Anh thư hào kiệt Phùng Vĩnh Hoa,dấy binh khởi nghĩa ở Tiên Nha (Phú Thọ), theo về dưới trướng Nhị vua Hai Bà Trưng, tước phong là Vĩnh Hoa công chúa, giữ chức Nội thị tướng quân.
Ở đạo Hồng Châu, trang Mao Điền có người con gái họ Phùng tên Vĩnh
Hoa. Từ nhỏ được học tập võ nghệ lại ham đọc sách ngâm thơ, người người biết
tiếng. Vĩnh Hoa tính tình hoà nhã, đoan trang. Tuy là gái, Vĩnh Hoa chỉ ham
thích ruổi ngựa bắn cung, và thường nói: "Lưỡi kiếm trong tay phải có ngày
quét sạch giặc Hán ra khỏi bờ cõi, chí lớn của ta là như thế!".
Năm Vĩnh Hoa mười tám tuổi, bố mẹ lần lượt qua đời. Vĩnh Hoa trao cả
gia sản cho ông cậu, một ngựa một kiếm ra đi.
Ngày đi đêm nghỉ, đến đạo Sơn Tây, phủ Tam Đái, huyện Yên Lạc, Vĩnh
Hoa thấy trang Tiên Nha địa thế rất đẹp như con rùa lớn nổi lên bên dòng sông
Nguyệt Đức, phong cảnh thật hữu tình, có bến có chợ, làng xóm đông vui.
Vĩnh Hoa cho rằng nơi dây có thể lập được chí mình, mới nghỉ lại ở
đó, bỏ tiền ra làm nhà mua ruộng, tìm người cày cấy để có dịp chiêu mộ sĩ tốt.
Lại nghĩ nơi đây thuyền buôn các nơi qua lại, chợ búa sầm uất, có thể liên kết
được với các hào kiệt bốn phương, mới mở ngôi hàng nước tự mình bán hàng để tìm
kiếm những người cùng chí hướng.
Phụ lão trang Tiên Nha biết Vĩnh Hoa không phải người tầm thường, rủ
các trai đinh đến gặp Vĩnh Hoa, đều xin quy phục, tôn Vĩnh Hoa làm trưởng
trang, Vĩnh Hoa vui lòng nhận lời vì nghĩ đó là điều hay, có thể xây dựng nền
móng để tụ nghĩa.
Từ đó Vĩnh Hoa chiêu dân lưu tán các nơi, đón những kẻ vì bị ức hiếp
mà phải rời quê hương bản quán, mở rộng trang ấp, ngầm rèn đúc khí giới, chứa
cất lương thực để đợi thời cơ. Các hào kiệt về ngày càng đông, cùng cày ruộng,
cùng múa giáo. Thanh thế Vĩnh Hoa ngày càng lừng lẫy, Vĩnh Hoa chọn mười cô gái
giỏi võ nghệ có mưu trí làm vệ sĩ, ngày đêm gần gũi bên mình. Lúc ấy nam nữ đã
có tới ngàn người. Vĩnh Hoa mới cử các đầu mục, chia thành đội ngũ cày ruộng
lấy lương ăn, tự rèn lấy gươm sắc giáo dài, tự chế lấy nõ bền tên cứng. Các phụ
lão đều nói: " Chúng ta may ra còn thấy được cảnh tượng thái bình. Chắc
cái ngày ấy cũng gần tới rồi! ".
Phủ quan Hán thấy thanh thế trang Tiên Nha như lửa đã bốc, mới giật
mình kinh sợ, phái quân đánh dẹp. Vĩnh Hoa biết lúc này không thể chần chừ được
nữa, vả lại các phụ lão, các đầu mục đều xin đánh giặc Hán, khí thế như dầu sôi
lửa bốc. Vĩnh Hoa bèn cho giết lợn mổ trâu, cáo tế tổ tiên, khao thưởng quân sĩ
thổi sáo đánh trống, múa hát làm vui, rồi đào hào đắp lũy cự địch với quân Hán.
Phủ quan đánh không nổi trang Tiên Nha, cấp báo tin dữ về cho Tô
Định. Tô Định lúc này cũng đang lo lắng, hốt hoảng vì tin tức các nơi dồn dập
báo về, quận Giao Chỉ đang như nồi nước bắc trên bếp sôi lên sùng sục. Tô Định
truyền lệnh cho các châu, các huyện phải cố thủ thành trì, phòng giữ cho nghiêm
cẩn đề phòng nghĩa quân tiến đánh.
Một hôm Vĩnh Hoa đang coi quân tập bắn nỏ chợt có nữ tốt vào báo có
người lạ đến xin ra mắt để bàn việc lớn. Vĩnh Hoa truyền lệnh mời vào rồi chỉnh
tề y phục thân tiếp khách. Khách là một người đứng tuổi, mặt vuông miệng rộng,
mắt sáng, đi đứng khoan thai, có vài người cùng đi theo, mặc áo vải quần nâu,
không mang khí giới gì. Vĩnh Hoa biết khách không phải người thường, cung kính
mời trầu nước.
Sau một tuần nước, Vĩnh Hoa hỏi khách tên họ gì, từ đâu tới, có điều
gì dạy bảo. Khách thong thả nói: " Khoan hỏi họ tên. Tôi nghe nói Vĩnh Hoa
nương là anh hùng ở đời này, muốn đến cho được biết người, nay mới biết tiếng
đồn quả không sai ".
Vĩnh Hoa nhún nhường lại xin khách bảo cho điều hay lẽ phải. Khách
nói: " Nàng có thể chống được đại quân của Tô Dịnh chăng? Nàng có thể đóng
giữ một trang này mà làm lay động được cả Giao Châu chăng? Nếu Tô Định đem quân
các nơi về cùng đánh, nàng có thể giữ được cái trang Tiên Nha nhỏ bé này chăng?
".
Vĩnh Hoa ngẫm nghĩ giật mình, xin khách mách bảo cho kế lâu dài.
Khách nói: " Giặc Đông Hán tham tàn, Tô Định lại là một tên thái thú ham
của khát máu, cho nên bốn phương anh hùng đều đã nổi dậy. Nàng không nghe nói
Lê Chân ở miền biển, Bát Nạn ở Tiên La đã từng đánh quân Tô Định thất điên bát
đảo hay sao? Ở biên giới có Bạch Nương, Vân Nương, vùng núi rừng Thiên Sớ có
nàng Hồ Đề tự xưng đại vương, châu Đại Man có Xuân Hoa đã tụ nghĩa. Ở đồng bằng
sông Bồ Đề có Triệu Tam Trinh, nơi ba sông lớn giao nhau có Quách A nương...Nói
ra còn nhiều không xiết.
Chính vì thế mà Tô Định mới không động được đến cái trang nhỏ này.
Vả lại Tô Định tham bạo nhưng lại nhút nhát, nay nó cho lệnh cố thủ thành trì
các châu huyện, đó là dịp may cho nghĩa quân các nơi. Nhưng nếu cứ mỗi người
một cõi thì đuổi sao được giặc? Nếu có người mách Tô Định kế bẻ đũa từng chiếc
thì nhân dân nước Việt Nam ta bao giờ mới thoát được cảnh chìm đắm lầm than?
Tôi chính là Nguyễn Tiến Cơ, là người thân cận của Hai Bà Trưng ở Mê Linh, được
lệnh Hai Bà cho đến để bàn kế cùng nàng, cùng nhau hợp sức đuổi giặc ".
Nói đoạn, hai tay cung kính đưa hịch của Bà Trưng cho Vĩnh Hoa. Vĩnh
Hoa đón lấy đọc. Đọc xong nét mặt tươi cười, nói rằng: " Hai Bà là con quan
lạc tướng, dòng dõi các vua Hùng, là chúa trong đám anh hùng, có trí lự sâu xa,
chúng tôi không đáng cắp giáo theo hầu! ". Lại ngoảnh bảo các người thân
tín đang đứng quanh rằng: " Nay cả nước phải hợp sức lại dưới cờ của Hai
Bà cùng đánh rắn dập đầu mới mong lấy lại được giang sơn, giành lại được cơ
nghiệp tổ tiên để lại, cứu dân thoát khỏi vòng nước lửa ", bèn giữ Nguyễn
Tiến Cơ ở lại vài ngày nhờ giúp đỡ việc chỉnh đốn quân ngũ.
Nguyễn Tiến Cơ từ chối, lại nói rằng: " Chỉ nội ngày mai, sớm
tối thế nào Quách A nương cũng kéo quân qua đây về Mê Linh họp mặt với hào kiệt
các nơi dưới cờ đại nghĩa của Hai Bà. Nàng cũng nên nhanh chóng đem quân đến,
không nên chậm trễ ".
Quả nhiên sáng hôm sau, mặt trời vừa tới ngọn cây, giữa dòng sông có
một đoàn thuyền đang rẽ sóng, sáu chiếc thuyền lớn dong buồm đi một hàng thẳng
tắp, xung quanh có hàng chục chiếc thuyền nhỏ cùng xuôi. Trên thuyền đi đầu có
một chiếc trống cực lớn, các lực sĩ đứng quanh, đầu chỉ chấm tang trống. Chiếc
thuyền đi giữa có dựng một ngọn cờ đại sắc vàng quắc, hàng chục mái chèo cùng
khua sóng, bọt nước tung toé như hoa.
Vĩnh Hoa cùng các đầu mục ngắm mãi không chán. Vĩnh Hoa than rằng:
" Hàng ngũ chỉnh tề, quân uy hùng tráng! Ta thật còn thua kém. Những người
nhu thế này mà cùng đứng dậy, giặc Hán tất phải ôm đầu cuốn cờ chạy khỏi đất
nước Nam ta ". Bèn truyền lệnh mổ trâu giã bánh khao quân, giao mọi công
việc trong trang lại cho các phụ lão, sáng hôm sau đem hơn một nghìn sĩ tốt về
Mê Linh yết kiến Hai Bà.
Hai Bà Trưng thấy Vĩnh Hoa diện mạo khác thường, lại văn võ kiêm
toàn, nên cũng mười phần yêu mến, phong cho làm nội thị tướng quân, được theo
Hai Bà ở đạo trung quân dự bàn mọi công việc. Quân của Vĩnh Hoa cũng được phiên
chế lại.
Hai Bà đem quân về nghỉ ở Bạch Hạc một ngày, cưỡi ngựa ngắm xem địa
thế, biết đây là nơi hiểm yếu, là cửa ngõ thành Bạch Hạc, nghĩ nhớ tới tổ tiên,
lại nghĩ tới vận nước, trong dạ bồi hồi. Bà Trưng chị quay lại bảo Bà Trưng em:
" Nay mai em phải về đây xây dựng thành nơi cứ hiểm phòng giữ lâu dài cùng
là gìn giữ phần mộ ông cha ". Hôm sau Hai Bà về núi Hùng làm lễ cáo tế tổ
tiên xin phù hộ cho dẹp yên giặc Hán, lấy lại được nghiệp cũ. Sau đó Hai Bà kéo
quân về Hát Môn.
Từ đó lệnh khởi nghĩa truyền đi cả nước, khắp các châu, các huyện,
các làng, các động gươm giáo dựng lên. Các thành trì của giặc Hán lần lượt rơi
vào tay nghĩa quân. Thủ phủ Luy Lâu của Tô Định tan vỡ trước sức tấn công mãnh
liệt của đại quân Hai Bà. Chưa đầy một năm, Hai Bà thu hồi được 65 thành trì
cõi Lĩnh Nam, lên ngôi vua, đóng đô ở đất Mê Linh, không chịu thần phục nhà
Hán.
Trưng nữ vương mở tiệc khánh hạ, khao thưởng ba quân, phong cho các
tướng có công. Vĩnh Hoa được phong công chúa, cho phép lấy trang Tiên Nha làm
thực ấp, cho xây dựng đồn trại bên sông.
Ba năm sau, Mã Viện thừa lệnh vua Hán cầm quân sang chiếm lại nước
ta. Nhiều trận đánh lớn diễn ra ở các miền sông Đuống, sông Mã, sông Hồng. Vĩnh
Hoa ngày đêm nghiêm ngặt tuần phòng. Một hôm Vĩnh Hoa tiếp được lệnh Vua Bà cho
gọi về triều theo đạo quân của Vua Bà đi đánh giặc.
Mã Viện hai lần thua lớn, xin vua Hán cử gấp viện binh sang, rồi mở
trận đánh quyết liệt. Hai bên giáp trận, đánh nhau rất lớn ở Lãng Bạc. Hai Bà
túng thế rút về Mê Linh. Mã Viện là một tên tướng quỷ quyệt, thường dùng mưu kế
xảo trá, quân ta cự không lại, vỡ tan dần.
Hai Bà Trưng thế cùng lực tận, tuẫn tiết ở sông Hát.
Vĩnh Hoa rút về trang Tiên Nha cố sức cầm cự, nhưng biết là không
giữ nổi nữa, mới cùng quân lính lên ngựa xông vào trại giặc chém giết một trận
rồi tử tiết theo Hai Bà ở sông Nguyệt Đức. Hôm đó là ngày mười bốn tháng chín.
Đền Trinh Uyển – Đền Bà
Đền Trinh Uyển thờ danh tướng Phùng Vĩnh Hoa, Nội thị tướng quân của
Hai Bà Trưng. Đền Trinh Uyển (đền Bà) được xây dựng trên một khu đất cao, rộng
và thoáng đãng ven đầm Vạc thuộc xã Vị Nội, tổng Hương Canh, huyện Yên Lãng,
phủ Tam Đới, trấn Sơn Tây; nay thuộc thôn Vị Thanh, xã Thanh Trù, thành phố
Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Trinh Uyển là từ chỉ người con gái xinh tươi, dịu dàng, trong sáng,
thanh tao. Ngoài ra, nghĩa của trinh uyển còn thể hiện niềm tiếc thương, vô vàn
kính nhớ.
Từ niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 6 (1624), trải qua nhiều triều đại, Bà đều
được sắc phong thần. Đến niên hiệu Khải Định thứ 2 (1917), được vua phong là
Trinh Uyển Dực Bảo Trung Hưng tôn thần. Do đó, đền Bà có tên chữ là Trinh Uyển
linh từ. Ngày 17/5/1924, niên hiệu Khải Định thứ 9 (theo chữ ghi ở Thượng
Lương), đền Trinh Uyển mới được xây dựng quy mô hơn và tồn tại đến ngày nay.
Đền làm theo hướng Tây - Đông, toạ lạc trên một khuôn viên rộng
chừng 1 ha, nhìn ra Đầm Bạc. Cổng từ phía sau lưng vào, đi về bên tay trái. Bên
kia đầm, nội thành Vĩnh Yên là Bệnh viện Đông y và khu Điều dưỡng. Thế kỷ 19,
bên đền có hai bến đò nhỏ cho khách hành hương qua lại. Nhờ đó, cảnh quan càng
thêm kỳ thú.
Đền Bà thuộc xã Vị Nội, tổng Hương Canh, huyện Yên Lãng, phủ Tam
Đới, trấn Sơn Tây. Nay Vị Nội đổi là Thanh Trù, sáp nhập vào thành phố Vĩnh
Yên.
Đền có 3 gian hậu cung, lợp hai tầng mái cong, nhưng đầu hồi lại xếp
3 tầng mái. Nhà Tiền tế có 5 gian, 24 cột. Mỗi cột tiết diện tới 40cm. Ba gian
giữa nối với hậu cung. Hai gian bên đều thông xuống bên sườn hậu cung. Vách tả
có chữ "Tôn", vách hữu có chữ "Nghiêm" qui vuông mỗi cạnh
80cm. Mặt bằng xây dựng thành hình bộ "Vi", lập nên một không gian
khép kín.
Trước đến là một sân hẹp, nối tiếp ra bờ đầm có nhiều cây cối, đặc
biệt là loại gù hương, sống tới mấy trăm năm, làm cảnh trí càng thêm u trầm,
tĩnh lặng. Từ sân đền xuống tới đầm Bạc, phải qua 15 bậc gạch đá mới đến mặt
nước.
Trong đền còn nhiều câu đối cổ. Điều thật đặc biệt và thật quý giá
là tất cả các câu đối đều có phần lạc khoản, khắc rõ niên đại, họ tên, chức vị
người cung tiến; giúp các nhà nghiên cứu văn hoá - lịch sử vững tâm tin tưởng
vào sự chân thực của chứng tích.
Qua nội dung các câu đối ấy, đối chiếu với truyền thuyết và Ngọc
phả, ta biết rằng đền Trinh Uyển thờ nữ anh hùng 19 tuổi, Danh tướng Phùng Vĩnh
Hoa, "Nội thị tướng Quân, Vĩnh Hoa công chúa".
Thần tích kể lại nguồn gốc lập đền “Trinh Uyển” như sau:
Khi đất nước thanh bình, danh tướng Phùng Vĩnh Hoa về thăm Hồng
Châu, rồi trở lại trang Tiên Nha, mở lễ yến, khao thưởng mọi người.
Ba năm sau, tướng Hán là Mã Viện kéo quân sang đánh Trưng Vương. Sau
khi rút chạy từ Lãng Bạc về Cấm Khê, quân của Hai Bà Trưng phải cố thủ. Phùng
Vĩnh Hoa bị cô lập ở trang Tiên Nha, đúng lúc bộ tướng của Mã VIện là Lưu Long
dẫn quân bao vây. Một mình một ngựa, Phùng Vĩnh Hoa tả xung hữu đột cực kỳ anh
dũng.
Tên Lưu Long áp sát lấy nàng, đánh văng mất kiếm của Vĩnh Hoa. Nàng
còn kịp cầm hòn đá ném trúng vào mặt tên tiểu tướng, phóng ngựa vượt lên. Tới
sông Nguyệt Đức, phía trước thì giặc chặn đầu, phía sau thì giặc đuổi gấp, nàng
bèn nhảy xuống sông Nguyệt Đức tử tiết. Thi thể được sóng to gió lớn đẩy trôi
về đầm Bạc.
Người Vị Nội vớt được thi hài, chôn cất tại địa phương, vào ngày
14-9 năm Quý Mão (43). Mộ nàng bị một con trâu điên, tục truyền là ma thuật của
Lưu Long, tên tiểu tướng bị Phùng Vĩnh Hoa nện đá vỡ đầu, lấy sừng cày xới tung
bành. Người sở tại bắt được trâu, dùng dáo mác đao kiếm mà đâm nó đến chết, để
trả hận cho nàng; đồng thời dựng lên ngôi đền thờ nàng. Nay ở Thanh Trù vẫn còn
lễ hội "Đâm Trâu". Tất cả người dự hội đều có thể xẻo thịt trâu,
nướng ăn tại chỗ, để biểu hiện lòng căm thù bọn xâm lược Bắc phương và tỏ niềm xót
xa thương tiếc cho nàng.
Năm 982, Vua Lê Đại Hành phong cho nàng là:
"Vĩnh Hoa nương linh hiển nữ quốc Công chúa"
Năm sau lại phong:
"Hằng nga Uyển Mỵ, trinh thục phu nhân tôn thần"
Năm 1430, Vua Lê Thái Tổ phong cho nàng là:
"Đức hạnh đoan trang trinh tiết phu nhân"
Để nhắc lại khí phách hiên ngang, kiên cường bất khuất của Phùng
Vĩnh Hoa và lên án bộ mặt man rợ ghê tởm của bọn giặc Lưu Long. Hắn đã dùng
"thủ đoạn khoả thân" hòng làm nhục nàng. Nhưng đối lại, Phùng Vĩnh
Hoa khi bị đánh văng mất kiếm, đã giật phăng yếm ra làm vải bọc đá, cứ thế ném
đá vào mặt chúng, làm nhiều tên vỡ sọ mà chết. Cuối cùng "thân cô, lực
kiệt", nàng phải tự trầm dưới sông Nguyệt Đức.
Năm Vĩnh Tộ thứ 6 (1624), Vua Lê Thần Tông phong cho nàng là
"Tế thế hộ quốc Đại Vương, Anh linh hiển ứng đại Vương". Năm 1852,
Vua Tự Đức sắc phong cho nàng làm Thành hoàng làng Vị Nội, với danh hiệu
"Bản cảnh thành hoàng Linh phù".
Từ năm 1857 đến năm 1880, vua lại tiếp tục truy tặng cho nàng là
"Hoằng hiệp thành hoàng linh phù". Năm 1891, Vua Đồng Khánh phong cho
nàng là "Dực bảo trung hưng" đến niên hiệu Khải Định thứ hai 1917,
vua phong cho nàng là "Trinh uyển Dực bảo trung hưng tôn thần". Do
đó, "Đền Bà" mới có tên chữ "Trinh uyển Linh từ".
Như vậy, "Đền Bà" đã có từ thời Tiền Lê, cách đây 1.027
năm. Nhưng mãi tới ngày 17 tháng 5 năm Giáp Tý, niên hiệu Khải Định thứ 9
(1924), theo chữ ghi ở thượng lương, đền Trinh Uyển mới được xây dựng trên quy
mô hoành tráng, còn lại tới ngày nay.
Với lịch sử, cảnh quan và kiến trúc đậm đà phong cách Việt Nam,
"Trinh Uyển linh từ" xứng đáng là một di tích lịch sử - văn hoá của
tỉnh ta và toàn quốc với giá trị đích thực có sẵn.
Lần lượt các câu đối trong đền như sau:
- Gian giữa:
"Oanh liệt nhất tràng Trưng Triều hiển thánh
Huân cao vạn cổ Bạc Đàm linh từ"
Tạm hiểu là:
Ngang dọc một cõi chiến trường, hiển thánh Triều Trưng
Sáng ngời muôn thu soi bóng, đền thiêng Đầm Bạc.
Niên đại ghi rõ là "Bảo Đại mùa thu năm Canh Thìn (1940)"
Đôi câu đối thứ hai:
"Hội quyết thư hùng hiển thánh Trưng Triều lưu chính khí
Nguyên phân Kinh vị giáng thần Bạc Thuỷ mạt ân ba".
Tạm dịch là:
Sống chết phen này, hiển thánh Triều Trưng còn chính khí
Nguồn chia Kinh vị, giáng thần nước Bạc vẫn xôn xao.
Phần lạc khoản đề rõ: Người tỉnh ta ở trung Nguyên, Đông Lỗ, Yên
Lạc, thầy giáo làng là Nguyễn Hữu Đức kính dâng.
Đôi câu đối thứ ba:
"Nộ khí đảo sơn hà, anh phong vạn cổ
Tình trung quân nhật nguyệt, tiết nghĩa nhất môn".
Tạm dịch là:
Cơn giận nghiêng non sông, dáng hùng muôn thuở
Niềm trung sáng đôi vầng, tiết nghĩa một nhà.
Lạc khoản ghi rõ. Người xã ta là Hội viên Phùng Văn Đỗ và quyền
Chánh Tổng Nguyễn Lê, cung kính dâng.
Câu đối thứ tư:
"Địch khái kỳ tâm đồng Trưng phiến anh thư truyền thất tộ
Ninh dân kỳ lợi, phổ Bạc Đàm linh miếu lịch đa niên".
Tạm dịch là:
Căm thù giặc, cùng vua Trưng nêu gương gái giỏi bẩy triều
Lợi yên dân, khắp Đầm Bạc, soi bóng miếu thiêng nhiều thuở.
Lạc khoản ghi rõ: Người xã ta, chức Tổng Khán thủ là Nguyễn Khắc
Dương cùng Lý trưởng đương nhiệm là Phùng Hữu ích kính dâng.
Trên gian giữa treo bức Biển hiệu, chữ viết và nét khắc rất đẹp: "Trinh Uyển Linh từ"
Nghĩa là: "Đền thiêng cô gái anh hùng"
Lạc khoản đề "Bảo Đại Mậu Dần, Trọng Đông cát nhật", nghĩa
là: Ngày lành, tháng 11 mùa Đông, năm Mậu Dần (1924), niên hiệu Bảo Đại.