Danh tướng Trương Tử Nương (Nàng Tía), tước phong Đô Đốc thủy quân, năm 43 chỉ huy hải đội chiến đấu nhiều trận oanh liệt với Hán quân Mã Viện, hy sinh anh dũng trên cửa bể Thần Phù thuộc tỉnh Ninh Bình.
Nàng Tía quê ở Vĩnh Ninh, xưa là trang Vĩnh Hưng (nay thuộc
xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì). Trang Vĩnh Hưng có thời Hùng Vương.
Truyền thuyết kể lại rằng nơi đây có hai vị tướng là hai anh
em sinh đôi là ông Rắn và ông Đất còn có tên là Xà Công và Địa Công. Hai ông
thường tham gia dẹp giặc thời vua Hùng. Đến thời Hai Bà Trưng hai ông đã âm phù
trong trận đánh thắng Tô Định.
Từ thị trấn Văn Điển, qua làng Quỳnh Đô, đi hơn một kilômét
nữa là đến làng Vĩnh Ninh (thời Hùng Vương gọi là trang Vĩnh Hưng, sau đổi gọi
Vĩnh Đặng) nay thuộc xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì. Làng Vĩnh Ninh nằm giữa
vùng tụ cư của người Việt cổ. Năm 1962, tại làng Huỳnh Cung (xã Tam Hiệp) ở bên
cạnh đã tìm thấy trong lòng đất nhiều đồ đá, đồ gốm là dụng cụ của người Việt sống
cách đây từ 4000 năm.
Tại trang Vĩnh Hưng, ngày 12 tháng Giêng năm Ất Dậu (năm 25)
danh tướng nàng Tía (còn có tên gọi là Trương Tử Nương). Tương truyền, bà mẹ nằm
mộng được thần tặng hoa sen mà sinh ra nàng. ít lâu sau, cả cha và mẹ đều mất,
nàng ở với người cô ruột. Lớn lên, nàng Tía có dung mạo xinh tươi, lanh lẹn
khác thường, tinh thông võ nghệ.
Hai Bà Trưng đánh tan quân Tô Định, lên ngôi vua, đóng đô ở
Mê Linh. Một ngày kia, Vua Bà đi tuần thú các nơi trong nước, thấy trang Vĩnh
Hưng đất rộng, cảnh đẹp, dừng chân nghỉ dưới gốc đa xóm Giang. Tại đây vua
Trưng gặp cô gái 15 - 16 tuổi là Nàng Tía đang gánh nước ở giếng gần đấy, vua
bèn cho gọi đến hỏi chuyện.
Cảm mến tài trí của cô gái trẻ, vua đưa nàng về giúp việc
trong triều, nhận thấy Nàng Tía nhanh nhẹn, hiểu biết, ứng đối linh hoạt, lại
giỏi võ nghệ, Vua Trưng sắc phong làm tướng chỉ huy. Nàng Tía tuyển mộ được hơn
2000 quân và trực tiếp chỉ huy.
Năm 43, nhà Hán cử Phục ba tướng Mã Viện sang phục thù, xâm
lược đất nước ta, Nhị vua Hai Bà Trưng cùng các tướng lĩnh khởi binh chống lại,
dù giành được một số thắng lợi ban đầu, nhưng do quân Hán đông, tướng lĩnh dày
dạn kinh nghiệm chinh chiến nên lực lượng Lĩnh Nam dần yếu thế.
Quân thù kéo tới vây hãm, mở nhiều đợt tấn công. Quân ta
kháng cự quyết liệt nhưng thương vong lớn, dần rơi vào thế bất lợi, bị bao vây
truy đuổi. Mở đường máu Nhị vương Hai Bà Trưng và các nữ tướng Lê Chân, nàng
Tía, lão tướng Đô Dương đem lực lượng còn lại rút theo hai đường thủy, bộ. Đường
thủy theo sông Tích ra sông Đáy. Bảo toàn khí tiết, Nhị vương Hai Bà Trưng gieo
mình xuống sông tự tận.
Nữ tướng Lê Chân tiếp tục cùng thủy binh xuôi về nam đồng bằng
sông Hồng. Đạo quân của danh tướng Đô Dương, nàng Tía rút theo đường thượng đạo
đi len lỏi dưới chân dãy núi đá vôi 99 ngọn từ Ba Vì, Hòa Bình vào đất hai huyện
Kim Bảng, Thanh Liêm (gọi là dãy Nam Công) rồi qua Ninh Bình vào Cửu Chân
(Thanh Hóa). Nàng Tía chiến đấu ác liệt với quân Mã Viện nhiều trận.
Tháng 2 năm Quý Mão (43), biết tin Hai Vùa Bà đã tuẫn tiết
trên sông Hát, danh tướng Nàng Tía vẫn cùng quân sĩ chiến đấu. Tháng 10 năm ấy,
Mã Viện cho quân truy đuổi lão tướng Đô Dương (danh tướng của Hai Bà) đang rút
vào Châu Ái. Khi đoàn thuyền giặc xuôi sông Đáy, vừa tiến ra cửa biển Thần Phù
(thuộc tỉnh Ninh Bình) đã gặp ngay sự kháng cự quyết liệt của đội quân do nàng
Tía chỉ huy, buộc chúng phải dừng lại nơi đây hàng tháng, yểm trợ các đội quân
còn lại của Nhị vua Hai Bà Trưng và danh tướng Đô Lương rút lui vào Thanh Hóa
an toàn.
Ngày 13 tháng Mười một năm Quý Mão, trong trận chiến ác liệt
cuối cùng tại của Thần Phù, giữa binh lực dày đặc của quân Hán, sóng to gió cả,
“Nàng Tía đã hoá giữa cơn mưa gió nổi lên khiến đất trời mờ mịt” (lời ghi trong
thần tích).
Sau ngày nàng Tía mất, dân thương nhớ lập đền (đình) thờ.
Nay ở hậu cung đình có ba ngai thờ. Ngai chính giữa thờ Nàng Tía, ngai bên trái
thờ ông Rắn, ngai bên phải thờ ông Đất (Bạch Xà và Thổ Địa cũng có tên là Xà
Công và Bạch Công) là hai anh em sinh đôi ở làng, từng có công dẹp giặc Ma Lôi
và Xích Tị, có trước giặc Ân.
Hiện nay tại thôn đình Vĩnh Ninh, cả ba vị thần đều được
thờ, ở giữa Nàng Tía, bên trái là ông Rắn, bên phải là ông Đất. Làng còn có
nghè ở xóm Giang bên cạnh chiếc giếng đánh dấu chỗ Nàng Tía lần đầu gặp vua
Trưng, được vua ân cần hỏi chuyện và sau đó vời về triều phong cho làm tướng. Một
trong những câu đối còn ghi ở đình thôn nêu sự nghiệp hiển hách của ba vị thần
trong đó có nữ tướng tuổi trẻ Nàng Tía đã gan dạ chống lại quân Mã Viện:
Phiên âm:
Sinh ứng xương kỳ, hiệp tán Hùng gia song hiển thánh.
Triệu bằng tiền mộng, dực phù Trưng thế nhất anh thư.
Dịch nghĩa:
Thời thịnh đản sinh, phù triều Hùng hai ngôi hiển thánh.
Mộng xưa ứng triệu, giúp vua Trưng một vị anh thư.
Từ ngàn năm trở lại đây, người Vĩnh Ninh luôn chăm chút giữ
gìn các di tích có liên quan đến nàng Tía. Trên gò đất cao thoáng ở đầu làng,
nơi Hai Bà Trưng đến thăm nay vẫn có cây duối cổ thụ. Và cả cái giếng đất,
tương truyền, nơi nàng Tía thường ra gánh nước, nay vẫn còn đó. Hơn 10 năm trước,
dân làng góp công góp gạch xây tường bảo vệ di tích 500m2 này.
Đình Vĩnh Ninh - ngôi đình rất đẹp của Hà Nội.
Kiến trúc: Đình làng
Vĩnh Ninh nhìn về một cái hồ hình chữ nhật khá rộng ở hướng đông-bắc, được coi
là thế đất đẹp. Trước đình có một sân gạch to kéo dài tới tận con đường làng chạy
ven hồ. Sân này mới được tôn cao, làm cho hai cổng bên bị hạ thấp đến mức người
lớn phải cúi đầu mới qua được và các phù điêu bị chìm xuống đất đến một nửa.
Tam quan xây kiểu nghi môn với hai trụ biểu làm cổng chính ở
giữa hai cổng bên, phía trước có bình phong đơn giản. Sau cổng chính là một
phương đình xây kiểu chồng diêm hai tầng tám mái, hai bên là sân tả, hữu mạc.
Tòa đại bái rộng năm gian hai dĩ, bên trong có những hàng cột lim to kê trên đá
tảng chạm hoa sen. Hậu cung ba gian kết nối với đại bái theo hình chuôi vồ.
Tòa đại đình 7 gian với những hàng cột gỗ lim lực lưỡng kê
trên đá tảng chạm hoa văn. ở các đầu kẻ có tạc nổi hình con rồng
tre, các bức cốn chạm cửu long tranh châu, nét chạm hết sức tinh xảo. Phía trước
đại bái là tòa phương đình làm kiểu chồng diêm 8 mái, các góc mái có đầu đao
cong tạo dáng mềm mại cho kiến trúc.
Đình Vĩnh Ninh còn giữ được bản thần tích kể về bà Tía “Đệ
nhất nữ vương thần nữ”, Đáng quý nhất là còn lưu giữ được một cuốn ngọc phả và
23 sắc phong, gồm từ niên hiệu Cảnh Hưng (cuối thế kỷ 18) đến Duy Tân (đầu TK
20), đặc biệt trong đó có một đạo sắc ghi niên đại Cảnh Thịnh (1793-1801) của
triều Tây Sơn. Nhiều hoành phi câu đối và hàng trăm đồ tế khí có giá trị.
Các đầu kẻ, bức cốn đều là những tác phẩm điêu khắc mang phong cách dân gian.
Tuy nhiên hiện nay phần lớn các vật liệu gỗ, gạch đã bị thời gian làm cho cũ
nát và hư hỏng. Nhân dân Vĩnh Ninh đang phải kêu gọi quyên góp tiền của để
trùng tu đình.
Lễ hội Nàng Tía
Hằng năm, hội đình Bà Tía diễn ra từ ngày 8 đến ngày 10
tháng hai. Buổi chiều mồng 8 có rước tả hữu nhập điện.
Ngày 08/2: Buổi sáng, mở đầu lễ hội, các vị cao niên dâng
hương ở đình. Tiếp theo, nhân dân trong làng dâng hương lễ Thánh.
Buổi chiều, lễ rước tả hữu nhập điện được tổ chức. Đám rước
bên tả xuất phát từ nơi thờ Xà Công, Thổ Địa. Ở ngoài đình đám rước bên hữu xuất
phát từ gò nơi Hai Bà Trưng ngự giá, gọi là gò Giá Ngự (nơi Bà Trưng gặp Nàng
Tía). Đô khiêng kiệu là những thôn nữ tuổi 18, 20, đầu vấn khăn nhung, áo dài
nâu non, thắt lưng hoa lý.. Đi đầu hai đám rước là đội múa rồng, múa sư tử, cờ
ngũ hành, long đao, rồi trống, chiêng, thanh la, đồng văn múa sênh tiền, phường
bát âm, đội rước kiệu long đình. Tiếp theo đội kiệu long đình là các cụ trên
tám mươi tuổi mặc quần áo đỏ và các cụ trên bảy mươi tuổi mặc áo xanh, đen.
Hai đám rước đi đến đâu, chiêng trống vang lừng đến đấy. Ở
các ngõ nhỏ, dân làng bày bàn thờ vái vọng khi kiệu Thánh đi qua. Khi hai đám
rước tả, hữu đã về đến sân đình, theo hiệu lệnh, kiệu Thánh được đưa về ngự
trong đình. Đến xế chiều, đội tế nam làm lễ tế ngoại án.
Ngày 09/2: Lễ hội được bắt đầu từ sáng với lễ rước oản lên
chùa Vĩnh Ninh và lên đình Vĩnh Ninh của các cụ bô lão và nhân dân trong làng.
Sau đó, lễ tế nội án được thực hiện bởi đội tế nam. Buổi chiều, nhân dân và du
khách thập phương về dâng hương lễ Thánh.
Ngày 10 – 11/2: Buổi sáng, đội tế nam tế nội án, sau đó đội
dâng hương nữ hành lễ. Chiều, đội tế nam, tế nữ của các làng lân cận và du
khách thập phương vào lễ Thánh.
Ngày 12/2: Lễ rước tả, hữu hoàn cung được diễn ra từ sáng sớm
đến gần trưa. Kết thúc lễ hội là màn tế giã hội do đội tế nam hành lễ. Khi hai
đám rước tả, hữu về đến sân, theo hiệu lệnh, các đô cùng đưa kiệu thánh vào ngự
trong đình. Sau đó, tại sân và hồ nước trước đình diễn ra các trò chơi như chọi
gà, đấu vật, đi cầu kiều đập niêu...
Một số hình ảnh lễ hội Đình Bà Tía
Theo một khảo sát, từ xưa tới nay, những ngày vào đám, khắp
làng Vĩnh Ninh đâu cũng rộn tiếng nói cười. Những người con của làng, đi làm ăn
nơi xa, khi làng mở hội cũng tụ về và theo gương Bà Tía họ trả nghĩa cho quê
hương bằng những thành tích lao động.
Các cô gái ở Vĩnh Ninh dù lấy chồng làng hay lấy chồng thiên
hạ đều đến đình dâng hương và về thăm người đã sinh thành dưỡng dục mình. Thế
là từ đường to, ngõ nhỏ, cha nào con đấy, vợ nào chồng ấy tíu tít đội lễ về biếu
bố mẹ. Có thể lễ vật không lớn nhưng đáng quý là ở lòng thành kính. Và vì thế,
trong đời sống hằng ngày họ luôn sống hiếu thảo, gìn giữ cho gia đình đầm ấm,
hòa thuận. Đây cũng là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Vĩnh Ninh.