với rồng, lân, vân xoắn, đao trong một thể hoạt
mang ý nghĩa gắn với tầng trời, gắn với ước vọng cầu mưa. ở gian giữa tòa này
có các bức cốn mê thể hiện tứ linh trong ước vọng cầu phúc xưa: rồng cuốn thủy,
phượng hàm thư, long mã và rùa.
Đặc biệt, ở mặt trong bức cốn ngoài bên phải có hình tượng một
con cua nhỏ ở bên dưới, đây là một dấu ấn thể hiện sự hòa đồng của chất dân dã
giữa mảng chạm mang đầy tính quy phạm.
Văn quan - Hình vẽ trên gỗ phía trước cửa khám (bên tả)
Tòa đại đình 3 gian 2 chái 2 dĩ, nghệ thuật thế kỷ XVII tập
trung ở 2 cốn ngoài của gian giữa, các đầu dư chính và một số kẻ. Đề tài chạm
khắc cơ bản là rồng. Những đề tài về con người tuy không nhiều nhưng lại rất
đáng quan tâm.
Chẳng hạn như bức cốn ngoài bên trái gian giữa, ở con rường
trên cùng, được đặt trên mình rồng thân rắn không vẩy là hình đôi trai gái tình
tự mà nam là một ông già quắc thước râu dài còn nữ là một cô gái nhỏ tuổi - một
mối tình thần thánh sẽ đưa đến kết quả nảy sinh thánh nhân theo nhận thức của
người xưa.
Một hệ thống các hoạt cảnh khác như: trên nền rồng ở ván
nong của xà nách có cảnh một phụ nữ ôm con, một tay giơ ra như thể từ chối sự
đòi hỏi của người chồng; cạnh đó là cảnh đôi trai gái ngồi ôm ấp nhau rất mạnh
bạo; hình tượng vũ công đội mũ tỳ lư mặc áo váy tỉa tót kỹ càng và hình ảnh nam
múa quạt, nữ đeo túi ngả theo được chạm ở hai bên đầu kẻ phía ngoài bên phải. ở
một đầu kẻ trước của gian bên trái lại có cảnh một ông lão ngồi câu cá với giỏ
vịt để bên cạnh - hình tượng này rất gần gũi với nghệ thuật thế kỷ XVIII.
Những hình tượng có tính mạnh bạo hay dân dã trên cho thấy sự
gần gũi với sinh hoạt thôn dã đương thời. Tuy nhiên những hình tượng đó được đặt
ở những nơi dễ quan sát lại mang ý nghĩa ước vọng cầu thần hãy thực hiện theo
như thế mà thúc đẩy cho muôn loài sinh sôi, cho mùa màng bội thu.
Vì thế ý nghĩa sâu xa ở đây là ước nguyện cầu phồn thực. Bên
cạnh sự phong phú về nội dung, các hình chạm đã thể hiện trình độ cao về nghệ
thuật chạm khắc với kỹ thuật chạm lộng, chạm bong được quan tâm hết sức rõ rệt.
"Tự tình" Chạm gỗ thế kỷ XVIII
Tòa hậu là một hậu cung kép với hậu cung chính chỉ nằm gọn
trong không gian 4 cột cái gian giữa, được bao ván kín, có sàn thờ, được nâng
cao và nằm lọt trong tòa hậu cung 5 gian tường hồi bít đốc.
Một điểm đáng lưu ý là trên ban thờ chính, phù trợ hai bên
là 8 vị tướng hầu được vẽ dưới hình thức tả văn hữu võ, quan văn đội mũ cánh
chuồn chếch ngắn, cầm những hòm sách, bút, quạt; quan võ đội mũ kim khôi và vác
đại đao.
Đình Bạch Trữ thờ nhị vị tiên linh là công chúa Mỵ Nương thời
vua Hùng và Cống Sơn thời Hai Bà Trưng, thuộc hai thời kỳ dựng nước và giữ nước
gắn với lịch sử dân tộc và văn hóa tâm linh của người Việt.
Nội dung thờ tự phong phú, kiến trúc, nghệ thuật chạm khắc
tiêu biểu đã khẳng định đây là một trong những ngôi đình có ý nghĩa hết sức
quan trọng trong hệ thống di tích của tỉnh Vĩnh Phúc.
Đình xưa còn giữ được đến ngày nay là một kiến trúc lớn, là
nơi thờ thành hoàng làng, nơi tổ chức lễ hội và các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng
khác của dân cư cả một vùng tương đối rộng.
Đi sâu tìm hiểu hơn nữa về nghệ thuật, về các giá trị văn
hóa vật thể gắn kết với các giá trị văn hóa phi vật thể ở đình Bạch Trữ , chúng
ta sẽ có được những tri thức quý báu về lịch sử văn hóa cũng như các phong tục
tập quán hay những quan niệm hết sức đặc sắc có thể coi là tinh hoa văn hóa của
người xưa, tại vùng đất này.