Thiều Hoa công chúa - nữ danh tướng vương triều Hai Bà Trưng. Sau khi mất, bà đã được truy phong Phụ Vương công chúa - Tiên phong Tả tướng quân tưởng nhớ công lao đánh giặc giữ nước của bà.
Bà sinh năm 3 sau Tây Lịch, nhằm năm Quý Hợi tức niên hiệu
Nguyên Thủy thứ 3 thời Hán Bình Đế, một số sử sách có ghi chép lại bà họ
Hoàng. Bà là người đẹp nhất thời Lĩnh Nam. Thiều Hoa sinh ngày mùng 2
tháng 1 năm Quý Hợi (3 SCN), là con trong một gia đình nông dân nghèo ở động
Lăng Sương bên bờ sông Đà thuộc huyện Thanh Châu (nay là huyện Thanh Thủy, tỉnh
Phú Thọ).
Theo thần tích, cha bà là Hoàng Phụ và mẹ là Đào Thị Côn. Thời niên
thiếu, trong những buổi chăn trâu, hái củi bên núi Tản Viên, bà thường cùng bạn
bè đẽo củi tre, dùng gậy khăng chia làm hai phe chơi đánh phết, dựng cây chuối
làm bia, dùng gậy để phóng lao.
Khi bà 16 tuổi thì cha mẹ mất, bà rời động Lăng Sương đi tìm cảnh
phật làm nữ tu hành. Qua nhiều nơi, bà đến chùa Phúc Khánh, trang Song Quan
(chính là chùa Hiền Quan ngày nay).
Bọn quan quân Hán ở vùng này rấ hống hách và thường xuyên đàn áp,
bóc lột dân lành. Thiều Hoa nhiều lần được thấy những cảnh bọn quân lính Hán
cướp của đánh người, phá phách ngang ngược. Các nhà giàu thường bị chúng quấy
nhiễu, đòi ăn uống, cướp tiền gạo. Thấy con gái có nhan sắc, chúng xúm lại cợt
nhả đe dọa, tiến hành những hành vi bỉ ổi, hành hạ, Thiều Hoa tức sôi cả ruột
gan.
Có ngày nàng Thiều Hoa đứng trên gò cao nhìn xuống bãi sông thấy mấy
tên lính đô hộ nắm râu một cụ già lôi đi xềnh xệch. Nàng Thiều Hoa quắc mắt mím
môi, nhặt lấy chiếc gậy đánh cầu chạy thẳng xuống bãi, chợt nghe có tiếng gọi
nghiêm nghị : " Thiều Hoa kia, chớ chạy nữa ! ".
Thiều Hoa giật mình ngoảnh lại thấy sư thầy vẫy tay gọi mình, mới
dừng chân và chạy tới ôm lấy bà sư mà khóc lên nức nở, nước mắt ướt đầm cả áo
nhà chùa. Hai người đến ngồi dưới gốc đa trên gò cao. Sư thầy nói : " Con
tuy cũng là người có tài có chí nhưng tiếc rằng còn xốc nổi lắm. Những việc con
làm chẳng có ích gì cho dân Nam ta cả ! ".
Thiều Hoa cúi đầu xin sư thầy chỉ bảo cho. Sư thầy nói : " Dẹp
bớt tính nóng nảy hiếu thắng, biết nhìn xa nghĩ sâu, không chỉ lo gỡ cho một
người khỏi bị đánh mà nghĩ chuyện gỡ cho cả nước khỏi bị đàn áp. Đó mới là tính
chất người hào kiệt trong thời buổi này ". Thiều Hoa chợt tỉnh ngộ, thưa
với sư thầy : " Thật quả một lời sư thầy dạy đã đưa con ra khỏi chỗ tối
tăm.
Từ nay con xin ghi nhớ lời thầy, suy nghĩ chín chắn, tính việc lâu
dài, dốc lòng nuôi chí cứu sinh dân ra khỏi cảnh lầm than, khỏi chốn tù ngục.
Xin thầy dạy dỗ cho con". Sư thầy cười và nhẹ nhàng nói : " Ta là
người tu hành, tuy tâm niệm cõi Nát Bàn vẫn không quên nghĩa vụ cứu sinh linh
đang cơn trầm luân nơi bể khổ. Nếu con có chí lớn hãy theo ta về chùa ".
Bà sư đến nói với hào trưởng xin cho Thiều Hoa về ở với mình, hào
trưởng vui vẻ nhận lời. Từ đó, Thiều Hoa về hầu hạ sư thầy, quét chùa, thắp
hương và làm các việc vặt. Sư thầy dạy Thiều Hoa học chữ, lại bảo Thiều Hoa tìm
rủ những người cùng chí hướng, tin cậy đến chùa, tối tối cùng nhau luyện bát
ban võ nghệ. Cũng từ ngày đó, vườn chùa đã trở nên nơi rèn luyện của những
người có nghĩa khí, có lòng yêu nước thương nòi.
Từ ngày Thiều Hoa về với sư thầy, tính nết đã chín chắn hơn. Nàng
chăm chỉ luyện tập mong trở nên người hữu dụng cho đất nước, đem chuyện giặc
Hán tàn bạo và nỗi cực khổ của nhân dân kể lại cho các bạn trẻ cùng nghe. Thiều
Hoa chọn những người căm thù quân xâm lược, hăng hái nhiệt tình, sẵn sàng hy
sinh vì nước cùng nhau mưu việc lớn.
Một hôm, sư thầy gọi Thiều Hoa đến, bảo cho biết ở Mê Linh có Hai Bà
Trưng là dòng lạc tướng, cháu gái các vua Hùng đã ban hịch khởi nghĩa đánh đuổi
giặc xâm lăng. Thiều Hoa vui mừng xin với sư thầy cho đến Mê Linh. Sư thầy giã
bánh dày và đóng oản để Thiều Hoa và các nghĩa sĩ làm lương ăn đường. Năm ấy,
Thiều Hoa vừa mười tám tuổi.
Đến Mê Linh, Thiều Hoa vào yết kiến Nhị vua Hai Bà Trưng, Thiều Hoa
kể mọi nỗi khổ cực của nhân dân sông Đà và sông Thao cũng như những nỗi uất hận
của mình. Hai Vua Bà nghe Thiều Hoa nói, biết là người có chí, nhà nghèo thân
khổ, mồ côi cả bố mẹ, nung nấu lòng căm thù giặc. Hai Vua Bà khen ngợi Thiều
Hoa và giao cho về địa phương mộ quân, dặn rằng phải tụ họp những người bị áp
bức, bóc lột đến cùng cực, có ý chí tìm nơi kín đáo cùng nhau luyện tâp, chờ
lệnh khởi nghĩa.
Thiều Hoa vui sướng trở về Song Quan, đi các làng trong vùng, tìm
các hào kiệt, rồi cùng nhau tổ chức thành đội ngũ, luyện tập các môn đánh gậy,
đánh đao. Mỗi người đều tự kiếm lấy vũ khí cho mình. Thiều Hoa thường cho quân
đẽo gỗ xoan làm quả cầu, lấy gậy tre đẽo vát gốc mà đánh cầu, gọi là đánh phết.
Đó là trò chơi của Thiều Hoa cùng các bạn nghèo khổ chăn trâu ba năm về trước.
Khu rừng Hạ Khê hoang vắng giáp châu Thanh Xuyên, cách Song Quan ba dặm đường
là nơi anh thư hào kiệt Thiều Hoa cùng các hào kiệt ẩn mình tụ nghĩa.
Khi Hịch khởi nghĩa được ban, Anh thư hào kiệt cùng 500 nghĩa sĩ khởi
nghĩa ở Tam Thanh, Phú Thọ và tiến quân về Mê Linh, Nhị vương Hai Bà
Trưng mừng rỡ tiếp đón ân cần những tráng sĩ trai gái sông Đà, sông Thao. gia
nhập quân của triều Trưng, dong trống khởi nghĩa đánh đuổi
giặc Hán, Nàng Thiều Hoa được được Trưng Vương phong làm Đông Cung công
chúa, giữ tước hiệu “Tiền phong Tả tướng quân”, trong những trận dánh với giặc
Hán luôn giành được chiến công, đánh bại các đội quân Hán đông gấp nhiều lần.
Sau khi đánh tan giặc Hán, đất nước thái bình, Đông Cung công chúa
xin về Song Quan tu hành cứu nhân độ thế. Năm Tân Sửu (41), vào một ngày nọ, bà
ra thăm sông Thao thấy có một bãi đất rất rộng lớn nên ra chiêm lãm. Hôm ấy
trời đổ mưa to, không rõ vì lý do gì, Thiều Hoa công chúa thác tại đây. Sau khi
bà mất, Trưng Nữ Vương đã truy phong bà là "Phụ Vương công chúa"
truyền cho dân làng lập đền thờ bà. Nhân dân Song Quan suy tôn bà là "Đức
thánh mẫu Đệ nhất Đại vương" của làng và thờ cúng bà rất tôn nghiêm.
Hiện nay ở xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú
Thọ có đền và miếu thờ Bà. Tại chùa Phú Khánh ở xã Hiền
Quan cũng thờ bà, vì sau khi bà xin về Song Quan, bà có thọ giới với Bồ
Tát Tăng Giả Nan Đà. Từ đó đến nay, đền thờ, lăng mộ của bà, chùa Phúc Khánh và
đình làng luôn được giữ gìn và tu tạo chu cẩn.Hàng năm đến ngày kỵ của bà, dân
chúng tổ chức hội làng trong ba ngày.
Đền Hiền Quan thuộc xã Hiền Quan,
huyện Tam Nông, Tỉnh Phú Thọ; đền thờ Thiều Hoa công chúa - một nữ
tướng thời Hai Bà Trưng. Sau khi mất, bà đã được truy phong Phụ Vương công
chúa để tưởng nhớ công lao đánh giặc giữ nước của bà. Đền Hiền Quan có
kiến trúc chữ Nhị, nhỏ gọn nhưng uy nghiêm, trong đền còn lưu giữ nhiều di vật
có giá trị như sập thờ, án giang, long ngai, kiệu… Cạnh đền thờ là lăng của
Thiều Hoa công chúa.
Đình Hiền Quan dựng theo kiểu chữ
Đinh. Mang đậm dấu ấn triều Nguyễn trên mảnh đất thấp hình mui rùa, cây cối xum
xuê, mặt hướng ra cánh đồng thoáng mát. Đình thờ bốn vị tướng quân địa phương
có công giúp Vua Hùng đánh giặc: Sơn Thắng, Thiên Cương, Hắc Long và Thổ
Lân. Còn có ban thờ Thiều Hoa Công chúa. Trong đình còn bảo lưu được một
số bức chạm trên cốn mê, cốn nách và cổ vật: Án giang, mâm ấu….
Tên của Bà được đặt cho một con đường ở Phường Hiệp Tân, Quận Tân
Phú, Thành phố Hồ Chí Minh và một con đường tại Quận Ngũ Hành Sơn, Thành phố Đà
Nẵng.
Hội Phết làng Song Quan
Hằng năm cứ đến ngày 12 - 13 tháng Giêng, làng Song Quan lại tổ chức
hội duyệt quân, cướp phết - một trò chơi dân gian mang đậm bản sắc dân tộc mà
thiếu thời, Thiều Hoa công chúa từng yêu thích.
Hội Phết Hiền Quan là lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa
dân tộc với 4 phần chính là: Rước kiệu, tế lễ, kéo quân và đánh phết. Kiệu được
khiêng từ đình ra đền, trên kiệu là các sắc phong, bài vị, quả phết, quả chúi.
Sau lễ rước kiệu là phần tế lễ rồi tới tễ kéo quân đánh phết.
Ngay từ sáng sớm, đường về xã Hiền Quan đã trở nên đông vui tấp nập.
Hàng vạn người từ khắp nơi đổ về đây để được đắm chìm trong không khí của lễ
hội độc đáo này. Anh Nguyễn Quốc Nguyên, khu 8, xã Hiền Quan phấn khởi cho biết:
Tôi đã tham gia lễ Hội Phết gần chục năm rồi. Năm ngoái tôi là một trong số
những người cướp được quả Phết và đúng là năm qua tôi gặp nhiều điều may mắn
trong cuộc sống cũng như trong công việc. Hi vọng năm nay tham dự cũng sẽ giành
được Phết hay chí ít cũng được chạm vào một lần để lấy may…”
Bà Trần Thị Thu, người xã Hiền Quan thì tỏ ra phấn khởi khi đưa cháu
đi xem Hội Phết: “Không khí rất vui, sôi nổi và náo nhiệt. Không những thế Hội
Phết còn mang nhiều ý nghĩa tâm linh, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của
dân tộc. Tôi rất tự hào khi quê hương còn giữ được lễ hội truyền thống, có ý
nghĩa như thế này”.
Lễ hội có 6 quả Phết hình tròn, đường kính
khoảng 10 cm, được sơn màu đỏ và 3 quả Chúi
Tiếng trống hội giục giã liên hồi, tiếng hàng ngàn người xung quanh
hò la, cổ vũ sôi động. Hội Phết Hiền Quan với nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ,
thể thao đan xen thu hút đông đảo bà con nhân dân, nhưng phần hấp dẫn nhất của
Hội Phết đó chính là trò kéo quân đánh Phết. Lễ hội năm nay có 6 quả Phết hình
tròn, được làm từ gỗ mít, đường kính khoảng 10 cm, được sơn màu đỏ và 3 quả
Chúi (quả Chúi như quả Phết nhưng nhỏ hơn).
Theo tục lệ, sau khi tế lễ tại đền thờ Thiều Hoa công chúa, quả Phết
được Tiên chỉ làng đưa ra ngoài bãi cát ven sông Hồng. Trên đường đi quả Phết
được người dân dùng lọng để che. Sau đó, được cho xuống lò phết (một cái hố
được đào dưới cát) và dùng gậy hất lên và mọi người bắt đầu tranh cướp Phết, ai
giành được quả Phết sẽ được may mắn cả năm. Vì vậy, lễ hội diễn ra vui vẻ nhưng
vô cùng quyết liệt với hàng vạn người cùng tham gia.
Dân làng Hiền Quan và du khách trong vùng ai cũng biết câu
ca: “Mười một là hội Hương Nha/ Mười hai Gia Dụ, mười ba hội Hiền”. Hội
Phết Hiền Quan đã trở thành một lễ hội truyền thống thể hiện tinh thần thượng
võ của dân tộc ta. Cũng bởi những ý nghĩa sâu sắc của Hội Phết Hiền Quan mà năm
2015, UBND tỉnh Phú Thọ đã quyết định lập hồ sơ khoa học đề nghị nhà nước công
nhận Hội Phết Hiền Quan là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia nhằm bảo tồn
và phát huy những giá trị độc đáo của lễ hội.
Chùa Phúc Khánh (chùa Hiền Quan)
Chùa Phúc Khánh (chùa Hiền Quan) xã Hiền Quan được xây dựng trên một
khu đất rộng trong làng, xung quanh là khu dân cư đông đúc cách Thị xã Phú Thọ
4km, cách Thành phố Việt Trì 34km, cách trung tâm huyện lỵ Tam Nông 18km.
Chùa Phúc Khánh (chùa Hiền Quan) được dựng theo kiến trúc “Nội công
ngoại quốc” gồm có: Gác chuông - Tiền đường - Thượng điện - Hai dãy hành lang
và Nhà Tổ. Qua sự tích và truyền thuyết thì ngôi chùa này được xây dựng từ
những năm đầu công nguyên, theo một số cụ cao niên trong làng kể lại là chùa
được xây dựng từ thời Bắc thuộc? Song việc tìm kiếm niên đại chính xác của ngôi
chùa quả là một điều khó khăn.
Nhưng một điều cần phải ghi nhận rằng, trải qua những tháng ngày của
lịch sử, do ảnh hưởng của chiến tranh, khí hậu khắc nghiệt tác động tới làm ảnh
hưởng rất lớn tới kiến trúc của chùa. Hiện chùa Phúc Khánh đã trải qua nhiều
lần tu sửa do đó có sự thay đổi, pha tạp trong kiến trúc.
Trên Thượng
lương vì kèo gian giữa ở bên phải của Tiền đường có ghi: Thành Thái Bính Thân
lương thì thụ trụ Thượng lương Đại cát”.
Tạm dịch là:
Năm Bính Thân niên hiệu Thành Thái thì dựng thượng lương này cho tới ngày nay.
Theo các cụ
cao niên kể lại thì chùa Phúc Khánh (chùa Hiền Quan) đã trải qua ba lần tu sửa
lớn vào các năm:
Năm 1964 sửa
lại mái Tiền đường và Thượng điện.
Năm 1978 thay
hoành, đảo lại ngói toàn bộ chùa.
Năm 1982 xây
tường dậu bao quanh sân, sửa lại gác chuông và tô lại tượng.
Như vậy Chùa
Phúc Khánh (chùa Hiền Quan) được xây dựng từ rất lâu và đã trải qua nhiều lần
tu sửa nhưng phần kiến trúc còn lại tới nay là kiến trúc thuộc thời Nguyễn thế
kỷ XIX. Từ ngoài nhìn vào di tích gồm có các hạng mục:
Gác chuông (hay còn gọi Cổng Tam Quan- có 03 cửa ra vào): Gác
chuông được bố trí làm 02 tầng tám mái, từ dưới mặt đất bước lên một bậc thềm
cao 0,30m tầng 01, gác chuông được bổ trí với 03 cửa. Một cửa chính giữa được
xây hình vòm cuốn rộng 2,10m; cao 2,20m. Hai cửa bên có kích thước đều như nhau
cao 1,80m; rộng 0,90m. Gác chuông được xây theo hình vuông có kích thước 6mx6m.
Trên tầng hai mặt sàn được lát bằng gỗ ván và dựng cột gỗ. Cột cao 2,20m; đường
kính rộng 0,35m; các đầu dư, họng cột cho đến cái nóc đều để trơn.
Gác chuồng chùa Phúc Khánh (Hiền Quan)
Một quả chuông lớn được treo trên cái nóc của gác chuông. Tám mái
được lợp ngói mũi cổ trên đỉnh nóc có đắp nổi hình “Lưỡng Long chầu nguyệt”.
Đôi rồng chầu vào mặt nguyệt được đắp bằng vôi vữa, rồng có đầu hơi bẹp râu dài
mình có nhiều vảy, chân có bốn móng nhọn sắc đang quặp chặt lấy đỉnh nóc gác
chuông, đuôi rồng hất cong lên phía trên.
Tiền đường: Tiền đường gồm 05 gian dài 17,50m; rộng 7,80m với
06 hàng gian cột và hai dĩ trái, cấu tạo kiến trúc bên trong Tiền đường thật
phù hợp với dáng vẻ uy nghi ở bên ngoài của ngôi chùa. Sáu cột hiên (cao 2m40,
đường kính 0m25) làm nhiệm vụ nâng đỡ mái chùa cùng với hai hàng sáu gian cột
cái thẳng tắp (cao 1m30, đường kính 0,35m) cùng với một hệ thống các xà ngang,
xà dọc tạo nên một bộ khung vững chắc cho chùa.
Thượng điện: Thượng điện gồm có 03 gian được nối liền với gian
chính giữa của Tiền đường, trong Thượng điện được bố trí 02 hàng cột, cột cao
4m30, đường kính 0,35m. Kiến trúc được dựng theo lối chồng bồn kẻ truyền tạo
nên một bộ khung khỏe khoắn, vẵng chắc. Ở vì kèo số 01 gian đầu của Thượng điện
ở hai bên cốn nách và trên dép hoành giáp với sải nóc có ván bưng hình tam giác
vuông và tam giác cân. Ba ván bưng ở cốn nách và trên Thượng lương được trang
trí các họa tiết khá tỷ mỷ với kỹ thuật chạm nổi các đề tài quen thuộc thường
thấy ở các công trình kiến trúc gắn với tôn giáo như “Lưỡng Long chầu nguyệt”, rồng
với những làn mây, sóng nước … ở mặt bên trong của ván bưng để trơn được bào
nhẵn đánh bóng.
Hành lang: Hai dãy hành lang được bố trí chạy dọc hai bên
Thượng điện, từ Thượng điện bước qua một cửa nhỏ ở hai bên Tả Hữu là hai dãy
hành lang. Nhà hành lang dài 13m80, rộng 2m với 5 gian 6 hàng cột được làm kiểu
bán mái, 6 hàng cột cao 2m15, đường kính 0m20 có nhiệm vụ nâng đỡ mái hành
lang. Trước cửa hai dãy hành lang là những hàng cây ăn quả xum xuê xanh tươi
tạo nên một khung cảnh râm mát, tĩnh lặng hết sức cổ kính, thật là một phong
cảnh hữu tình đúng với tâm trạng của nhân dân và khách thập phương khi nghỉ
ngơi ở hành lang trong dịp vào viếng thăm chùa.
Nhà Tổ: Qua hai dãy hành lang là tới nhà Tổ với một diện tích
khá rộng khoảng trên 70m2 trong đó chiều dài của nhà Tổ là 16m20 chiều
rộng là 4m10 cũng như ở chùa chính nhà Tổ được dựng trên nền cấp đất cao hơn
sân 0m30.
Nhà Tổ được bố trí làm hai phần nơi thờ tự những người có công trông
nom tu tạo nhà chùa và là nơi ở của cụ từ để trông coi hương khói trong chùa
với chức năng như vậy nên nhà tổ được kiến thiết hết sức đơn giản chứ không cầu
kỳ như ở chùa chính. Phần mái được làm theo kiểu quá giang gối tường với bộ
khung hoành chắc chắn mái lợp ngói Sông cầu. Tường xây cao 3m được bố trí 5
gian, cửa có kích thước bằng nhau cao 1m90 rộng 1m50 với kiến trúc như vậy đã
tạo nên một khung cảnh hết sức thoáng đãng và thông thái, chứ không âm u ảm đạm
như một số ngôi chùa khác.
Nhìn chung Chùa Phúc Khánh (chùa Hiền Quan) từ gác chuông tới
Tiền đường , Thượng điện, đều được làm bằng loại gỗ tốt với kích thước chuẩn
mực được tính toán kỹ lưỡng, cho tượng cột cái cột quân ở từng vị trí khác nhau
cùng với hệ thống các xà ngang xà dọc được ghép nối với nhau bằng mộng đuôi én
nên làm cho các bộ phận kiến trúc ăn nhập với nhau một cách chặt chẽ tạo nên bộ
khung chắc khỏe để nâng đỡ phần mái của chùa. Với kiến trúc “Nội công ngoại
quốc” như vậy Chùa Phúc Khánh (chùa Hiền Quan) hết sức rộng rãi thoáng mát, tạo
nên một cơ ngơi bề thế đồ sộ nổi bật giữa vùng quê làng Hiền.
Nghệ thuật tạc tượng: Cùng với kiến trúc đồ sộ và nghệ thuật chạm
trổ được trang trí trong phần kiến trúc là hệ thống các tượng được tạo dáng hài
hòa tạo nên vẻ đẹp hoàn hảo tượng của chùa Phúc Khánh (chùa Hiền Quan), có 26
pho tượng phật với chất lueeju làm bằng gỗ và đất với nghệ thuật điêu luyện,
mỗi pho tượng mang một dáng vẻ và chứa đựng một sự tích khác nhau.
Chùa Phúc Khánh (chùa Hiền Quan) có các tượng, ngoài Tiền đường gồm:
Tượng Đức ông, Tượng Trừng ác, Tượng Khuyến thiện, Tượng Thánh tăng, Tượng Quan
vũ; Tòa Thượng điện bày theo từng cấp như sau: Tòa trên cùng là Tượng Tam thế;
tòa thứ hai là từ trên xuống là Tượng Di Đà Tam tôn (hay Tây phương Tam thánh);
tòa thứ 3 từ trên xuống là 03 pho Tượng được tạo để diễn tả quá trình tu luyện
của Đức phật Thích ca Mâu Ni ở ba thời kỳ, bên trái là Tượng Tuyết Sơn, ngồi
giữa là Tượng Thích ca sau khi tu luyện ở núi Tuyết không thành đã tìm ra được
lối tu hành đắc đạo; tòa thứ tư ở chính giữa là Ngọc Hoàng, chếch về phía sau
hai bên Tượng Ngọc Hoàng là hai vị Bồ Tát; tòa thứ năm là Tòa Cửu Long hai bên
cạnh là hai pho tượng Phạm Thiên và Đế Thích.
Chùa Phúc Khánh (chùa Hiền Quan), ngoài
phần thờ Phật là chính ở Tiền đường của chùa còn có một Cung thờ bà Thiều Hoa
Công Chúa một nhân vật lịch sử có thật mà theo sự tích lưu truyền thì trước khi
tham gia cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng thì bà Thiều Hoa đã từng tu niệm ở
chùa này (sự tích về bà Thiều Hoa đã được ghi lại trong phần sự kiện nhân vật
lịch sử ở Đền Hiền Quan).
Ths Nguyễn Thị Ngà tổng hợp