Đức ông Phạm Tu (chữ Hán: 范 脩, 476-545) Tiền Lý triều Tả tướng, Trưởng Ban võ của nhà nước Vạn Xuân, công thần khai quốc nhà Tiền Lý trong lịch sử Việt Nam. Ông là người có công giúp vua Lý Nam Đế đánh đuổi quân đội nhà Lương, thành lập nước Vạn Xuân độc lập.
Phạm Tu sinh ngày 10 tháng 3 năm Bính Thìn (tức 19 tháng 4
năm 476), cha ông là Phạm Thiều, người gốc Yết (Hung Nô), mẹ là Lý Thị Trạch tại
trang Quang Liệt, nay là xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Theo thần tích, Phạm Tu người ở trang Quang Liệt tức là làng
Thanh Liệt, huyện Thanh Trì (tên cũ là huyện Thanh Đàm), nay thuộc xã Thanh Liệt,
huyện Thanh Trì, Hà Nội, Việt Nam. Nơi sinh ra Phạm Tu được xác định xưa kia là
một xóm bãi vải tiến vua nằm bên sông Tô Lịch, thuộc thôn Văn Trì, làng Quang
Liệt, nay là thôn Văn, xã Thanh Liệt.
Khi lớn lên, Phạm Tu có gương mặt phương phi, khôi ngô tuấn
tú, học giỏi, tư chất thông minh, hay đọc sách binh pháp. Ông có vóc dáng rất
to khoẻ và trở thành đô vật nổi tiếng trong vùng, thường được gọi là Phạm Đô
Tu. Ông có khả năng cưỡi ngựa và bắn cung thiện xạ, nên được vinh là Đô Hồ,
ám chỉ người gốc Hồ.
Sinh ra giữa thời “hơn một ngàn năm Bắc thuộc” (từ năm -179
đến năm +905) nên hầu như suốt cuộc đời, đức ông sống ẩn dật, nung nấu chí cứu
nước, chờ thời cơ. ông lấy biệt hiệu là Cảm Ứng cư sĩ.
Ngày ấy, vùng đất cổ trang Quang Liệt đã sớm là vùng đất trù
mật. Dân gian truyền tụng rằng, chính Phạm Tu đã sớm có tầm nhìn và khuyên nhủ
dân chúng thực hiện phương châm “Cửu niên tam tích”. Tức là: tích cốc - ngũ cốc
phòng cơ; tích y - y phục phòng hàn; tích khí - vũ khí phòng giặc.
Ngay từ buổi đó, Phạm Tu không chỉ biết lo cho gia đình
mình, dòng tộc mình, mà còn sớm nhìn thấy việc nâng cao đời sống cho người dân,
trang bị cho họ kiến thức và cả phương kế lâu dài trong cuộc sống.
Năm 541, được tin Đức ngài Lý Bí (Lý Bôn) phất cờ khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà
Lương, mặc dù lúc này đã bước sang tuổi 66, nhưng Phạm Tu vẫn tích cực hưởng ứng.
Ngài đã chủ động tập hợp trai tráng trong vùng, lập thành một đội quân mạnh,
cùng với danh tướng Triệu Túc, Tinh Thiều hợp binh đánh chiếm thành Long Biên -
thủ phủ của chính quyền đô hộ.
Khi Đức ngài Lý Bí (Lý Bôn) chiêu mộ hiền tài, có ba nhân sĩ danh tiếng:
Tinh Thiều, Triệu Túc và Phạm Tu sau này là rường cột của nhà nước Vạn Xuân. Ba
ông chính là bộ tham mưu tối cao của Đức ngài Lý Bí (Lý Bôn). Tinh Thiều là một
danh nho đa mưu túc trí, từng sang tận kinh đô nhà Lương ứng thí rất nổi tiếng
bấy giờ.
Đức ông Triệu Túc là tù trưởng vùng đất Chu Diên rộng lớn, nổi
tiếng văn võ song toàn có người con trai cả là vị tướng trẻ Triệu Quang Phục với
lối cầm binh xuất quỷ nhập thần đã sớm làm nanh vuốt cho Đức ngài Lý Bí (Lý
Bôn). Bộ ba Tinh Thiều, Triệu Túc, Phạm Tu cùng hàng vạn nghĩa binh chiến đấu
dưới cờ chính nghĩa chính là nhân tố căn cốt để đại quân Đức ngài Lý Bí (Lý
Bôn) phá tan thành Long Biên, đánh đuổi thứ sử Tiêu Tư phải chạy về phương Bắc.
Theo sách Lương thư của Trung Quốc, thứ sử Tiêu Tư sau vài
trận giao phong với nghĩa quân, thấy không thể chống nổi, phải bí mật sai người
đem của cải đến đút lót cho Đức ngài Lý Bí (Lý Bôn) mới được tha chạy thoát về
phương Bắc. Điều này là một ô nhục không thể gột rửa của thứ sử Tiêu Tư cũng
như triều đình nhà Lương. Chính bởi vậy, Lương Vũ Đế nổi giận quyết đem binh rửa
nhục, sai các tướng là Tôn Quýnh, Lư Tử Hùng dẫn đại binh xuống hỏi tội Đức
ngài Lý Bí (Lý Bôn).
Biết trước cục diện ấy, thực hiện chiến lược của bộ tham mưu
dày dạn kinh nghiệm, quân của Đức ngài Lý Bí (Lý Bôn) đã chủ động tiến đánh
sang tận sào huyệt Hợp Phố của nhà Lương (nay là thành phố Bắc Hải và bán đảo
Lôi Châu thuộc Quảng Đông - Trung Quốc), phá tan quân chúng, đánh phủ đầu ý chí
xâm lược của chúng. Chính điều này đã khiến binh tướng nhà Lương phải lúng túng
mấy năm liền.
Lợi dụng binh tướng của Đức ngài Lý Bí (Lý Bôn) đại chiến với
nhà Lương ở phía Bắc, vua Lâm Ấp ở phía Nam đột ngột dẫn đại quân tràn sang cướp
bóc các vùng đất biên trấn Ái châu, Hoan châu. Đức ngài Lý Bí (Lý Bôn) đã cử Phạm
Tu đem quân vào đánh dẹp. Mùa hè năm 543, Phạm Tu đã chỉ huy đánh tan địch ngay
ở Cửu Đức (Hà Tĩnh ngày nay).
Chiến thắng trở về, ngài càng được khẳng định là vị tướng
tài giỏi nhất trong nghĩa quân và cũng là người cao tuổi nhất. Về việc lão tướng
Phạm Tu đánh tan quân Lâm Ấp suýt bắt được vua giặc, sau này, các sử gia đều thống
nhất: đây là võ công lớn nhất của ông. Dân các vùng Ái châu, Hoan châu đến tận
bây giờ vẫn luôn nhớ đến công tích của vị lão tướng gần bảy mươi tuổi.
Năm 544, Đức ngài Lý Bí (Lý Bôn) lên ngôi Hoàng đế (Lý Nam Đế),
thành lập nhà nước Vạn Xuân, lão tướng Phạm Tu được Lý Nam Đế giao trọng trách
làm Tả tướng, đứng đầu Ban Võ, được cắt cử trông coi mạn Nam nước Vạn Xuân.
Danh nho Tinh Thiều được phân phong đứng đầu Ban Văn; lão tướng Triệu Túc làm
Thái phó. Chính ba vị vừa là khai quốc công thần vừa là rường cột quốc gia.
Không chịu được nhục hai lần thua trận, nhất là trận đột
kích thẳng vào quân doanh ở Hợp Phố, một cái tát nảy lửa vào thẳng bộ mặt triều
đình Lương Vũ Đế vốn binh tướng như mây, nhà Lương quyết tâm rửa nhục thua trận.
Lương Vũ Đế tức giận huy động tổng lực binh tướng của 5 châu là: Việt châu, La
châu, An châu, Ái châu, Định châu dưới sự chỉ huy của viên tướng cáo già Trần
Bá Tiên sang đàn áp Giao châu, quyết tâm ăn tươi nuốt sống, tuyệt diệt binh tướng
của Đức ngài Lý Bí (Lý Bôn). Chỉ riêng chuyện tự phong là Lý Nam Đế, dám đứng
ngang hàng với các hoàng đế phương Bắc đã là một điều sỉ nhục lớn với Lương triều.
Trước binh lực giặc Lương quá mạnh, lão tướng Phạm Tu cùng
Thái phó Triệu Túc với các tướng trẻ Triệu Quang Phục, Phùng Thanh Hòa lập tức
huy động tinh binh đánh chặn giặc. Quân ta lập các phòng tuyến nơi hiểm yếu, nhất
là ở các vùng cửa sông, cửa biển.
Ròng rã nửa năm trời, quân ta chống trả quyết liệt đạo quân
hùm sói của Trần Bá Tiên, nhiều lần tử chiến với chúng. Trần Bá Tiên khôn ngoan
dùng cả hai đường thủy bộ đánh kẹp quân của Lý triều. Phạm Tu chỉ huy binh tướng
rút dần vào thành, trấn giữ cửa sông Tô Lịch.
Sau nhiều cuộc giao tranh, do lực lượng quá chênh lệch này,
ngày 20-7 năm Ất Sửu (545), lão tướng Phạm Tu, Thái phó Triệu Túc đã anh dũng
hi sinh trong cuộc chiến giữ thành Tống Bình bên cửa sông Tô Lịch khi chặn quân
địch cho Lý Nam Đế và Triệu Quang Phục bảo toàn lực lượng, tạm rút lên trung du
để rồi vòng về vùng đầm lầy Dạ Trạch xây dựng căn cứ địa chiến đấu lâu dài.
Hai tùy tướng họ Trương đã mang được thi hài về quê an táng
tại khu Hồ Mã.
Bằng lòng biết ơn và tiếc thương vô hạn người con trung hiếu của quê hương, vị
anh hùng dân tộc, nhân dân đã đem cây xanh trồng xung quanh ngôi mộ, lập đền thờ
ngày đêm tưởng niệm. Cây xanh mỗi ngày một thêm lan rộng, Đền mỗi thời một xây
to thành rừng Giá và Quán Giá hiện nay.
Sau này, khi chống chọi sự vây ráp rất ngặt nghèo của Trần
Bá Tiên, vua Lý Nam Đế phải lui dần về động Khuất Lão sau đó lâm bệnh mà mất, để
lại sự tiếc thương vô hạn của nhân dân vừa mới giành độc lập dân tộc. Trần Bá
Tiên, viên chủ tướng nham hiểm quyền biến tiếp đó làm phản nhà Lương, lập ra
nhà Trần, là một gian hùng trong lịch sử Trung Quốc.
Khi biết lão tướng Phạm Tu hi sinh, nhà vua vô cùng thương
tiếc, cho Thái giám về tận quê hương truy phong tước Long Biên Hầu; ban tên thụy
là Đô Hồ, sắc cho quê hương là Thang mộc ấp, được miễn sưu sai tạp dịch, để thờ
Ngài làm “bản cảnh thành hoàng”, lưu truyền mãi mãi.
Đình Ngoại, nơi thờ phụng danh tướng Phạm Tu
Bia ghi công đức danh tướng Phạm Tu
Trên quê hương đức ông tại xã Thanh Liệt có hai nơi thờ danh
tướng Phạm Tu, đó là Miếu Vực và Đình Ngoài. Miếu Vực nằm ở xóm Vực, miếu thờ
Long Biên hầu Phạm Đô Hồ Đại vương cùng thánh phụ Phạm Thiều và thánh mẫu Lý Thị
Trạch.
Theo cuốn "Thành hoàng Việt Nam" của Phạm Minh Thảo
(Nhà xuất bản. Văn hóa thông tin, H., 1997, tập II, tr.565), cùng những tài liệu
điền dã: nơi thờ chính thức của Phạm Tu ở Đình Ngoại, xã Thanh Liệt, Thanh Trì,
Hà Nội.
Chính quê ông còn có miếu Vực thờ ông cùng hai vị song thân
là Phạm Thiều và Lý Thị Trạch. Đình Lý Nhân là nơi thờ vọng Phạm Tu ở cùng xã
Thanh Liệt vì đình Ngoại trước đây là nơi hương lý hội họp.
Phần mộ của ông trên vùng đất cửa sông Tô Lịch (nơi ông ngã
xuống khi chống quân xâm lược nhà Lương năm 545) cũng là một địa chỉ tâm linh
quan trọng.
Đình Ngọc Than, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai thờ Lý Nam Đế và
Phạm Tu (Á thánh) là thành hoàng làng.
Tại thôn Hoành Sơn xã Thuỵ Văn huyện Thái Thụy, Thái Bình
cũng có nơi thờ Phạm Tu.
Bên cạnh đó, qua cuốn "Linh thần Việt Nam" của GS
Vũ Ngọc Khánh và Phạm Minh Thảo (Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, H. 2002), còn
tìm được 3 địa phương có thờ vị Đô Hồ Đại vương, tuy nhiên chưa xác định được
những nơi đó là nơi thờ Đô Hồ Đại vương Phạm Tu hay không.
Xã Linh Khê, Nam Sách, Hải Dương thờ 3 vị đại vương: Uy
Minh, Quy Chân, Đô Hồ đại vương
Xã Hương Vân, tổng Nội Viên, huyện Tiên Du, Bắc Ninh thờ Đô
Hồ đại vương và Hải Tịnh phu nhân công chúa
Xã Nhân Hào Thượng, tổng Sài Trang, Yên Mỹ, Hưng Yên thờ Đô
Hồ tế thế đại vương.
Tại đền Thượng, làng Mai Xá, xã Mỹ Xá, thành phố Nam Định, tỉnh
Nam Định còn lưu giữ ít nhất 10 sắc phong các đời vua ghi công trạng Đô Hồ
Đại Vương.
Cùng với quê hương tướng công còn có 74 làng xã trong cả nước từ Hà Tĩnh trở ra
lập đền thờ vị anh hùng dân tộc ấy. Kể từ khi đất nước dành được quyền tự chủ,
các vương triều xưa như Tiền Lê, Hậu Lý, Hậu Lê, Mạc, Lê Trung Hưng, Nguyễn Tây
Sơn và Nguyễn đã phong tặng tới 60 đạo sắc gồm gần 300 mỹ tự. Đó chính là sự đánh
giá của lịch sử và nhân dân về công lao sự nghiệp của vị danh tướng triều đại Vạn
Xuân vậy.
Danh tướng Phạm Tu, người con ưu tú của vùng đất Thanh Liệt,
Thanh Trì, Hà Nội đã cống hiến trọn cuộc đời mình đã đi vào sử sách là một vị
tướng cương trực, dũng cảm, hi sinh thân mình vì nền độc lập dân tộc ngay từ thế
kỷ thứ VI để hậu nhân học tập, noi theo.