Người ta luôn nhớ về Thăng Long – Hà Nội với những kết tinh đậm nét nhân văn, văn hóa và bản sắc Việt Nam. Không chỉ thế, nơi đây còn là trung tâm chính trị, tôn giáo của đất nước ngay từ những buổi đầu lịch sử. Qua hàng ngàn năm thăng trầm đất nước, mảnh đất văn hiến ấy đã gìn giữ lại biết bao ngôi chùa cổ kính có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt. Và sẽ thật thiếu sót nếu trong biết bao câu chuyện về đình chùa Hà Nội ta không nhắc đến ngôi chùa được coi là đệ nhất tùn
Một chiều bình yên chùa Láng. -Ảnh: Chi Khanh
Chùa Láng nổi danh trong lòng người dân Hà Nội là một chốn thiền tâm. Tên chính thức của ngôi chùa được ghi trên văn bia năm Thịnh Đức là Chiêu Thiền tự với ý nghĩa: Vì có điều tốt rõ rệt nên gọi là Chiêu. Đây là nơi sinh ra Thiền sư đại thánh nên gọi là Thiền (Cái nguyên hữu chiêu hiển gia tường, cố dĩ Chiêu danh. Đĩnh sinh Thiền sư đại thánh, cố dĩ Thiền danh). Trong khi đó người Pháp gọi là Pagode des Dames.
Một góc chùa ngày bình yên. -Ảnh : ChiKhanh
Chùa nằm trên đường Chùa Láng, trước kia vốn là ngõ Giếng của làng Láng Thượng. Nghe vậy thôi người ta cũng đủ biết sự ảnh hưởng của ngôi chùa đến con phố ấy, đến người dân nơi ấy sâu đậm đến thế nào. Theo sử sách ghi lại, Chùa được xây dựng từ thời vua Lý Anh Tông thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Có truyền thuyết kể rằng, nhà sư này đã đầu thai làm con trai một nhà quý tộc Sùng Hiền hầu, em vua Lý Nhân Tông. Vì vua Lý Nhân Tông không có con, nên con trai của ông Sùng Hiền hầu được nối ngôi, tức vua Lý Thần Tông. Do sự tích ấy mà con của Lý Thần Tông là Lý Anh Tông đã cho xây cất chùa Chiêu Thiền để thờ vua cha và tiền thân của Người là thiền sư Từ Đạo Hạnh.
Ngôi chùa thờ sư Từ Đạo Hạnh. -Ảnh: C.jojo
Trong lịch sử Việt Nam, thiền sư Từ Đạo Hạnh không những được nhớ đến là cụ tổ của nghề múa rối nước mà còn là người có phép thuật cao minh. Hiện nay ở Hà Nội, có 2 ngôi chùa lớn thờ ngài, đó là Chùa Láng và chùa Thầy. Bởi vậy theo tục cổ cứ 12 năm lại mở hội lớn môt lần và còn lưu truyền câu ca dao:
Nhớ ngày mồng bảy tháng Ba,
Trở vào hội Láng, trở ra hội Thầy.
Đường vào chùa ngày xưa. -Ảnh: sưu tầm
Trải qua những thăng trầm và biến động của thời gian và lịch sử nước nhà, chùa Láng đã được trùng tu nhiều lần. Lần trùng tu lớn dưới thời Lê Trung Hưng 1656. Nhưng không vì thế mà ngôi chùa mất đi vẻ đẹp vốn có của nó. Dân gian vẫn còn ca ngợi ngôi chùa mà văn bia còn lưu lại: “Thật là danh lam bậc nhất, thế gian không có chùa nào sánh kịp. Khí tốt Phượng thành bên hữu toả khắp, dòng sông Tô Lịch bên tả lượn vòng, Nhị Hà nghìn dặm quanh Kinh đô uốn khúc, như rồng xanh lớp lớp chầu về, Tản Viên dãy núi đầy khí đẹp hướng vào, như hổ trắng đàn đàn đến họp”.
Chùa Láng sau những đổi thay thời đại. -Ảnh: Hanoi Mark
Chùa Láng có vẻ đẹp bề thế bởi có quần thể kiến trúc hài hòa, cân xứng với không gian. Các công trình kiến trúc trong chùa hòa hợp thiên nhiên xung quanh chùa, từ sân vườn cho tới những hàng cây cổ tạo nên một không gian tĩnh mịch, cổ kính… Vì thế, chùa Láng đã từng được coi là đệ nhất tùng lâm (rừng thông đẹp nhất) ở chốn Kinh kỳ xưa.
Hình ảnh ngôi chùa bao quanh là cây cối vào thế kỷ 20 -Ảnh: Nhân’sBlog
Chùa với nhiều cây cổ thụ lớn. -Ảnh: sưu tầm
Chùa Láng hôm nay giữa màu cổ thụ. -Ảnh: Trần Khôi
Cổng chùa gồm bốn cột vuông cao vút được khắc câu đối và khảm bằng sứ cùng với ba mái cong không trùm lên cột mà gắn vào sườn cột, mái giữa cao hơn hai mái bên đã tạo nên kiến trúc uyển chuyển, mềm mại. Qua cổng chùa là một sân gạch Bát Tràng ở giữa có sập đá đây chính là nơi đặt kiệu thánh vào đêm trước ngày khai hội. Phía sau cột đá là Tam quan nội với kiến trúc nhà 3 gian ở giữa là 2 hàng gạch chống 4 lớp mái song song xếp theo kiểu mái chồng tạo lên không gian thoáng đãng.
Tam quan nội của chùa. –Ảnh : vncgarden
Đi qua Tam quan nội là con đường vào chính điện được lát gạch với 2 bên là hàng muỗm cổ thụ rợp bóng gợi lên không gian tĩnh mịch, thanh tịnh.
Hàng cây muỗm cổ thụ . -Ảnh: Nhan’s Blog
Càng đi vào sâu bên trong, không gian dần thu lại chỉ còn hàng cây xanh và mặt nước tạo nên không gian hài hòa, sâu lắng… làm cho con người ta như trút được hết bụi trần trước khi bước vào cửa Thánh. Nơi cửa Thánh, ở giữa sân chùa trước tòa nhà tiền đường, tả vu, hữu vu là ngôi nhà Bảo Cái hình bát giác. Đây là nơi đặt kiệu Thánh trước đêm của ngày hội.
Nhà Bảo Cái hình bát giác. -Ảnh: vietguider
Ngôi nhà Bảo Cái được chụp vào thế kỷ 20 - Ảnh: Nhan’s Blog
Qua nhà Bảo Cái mới đến các công trình chính trong chùa: bái đường, nhà thiêu hương, thượng điện, các dãy hành lang, nhà tổ và tăng phòng... Động thập điện Diêm Vương ở hai dãy hành lang khá đẹp, miêu tả những hình phạt ở các tầng địa ngục.
Sảnh chùa Láng khi xưa. -Ảnh: sưu tầm
Góc chùa lặng lẽ ngày hôm nay. -Ảnh: Chi Khanh
Ngày nay, cứ vào ngày 7 tháng ba âm lich nhân dân phường Láng Thượng lại khai hội chùa Láng. Về phần rước kiệu, kiệu Thánh được rước từ chùa Láng qua thăm thân mẫu bên chùa Hoa Lăng, còn về phần lễ là tái hiện lại hình thức đấu thần (diễn tả lại cuộc đấu giữa Từ Đạo Hạnh và sư Đại Điên). Về phần hội, nhiều trò chơi dân gian như “bịt mắt đập niêu”, “thi thổi cơm”… thể tinh thần đoàn kết, tinh thần dân tộc, truyền thống nhân dân ta… đây cũng là cơ hội kết duyên cho các cặp nam thanh nữ tú.
Người dân trẩy hội. -Ảnh: dzunglam blog
Người đến chùa Láng đêm giao thừa. -Ảnh: Zniper
Vãn cảnh chùa Láng, du khách thập phương sẽ được thưởng ngoạn vẻ đẹp quyện hoà giữa thiên nhiên và kiến trúc nơi đây. Bao ưu tư, phiền muộn được gột bỏ, thanh thản dạo bước để tận hưởng những giây phút thanh tịnh mà cõi thiền mang lại. Dưới tán lá sum suê của những gốc đại thụ, thường là hình ảnh những cô cậu sinh viên ngồi ôn bài, những cụ già ở tuổi “xưa nay hiếm” ngồi đọc báo, hay lặng yên hưởng chút dư vị thanh bình hiếm hoi còn sót lại giữa lòng đô thị.
Iki Oleo - Mytour.vn