Dưới cờ của Nhị vương Hai Bà Trưng, anh thư hào kiệt Đức Lý Vua bà đất Phủ Lý lập nhiều chiến công cho cuộc chiến giành độc lập, đền nợ nước, trả thù nhà.
Làng Tái Kênh (xã Đinh Xá, Phủ Lý) có một ngôi đền cổ mà bao
đời nay dân trong làng vẫn thành kính, quen gọi đền Nhà Bà. Ngôi đền nhỏ bé,
khiêm nhường quần tụ giữa chòm xóm làng quê bình dị, ít người biết đến, thưa
khách viếng thăm nhưng ẩn chứa trong đó một câu chuyện lịch sử đậm màu huyền
thoại, giàu chất nhân văn và ắp đầy niềm tự hào của người dân nơi đây.
Theo
bản ngọc phả mà các cụ cao niên trong làng còn lưu giữ, thời Tây Hán ở xã Tái
Kênh, huyện Bình Lục (nay là Tái Kênh, Đinh Xá, Phủ Lý) có vợ chồng ông bà Nguyễn
Thư, Trần Thị Chất vốn dòng dõi hào kiệt, ăn ở hiền lành, đức độ, hay làm điều
thiện, cứu giúp kẻ khó.
Vào
một ngày giữa kỳ nắng hạ năm Canh Thìn, bà Trần Thị Chất sinh được cô con gái
vô cùng xinh đẹp, ông bà mừng vui khôn xiết bèn đặt tên là Nguyễn Thị Quỳnh
Trân.
Theo
năm tháng trưởng thành, Quỳnh Trân tìm thầy theo học, chữ nghĩa, binh thư thông
thuộc, cầm, kỳ, thi, họa đều biết, cưỡi ngựa, bắn cung, múa kiếm giỏi giang hơn
người. Là phận nữ nhi mặt hoa, da phấn nhưng Quỳnh Trân bản lĩnh không khác một
trang nam kiệt.
Đất
nước có loạn ngoại xâm, quan quân Thái thú Tô Định bạo ngược gây cảnh chết
chóc, lầm than khắp nơi. Nghe tin con gái gia đình hào kiệt Nguyễn Thư đất Tái
Kênh, Bình Lục tài sắc vẹn toàn, Thái thú Tô Định rắp tâm lấy về làm thiếp.
Bị
gia đình một mực từ chối, Tô Định hèn hạ tìm cách ngấm ngầm hãm hại hào kiệt
Nguyễn Thư. Bà Trần Thị Chất lo lắng, muộn phiền về cái chết của chồng sau đó
ít lâu cũng lâm bệnh qua đời.
Xót
thương phụ mẫu, mang mối thù nhà, nợ nước khôn cùng, mười sáu tuổi Quỳnh Trân đứng
lên chiêu mộ quân binh, đắp thành, dựng lũy ngay tại quê nhà Tái Kênh, ngày đêm
luyện tập võ nghệ, tên cung, nghiên cứu binh thư… mưu cầu việc lớn.
Hào
kiệt xa gần nghe tiếng, cảm phục theo về ủng hộ, phù giúp ngày một đông. Dân
chúng trong vùng phấn khích, nể trọng, thuận lòng, đồng thanh suy tôn người con
gái tài cao, chí lớn quê mình là Đức Lý Vua bà.
Nghe
tin Nhị chúa Mê Linh Trưng Trắc, Trưng Nhị dựng cờ khởi nghĩa ở vùng Hát Giang,
Quỳnh Trân cả mừng, hào hứng đem quân về tụ nghĩa. Dưới cờ của Nhị vương Hai Bà
Trưng, anh thư hào kiệt Đức Lý Vua bà đất Phủ Lý lập nhiều chiến công cho cuộc
chiến giành độc lập, đền nợ nước, trả thù nhà.
Sau
khi hội binh, hợp lực cùng Hai Bà Trưng tiến đánh quân Tô Định, lập nhiều công
lớn, lấy lại được tất cả 65 thành trì, người con gái anh hùng quê hương Tái
Kênh được Trưng Vương phong là Quỳnh Trân công chúa, ban thưởng trọng hậu và
cho trở về lập thực ấp ở Bình Lục.
Trả
xong nợ nước, thù nhà, vâng mệnh Trưng Vương, Quỳnh Trân công chúa xa giá về
quê hương Tái Kênh. Dân chúng trong vùng hân hoan hành lễ đón mừng và nhất tâm
nhận làm thần tử.
Quỳnh
Trân công chúa vui vẻ nhận lời, rồi tìm lại đúng nền đất gia tộc, trước sửa biện
lễ vật thành kính dâng cúng tổ tiên, báo hiếu cha mẹ, sau mở đại tiệc mừng thắng
lợi, khao thưởng quân binh, thết đãi họ mạc, dân làng.
Tiếp
đó, Quỳnh Trân Công chúa cho miễn trừ thuế khóa, khoan sức dân, lại ban thưởng
vàng bạc để trăm họ Tái Kênh mua ruộng, ao tốt làm đất công bảng. Hết lòng chăm
lo cho dân chúng, Quỳnh Chân công chúa nhất mực chuyên tâm lấy đức độ, nhân
nghĩa để gây dựng mối hòa thuận trên dưới đồng lòng, dốc tâm huyết, khoan dung
để bồi đắp thuần phong, mỹ tục.
Trong
vòng mấy năm, phủ nội thanh bình, trăm họ dân chúng ấm no. Tin lành đồn xa, nơi
triều chính Trưng Vương biết chuyện càng hết mực yêu quý, trọng dụng Quỳnh Trân
công chúa.
Cuộc
sống bình yên mới được tròn ba năm thì Mã Viện lại hùng hổ đem quân sang xâm lược,
báo thù nỗi nhục bại trận. Quỳnh Trân công chúa đem quân tiếp viện, hợp lực
cùng Trưng Vương chống giặc. Trước thế địch mạnh, sau mấy tháng bất phân thắng
bại, lương thảo cạn dần, binh sĩ ốm đau, mất thế thượng phong Trưng Vương cho
quân lui về trấn giữ thành Cấm Khê.
Khi
thành Cấm Khê bị vây hãm, Trưng Vương cùng quân sĩ quyết chiến phá vây
nhưng bất thành, thế cùng đành tháo lui về Hát Giang rồi gieo mình tự vẫn. Còn
Quỳnh Trân công chúa, sau khi được lệnh lui quân, bèn cùng quân bản bộ rút về
núi Phật Tích (nay thuộc Tiên Du, Bắc Ninh) quyết chống cự đến cùng.
Lâm
vào thế nguy, bị quân Mã Viện truy đuổi, Quỳnh Trân công chúa rút gươm tự vẫn,
bảo toàn khí tiết. Hôm đó là ngày 5 tháng 8. Dân chúng Tái Kênh nghe tin dữ vô
cùng thương tiếc bèn lập dựng ngôi đền ngay trên nền đất bản doanh mà Quỳnh
Trân công chúa xưa kia chiêu mộ quân binh, rồi thành kính suy tôn thần hiệu
"Đô Đức Lý Vua Bà Quỳnh Trân công chúa" để phụng thờ.
Đền
Nhà Bà, làng Tái Kênh, xã Đinh Xá (TP. Phủ Lý). Ảnh: Đan Vũ
Nhiều
triều đại phong kiến sau này, vì cảm phục nghĩa khí Trưng Vương và các danh tướng
dưới thời nên đều phong ban mỹ tự, sức cho dân chúng các vùng trùng tu miếu điện,
đời đời ghi nhớ. Quỳnh Trân công chúa được phong sắc và ban mỹ tự "Xuân
Hoa Phương Dung Gia Hạnh Ngọc Nữ".
Dân
làng Tái Kênh nghe tin bèn lập tức cử người lai kinh xin rước sắc phong về đền
lưu giữ để muôn đời cháu con được tường tận gốc tích và đồng tâm tôn vinh, phụng
thờ. Từ đó, mọi cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng hanh thông, tươi tốt đều
được linh ứng. Nhiều triều đại phong kiến sau này còn truy phong "Thượng đẳng
phúc thần".
Nền
đất cũ của gia tộc hào kiệt Nguyễn Thư, Trần Thị Chất thân sinh ra Quỳnh Trân
công chúa nằm ở phía đông nam làng Tái Kênh, nay vẫn còn dấu tích khẩu giếng cổ
quanh năm đầy nước.
Đền
thờ Quỳnh Trân công chúa (còn có tên đền Ngọc Nữ) mà dân làng Tái Kênh xưa nay
vẫn quen gọi "Đền Nhà Bà" tọa trên thế đất đẹp, đúng nơi bản doanh nữ
tướng chiêu mộ quân binh, nay quần tụ giữa xóm dân cư bình yên của quê hương
công chúa. Điểm đặc biệt độc đáo của đền Nhà Bà là có hai cung trong, ngoài được
bài trí y hệt nhau. Cung trong thờ Đô Đức Lý Vua Bà - Quỳnh Trân công chúa;
cung ngoài thờ gia tiên thân sinh ra Vua Bà.
Không
biết có phải đây là nguyên do mà dân làng Tái Kênh bao đời nay luôn gọi ngôi đền
thờ Quỳnh Trân công chúa bằng cái tên nôm na và gần gũi, dân dã "Đền Nhà
Bà". Gia tộc hào kiệt Nguyễn Thư, Trần Thị Chất hiếm muộn chỉ có duy nhất
mụn con gái lại là một trang liệt nữ anh hùng, xả thân vì nghĩa lớn.
Dòng
tộc không người nối dõi, gia tiên không người thờ cúng, vậy nên dân chúng Tái
Kênh dẫu ở đất chiêm trũng nghèo khó, "ít bãi, hẹp đồng" nhưng giàu
lòng nhân hậu, vẹn tròn tình nghĩa, hiếu đễ trước sau muốn thành tâm chăm lo
chu tất việc khói hương thờ cúng, làm tròn nghĩa vụ thiêng liêng với bậc tiền
nhân đã dốc lòng vì dân, vì nước.
Và
cũng bởi vậy nên hằng năm, vào ngày 13 tháng 6 (ngày sinh) và mùng 5 tháng 8
(ngày Đô Đức Lý Vua Bà hóa thánh) dân các dòng họ của giáp Đông, giáp Tây làng
Tái Kênh cùng khách thập phương lại thành kính sửa biện lễ vật dâng cúng, tế lễ
rất chu tất, trọng hậu.
Bây
giờ, nếu có ai đó về thăm, đi qua cổng làng Tái Kênh một quãng đường ngắn là đến
ngay ngôi đền đặc biệt đó- Đền Nhà Bà. Trước đền có khuôn giếng đẹp, quanh năm
lúc nào cũng ăm ắp nước.
Quanh
đền, cây cối cổ thụ bốn mùa tỏa bóng mát thanh bình. Đền Nhà Bà nhỏ bé, khiêm
nhường quần tụ giữa chòm xóm quê hương sẽ mãi là chứng nhân truyền kể câu chuyện
lịch sử, văn hiến về người liệt nữ anh hùng, câu chuyện ắp đầy niềm tự hào của
người dân quê hương Tái Kênh giàu lòng thủy chung, nhân nghĩa.
Thế
Vĩnh
Nguồn: Báo điện tử Nam Hà