Danh tướng Trình Thị Cực Nương – dấy binh khởi nghĩa ở huyện Giao Thủy trấn Sơn Nam (nay là làng Quán Các, xã Tân Thịnh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định), được Nhị vua Hai Bà Trưng sắc phong Hoàng Tư Cực Nương công chúa – Đại tướng quân.
Theo ngọc phả ở đền Quán Các do Đại học sỹ điện Đông các
Nguyễn Bính phụng soạn ngày 6 tháng 3 niên hiệu Hồng Đức năm thứ 2 (1573); Quản
giám bách tri điện Hùng lĩnh Thiếu khanh Nguyễn Hiền theo bản chính của tiền
triều chép lại, ngày 25 tháng giêng niên hiệu Vĩnh Hựu năm thứ 3 (1737).
Tại làng Quán Nhi, huyện Giao Thủy trấn Sơn Nam (nay là làng
Quán Các, xã Tân Thịnh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) có gia đình ông Trình Mẫn,
vợ là bà Phạm Thị Đát, nhà nghèo, tuổi ngoài 50 mới sinh được một người con
gái. Lúc sinh con, gia đình gặp năm đói kém nên trong nhà phải bữa cháo, bữa
rau.
Nhân cảnh đói nghèo, ông Trình Mẫn mới đặt con tên là Cực.
Nàng Cực lớn lên, môi son má phấn, nhan sắc tuyệt trần, giỏi nữ công lại có sức
khỏe hơn người, đã từng bẻ gãy sừng trâu, đẩy thuyền trên cạn. Bà ham học võ
nghệ, cưỡi ngựa giỏi, múa giáo tài. Năm 18 tuổi bà kết duyên với ông Nguyễn
Hinh, người cùng làng.
Bia đá thời Hậu Lê
Năm 34 sau Công nguyên, Tô Định sang thay Tích Quang làm
thái thú quận Giao Chỉ. Tô Định là kẻ dã man, hung ác, y rất tham lam và hiếu sắc,
thường cho bắt nhiều con gái có sắc đẹp về làm nô tỳ.
Sau những cuộc mua vui, chúng lại dùng những người con gái
này làm vật ban thưởng cho những tên giặc có nhiều công lao đàn áp, cướp bóc dân
lành và những tên tay sai đắc lực.
Tô Định nghe tiếng tài sắc của bà Cực đã mê mẩn. Khi biết bà
có chồng, hắn đã mật lệnh cho huyện Giao Thủy tuyển ông Nguyễn Hinh chồng bà
vào làm chức huyện thừa, rồi tìm cách hãm hại, toan đường cướp vợ.
Được tin bà vô cùng căm phẫn mới mộ nhiều trai tráng ra lập
đồn trại ở khu rừng Sú vẹt đầu làng, đặt tên là đồn Quy Cực. Những trai tráng
có hận thù với giặc Hán về đây tụ tập rất đông, kể đến có hàng nghìn người.
Năm 39 sau Công nguyên, cả nước đâu đâu cũng oán hận giặc
Hán xâm lược, hào kiệt bốn phương nổi dậy chống chính quyền đô hộ. Nghĩa quân của
bà Cực tự vỡ hoang ruộng bãi, cấy cầy, chăn nuôi lợn gà, đánh cá biển để nuôi
quân và tập luyện để chờ thời cơ đánh giặc.
Năm 40 sau Công nguyên, Bà Trưng khởi nghĩa ở Mê Linh, vây
hãm thành Giao Chỉ, quân Hán ở các huyện phải rút bớt về cứu viện. Thừa lúc
quân giặc lúng túng, bà đem quân hạ huyện thành Giao Thủy, giết chết tên Huyện
lệnh và Huyện úy.
Thừa thắng, bà truy kích toán quân của chúng, tiến thẳng về
Mê Linh hội quân với Hai Bà Trưng. Nghĩa quân các nơi cũng kéo về hợp sức rất
đông. Hai Bà Trưng đã liên kết được các cuộc khởi nghĩa ở các địa phương, tạo
thành thế chiến lược chung, nhất tề tiến công kẻ thù xâm lược.
Chính quyền của bọn phương Bắc đô hộ trên đất Giao Chỉ hơn
200 năm bỗng chốc tan tành. Tô Định, tên tướng giặc tàn ác, tham lam sợ hãi, phải
vặt râu để trá hình mới chốn thoát. Toàn bộ quân xâm lược Đông Hán bị tiêu diệt.
Đuổi được quân phương Bắc ra khỏi bờ cõi, Trưng Trắc được cả
nước suy tôn làm vua lấy hiệu là Trưng Nữ Vương, Trưng Nhị được làm Bình Khôi
công chúa. Vì khi xung trận, bà Cực thường mặc võ phục màu vàng, cưỡi ngựa
Hoàng tông nên bà được phong mỹ hiệu là “Hoàng Tư Cực Nương công chúa”.
Năm 43 sau Công nguyên, Hán Quang Vũ sai Mã Viện làm Đại tướng
cùng Phó tướng là Lâu Huyền, tướng quân Đoàn Chí, Phù lạc hầu Lưu Long đem quân
thủy, bộ sang đánh nước ta. Mã Viện là một viên tướng thiện chiến của
Đông Hán, tính rất hiếu chiến và tàn bạo.
Bà Trình Thị Cực Nương được tin giặc Hán lại đem quân xâm lược,
bèn đem quân bản hộ trở về Mê Linh. Bấy giờ Trưng Vương phong Cực Nương công
chúa là Đại tướng quân, mang cờ tiết về phía Nam để mộ thêm quân sĩ bổ sung
thêm lực lượng, nên sau có câu:
Trì tiết du kiên Nam lĩnh thạch
Nghĩa là: Mang cờ tiết về giữ vững miền Nam
lĩnh.
Bà về Giao Thủy thuộc trấn Sơn Nam, sửa sang đồn lũy, mộ
thêm binh lính, ngày đêm luyện tập, chuẩn bị chi viện cho Trưng Vương.
Trong trận Cẩm Khê, Trưng Vương hy sinh vì nước. Phù lạc hầu
Lưu Long mang thủy binh, xuôi dòng sông Hồng tiến đánh đồn Quy Cực. Sau mấy trận
giao tranh, do binh lực ít hơn, quân Nam phải rút vào đồn cố thủ.
Cuối cùng, một trận ác chiến đẫm máu diễn ra từ sáng đến chiều.
Do không cân sức, khi xác quân thù ngổn ngang thì quân binh đồn Quy Cực cũng
chiến đấu hy sinh đến người cuối cùng.
Bà Trình Thị Cực Nương một mình một ngựa, vung gươm xung đột,
máu nhuộm chiến bào, màu vàng trở thành đỏ sẫm, quyết liệt phá vòng vây quân
thù, phóng ra ra cửa biển, nhảy xuống tuẫn tiết.
Người đời sau có bài thơ ca ngợi bà đã có công lao trong sự
nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc:
Hoàng tư dũng lược hứa Hùng gia
Vạn cổ phương danh đối Hải hà
Phù Trưng nhất tặc khi Tô tặc
Hồ quốc tam niên trấn lạc ba.
Tạm dịch:
Áo vàng gái giỏi giúp Hùng gia
Danh tiếng muôn năm đất Hải hà
Giặc Tô một trận xua về Bắc
Giúp nước ba năm dậy tiếng Bà.
Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, trong đó có sự đóng góp quan
trọng của nữ tướng Trình Thị Cực Nương là một sự kiện có một không hai trong lịch
sử phụ nữ Việt Nam. Cuộc khởi nghĩa đó đã làm cho kẻ thù kinh hoàng khiếp sợ.
Cuộc khởi nghĩa trở thành nền tảng căn bản cho những cuộc khởi
nghĩa liên tiếp truyền thống chống giặc cứu nước hàng nghìn năm của dân tộc Việt
Nam ta. Và đúng như nhà thơ Hoàng Trung Thông đã từng ca ngợi:
“Trên đất nước nghìn năm chảy máu
Nghìn năm người con gái vẫn cầm gươm”.
Đền Quán Các nằm ở giữa thôn Quán Các, xã Tân Thịnh. Thôn
Quán Các trước kia còn có tên là Quán Nhi, vì những người đầu tiên đến đây khai
hoang lập làng vốn ở làng Quán Nhi (nay thuộc Sơn Tây) lấy tên Quán Nhi đặt tên
cho nơi ở mới, sau vì phạm húy đổi tên là Quán Các.
Đền Quán Các thờ Trình Thị Cực Nương, nữ danh tướng cuộc khởi
nghĩa Hai Bà Trưng chống quân Đông Hán xâm lược vào những năm đầu sau Công
nguyên.
Đền Quán Các xã Tân Thịnh xây dựng ngay trên mảnh đất làm
nên sự nghiệp vẻ vang của nữ tướng Trình Thị Cực Nương. Đền tọa lạc trên mảnh đất
rộng hơn 3 sào, phía trước có hồ nước cùng các cây cổ thụ bao bọc. Tại sân đền
có một nhà bia ghi lại sự tích cùng công lao của nữ tướng họ Trình. Qua một sân
gạch rộng khoảng 60m2 là công trình chính của di tích.
Tòa tiền đường đền Quán Các
Đền Quán Các quay mặt theo hướng Tây nam, với kiến trúc truyền
thống kiểu chữ Đinh gồm tiền đường ba gian và hai gian chính cùng bố chí theo
chiều dọc.
Tiền đường kiến trúc theo kiểu chồng rường kẻ bẩy. Ba gian bố trí theo lối đối
xứng. Toàn bộ hệ thống vì kèo được đặt trên 6 cột gỗ lim, được kê trên các chân
đá tảng càng làm cho công trình vững chắc. Kiến trúc tòa tiền đường mang phong
cách thời Nguyễn, chạm khắc đơn giản đề tài chủ yếu là triện, lá lật.
Các xà dọc, xà ngang tuy không có điêu khắc nhưng được bào gọt,
soi chỉ cẩn thận. Chính giữa ở phía trên có bức đại tự được sơn son thếp vàng rực
rỡ, xung quanh có cửa võng càng làm nổi bật bốn chữ đại tự:” Nhị nghi đồng đại”.
Hai bên tả, hữu của gian có đôi câu đối sơn thếp ca ngợi tài đức của nữ tướng họ
Trình:
Thần chi cách tư chính trực thông minh nhi nhất
Đức lòng thịnh hỹ cao minh truyền hậu hưng tam.
Tạm dịch:
Vị thần giáng cách chính trực, thông minh chỉ có một
Đức luôn luôn hưng thịnh mới trong sáng truyền cho đời sau.
Tiếp theo tiền đường, là hai gian chính cung được bố chí chiều
dọc theo kiểu bắt vần mái. Hai gian này xây dựng theo kiểu chồng rường đấu rế.
Đặc biệt gian ngoài được sơn son thếp vàng cả các bộ phận kiến trúc như cột, xà
dọc, xà ngang, cánh cửa vào hậu cung. Đền Quán Các đã qua nhiều lần tu sửa,
nhưng vẫn giữ được những nét cổ kính và truyền thống. Toàn bộ công trình được bảo
vệ khá tốt, cả kiến trúc cùng các cổ vật, cổ thư.
Đền còn là di tích mang đậm phong cách kiến trúc cổ truyền của
dân tộc. Ở đây còn lưu giữ nhiều cổ vật, cổ thư từ thế kỷ 16 - 17 của dân tộc
và nhiều di vật khác có giá trị, mở ra triển vọng lớn về khai thác truyền thống
chống giặc ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam.
Nhang án, khám thờ tại tòa tiền đường
Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, hàng năm nhân
dân làng Quán Các tổ chức lễ hội vào ngày mồng 10 tháng 8 (ngày mất của bà
Trình Thị Cực Nương); ngày 6 tháng 11 (kỷ niệm ngày Bà dấy binh khởi
nghĩa), trong đó kỷ niệm ngày dấy binh có vai trò quan trọng hơn cả.
Trong ngày chính hội, trai gái ăn mặc theo quy định, đầu
chít khăn xanh hoặc đỏ, mặc áo nẹp, tay cầm kiếm hoặc quyền đứng xung quanh sân
để xem từng đôi một biểu diễn múa gươm. Những hình ảnh này làm cho ta liên tưởng
đến nghĩa quân của nữ tướng họ Trình những ngày đầu dựng nước.
Ngoài ra trong lễ hội còn có tổ chức tế nữ quan gồm các thiếu
nữ của làng Quán Các và các làng khác cũng đến hưởng ứng.
Đặc biệt trong ngày kỷ niệm dấy binh, tại đây nhân dân từ
già đến trẻ tập trung đông đủ để nghe về lịch sử và những đóng góp của bà Trình
Thị Cực Nương trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Điều này có tác dụng rất quan
trọng vào việc giáo dục truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc
ta.
Nơi đây, từ năm 1948- 1950 còn là nơi hội họp sinh hoạt của
các tổ chức bí mật của Đảng như chi bộ Đảng, hội Nông dân cứu quốc...Đặc biệt,
vào tháng 5 năm 1950, đồng chí Trần Xuân, chủ tịch Uỷ ban xã Việt Thắng (nay là
xã Nam Thắng) trong lúc hoạt động bí mật ở vùng Tân Thịnh – Nam Thắng, đồng chí
bị địch phát hiện, vây bắt.
Biết mình không thể chạy thoát, đồng chí đã tự sát ngay tại
sân đền, nêu tấm gương sáng về sự hy sinh anh dũng cho sự nghiệp độc lập của
dân tộc. Với những giá trị về Lịch sử- Văn hóa, đền Quán Các được xếp hạng di
tích Lịch sử - Văn hóa năm 1998.