Tam Nương (Tả đạo tướng quân), gồm ba chị em Đạm Nương, Hồng Nương và Thanh Nương khởi nghĩa ở Quất Lưu, Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), Đạm Nương được phong làm Tả đạo tướng quân, còn Hồng Nương và Thanh Nương làm phó tướng.
Tiếng trống hội làng rộn rã cất lên từ lúc gà
gáy sớm. Mặt trời chưa thức giấc, nhà nào nhà nấy đã đỏ lửa nấu cơm nước. Tiếng
các cô gái ríu rít hỏi nhau gọi nhau và tiếng trẻ khóc đòi đi hội.
Hội Quất Lưu năm nay mở đúng mười ngày vào dịp
đầu xuân. Làng vui vào hội, và tiếng hội vật Quất Lưu đã vang khắp các vùng thu
hút hàng ngàn con người. Hàng trăm đô vật đã tìm về Quất Lưu để thi tài,
" vuốt giải ".
Hội vật Quất Lưu do ba chị em : Đạm Nương, Hồng
Nương và Thanh Nương đứng ra tổ chức với mục đích quan trọng : kết giao hào
kiệt, lựa chọn người tài để cầm quân khởi nghĩa.
Những người đến dự hội này mang nhiều mục đích
khác nhau. Có người đến chỉ cốt nhìn mặt Tam nương nổi danh hùng kiệt, con quan
huyện lệnh họ Lê, trấn nhậm Tam Dương ân đức nhuần thấm tới trăm họ trong quận
hạt. Cũng có người đến để nghe ngóng tình hình.
Từ khi Tam nương cầm quyền thay cha, đã đuổi hết
các đồn Hán đóng trong xứ, cự tuyệt với Phủ thái thú.
Người em trai út là An Bình Lý ngày đêm luyện
tập sĩ tốt còn nàng cả Đạm Nương trực tiếp nắm quân quyền, quản lý mọi việc
trong châu quận. Trong số những người về dự hội cũng có nhiều tay tuấn kiệt
muốn nhân dịp này ứng nghĩa với tam nương.
...Cờ đuôi nheo, cờ vuông múa lượn theo chiều
gió, chiêng trống vang lừng. Các cô gái má đỏ hồng, môi ướt trầu tươi thắm, yếm
đỏ yếm vàng, thắt lưng hoa lý, nguyệt bạch, cánh sen, bá vai nhau cười cười nói
nói. Trai các làng lượn chỗ này chỗ khác, vui cười chào hỏi, cất lời cợt ghẹo
các cô gái xinh tươi. Các cụ già chống gậy càng cua, nhai trầu bỏm bẻm.
Ba hồi trống chiêng cất lên uy nghi dõng dạc.
Tam nương dã xuất hiện, ngồi nghiêm trang trên sập. Sập nhất, che tàn màu vàng
đỏ là Nàng cả Đạm nương, áo màu nguyệt bạch, khuôn mặt đều đặn, đôi mắt đen
láy.
Nàng hai Hồng nương và nàng ba Thanh nương cùng
sánh vai ngồi sập thứ hai che tàn xanh. Nàng hai mặc áo hồng, nàng Ba áo xanh.
Cả hai đều có nét mặt tươi tắn. Hai bên sập có các cô gái cầm gươm trần, giáo
buộc ngù đỏ, cầm hộp trầu đứng vây quanh.
Mọi người xô đẩy nhau để được xem mặt Tam nương.
Các võ sĩ cầm ngang gậy tre dẹp đám.
Tiếng loa hô vang nhắc nhủ mọi người không được
chen lấn và báo cho biết hội làng đã bắt đầu. Tam nương truyền các hói vật ai
dự giải thì tiến vào trường đấu.
Trường đấu là một khoảng đất rộng có đóng gióng
tre xung quanh, bốn góc cắm bốn lá cờ đuôi nheo, lối vào cắm cờ, kết lá. Các
hói vật từ từ bước vào cửa đấu trường, đến ngồi xếp bằng tròn trên nền cỏ, trên
chiếu có bày ấm nước sành, bát sành và vài đĩa trầu.
Các hói vật trẻ có, đứng tuổi có, ai nấy đều cởi
trần, đóng khố bỏ vạt đằng trước bằng sồi, bằng nái nhuộm các màu đen, lục, đỏ,
vàng. Các hói vật dự đấu ngồi nghiêm chỉnh, mắt nhìn thẳng phía trước. Một vài
người nhặt miếng trầu. Ấm nước chè tươi nóng không ai đụng đến.
Lại một hồi trống cái cất lên. Những người vào
dự đấu đứng cả dậy, quay mặt về phía tam nương vái ba vái. Một cụ chủ tế tiến
đến trước nhang án, làm lễ xin âm dương rồi gõ liên hồi vào một chiếc kẻng con.
Thế là trống chiêng lại nổi lên ồn ã, tiếng loa
cũng cất lên, nhắc lại lời nàng Cả miễn lễ cho các hói vật, và nhắc còn ai dự
đấu mời vào, cuộc đấu sắp bắt đầu. Bấy giờ có hai người khiêng một chiếc trống
lớn vào bãi vật, đặt cạnh chỗ các hói vật ngồi, và một người trạc bốn mươi tuổi
chít khăn xéo màu hạt điều, áo đen dài, thắt lưng quan lục, ngồi vào ghế cầm
dùi gõ thử mấy tiếng vào mặt trống.
Trống cất ba tiếng đĩnh đạc là các hói được lệnh
nghỉ, hết một hiệp đấu. Hai tiếng trống mạnh kèm một tiếng cắc là báo hiệu kết
thúc trận đấu, đã có người thắng, kẻ thua.
...Cả buổi sáng mới xong ba cặp vật. Người giữ
giải sáng nay là một chàng tuổi mới ngoài đôi mươi, người cao và dẻo như một
cây táu, da ngăm đen, mắt to. Chàng đã dùng miếng " vồ giả " để lừa
đối thủ và đã thắng bằng một miếng hiểm : hất mông vào sườn đối phương mà quật ngửa
ra ! Tuy vậy, mọi người đều biết rằng những tay sừng sỏ còn chưa xuất đầu lộ
diện. Họ còn nghe ngóng lẫn nhau và xem cuộc đấu diễn ra trước mắt như xem cuộc
biểu diễn của đám học trò hăng hái.
Buổi chiều, tế lễ, chạy cờ.
Từ ngày thứ ba trở đi cuộc đấu đã sôi nổi quyết
liệt. Một dũng sĩ khoảng ba mươi tuổi, ngực xăm một chiếc đầu hổ nhe nanh dữ
tợn, trong một buổi sáng hạ luôn năm đối thủ. Nhiều miếng vật của chàng đã được
Hai Lý gõ trống tán thưởng. Đinh Quang tên người dũng sĩ giữ được giải tới chiều
thì bị hạ. Chàng múa bái tổ rồi đi lại vẻ kiêu căng, thách thức. Chính cái bộ
dạng ấy đã làm cho một hói vật đứng tuổi thấy phải ra tay cho chàng kia một bài
học.
Đó, Lê Đạt ở Ngoại Xá thượng mà làng vật đều
biết tiếng ! Người bé nhỏ, mắt lừ lừ. Lê Đạt múa xong bài bái tổ bèn quay về
phía Tam nương vái chào một vái. Mọi người xem đều reo lên : " Đáng giải
rồi, đáng giải rồi !".
Lê Đạt và Đinh Quang vờn nhau rồi nhanh như cắt
bốn cánh tay khóa lấy nhau. Hổ báo quần nhau cũng không dữ hơn, loan phượng vờn
nhau cũng không đẹp hơn ! Tới hiệp hai, Lê Đạt lừa miếng, bắt ngay chân Đinh
Quang, quay mình một vòng, ném Đinh Quang ra ngoài gióng, rơi phịch ngay dưới
chân mấy cô gái đứng đó. Cả ngày hôm đó, không ai địch nổi Lê Đạt.
Sáng Hôm sau, nàng Cả truyền cho Lê Đạt đứng
riêng đợi vào đấu lọc cuối cùng. Buổi sáng có Phạm Lan ở Trung Xá giữ giải.
Buổi chiều vừa vào cuộc đấu có Đỗ Khả ở Lũng Nội hạ Phạm Lan bằng một miếng độc
thủ : bóc nang. Bàn tay như sắt của Đỗ Khả bóp miếng thịt sườn, dưới nách rồi
vuốt ngược về phía bả vai địch thủ. Phạm Lan nếu không được thầy giỏi, thuốc
hay sẽ suốt đời mang tật.
Phạm Lan ở Trung xá lại là học trò yêu của Dương
Đình người ở làng Sổ, ngay cạnh Quất Lưu. Từ ngày hội vật thứ hai trở đi, Dương
Đình ở nhà đi cày. Buổi sáng ấy, Dương Đình đang cày, có người chạy đến báo
Phạm Lan bị miếng bóc nang nằm chết ngất. Dương Đình nổi giận, bèn trói ngay bò
lại, cõng trên vai rảo bước về nhà, thay quần áo, đóng khố đen đến hội vật.
Đỗ Khả là một hói vật nổi danh thường đã vuốt
giải là được. Chàng có thể nằm ngửa xếp 4 cối đá lên bụng, vẫn hất dậy được. Vợ
Đỗ Khả bị một viên đầu mục người Hán hãm hiếp, Đỗ Khả hai tay quật chết viên
đầu mục rồi lẫn trốn nay đây mai đó, tới huyện tam Dương thì ở lại. Nay nghe
tam nương mở hội vật Đỗ Khả đến dự đấu mong có dịp tiến thân, vừa đền nợ nước
vừa rửa thù nhà.
Dương Đình đến, trừng mắt nhìn Đỗ Khả một lúc,
rồi vào nói với Hai Lý xin dự đấu. Hai Lý biết Dương Đình, nói rằng : " Đỗ
Khả là người tài tuấn lại có chí, ông chớ vì học trò mà sát hại hắn ".
Dương Đình gật đầu, vào đấu với Đỗ Khả.
Hai người đấu với nhau ba hiệp không phân thắng
bại. Người nhanh như báo, kẻ vững như thành, lúc khóa chân lúc xốc nách, miếng
khèo, miếng vét, miếng hụt, miếng gồng, ngực chạm ngực như núi xô, tay khóa tay
như rắn cuốn. Mọi người đều nín thở mà xem.
Trong hiệp thứ ba, cuộc vật đang lúc quyết liệt,
hai người đều có chí sống mái. Hai Lý gõ ba tiếng trống cho lệnh nghỉ rồi thưa
với tam nương rằng : " Hai người này đều là tuấn kiệt ở đời, không nên để
một người nào bị hại ! Tôi xem Đỗ Khả khó địch nổi Dương Đình vì Dương Đình
mang chí trả thù cho học trò yêu. Xin tam nương định liệu ! ". Đạm nương
bèn truyền gọi cả hai đến trước mặt, trao cho mỗi người một tấm lụa điều, cổ vũ
cả hai, rồi cho đứng cùng hàng với Lê Đạt.
Bấy giờ có một người rẽ đám đông, xăm xăm bước
thẳng tới trước sập tam nương nói to lên rằng : " Để lại cả ba tấm lụa
điều ấy cho ta ! ". Nói đoạn, người ấy vái tam nương một vái, tự xưng là
Ngô Hào ở xứ Thượng Hồng xin đấu, và nói rằng : " Học trò của Dương Đình
bị đánh vào chỗ hiểm thành tật, nhưng tôi có thể chữa được. Chỉ xin đấu với
Dương Đình cho biết tài cao thấp mà thôi ! ".
Lê Đạt xin ra đấu với Ngô Hào. Dương Đình cũng
xin đấu. Đạm nương liền bảo Lê Đạt ra vật. Đấu nhau ba hiệp, Ngô Hào giật chân
Lê Đạt. Lê Đạt ngã sấp xuống, bèn kéo Ngô Hào theo, cả hai lại ôm nhau mà lăn
trên bãi, cùng khóa tay nhau không ai gỡ ra được. Hai Lý mãi xem quên cả trống,
tay cầm dùi giơ cao mà không gõ một dùi nào. Ngô Hào vật được Lê Đạt nằm ngửa
ra, một tay giữ nách, một tay vỗ bụng Ngô Hào tiếng reo hò vang lên như sấm
khắp cả bãi vật.
Mười ngày hội qua, Đạm nương biên thư cho chồng
là Tuấn công hiện ở Mê Linh, mời về bàn việc khởi nghĩa. Tuấn công là em vợ của
Trưng lạc tướng ở Mê Linh, mà Trưng lạc tướng lại là người sinh ra hai chị em
Trưng Trắc, Trưng nhị. Lúc ấy hai nàng Trưng đã chuẩn bị khởi nghĩa, tình thế
sôi sục. Được tin Đạm nương, Tuấn công không thể về Tam Dương được, mới cho
người về báo tin dặn Đạm nương khởi nghĩa ngay.
Đạm nương được thư thấy nói các anh thư Thánh
Thiên, Lê Chân, Bát Nạn đều đã dựng cờ, họp quân, Tô Định bận phát binh đánh
dẹp, nhờ thế Tam Dương còn được yên, vậy phải gấp rút phất cao cờ nghĩa, hưởng
ứng với các nơi sẵn sàng chống quân Tô Định.
Đạm nương được tin vào thưa với cha, xin ý kiến,
rồi ra họp với em và các tướng, tự nhận là soái, đóng đại quân doanh ở Quất
Lưu, đắp lũy đào hào, phong cho Thanh nương giữ Tả quân doanh đóng ở Vị xuyên,
Hồng nương lĩnh ấn Hữu tướng quản quân, đóng hữu quân doanh ở Ngoại Trạch. Lại
chia quân làm sáu trại, cắt đặt các đầu mục :
Trại nhất ở Trung Chinh giao cho Lê Đạt.
Trại hai ở Đông Bái giao cho Nguyễn Phương.
Trại ba ở Khả Lũng giao cho Đỗ Khả.
Trại bốn ở Sơn Tiêu giao cho Dương Đình.
Trại năm ở Sơn Phổ giao cho Ngô Hào.
Trại sáu ở Xuân Mai giao cho Đinh Quang.
Chủ soái truyền cho các doanh các trại đào giếng
lớn lấy nước ăn. Mỗi trại đào một giếng, lại truyền làm nỏ vót tên, mỗi chiến
sĩ phải có một chiếc nỏ, hai trăm mũi tên và một lưỡi mác.
Sĩ tốt buổi sáng cày ruộng, buổi chiều luyện
tập. Các ngả đường vào Tam Dương, đều có trạm canh phòng. Mỗi trạm một trống
báo truyền nhau. An Bình Lý đốc lĩnh quân cả sáu trại kiêm lĩnh ấn tiên phong.
Cắt đặt xong đâu đấy, Đạm nương viết thư cho Tuấn công được biết Tô Định hai
lần cất quân đánh Tam Dương đều bị thua.
Ngày mồng mười tháng giêng năm sau, Tuấn công từ
Mê Linh về Tam Dương, đem lịnh của Trưng nữ chủ phong cho Đạm nương làm Tả đạo
tướng quân, mang quân theo Trưng nữ chủ đuổi giặc. Đạm nương lên đường cùng
Tuấn công, có Hồng nương và Thanh nương làm phó tướng, An Bình Lý giữ huyện Tam
Dương.
Tam nương cùng Trưng nữ chủ tiến đánh Luy Lâu.
Sau hơn nửa tháng Luy Lâu tan vỡ, Tô Định phải bỏ cả ấn tín, cạo râu tóc mà
chạy trốn.
Sau ngày đại phá Luy Lâu, ba chị em Đạm nương
được phép trở về Tam Dương. Nhân dân nô nức dắt trâu lợn, mang rượu và gạo đi
đón đoàn quân chiến thắng. Đạm nương cho lệnh mở hội mừng công, hội lớn mở năm
ngày với nhiều trò vui, nào đu tiên, ném cầu, nào đánh vật kéo co, đêm đêm lửa
đuốc như sao, ngày ngày trống chiêng dậy đất.
Đạm nương lại cho mở cuộc thi làm bánh để thi
tài khéo léo của các nữ binh. Bấy giờ nữ binh tháo nỏ buông giáo, cầm lấy cái
chầy giã bột, cái rá vo gạo, họp nhau thi làm các thứ bánh bằng gạo nếp, tất cả
mười bốn thứ, trong mỗi thứ lại chọn những chiếc ngon nhất làm lễ tế thần và
trao thưởng cho người làm.
Hội bánh mừng công của Tam nương được các nữ
binh nô nức hưởng ứng, làm tất cả mưòi bốn thứ bánh như sau :
- Bánh chưng nhưng đỗ xanh thịt lợn.
- Bánh chưng tày gói tròn
hình ống.
- Bánh dày trắng.
- Bánh dày xoa đỗ xanh.
- Bánh dợm.
- Bánh ống, như bánh chưng
tày trộn mật.
- Bánh mật như bánh dợm,
trộn mật.
- Bánh mật, hình nhọn như
sừng bò.
- Bánh nẳng trong như hổ
phách màu vàng.
- Bánh phồng.
- Bángh rán mật.
- Bánh trôi.
- Bánh dùng.
- Bánh bột.
Bánh trôi do Đạm nương nghĩ ra ; bánh dùng do
Hồng nương làm ra ; bánh bột do Thanh nương bày ra. Nhân dân cũng theo các nữ
binh, làm đủ mười bốn thứ bánh để thi vui với nhau và ăn trong ngày hội. Gạo
nếp chọn kỹ từng hạt, đỗ vào thuyền thúng mà vo, giã gạo chày đôi vào cối đá ;
bắt bánh dày, đầu chày xoa mỡ, lót chiếu cói trên ván, mỗi ván hai người giã,
hai người bắt bánh.
Làm bánh chưng tày, các cô thi mịn và dẻo, thi
lá giữ được màu xanh, gân sống lá dong đặt sao cho vạch thẳng một đường cắt đôi
chiếc bánh. Bánh ống là do nữ tuỳ tướng của Đạm nương nghĩ ra làm theo bánh
chưng tày nhưng gạo có tẩm mật.
Các nữ binh và các gái làng thi tài khéo léo,
vừa làm bánh vừa hát đối đáp với nhau. An Bình Lý lại cho nam binh đánh trống
hát thi với nữ binh, treo giải bằng lụa, dân gọi là hát trống quân của quân tam
nương, gọi tắt là " hát trống quân ".
Đạm nương rất vui, bảo các gái làng Quất Lư làm
bún và kho cá đem đến thi. Đạm nương chấm và treo giải. Hội bánh từ đó thành
tục lệ, cứ tới ngày mồng mười tháng giêng, Đạm nương lại cho mở hội, hội thế
nào cũng phải có đấu vật và thi mười bốn thứ bánh.
...Quân Mã Viện hùng hổ tiến vào bờ cõi nước ta.
Trưng Vương truyền lệnh các tướng giữ vững thành trì rồi mang đại quân đón đánh
Mã Viện ở Lãng Bạc. Hai quân chọi nhau, sát khí mờ trời đất. Đánh ba ngày,
Trưng Vương phải rút về Hát Môn. Tam nương vội đem quân ứng cứu, giao Tam Dương
lại cho An Bình Lý.
Mã Viện chia quân đón đánh tam nương. Ba nàng
cùng sáu vị đầu mục, áo giáp đỏ máu giặc, tả xung hữu đột, gươm chém giáo đâm,
đánh suốt một ngày, kìm chân quân Mã Viện để Trưng Vương rút về Mê Linh.
Sau trận ấy, ba nàng trở lại Tam Dương chỉnh đốn
quân mã, tháng mười lại đem đại quân tiến đánh Mã Viện một trận lớn bên sông
Hồng để giải vây cho Cấm Khê, Mã Viện đánh quân tam nương tan vỡ, năm vị đầu
mục đã chết, giáo vẫn cầm trong tay.
Còn lại Đỗ Khả bèn cởi trần, đi đất, quẳng bảo
đao, hai tay không xông vào vật với tướng giặc, bóp chết một tướng, quật chết
một tướng, chịu mười nhát giáo đâm, chết còn mở mắt trừng trừng, giặc đều khiếp
hãi không tên nào dám đến gần.
Tam nương rút chạy về Quất Lưu. Phục Ba đuổi
theo rất gấp. An Bình Lý đem hết dân binh ra cự nhau với giặc. Từ ngày mười tới
ngày mười hai tháng mười một các cụ già và đàn bà trẻ con cũng đều cầm mác và
gậy tre mà đánh giặc. Ngày mười một, Hồng nương và Thanh nương đều tử tiết.
Ngày mười hai, An Bình Lý bị tử thương, mất ngay
trên lưng ngựa. Tới đêm, Đạm nương thấy quân tan tác, các em và các tướng đều
đã mất cả, giặc vẫn vây kín và đổ thêm quân viện, biết việc lỡ rồi, ngửa cổ lên
trời kêu to gọi Tuấn công ba lần, lại thầm khấn Trưng Vương, vái mấy cái rồi
tuốt kiếm tự sát (1).
- Tam nương, Tuấn công và An Bình Lý đều được
thờ ở đình Quất Lưu, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phú, các vị đầu mục cũng được thờ ở
hạ ban.
Đình Quất Lưu có câu đối ghi lại công đức các
anh hùng như sau :
" Hộ quốc tiêm cửu, tam noãn linh thần tam
tác tướng.
Xả sinh thủ nghĩa, lục trùng dũng sĩ lục thành
nhân "
(Giúp nước rửa thù, ba vị linh thần cũng sinh
làm tướng. Quên mình giữ nghĩa, sáu trang tráng sĩ nay đã nên danh). Trên
thượng ban có đôi câu đối :
" Trưng Vương tả tướng quân. Lê gia thứ
phúc thần ".
Hội đình Quất Lưu được tổ chức vào ngày mười
tháng giêng, lệ có đánh vật và thi mười bốn thứ bánh nếp, ngày mười hai tháng
mười một tiệc kỵ nhật, tục hèm có bún và cá kho.
Theo những người cao tuổi, huyện Tam Dương trong truyện Tam
nương gồm huyện Bình Xuyên và một phần đất đai các huyện Vĩnh Tường và Yên Lạc
(Vĩnh Phú) ngày nay.
Đình Quất Lưu
Đã xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp
quốc gia theo quyết định số 460 – QĐ/BT ngày 18 tháng 3 năm 1996.
Đình Quất Lưu được tạo dựng từ thời Hậu Lê,
thờ vợ chồng Đạm Xương, Tuấn Công và em trai bà Đạm Xương – ông An Bình Lý. Đây
là những vị anh hùng đã tham gia cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đánh đuổi phong
kiến Trung Quốc đem lại nền độc lập, tự do cho dân tộc. Để tỏ lòng biết ơn,
nhân dân địa phương đã lập đền đình thờ tưởng niệm.
Đình Quất Lưu có qui mô kiến trúc vừa, được làm vào triều Hậu Lê thế
kỉ XVII. Đình nằm trên khu đất thoáng đẹp, với địa danh dân gian gọi là núi Sơn
Tiêu. Đình trông hướng Nam nhìn thẳng ra cánh đồng.
Đình xưa kia được xây dựng theo kiến trúc nội công ngoại quốc. Sau
bao cuộc chiến tranh, hiện nay Đình chỉ còn trang trí theo kiểu chữ nhật gồm 5
gian với diện tích là 251m2. Kĩ thuật xây dựng theo kiểu vì kèo theo kiểu con
rồng, tứ trụ lòng truyền, cột đôi cánh se, tạo cho dáng đình cao mà hóa thấp,
tạo thành hình nấm vững chắc.
Đình được xây dựng với 6 hàng chân cột, gồm 48 cột, các chân
cột đều có các tảng đá kê. Vật liệu xây dựng bằng gỗ lim, ngói mui, gạch nung
chín, có lợp điểm ngói sang cầu, kết cấu bằng vôi vữa, trên nóc đắp bờ giữ tạo
thành 4 góc. Nhìn chung, với kết cấu vật liệu vững chắc, kĩ thuật xây dựng cao,
mộng sàm chặt khít. lực dồn hết vào đầu 48 cột tạo cho đình làng thêm chắc khỏe
tồn tại hàng mấy trăm mấy trăm năm, thử thách với thời gian cho đến ngày nay.
Căn cứ vào kiến trúc nghệ thuật hiện tại của đình, như có 8 đầu
rồng, có các lông mao đục chạm thành những hoàng đao móc hết về phía sau; trong
18 đầu bay, có 8 đầu bay có đục chạm các cụm có hình đao móc đặc biệt bộ cực
võng thờ biểu hiện nghệ thuật thời Hậu Lê là chủ yếu, từ đó, khẳng định rằng
Đình Quất Lưu được xây dựng vào thế kỉ XV dưới 300 năm.
Tính chất nổi bật của Đình Quất Lưu là điêu khắc nghệ thuật mang đậm
kiến trúc của hai vương triều Hậu Lê và triều Nguyễn. Các nghệ nhân ở thế kỉ
XV, XVIII, XIX và đầu thế kỉ XX, với bàn tay tinh sảo của mình, với kĩ thuật
đục bóng chạm nổi, đục thùng, gắn ghép tinh vi thể hiện đề tài chủ đạo là đầu
rồng, con rồng, tứ linh, cụm mây hoa lá.
Sự sắp xếp mang tính cân đối hài hòa, chấp hành luật đối xứng. Qua
đó, phản ánh được tâm lí truyền thống của cư dân Đồng bằng Trung du Bắc Bộ cầu
mong mưa thuận gió hòa, dân khang vật định – thể hiện đậm nét tín ngưỡng phồn
hoa của người Việt Cổ.
Việc trang trí thể hiện tập trung vào gian giữa mà trọng điểm là
võng đúc thượng cung. Nếu nhìn tổng thể nội thất của Đình thì các nghệ nhân đã
tạo ra không gian có góc cạnh rõ nét, có giá trị thẩm mĩ cao. Các bức ván bưng
với kĩ thuật đục bóng, chạm nổi, các nghệ nhân thời Nguyễn đã tạo hình các bức
tranh gỗ nổi tuyệt đẹp, đối xứng nhau, đỡ từ và tứ linh, ví dụ như hai bức
tranh khắc gỗ đối xứng nhau ở phía trong đình.
Mỗi bức có kích thước cao 6m50, mỗi bức được bố trí phần trên là
phượng múa, phần dưới là lẩn chầu, bên cạnh là đục chạm mây nước hóa rồng. bức
bên phải có đề 4 chữ nho “Phượng hoàng lai tướng” Bức bên trái đề 4 chữ “Kì lân
xuất chiêu”. Chính diện của gác thượng cung là bộ cửa vàng gồm có ba cửa, trên
cùng treo bức tranh sơn son, thếp vàng có khắc 4 chữ “hồng lạc phân thùy” làm
ngôi đình tăng thêm vẻ trang nghiêm.
Hiện nay, Đình Quất Lưu còn giữ gìn được 12 hiện vật các loại có giá
trị: chất liệu bằng gỗ (còn một mâm sơn son, thếp vàng; một án thờ đục chạm tứ
linh); chất liệu bằng đồng có 1 bát hương ; chất liệu bằng sứ gồm một bát hương
sứ; chất liệu đá còn hai con rùa bằng đá để học đứng lên trên…tiêu biểu là bộ
Kiện văn được làm ở thời Hậu Lê, được sơn son thiếp vàng lộng lẫy, các đầu rồng
được đục chạm trang nghiêm.
Nhìn chung, Đình Quất Lưu là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc thời
Hậu Lê và triều Nguyễn có giá trị văn hóa lịch sử, khoa học, nghệ thuật cần
được bảo tồn và phát huy giá trị.
Đền Bà
Đền Bà hay còn gọi là đền Vị Thanh được xây
dựng trên một khu đất cao, rộng và thoáng đãng ven đầm Vạc, nay thuộc
thôn Vị Thanh, xã Thanh Trù, thị xã Vĩnh Yên. Trước đền là mặt đầm rộng mênh
mông, những tán cây rợp bóng trên mặt nước, những góc đao cong và mái ngói phủ
đầy rêu phong ẩn hiện khiến ta dễ liên tưởng đến hình ảnh một bến nước, sân
dình quen thuộc của làng Việt. Giữa bình yên của ruộng đồng và làng xóm, ngôi
đền hiện lên thâm nghiêm, cổ kính.
Tương truyền, có vị nữ tướng tài giỏi là
Thanh Nương đã có công phò giúp Trưng Nữ Vương đánh giặc cứu nước, nhân dân cảm
kích lập đền thờ và gọi là đền Bà.
Ao tắm trâu trong lễ hội tế trâu
Bài trí thờ tự tại Tiền tế. Theo cách bài trí này và có tới 4 Long Ngai thì đó có thể là nơi thờ cả ba vị danh tướng Tam nương
Đền được xây dựng vào thời Nguyễn, khoảng
cuối thế kỷ XIX, gồm 3 toà kiến trúc bố cục thoe kiểu chữ “công”: tiền tế
5 gian, hai mái bít đốc có cửa gỗ bức bàn, 1 gian ống và 3 gian hậu cung, có
tạo gác lửng làm khám thờ thần. Kết cấu 6 bộ vì chồng rường giá chiêng, kỹ
thuật mộng sàm đạt đến trình độ cao toàn đền có 32 cột gỗ chắc khỏe, chân cột
kê đá chống ẩm và mối mọt. Bộ mái của tòa ống muống và hậu cung làm theo
kiểu chồng diêm và được lợp ngói mũi truyền thống.
Ở đền Bà, những mảng chạm khắc tuy không nhiều nhưng đường nét chạm khắc
lại khá sắc nét, điêu luyện. Chẳng hạn, những đầu dư những bức cốn đã được
các nghệ nhân thời xưa tạo thành hình rồng ở những tư thế khác nhau(rồng uốn,
rồng chầu mặt trời) rất sinh động. Chạm trổ ở đền Bà đã góp phần tô điểm
cho kiến trúc và tăng thêm vẻ uy nghiêm của chốn thần linh.
Đền còn có 4 bộ long ngai và
các bức hoành phi, câu đối chữ Hán, là những cổ vật quý, được gia cố công phu,
trang trí cầu kỳ.
Đặc biệt đền Bà còn lưu giữ được những giá trị văn hóa
phi vật thể tiêu biểu, trong đó độc đáo nhất là lễ hội tế trâu diễn ra vào ngày
13, 14, 15/10 âm lịch. Hàng năm, ngay từ ngày đầu tiên của tháng 10 âm
lịch, các công việc chuẩn bị cho tiệc tế trâu đã được tiến hành như: chọn trâu
lễ, chọn người nuôi trâu lễ, làm chuồng nuôi trâu lễ và lập ban thờ bộ hạ...
Lễ hội tế trâu chính thức diễn ra từ trưa ngày 13 tháng 10 âm lịch
với các nghi thức theo trình tự là: Lễ cáo, rước ban thờ bộ hạ, dẫn trâu ra sân
đình. Đêm 13 tháng10 tổ chức tế ở đình làng rồi rước trâu ra đền.
Đoàn rước đi đầu là trâu lễ, người nuôi trâu trong trang phục quần
áo đỏ, chạc trâu tết bằng dây đỏ, kiệu bát cống rồi kiệu quan bộ hạ, tiếp theo
là các đội tế, phường bát âm, chiêng, trống, đi sau cùng là dân làng hồ hởi reo
hò với hàng trăm bó đuốc tỏa sáng rực rỡ. Cuộc lễ được tiếp diễn ở đền với một
loạt các nghi thức nữa: tắm trâu, làm lễ nghinh thánh, dắt trâu vào đền làm lễ
hiến tế trâu. Phần hội còn tiếp diễn thêm với những trò chơi vui khỏe đến
hết ngày 15 mới làm lễ tạ.
Lễ hội này phản ánh nét sinh
hoạt tín ngưỡng đặc trưng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước ở đồng bằng
sông Hồng thể hiện thông qua nghi lễ tế trâu cầu mùa. Tới đền Bà vào mùa
lễ hội, khách tham quan không chỉ có cơ hội chiêm ngưỡng cảnh quan thanh bình,
đẹp đẽ của di tích mà còn được tham dự một trong những lễ hội nông nghiệp mang
những giá trị văn hóa tiêu biểu của vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Theo vinhphuc.tourism.vn
Tổng hợp và biên tập Ths .Nguyễn Thy Nga