Trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng chống ách đô hộ của nhà Hán phương Bắc, có một nữ tướng tên là Thảo từng lập công xuất sắc và hy sinh vô cùng oanh liệt. Tướng Hương Thảo trở thành Ngọn đuốc sống diệt thù đầu tiên của lịch sử Việt Nam.
Cách đây gần 2000 năm, ở làng Bích Tràng, huyện Ân Thi, phủ
Khoái Châu (nay là thôn Bích Tràng, xã Tiền Phong, huyện Ân Thi) có một cô gái
nghèo nhưng xinh đẹp, giỏi việc đồng áng, đặc biệt có tài cắt cỏ. Tương truyền
cô cắt cỏ nhanh tới mức châu chấu bay không kịp chết hàng loạt, vì vậy mà cô có
tên là Thảo.
Trong làng có một tên nhà giàu mướn cô về cắt cỏ chăn trâu,
thấy cô xinh đẹp, hắn ép lấy làm thiếp nhưng cô không chịu, tìm cách trốn đi.
Thấy vậy tên nhà giàu trói cô vào chuồng trâu không cho ăn uống, mặc cho đói
rét và muỗi hành hạ. Ở gần đó có hai ông cháu nhà nghèo, ông tên là Bạch, cháu
tên là Nhật rất thương cô. Một đêm mưa to gió lớn, hai ông cháu lẻn đến cởi
trói và tìm cách giúp cô trốn thoát.
Bấy giờ Tô Định làm Thái thú cai trị nước ta, gây bao đau
thương tang tóc cho trăm họ. Hai Bà Trưng nổi dậy phất cờ khởi nghĩa ở Mê Linh.
Hào kiệt và người yêu nước theo về rất đông.
Cô Thảo tìm đến gia nhập đoàn nghĩa binh do danh tướng Thánh
Thiên chỉ huy, được Thánh Thiên trọng dụng, giao việc trông coi, cung cấp
"quân lương" cho đội quân voi, ngựa. Cô Thảo trở về quê cũ, cho dựng
nhiều trại cỏ, tuyển dụng các nữ binh cắt cỏ phục vụ nghĩa binh. Hai ông cháu
già Bạch có công cứu tướng ngày nào cũng tham gia vào đội quân cắt cỏ.
Đất nước sạch bóng quân thù. Hai Bà Trưng lên ngôi vua, mở hội
khao thưởng quân sĩ. Cô gái có tài cắt cỏ được gọi là Hương Thảo (nghĩa là cỏ
thơm) và được phong chức tướng quân, chuyên trách việc tổ chức các trại cỏ chăn
nuôi voi, ngựa.
Ba năm sau Mã Viện kéo quân sang xâm lược nước ta, các tướng
lĩnh đều ra trận, còn Hương Thảo vẫn ở lại Bích Tràng, ngày đêm lo cung cấp cỏ
cho voi, ngựa. Ở ngoài trận tiền, thế giặc mạnh, Hai Bà Trưng không chống nổi,
gieo mình xuống sông tuẫn tiết.
Đoán chắc bọn giặc thế nào cũng tới đây, Hương Thảo và hàng
trăm nữ binh chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Bọn giặc kéo đến, chúng bắt Hương Thảo
phải giao toàn bộ trại cỏ cho chúng. Hương Thảo vờ đồng ý, hẹn ngày đến giao nhận.
Đúng hẹn quân giặc kéo tới, chúng được Hương Thảo khao rượu
thịt no say, rồi lăn ra ngủ li bì. Tướng Hương Thảo cho đốt trại cỏ xung quanh
căn cứ, giặc trở tay không kịp bị chết rất nhiều. Hương Thảo và hai ông cháu
già Bạch cũng hy sinh trong trận này.
Xưa kia ở làng Bích Tràng có chiếc am nhỏ, thường gọi là
chùa Cỏ. Trong chùa có tượng bà Hương Thảo, tay cầm kiếm hiên ngang và hai ông
cháu già Bạch như đang chờ lệnh của bà. Hàng năm, cứ đến ngày mồng 8 tháng
Giêng âm lịch, nhân dân lại đến lễ chùa, kỷ niệm ngày Hương Thảo hy sinh.
Theo tục xưa, nhớ lại trận hoả chiến năm ấy, trước khi làm lễ,
dân làng thường đốt mấy nắm cỏ khô đặt trong đỉnh trầm, sau dùng lửa này châm
cho đèn hương như để truyền cho con cháu ngọn lửa truyền thống. Đáng tiếc ngôi
chùa Cỏ nay không còn nữa và vẫn chưa được phục dựng, tôn tạo lại.
Theo bút ký của Hoàng Thế Sinh trên báo Yên Bái điện tử, thần
tích làng Bích Tràng kể lại rằng
Trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng chống ách đô hộ của nhà
Hán phương Bắc, có một nữ tướng tên là Thảo từng lập công xuất sắc và hy sinh
vô cùng oanh liệt. Thảo quê làng Bích Tràng, nhà nghèo. Thảo có dáng cao lớn và
khoẻ mạnh hơn người. Mỗi lần Thảo ra đồng cắt cỏ thì hàng đàn chim bay theo hót
vang trời, rồi chúng thi nhau bắt cào cào, châu chấu, vì Thảo cắt cỏ nhanh đến
nỗi cào cào, châu chấu không kịp bay, bị đứt đầu la liệt, làm mồi cho chim.
Năm Thảo mười tám tuổi thì tên phú hộ trong làng muốn lấy Thảo
làm lẽ. Thảo không chịu liền bị tay chân của hắn bắt trói vào chuồng trâu, bỏ
đói mấy ngày liền. Một đêm mưa gió, hai ông cháu nhà bên - tên ông là Bạch, tên
cháu là Nhật – giúp Thảo trốn thoát, rồi tìm đến với nghĩa quân, xin đầu quân
bà tướng tiên phong Thánh Thiên của nhị vua Hai Bà Trưng.
Biết sức vóc và tài lao động của Thảo, bà Thánh Thiên liền
giao cho Thảo cùng ông cháu Bạch – Nhật trông coi và dựng thêm nhiều trại cỏ
cho nghĩa quân. Có tới gần năm trăm trại cỏ bao quanh một trại lớn, đều do các
nữ binh canh giữ, ngay trên đất Bích Tràng, một nơi rất thuận tiện cho giao
thông đường bộ và đường thuỷ. Kháng chiến chống giặc Hán, các trại cỏ của Thảo
đã góp công vào chiến thắng chung. Khi lên ngôi, Nhị vua Hai Bà Trưng đã phong chức
tướng cho Thảo và đặt cho bà tên mới là Hương Thảo – tức là Cỏ Thơm.
Ba năm sau, Mã Viện ồ ạt kéo đại quân sang chiếm nước ta.
Không chống cự nổi, Hai Bà Trưng phải trẫm mình tuẫn tiết ở Hát giang. Sau đấy,
tuỳ tướng của Mã Viện là Mã Hắc Trì tiến quân về trại cỏ, bức Hương Thảo phải
dâng trại cỏ cho chúng. Bà Hương Thảo liền lập mưu qui hàng và hẹn ngày giao nộp
trại cỏ cho giặc.
Đúng ngọ ngày mồng Tảm tháng Giêng, tuỳ tướng Mã Hắc Trì
nghênh ngang dẫn năm trăm quân vào trại cỏ, được già Bạch khoản đãi rượu thịt no
say. Đúng lúc ấy bà Hương Thảo ra lệnh cho bé Nhật nổi trống báo hiệu, nhất loạt
các nữ binh châm lửa khắp trại cỏ rồi rút ra ngoài. Lửa cháy ngút trời. Biết
không đường thoát, Mã Hắc Trì phải quì gối van lạy bà Hương Thảo mở đường sống,
nhưng bà đã rút gươm chém Mã Hắc Trì làm hai mảnh.
Lửa trại cỏ đã thiêu cháy tất tật lũ giặc cướp nước. Bà Thảo
cùng ông Bạch và cháu Nhật cũng hy sinh oanh liệt. Đời sau người ta đã dựng lên
ngôi chùa tại trại cỏ làng Bích Tràng, gọi là Chùa Cỏ, để tưởng nhớ công lao bà
Hương Thảo, cùng già Bạch, cháu Nhật và các nữ binh dũng cảm. Chùa Cỏ nằm giữa
vườn nhãn lồng sum suê bóng xanh mát, ngay bến sông Thi.
Ngày giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, Chùa Cỏ còn
là nơi làm việc bí mật của Trung ương Đảng và Chính phủ ta. Cạnh chùa phía Đông
có con Rùa Đá bị khoét một lỗ trên lưng. Nghe các cụ già kể xưa có hai con, vì
lí do gì đấy mà một con bò đi mất, một con bị kẻ xấu khoét lấy mất vật báu trên
lưng nên không bò đi được, đành nằm lại mãi mãi bên chùa.
Còn phía Tây ngôi chùa có một cây duối to, trên hốc cây đặt
một con Chó Đá, rất lạ, nay con Chó Đá biến mất, chỉ còn cây duối già lặng lẽ.
Ngày nay trên điện thờ của Chùa Cỏ, tượng bà Hương Thảo tay trái chống nạnh,
tay phải cầm gươm, trông thật oai phong lẫm liệt. Phía ngoài, tượng già Bạch quắc
thước với bộ râu trắng ba chòm, hai tay chắp vào nhau như đang chờ lệnh. Phía
trái là tượng bé Nhật mặt mũi khôi ngô, tay cầm trống có cán, tay kia cầm dùi
giơ cao như sắp truyền lệnh nổi lửa thiêu lũ giặc xâm lăng.
Như thế, sự hy sinh cao cả vì nước vì dân đã khiến bà
Hương Thảo, già Bạch, bé Nhật trở nên bất tử và hồn thiêng còn mãi cùng đất trời
sông núi nước Nam
Ths Nguyễn Thy Nga tổng hợp