Trong những danh tướng của Nhị vua Hai Bà Trưng có hai vị danh tướng, là hai chị em ruột ở làng cổ Đường Lâm, dấy binh ở trang Văn Lang trên dòng sông Thao. Hai danh tướng đã giành được chiến công hiển hách trong trận đánh thành Lũy Lâu Bắc Ninh và được thờ phụng tại Đền Nghè – Văn Lang.
https://www.facebook.com/thynga.nguyenhoangThần tích kể lại rằng: Ở làng Mía có vợ chồng ông Lê Tuân và bà Đặng
Thị Sách, ông bốc thuốc bà làm ruộng, ăn ở hiền lành, cuộc sống đầy đủ, chỉ
hiềm vỉ nỗi muộn con. Nghe người nơi xa đến xin thuốc mách bảo, hai ông bà cất
công qua bến lặn rừng ngày đi đêm nghỉ tìm đến trang Văn Lang xứ Thao Giang để
cầu tự.
Trang Văn Lang nằm bên sông Thao, dựa lưng vào núi, dân cư đông đúc
có bến có chợ, là nơi các xứ qua lại để trao đổi hàng hóa, nào thóc lúa, lợn
gà, móc mây, củ nâu, gỗ v.v... Đây cũng có một trạm kiểm soát của giặc Hán, với
một viên đầu mục, một viên quan thuế, hai viên lại và mười hai tên lính để kiểm
soát đường sông và quản lý bến chợ v.v...
Vợ chồng Lê Tuân tìm vào các xóm chân núi ven rừng, nhờ người địa
phương chỉ giúp, mới thấy một tòa miếu nhỏ tường gạch mái lá nằm ẩn dưới bóng
đa cổ thụ. Cứ theo dân đây kể thì miếu này thờ một bà chúa là người đã lập ra
trang Văn Lang này, chỉ biết bà họ Hoàng, còn tên húy không ai nhắc đến.
Ông bà Lê Tuân đem lễ vật đến cúng và nghỉ ngay tại miếu. Đêm thứ ba
bà mơ thấy một em gái xinh xắn tươi cười chạy đến đưa cho bà một cành lộc non.
Em gái vụt biến đi, cành lộc non trong tay bà nở ra một đóa hoa lan trắng muốt
và một trái đào đỏ tươi. Mùi hương thơm ngát làm bà tỉnh giấc.
Ở chơi trang Văn Lang vài ba ngày, hai vợ chồng lại trở về Đường
Lâm.
Ngày tháng trôi qua, bà Đặng Thị Sách sinh được một gái, một trai,
tiếng khóc vang như tiếng chuông. Hàng xóm láng giềng đến thăm hỏi, ai cũng
mừng cho hai ông bà, cả quyết là ông bà đã sinh được quý tử sau này sẽ làm rạng
danh cha mẹ.
Làng có tục mỗi người đến thăm trẻ mới sinh đều gánh cho gia đình
một gánh nước và biếu một nắm gạo. Nhà ông bà Lê Tuấn tấp nập người xa gần đến
chia vui. Nguyên hai ông bà đều là người phúc hậu, ông lại mát tay hay thuốc,
cứu chữa được nhiều người, nên không những người làng mà người trong quận hạt
đến thăm hỏi cũng đông.
Ông bà đặt tên cho hai con là Lan và Tuấn. Hai chị em đều đẹp đẽ,
khỏe mạnh và thông minh. Cha mẹ cho con học chữ của một thầy đồ ở làng bên, lại
chiều theo ý con, đón thầy về cho con học võ. Ngày thì múa côn, đánh thiết
lĩnh, tối lại thắp đèn ôn luyện văn bài, hai chị em Lan, Tuấn học hành tấn tới,
các thầy đều khen ngợi, ông bà Lê Tuấn cũng mừng lòng.
Năm hai chị em mười bảy tuổi, trời làm đói kém hạn hán tiêu điền,
ruộng nẻ chân chim, lúa nghẹn mong nước. Nhiều nơi dân đói bỏ làng đi tìm ăn
đầy đường đầy chợ. Xứ Đường Lâm cũng là một trong những vùng bị đói kém nghiêm
trọng.
Mặc cho hạn hán mất mùa, bọn quan lại người Hán cùng một số tay sai
bản địa vẫn bóc lột nhân dân thậm tệ, lại nhân dịp này mua rẻ nhà cửa ruộng
vườn. Không những vậy, chúng còn bắt nhân dân vét thóc giống ra để nộp cho đủ
tô đủ thuế. Dân Đường Lâm cũng đói như các vùng, ai cũng cau mày nghiến răng
căm hận, chỉ những muốn ăn tươi nuốt sống bọn bóc lột kia cho hả giận.
Ông bà Lê Tuân cũng phải bán bớt ruộng vườn để nộp thuế cho giặc.
Tới khi giặc cùng bọn tay sai đến các nhà bắt nộp thóc giống, ông bà bất bình
kháng cự. Thế là ông bị chúng chửi bới đánh đập. Bát hương thờ tổ tiên là vật
thiêng liêng của gia đình cũng bị chúng hắt xuống đất rồi lấy gậy đập tan. Cuối
cùng thóc giống vẫn mất, thân lại bị đòn, cửa nhà bị phá tan tành, ông nghĩ uất
giận, thổ máu liền mấy ngày rồi mất.
Bà chôn cất cho ông xong cũng vì quá ưu phiền nên lại nối gót ông ra
đi. Lê Thị Lan và Lê Anh Tuấn nhân ngày giỗ bố mẹ mời các bậc già cả và đàn anh
trong họ đến, bàn việc rửa hờn cho gia đình, gỡ nỗi thống khổ cho nhân dân. Mọi
người đều gật đầu nói rằng việc nên làm. Từ đó, Lan và Tuấn bắt đầu kết giao
hào kiệt, tụ họp những người đồng ý chí, tựu nghĩa ở xứ Đường Lâm.
Được tin Hai Bà Trưng khởi nghĩa, hai chị em cùng mọi người kéo về
Hát Môn, Phúc Thọ - Sơn Tây, anh thư hào kiệt Lê Ả Lan được giao làm tướng tiên
phong, đem quân đánh giặc ở xứ Thao Giang. Bằng hai cánh quân thủy bộ, đội quân
của Lê Ả Lan - Lê Anh Tuấn đi đến đâu, quan quân Đông Hán tan tác đến đó. Khi
tới trang Văn Lang, kẻ thù không cự nổi cuống cuồng rút chạy. Lê Ả Lan đem quân
đóng giữ vùng Ao Trời còn Lê Anh Tuấn làm phó tướng, đóng quân ở thung lũng
chân núi. Ngoài ra, hai chị em anh hùng hào kiệt cho lập đồn trại ở bến đò và
bốn bên doanh trại; tổ chức khai phá đất đai. Lê nữ tướng quân họp với các
tướng, ban lệnh bố phòng nghiêm ngặt.
Nữ tướng đóng trên núi Ao Giời, trong rừng cọ, phó tướng đóng ở
thung lũng chân núi. Mé ngoài là một dãy đồi, có hai trại tiền quân canh giữ
lối vào thung lũng.
Từ rừng tới bến, có bốn quân doanh : Nam, Bắc, Đông, Đoài, ngày đêm
tuần tiễu, có đồn kiểm soát thuyền bè xuôi ngược ở bến sông, người dân vẫn bán
buôn, họp chợ như cũ. Nữ tướng quân thấy thung lũng nằm giữa núi đồi nên cho
phát quang cấy lúa, đặt tên là Đồng thóc. Nàng điều quân giúp dân đánh gốc bốc
trà ở một dải đồng hoang ngoài khu đồi, rồi đặt tên cho nơi đó là Đồng phì
nhiêu.
Ngày mười hai tháng giêng, trời đẹp, nắng ngọt, Lê nữ tướng đại
duyệt quân sĩ ở bến Cát Lớn. Duyệt binh thành công, nữ tướng quân Lê Ả Lan mở hội lớn, giã gạo nếp làm bánh dầy,
bánh út, mổ trâu lấy da căng làm nồi nấu thịt. Dựng cờ đại, duyệt binh, múa đao
kiếm thi tài mở hội khao quân..
Tháng giêng năm ấy, Nữ tướng quân nhận được lệnh của Trưng nữ chủ
triệu về bàn kế hoạch đại phá Luy Lâu. Được lệnh đánh giặc, ai nấy đều phấn
khởi, quân sĩ đánh trống nhảy múa, nhân dân đem gạo và rượu đến mừng. Giữ đồn
trại giao cho một vị tùy tướng họ Nguyễn, trấn giữ vùng thượng châu Thao Giang.
Còn nữ tướng quân cùng phó tướng Lê Anh Tuấn đem đại quân về gặp Trưng nữ chủ
nhận lệnh.
Hai chị em được lệnh tiến xuống giải phóng Luy Lâu (Bắc Ninh).Trận
đánh Luy Lâu kéo dài nửa tháng. Trận chiến quyết định diễn ra vào ngày Trưng nữ
vương được tin đạo quân Đông Bắc của giặc về cứu viện Luy Lâu theo đường thủy
đã bị Lê Chân nữ tướng đánh tan, còn đạo quân Tây Bắc do tên tướng nổi danh Lâm
Thiệu Hưng cầm đầu theo đường bộ tiến về Luy Lâu cũng bị chặn đứng ở Bắc Yên
Phong.
Trưng nữ vương bèn cho bắn các tờ cáo yết nêu rõ tình hình vào trong
thành, kêu gọi nhân dân nổi dậy đánh giặc. Tô Định nhận được tin thất bại, hai
đạo quân cứu viện bị đánh tan, tâm thần hoảng hốt, các tướng Hán cũng đều sợ
mất mật, bọn lính thì nháo nhác hoang mang.
Đêm đó, quân ta vây thành rất gấp, tiếng reo dậy đất, lửa sáng rực
trời. Nữ tướng quân Lê Thị Lan và phó tưóng Lê Anh Tuấn được lệnh đem quân bản
bộ đánh mé sau thành, cả hai hăng hái dẫn quân đi. Lê nữ tướng hạ lệnh cho quân
lấy rơm ướt bện vào ván làm mộc, lấy dây mây làm thang, đắp đất làm ụ, bỏ giáo
cầm đao mà đột kích vào thành.
Là lực lượng đột kích chính, Lê nữ tướng tự tay đánh trống thúc quân,
Lê phó tướng hai tay hai đao dẫn đầu quân cảm tử xông lên thành, quân sĩ đều
gắng sức. Lần đánh thứ nhất, giặc từ cao ném đá đổ vôi xuống, quân ta không vào
được thành. Lê phó tướng bị trúng tên. Lê nữ tướng một tay phất cao cờ hiệu chỉ
huy, một tay vung kiếm báu, tiên phong lao mình lên ụ cao, trực tiếp nhảy lên
mặt thành, tướng sĩ tràn lên như nước vỡ bờ, chém giết vô số giặc Hán. Chốc lát
cờ hiệu của Lê nữ tướng đã bay trên mặt thành, đỏ rực trong ánh đuốc báo tin
chiến thắng.
Danh tướng Lê Ả Lan và danh tướng Lê Anh Tuấn trong trận đánh được
Trưng vương ban thưởng đạo Tây Sơn, thực ấp địa đầu Thao Giang, luyện sỹ an
dân. Văn Lang ngày càng được mở rộng và củng cố vững chắc. Dân gian truyền lại
rằng: hai chị em đều hóa tại cánh đồng Sang, dưới chân núi Am Thuộc xã Văn Lang
vào ngày 25/8 âm lịch.
Tục truyền hai vị danh tướng đi thăm doanh trại các tướng lĩnh tại
khu núi Am, bất chợt gặp một cơn đại phong, ác vũ, mưa bão, sấm sét dữ dội ai ở
đâu chỉ biết có đó... chỉ trong khoảnh khắc mưa bão tan nhanh, các tướng sỹ đi tìm thủ lĩnh ở chân núi Am chỉ
thấy hỡ vạt áo và hình tích của hai vị, đó là hai nấm đất mối đã cao.
Hương dân và binh tướng lập đền, hương khói dâng thờ, tưởng nhớ công
lao của hai chị em họ Lê xả thân vì độc lập của dân tộc. Sau khi nhận tin hai
vị đã mất vua đã phong: "sinh vi tướng, tử vi thần" và chỉ sắc cho
Văn Lang trang lập hai vị thành hoàng từ đó.
Tục truyền hai vị danh tướng đi thăm doanh trại các tướng lĩnh tại
khu núi Am, bất chợt gặp một cơn đại phong, ác vũ, mưa bão, sấm sét dữ dội ai ở
đâu chỉ biết có đó... chỉ trong khoảnh khắc mưa bão tan nhanh, các tướng sỹ đi tìm thủ lĩnh ở chân núi Am chỉ
thấy hỡ vạt áo và hình tích của hai vị, đó là hai nấm đất mối đã cao.
Hương dân và binh tướng lập đền, hương khói dâng thờ, tưởng nhớ công
lao của hai chị em họ Lê xả thân vì độc lập của dân tộc. Sau khi nhận tin hai
vị đã mất vua đã phong: "sinh vi tướng, tử vi thần" và chỉ sắc cho
Văn Lang trang lập hai vị thành hoàng từ đó.
Sau khi hai vị mất, dân quân Văn Lang đã báo về kinh đô Nhị vua
Trưng Vương vô cùng thương tiếc và xuống chiếu cho Văn Lang trang lập miếu thờ
và ra sắc phong cho hai vị:
- Nhất phong Ả Lan Nương Đức Hạnh Đoan Trang Công Chúa và tặng phong
"Hằng Nga Uyển Mỵ Trinh Phụ Phu Nhân"
- Phong thần hiệu cho Lê Anh Tuấn : Lê Anh Tuấn Hiển Vinh Uy Dũng
Đại Vương và tặng phong: "Tế Thế Hộ Quốc An Dân, Phu Vạn Quảng Đại Cao
Minh, hiệu Hựu Hùng Chấn Đại Vương Thượng Đẳng Thần"
Từ đó về sau các đời triều gia phong như sau :
Đời Trần Nhân Tông có sắc phong: "Đức Vua Bà Ả Lan Nương Ngọc
Phận Hằng Nga Công Chúa"
"Đức Vua Ông Hiển Hựu Trợ Thuận An Uy Hùng Tuấn Đại Vương
Thượng Đẳng Thần"
Đời Lê Thái Tổ có sắc phong: "Ả Lan Nương Huê Hòa Đức Hạnh
Trinh Thục Công Chúa"
" Phả Kế Cương Nghị Hùng Kiệt Tuấn Khanh Đại Vương"
Từ đó về sau để tỏ lòng tôn kính hai vị tướng quân nên nhân xã Văn
Lang có ban khánh tiết giúp địa phương quản lý, bảo vệ trông coi và tổ chức tế
lễ hương khói các ngày tuần ngày tiết. "Lễ tiệc và hèm tục" cụ thể
như sau :
1. Ngày mùng 10 tháng Giêng: "Lễ cầu phúc rước nước" lễ
lấy nước để phục vụ cho việc thờ cúng quanh năm. Trong Rước nước có gắn hèm tục
là đánh trận giả để diễn lại tình trò quân Hai Bà Trưng đánh giặc
2. Lễ tiệc ngày sinh hai vị: vào ngày 12 tháng Giêng (âm lịch) hèm
tục cúng lợn đen múa hát 3 ngày liền
3. Lễ tiệc khao quân: vào ngày 12 tháng 3 (âm lịch)
Hèm tục: là mổ trâu đen "gọi là bì oa trữ nhục" tức là lấy
da trâu căng làm nồi nấu thịt
Như vậy: Đền Nghè là nơi thờ tưởng niệm, lưu niệm sự kiện nhân vật
lịch sử có thật, là hai vị tướng giỏi thời hai bà Trưng đã có công với dân với
nước. Sự nghiệp đấu tranh dựng và giữ nước của tổ tiên ông cha ta qua hàng ngàn
năm lịch sử đã hun đúc nên đức tính cao đẹp, bản lĩnh và năng lực sáng tạo của
dân tộc Việt Nam.
Đền Nghè Văn Lang
Tọa lạc bên hữu ngạn sông Thao trên một dải đất phù sa màu mỡ, đền
Nghè Văn Lang (Hạ Hòa, Phú Thọ), ngôi đền rêu phong, cổ kính, thờ hai vị tướng
giỏi của Hai Bà Trưng có công đánh đuổi giặc, bảo vệ bờ cõi là nữ tướng Lê Ả
Lan và em trai, phó tướng Lê Anh Tuấn.
Cổng Đền Nghè Văn Lang - Đường Lâm
Đền Nghè được bố trí thành ba gian nối tiếp nhau. Hai gian ngoài gọi
là gian tiền tế, là nơi treo những bức hoành phi câu đối, để gươm đao, cờ kiệu
và là không gian để dân làng đến tế lễ hằng năm. Gian trong cùng kín đáo gọi là
gian thượng điện nơi thờ tự long ngai hai chị em tướng quân. Đền nhìn ra cánh
đồng lúa bát ngát phì nhiêu, hai bên đều có sông Hồng và sông Thao uốn mình.
Trước đây, đền lưu giữ 7 đạo sắc do các triều đại nhà vua phong
nhưng do chiến tranh, thiên tai, hiện đền chỉ còn lại hai đạo sắc. Năm 1992,
đền Nghè được cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia. Lễ hội đền Nghè Văn
Lang được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng giêng hằng năm để tưởng nhớ, tri ân
công đức của nữ tướng Lê Ả Lan và tướng quân Lê Anh Tuấn.
Ngày mùng 10 tháng Giêng UBND xã Văn Lang, huyện Hạ Hòa long trọng
tổ chức lễ khai mạc lễ hội Đền Nghè - Đình Đông. Đây là một trong những
lễ hội chính của huyện Hạ Hòa, thu hút hàng nghìn lượt khách về tham dự.
Mở đầu lễ hội là lễ rước nước, trong tiếng trống tiếng nhạc bát âm
vang trời, đoàn tế lễ cùng đông đảo người dân lên 2 chiếc thuyền đi ngược lên
phía thượng nguồn sông Thao, tìm chỗ nước sạch, trong để lấy nước.
Trên đường đi, chiếc thuyền còn lại tiến hành tập trận giả, chạy
xung quanh chiếc thuyền chính. Sau đó, đoàn đi về phía Đền Nghè, tiến hành màn
tế lễ theo nghi thức truyền thống, rồi rước nước từ Đền Nghè lên Đình Đông để
lấy nước thờ cúng quanh năm. Lễ hội Đền Nghè- Đình Đông được diễn ra 2 ngày với
rất nhiều trò chơi mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và hiện đại như: Bóng
truyền, bóng bàn, cầu lông, kéo co, hái lộc cầu kiều, tổ tôm điếm.
Việc tổ chức lễ hội Đền Nghè - Đình Đông thể hiện trách nhiệm
và lòng thành kính của các thế hệ con cháu hôm nay, góp phần tôn vinh công đức
của các vị tướng. Đây là một nét đẹp văn hóa đáng trân trọng, góp phần ôn lại
truyền thống, giáo dục cho con cháu về lòng yêu nước, về đạo lý uống nước nhớ
nguồn, lòng tự tôn, tự hào dân tộc và trách nhiệm của mỗi người dân xã Văng
Lang nói riêng và huyện Hạ Hòa nói chung.
1. Thần tích xã Văn Lang huyện Hạ Hoà, Vĩnh Phú chép rằng trận hạ
thành Luy Lâu, hai chị em Lê Thị Lan, Lê Anh Tuấn được phong ấp ở Đường Lâm và
có trở lại trang Văn Lang rồi cả hai đều mất ở đó vào ngày 25 tháng tám âm
lịch.
Núi non địa thế miêu tả trong trận trên, được kể lại theo truyền
thuyết địa phương. Dãy núi này là nơi ba huyện Hạ Hòa, Cẩm Khê, Yên Lập tiếp giáp
nhau, và ngọn núi cao nhất có Ao Giời sau này được đặt tên là núi An. Theo lời
các cụ thì nàng Lê Thị Lan đã mất ở đó. Các địa hình và địa danh Ao Giời, Tiên
mẹ Tiên con, khe Nước chồi, Đồng thóc, Đồng phì nhiêu đều là có thật.
2- Thần tích giếng cổ Đường Lâm
Giếng nước thần và bầu sữa mẹ không bao giờ
cạn ở làng cổ Đường Lâm
Giếng nước không bao giờ cạn
“Giếng sữa” nằm trên mảnh đất thuộc thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm, Hà
Nội. Đó là một giếng nước rất nhỏ và nông, thành được xây bằng đá ong – một
loại đá cổ nổi tiếng ở sứ Đoài. Giếng nằm trên vùng đất bạt ngàn, rộng lớn –
tương truyền, vùng đất này trước đây là đất của vua Ngô Quyền.
Giếng Sữa chỉ sâu chừng hơn một mét với ba lớp gạch đá ong xếp chồng
lên nhau. Miệng giếng có đường kính chứng 70 – 80 cm khá hẹp và giếng chỉ cao
hơn mặt ruộng chừng một mét nhưng kỳ lạ là nước trong giếng luôn trong xanh.
Một người dân trong làng tự hào nói: “Rất nhiều người đã thử lấy hết nước ở
giếng. Tuy nhiên, cứ mỗi khi cạn gần tới đáy không hiểu nước ở đâu lại dâng đầy
giếng rất nhanh”.
Bất kể người dân nào ở làng Cam Lâm đều khẳng định Giếng Sữa không
bao giờ cạn. Cụ Dương Thị Thóc, 76 tuổi, là người trông coi Giếng Sữa kể lại:
“Ngày tôi còn bé, thường hay ra giếng múc nước uống, làm đình. Mùa khô hạn năm
ấy, khi các ao, giếng nước trong làng đã cạn khô, trơ đáy. Người dân lúc ấy rất
hoang mang, cứ tưởng cả làng sẽ chết khát. Tuy nhiên, khi ra tới Giếng Sữa,
người ta giật mình vì nước ở đó trong xanh, mát lịm. Người dân thi nhau xuống
múc uống rồi mang về. Sở dĩ người ta tranh nhau như vậy là sợ giếng hết nước.”
Người đến lấy nước hết sức ngạc nhiên vì có đến hàng trăm người dùng
xô chậu lấy nhưng nước không hề cạn và cũng không bị vẩn đục. Mỗi lần nước dâng
lên đều trong vắt và ngọt lịm. Cũng theo cụ Thóc kể lại, lúc trước đường
ra giếng vòng vo, nhỏ hẹp theo lối bờ ruộng. Mỗi lần ra giếng lấy nước, mọi
người phải lội ruộng vì mặt ruộng và Giếng Sữa cao tương đương nhau. Thế nhưng
nước ở trong giếng không bao giờ đục khiến cho ai nấy đều không giải thích
được.
Cụ Thóc rùng mình nhớ lại trận lụt lội năm 1945 khi nước sông Hồng
dâng cao gây vỡ đê, cả một vùng rộng lớn nằm trong biển nước. Ngày ấy, để có
thể sống sót, người dân nơi đây phải kê giường lên mấy chiếc kèo trên trần nhà
để ở. Thậm chí, gà lợn cũng được sống trên những chiếc phao bằng tre nứa kết
thành bè.
Thế nhưng dù bị ngập chìm trong nước nhưng trong miệng Giếng Sữa vẫn
trong vắt, tinh khiết. Lúc ấy, do thiếu nước sinh hoạt nên người dân ra đây múc
nước về dùng. Những ngày ấy, Giếng sữa như nguồn sữa trời ban cho người dân Cao
Lâm để chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt.
Vào năm 2013, hơn 800 người ở làng Triều Khúc (Hà Nội) đến nơi đây
xin nước về mở hội, ai cũng xin đầy chai nhưng nước trong giếng không hề cạn và
vẩn đục, cứ trong xanh và ăm ắp nước một cách kỳ lạ.
Mất sữa về Giếng Đường Lâm
Bên cạnh Giếng Sữa còn có một ngôi miếu nhỏ rất thiêng thờ “mẹ sữa”.
Người dân ở đây cho biết, làm lễ khấn vái ở miếu rồi uống nước dưới giếng có
thể giúp người phụ nữ căng đầy bầu sữa để nuôi con, tránh được việc khan, thiếu
hoặc mất sữa sau khi sinh. Đó là câu chuyện có thật ở đất Đường Lâm.
Giếng sữa liên quan đến nữ tướng huyền thoại Lê Thị Lan thời Hai Bà
Trưng. Trên đường bà về thăm quê gặp mẹ con người hành khất, đứa trẻ khát sữa
khóc ngằn ngặt trên tay. Bà liền cầm kiếm vạch đất và một tia nước vọt lên. Kỳ
diệu thay, khi người mẹ uống nước rồi mớm cho con, dòng nước mát ngọt đã khiến
má trẻ hồng hào và bầu sữa bà bỗng căng mọng. Và từ đó, người dân bắt đầu coi
Giếng Sữa là “vị cứu tinh” của những bà mẹ khan, hiếm sữa nuôi con.