Để giữ hòa hiếu với lân bang, An Dương Vương cử danh tướng Lý Ông Trọng đi sứ sang Tần thực hiện sứ mệnh ngoại giao. Tần Thủy Hoàng vời ông làm tướng, phong làm Tư lệ hiệu úy, thống lĩnh quân đội trấn giữ biên giới, quân Hung Nô kinh hồn bạt vía không giám xâm phạm nhà Tần, được phong Phụ tín hầu và gả con gái là Bạch Tĩnh Cung cho.
Đình Chèm được cho là có lịch sử lâu đời vào hạng nhất của
nước ta. Sử sách ghi cũng như truyền thuyết truyền lại cho biết Đình Chèm thuộc
làng Chèm, xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, TP. Hà Nội (nay là phường Thụy
Phương, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội). Nơi đây thờ Đức Thánh Huy Khang Thiên
Vương Lý Ông Trọng (Lý Thân hay Đức Thánh Chèm).
Ông sinh vào thời vua Hùng Vương thứ 18 tức Hùng Duệ Vương
(khoảng năm 260 TCN), là người trí dũng song toàn, cao lớn lạ thường, tính tình
hiếu nghĩa, cương trực được Hùng Duệ Vương tin dùng, phong chức Chỉ huy sứ thống
lĩnh quân đội Văn Lang.
Sau khi Hùng Duệ Vương nhường ngôi cho An Dương Vương, ông
cũng được trọng dụng, lúc này nhà Tần vừa thống nhất Trung Quốc do Tần Thủy
Hoàng làm hoàng đế sai quân sang xâm chiếm nước ta. Ông cùng các tướng phò tá
An Dương Vương đánh tan đội quân nhà Tần rất mạnh.
Để giữ hòa hiếu với lân bang, An Dương Vương cử ông đi sứ
sang Tần thực hiện sứ mệnh ngoại giao. Ngày ấy, Trung Quốc luôn bị quân Hung Nô
ở phía bắc uy hiếp, biết được uy danh của Lý Ông Trọng, Tần Thủy Hoàng vời ông
làm tướng, phong làm Tư lệ hiệu úy, thống lĩnh quân đội trấn giữ biên giới,
quân Hung Nô kinh hồn bạt vía không giám xâm phạm nhà Tần. Tần Thủy Hoàng cảm
phục, phong chức Phụ tín hầu và gả con gái là Bạch Tĩnh Cung cho ông.
Sau khi trở về nước, ông được nhà vua phong tước Đại Vương,
tiếp tục lập được nhiều công lớn. Tới khi ông mất triều đinh sắc phong là Thượng
Đẳng Phúc Thần hiệu là Huy Khang Thiên Vương, nhân dân tôn xưng là Đức Thánh
Chèm và lập đình thờ ở làng Chèm.
Thân thế và sự nghiệp của của Đức Thánh Chèm mang màu sắc
huyền bí, phần vì trải qua nghìn năm Bắc thuộc sử sách nước ta ở thời đó không
còn, những ghi chép về ông hoàn toàn là do đời sau biên soạn, phần vì sự hiển
linh của ông mang tính huyền thoại và được truyền miệng trong dân gian.
Truyền thuyết truyền rằng ông cao hai trượng ba thước (khoảng
7,7 mét), khi ông trở về nước, quân Hung Nô lại kéo quân uy hiếp nhà Tần, do
không vời được ông sang giúp nên vua Tần cho tạc pho tượng bằng đồng rất lớn,
có người ở trong điều khiển cử động tay chân như người thật đặt trên cổng thành
khiến quân Hung Nô nhầm tưởng ông lại sang Tần, khiếp hãi mà tự tan rã.
Uy vũ đến bực vậy cũng là xưa nay hiếm, đến khi mất đi ông
cũng thường hiển linh giúp nước, cứu dân. Khi quân Minh xâm lược nước ta, ông
cũng báo mộng cho Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn vào đất Lam Sơn, phò tá giúp
Bình Định Vương Lê Lợi đánh tan quân giặc.
Dù cho lịch sử ghi và truyền thuyết truyền lại có như thế
nào chăng nữa thì cũng khẳng định được rằng Lý Ông Trọng là có thật, nhân dân cảm
phục, hàm ân công đức của ông là có thật.
Việc lập đình thờ ông tại quê hương, ngàn năm tu bổ, thờ
cúng cho thấy rõ điều đó. Khi ông mất, dân làng chọn khu đất địa linh xây đình
thờ nhỏ để tưởng nhớ, đình được xây dựng tại bãi đất rộng, cổng đình hướng về
phía sông Hồng.
Trải qua ngàn năm ngôi đình là nơi linh thiêng, được nhân
dân thờ phụng, tu bổ, dọn lễ dâng tế. Đến năm 864, thời kỳ Bắc thuộc, Cao Biền
được cử sang làm An Nam đô hộ có loạn ở Tây Nam, Cao Biền được ông hiển linh
báo mộng ban việc trị bình nên rất cảm phục bèn cho sửa lại đình lớn hơn quy mô
cũ, tạc gỗ làm tượng, sơn son thiếp vàng gọi là đình Lý Hiệu Úy và cho người
cúng tế hàng năm.
Cũng theo lời người dân kể lại, tới thời Lê Trung Hưng (giai
đoạn 1533-1789) đình được đại trùng tu, xây dựng bề thế như ngày hôm nay nhưng
không có sử sách ghi lại xem có giữ nguyên kiến trúc như thời Cao Biền xây dựng
hay không.
Trước đây, Đình Chèm nằm ở phía trong đê sông Hồng nhưng
cách đây hơn 200 năm có sự kiện vỡ đê Chèm nên nhân dân cho đắp lại đê như ngày
nay và Đình Chèm nằm ở ngoài đê.
Vì ở ngoài đê nên vào những năm nước sông lên cao đình bị ngập,
ảnh hưởng tới sự vững bền của đình. Không yên lòng với việc đó dân ba làng
Chèm, Hoàng Xá, Liên Xá bàn nhau góp công góp của tổ chức nâng đình lên cao mà
kính cẩn gọi là Kiệu đình. Đây là công việc kỳ công, thể hiện sự thông minh,
khéo léo của người Việt. Thời điểm Kiệu đình cách đây đã hơn trăm năm (năm
1916), thời đó các kỹ thuật, công cụ dụng cụ để thực hiện công việc còn rất thủ
công, thô sơ.
Không những vậy, đình được xây dựng cách đó cũng vài trăm
năm nên không có móng liền khối, mỗi cột gỗ (là gỗ đinh) chống mái đình được dựng
trên một khối đá riêng biệt. Kỹ thuật Kiệu đình được thực hiện thế này. Đầu
tiên người ta đặt các thanh giằng giữa các cột gỗ, dùng đinh đóng thuyền (đinh
gỗ) đóng xuyên qua để cố định cột với thanh giằng, mục đích là tạo khối chân đế
vững chắc cho các cột.
Đình có 3 khối nhà riêng biệt tính từ ngoài vào là Nghi môn,
Đình, Cung, có tất thảy hơn 100 cột gỗ. Tiếp đến là sử dụng đòn bẩy, tại mỗi
chân cột gỗ được bố trí một đội thợ cầm sẵn đòn bẩy, theo tiếng gõ lệnh tất cả
các đòn bẩy cùng được bẩy lên một lúc.
Cũng cùng lúc đó, tại mỗi chân cột bố trí 1 người thợ đưa
viên gạch Bát Tràng vào khe hở vừa được tạo ra. Công việc cứ phối hợp nhịp
nhàng như vậy cho tới khi các cột được đưa lên chiều cao định trước. Kỳ công
này được thực hiện trong khoảng thời gian gần 1 năm, chiều cao đình được Kiệu
lên là 2,4m, một sự sáng tạo và nhẫn nại đáng khâm phục.
Đình Chèm còn được gọi khác là Đền Chèm, trong tín ngưỡng
dân gian phân biệt rõ và nhiều người cũng biết Đình là nơi thờ Thành hoàng làng
và Đền là nơi thờ Thánh. Nơi thờ Đức Thánh Chèm phải gọi đúng là Đền Chèm, cớ
sao tên Đình Chèm được dùng nhiều hơn, ngay cả trong cuốn thư giới thiệu đặt
ngoài Nghi môn cũng ghi đây là Đình Chèm?.
Đình thờ Đức Thánh Huy Khang Thiên Vương Lý Ông Trọng và vợ
ông là Hoàng phi Bạch Tĩnh Cung nhưng trong đình còn có hai ban thờ khác, một
ban thờ ông Nguyễn Văn Chất, tương truyền là một người thầy thuốc, một người
thân cận của Lý Ông Trọng, ông Nguyễn Văn Chất cũng chính là Thành hoàng làng
Hoàng Xá. Một ban thờ nữa thờ Thành hoàng làng Chèm là Phu Chiêu Linh Ứng Đại
Vương, trước đây ông được thờ tại Đình trong, phía trong làng Chèm nhưng không
hiểu vì lý do gì mà sau đó bài vị của ông được chuyển ra Đình Chèm, ngôi Đình
trong giờ cũng không còn nữa.
Có lẽ vì lý do có đến 2 vị Thành hoàng làng trong đó mà dân
gian thường hay sử dụng cả hai tên gọi đó chăng?. Sau khi Kiệu đình thành công,
dân làng mời Tiến sĩ Nghiêm Xuân Quảng viết văn bia cho đình, tiêu đề trên bia
được dịch ra là Bia đình Thụy Phương nhưng trong nội dung có tới 23, 24 từ dùng
từ đền, tấm bia hơn 100 tuổi vẫn còn cho đến ngày nay.
Lại nói lại việc năm 864 Cao Biền cho sửa lại đình lớn hơn
quy mô cũ, cho tạc tượng Đức Thánh Huy Khang Thiên Vương Lý Ông Trọng và bà
Hoàng phi Bạch Tĩnh Cung để cúng tế.
Sau nhiều lần trùng tu, hai pho tượng đó đã được hóa (chôn cất)
dưới đất phía sau Cung và thay thế bằng 10 pho tượng bằng gỗ trầm hương là tượng
ông Lý Ông Trọng, bà Bạch Tĩnh Cung, 6 người con của ông bà và 2 nàng hầu.
Hiện nay, cứ mỗi ngày sóc vọng tức ngày rằm, mùng 1 âm lịch hàng tháng đình có
mở cửa để nhân dân chiêm bái.
Cao Biền được cử sang làm An Nam đô hộ trong thời kỳ Bắc thuộc,
lúc đó có loạn ở Tây Nam, do sử sách không ghi lại nên không biết đó là loạn
gì, giặc giã quấy nhiễu dân chúng hay kháng chiến chống lại ách đô hộ.
Cao Biền được Đức Thánh Chèm hiển linh báo mộng ban việc trị
bình nên rất cảm phục. Chuyện này vẫn mang màu sắc huyền bí, với bọn giặc giã nhiễu
hại dân chúng, hiển nhiên Đức Thánh ban cho Cao Biền cách tiễu trừ, giúp ích
muôn dân.
Nhưng với quân kháng chiến, hẳn Đức Thánh thấy rằng thời cơ
chưa tới, thế giặc đang mạnh, dân ta còn yếu, vận nước chưa tới thời độc lập,
hưng thịnh và Ngài thấy nhẫn nại giữ hòa bình là phương cách tốt nhất để nuôi
dưỡng ý chí độc lập tự cường.
Sau đó chưa đầy trăm năm, năm 938, người con ưu tú của đất
Việt Ngô Quyền với trận chiến Bạch Đằng lịch sử đã đánh tan đạo quân xâm lược
Nam Hán do Hoàng Thao chỉ huy sang xâm chiếm nước ta, đánh dấu cho việc chấm dứt
hơn 1000 năm Bắc thuộc, bắt đầu thời kỳ độc lập ổn định của dân tộc. Nếu quả
như vậy thì đây là sự nhẫn của một bậc Thánh.
Đức Thánh Chèm trong tâm thức của những người con đất Chèm là người có
sức khoẻ phi thường, cao hai trượng sáu, uy nghi hơn người. Ngày xưa
Người bảo vệ bờ cõi giang sơn, ngày nay Người tiếp tục chở che cho những
người con làng Chèm. Tại đình Chèm hiện nay, bên cạnh ban thờ Lý Ông
Trọng là bàn thờ Bạch Tĩnh Cung công chúa – vợ của ông, đó cũng là lí do
vì sao trong những nghi lễ ở đình Chèm luôn có "Hai bà hộ giá”.
Đình Chèm năm 1930 qua tư liệu của Pháp.
Đình Chèm năm 2018. Gần như kiến trúc đình còn nguyên vẹn.
PGS.TS Trang Thanh Hiền cho rằng, “đình
Chèm ngày nay được xây dựng theo lối kiến trúc nội công ngoại quốc, tiền
nhị hậu công với đa dạng các hạng mục công trình, tạo nên một quy mô bề
thế. Bắt đầu là bốn trụ biểu đắp long, ly, quy, phụng, được dựng sát bờ
sông, được xem là nghi môn ngoại của đình. Tiếp đến là nghi môn nội,
thường được gọi là Tàu Tượng, là một tòa ba gian hai chái, mở ba cửa
lớn. Hai bên đặt ông quản tượng cưỡi voi, và ngựa chiến của đức thánh.
Theo ghi chép trên thượng lương thì nghi môn được trùng tu năm Cảnh Hưng
34 (1773).(1). Trải qua nhiều biến thiên lịch sử, nghi môn ngoại và
nghi môn nội vẫn giữ nguyên dáng vẻ. Dù nghi môn ngoại với 4 trụ biểu
tương đối lớn, khá lệch về kích thước trung bình so với nghi môn nội
nhưng lại vẫn hài hòa. Đôi câu đối trên trụ biểu có nội dung:
“Hoa di vọng biểu cao, đế khuyết do nghi đồng hữu ảnh/Miếu mạo nguy sơn trĩ, Phật tan tự tín thủy vô ba. Dịch nghĩa: Hoa
Di trông cột trụ biểu cao, cung vua còn tưởng như thấy bóng tượng
đồng/Đền miếu cao như núi lớn, bến phật tự ấy tin rằng không con sóng cả” (2).
4 trụ biểu tam quan ngoại làm uy nghi thêm ngôi đình.
Đình Chèm không có 1 phương đình như các ngôi đình khác, mà ngoài phương
đình ở chính giữa, còn có 2 nhà bia ở hai bên có kết cấu dạng hình
vuông nên được gọi là tiểu phương đình. 2 tiểu phương đình này ngoài
chức năng là nhà bia thì vào dịp lễ hội, người ta căng nhiễu, vải đỏ kín
để để rước tượng đức thánh ông và đức thánh bà ra làm lễ mộc dục.
“Không chỉ tòa phương đình được dựng theo kiểu thức chồng diêm hai tầng
tám mái, mang biểu tượng lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát
quái, mà hai tiểu phương đình hai bên cũng chính là thể thức kiến trúc
nhấn mạnh thêm cho ý nghĩa này”
Quang cảnh một buổi thực hiện nghi lễ mộc dục tại tiểu phương đình năm 2018
Bái đường và trung đường có kết cấu hình
chữ nhị được nối liền nhau. Từ bái đường đến hậu cung tạo thành kiểu
kiến trúc thống nhất, từ ngoài vào trong.
Ở Bái Đường, đình Chèm có hệ thống hoành
phi câu đối cổ, nội dung phong phú, đa dạng, chữ viết đẹp như các bức
hoành phi: Càn khôn chung tú (Trời đất hun đúc tinh anh), Nhật nguyệt
hợp minh (Cùng hợp ánh sáng vầng nhật nguyệt), Danh văn Nam Bắc (Tiếng
lừng Nam- Bắc), Uy chấn Hoa di (Uy của Ngài) chấn động Hoa di.v.v..
Đặc
biệt là bức hoành phi tại nhà đại bái: Càn khôn đoan nghê. ( Đầu mối càn
khôn (đất trời)). Bức hoành phi có dòng lạc khoản: “Long phi Canh Thìn
quý thu cát đán. Thiên triều Hậu tuyển Quân dân phủ Tiển Diệu Quang
giai nam Trạch Huy, Chiếu Huy đồng kính thù.”.
Các tác giả sách Di sản
Hán Nôm đình Chèm dịch: “Ngày lành
cuối thu Long Phi năm Canh Thìn (1820?/1880?). Thiên triều Hầu tuyển
Quân dân phủ, Tẩy diệu quang giai nam: Trạch Huy, Chiếu Huy cùng kính
dâng” (3). Trong đó “Tẩy diệu quang” được chú thích: “có thể là địa
danh, hoặc tước hiệu. Tồn nghi”.
Trao đổi với dịch giả Châu Hải Đường,
người vừa hoàn thành công việc hiệu chỉnh bộ tiểu thuyết đồ sộ Đông Chu
Liệt quốc, chúng tôi xin tạm đưa ra hướng giải quyết vấn đề còn tồn
nghi này. Theo ông Châu Hải Đường, dòng lạc khoản nên dịch là: Hậu tuyển
Quân dân phủ Tiển Diệu Quang người Thiên triều (nhà Thanh), cùng con
trai là (Tiển) Trạch Huy, (Tiển) Chiếu Huy cùng kính tạ. Lưu ý chữ 洗 có
âm đọc Tẩy nhưng ở đây là họ tên người, thì nó có âm đọc là Tiển. Tiển
Diệu Quang là nhân danh.
Như vậy, cách giải thích Tiển Diệu Quang là họ - tên, nhân danh một người hoàn toàn có cơ sở.
Bức hoành phi Càn khôn đoan nghê và dòng lạc khoản có chữ Tiển Diệu Quang
Đình Chèm có nhiều mảng chạm độc đáo. Một bài thơ chữ Hán có tựa đề “Tứ
linh thí (Thơ về tứ linh)” được nâng niu trong mây và phượng. Phía trên
là hình ảnh một con rồng đang phun nước cho cá vượt vũ môn. Bài thơ có
câu: Vật điềm lành thay nhau trở lại có tứ linh/ Đành nhờ việc điêu khắc
để thể hiện rõ vẻ văn minh ấy. (…) Kính ngưỡng ân đức vô cùng phù
trì/Lại nối lời chim âu chim le vịnh khúc thái bình . Giữ vững cơ đồ .
(4)
Mảng chạm bài “Tứ linh thi”.
Năm 1916, trước nguy cơ lụt lội, dân làng Chèm đã kiệu đình lên cao thêm 2.4m bằng phương pháp thủ công.
Dấu
tích kiệu đình năm 1916 còn lưu nguyên trên tường ngôi đình. Những viên
gạch cũ, vữa cũ có màu khác với viên gạch, vữa sau khi kiệu đình, dù sự
kiện đã trải qua hơn 100 năm.
Thụy Phương đình bi kí (Bia đình Thụy Phương) do tiến sĩ Nghiêm Xuân Quảng, soạn năm 1917 viết :
“Nước càng văn minh thì người càng biết
yêu nước tổ, càng biết yêu nước tổ thì càng phải nhớ người xưa, nhớ sinh
kính, kính sinh thờ; thờ phải có tượng, có đền. Người trước làm, người
sau sửa, đều bởi phụng sùng bái anh hùng mà ra. Một nước thế các nước
cũng đều thế. Nước ta trên dưới hơn bốn nghìn năm, đệ nhất anh hùng xuất
hiện ra làm cho nòi giống mình vẻ vang, sử sách mình rõ ràng, không ai
hơn Đức thánh Chèm.(…) ngài đẻ sinh nước ta mà công nghiệp ở cả nước
Tàu, chẳng khác gì một ngôi sao mọc ở phương nam mà soi sáng phương
bắc.(5)
Tưởng nhớ công ơn của đức Thánh Chèm, khoảng 6 đời
trước, một người thợ mộc (là cụ ngoại của người trông nom đình hiện nay)
đã dành hơn 3 năm, tự mua gỗ, tự đục, chạm hương án để cung tiến vào
đình.
Đến nay, có thể nói đó là một trong những hương án đình đẹp nhất, dù được làm vào thời Nguyễn.
Lễ hội đình Chèm được tổ chức hàng năm vào 14 đến 16/5 âm lịch. Đây cũng là một lễ hội độc đáo của miền Bắc.
Chú thích:
(1) UBND phường Thụy Phương: Di sản Hán Nôm đình Chèm. NXB Thế giới. HN 2015, trang 85.
(2) Di sản Hán Nôm đình Chèm, sách đã dẫn, trang 80
(3) Di sản Hán Nôm Đình Chèm, sách đã dẫn, trang 168
(4) Thụy Phương đình bi kí . Tư liệu
văn hiến Thăng Long - Hà Nội. Tổng tập văn khắc Hán Nôm..TS. Phạm Thùy
Vinh chủ trì. NXB Hà Nội 2010. Trang 1128
Nguyễn Học