Đền chùa Xá là nơi thờ Đế Thích (Thiên Vương giáng sinh) là nơi ở của Đế Thích (Đế Thích Quán) và các vị thành Hoàng có công giúp vua đánh giặc.
Di tích lịch sử văn hoá Đền Chùa Xá, thôn Cẩm La, xã Cẩm
Ninh được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận là di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc
gia năm 1992.
Theo thần tích thì Đền chùa Xá là nơi thờ Đế Thích (Thiên Vương
giáng sinh) là nơi ở của Đế Thích (Đế Thích Quán) và các vị thành Hoàng có công
giúp vua đánh giặc. Trải qua các biến cố thăng trầm của lịch sử Đền Chùa Xá đã
chứng kiến biết bao sự kiện của lịch sử đất nước.
Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược. Tiếng súng toàn quốc
kháng chiến bùng nổ, cũng như nhiều địa phương khác, cùng với cơ sở Ninh Thôn đền
chùa Xá là nơi tập chung tập luyện quân sự, chính trị cho dân quân du kích của
cả xã, dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ huy quân sự xã, chính ở đền, chùa này đào tạo
lên nhiều cán bộ chủ chốt cho Đảng, trong đó có đồng chí Đinh Quyết Thắng là Bí
thư thành Uỷ Hà Nội năm 1948.
Tháng 7/1950 giặc Pháp đã bắt đồng chí Lê Văn Hỷ là phó ty
công an tỉnh Hưng Yên, đồng chí Thái Văn Hùng là hội đồng thôn Cẩm La (Cả 2 đồng
chí đều là người thôn Cẩm La). Giặc Pháp tra tấn dã man nhưng hai đồng chí không
khai nửa lời, cuối cùng chúng đem 2 đồng chí bắn tại tam quan đền Chùa Xá, dấu
tích căm thù vẫn còn nguyên tại đây.
Đền chùa Xá còn là nơi tập chung hoạt động bảo toàn lực lượng
của xã, là căn cứ cách mạng của cả vùng. Trong những ngày đen tối đền chùa Xá
là nơi đón tiếp, đi lại của các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng ta, trong đó có đồng
chí Hoàng Quốc Việt.
Đền Chùa Xá trải qua nhiều thế hệ các sư trụ trì. Trong
kháng chiến chống Pháp sư cụ Đàm Xuân đã lấy nơi đây làm cơ sở bí mật của Đảng,
đã trực tiếp nuôi dấu nhiều cán bộ, được Nhà nước ta tặng "Đồng tiền
vàng". Sư thày Đàm Nhuần trụ trì tại đây hơn 70 năm đã có nhiều công lao
trong hai cuộc kháng chiến, nay là Uỷ viên ban Chấp hành trị sự hội phật giáo tỉnh,
Đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, Trưởng ban trị sự hội phật giáo huyện Ân Thi.
Cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Cuối năm 1954 Đại hội
chiến sĩ thi đua của tỉnh Hưng Yên đã long trọng tổ chức tại di tích này. Đại hội
có đồng chí Nguyễn Quyết về dự.
Hoà bình lập lại đền chùa Xá liên tục có các đơn vị mượn nơi
đây làm trụ sở.
Như vậy trong suốt các thời kỳ đền chùa Xá đã ghi nhận biết
bao nhiêu sự kiện lịch sử, những thành tích trong kháng chiến, những cống hiến
trong hoà bình.
Theo một số cụ cao tuổi ở địa phương cho biết, đền, chùa Xá
đã được tạo dựng từ rất lâu đời (dưới thời Văn Lang - Âu Lạc). Trải qua chiến
tranh và thiên nhiên tàn phá, di tích đã bị hỏng nát nhiều lần, một số di vật
còn lại có dấu tích của thời Lê như: bia đá được khắc thời Lê Chính Hoà năm thứ
3 (1682) ở hành lang, một số chân tảng và một số viên gạch còn lưu dấu, nhưng
di tích hiện tại khá đồ sộ còn lại với chúng ta được trùng tu, xây dựng dưới thời
Nguyễn.
Phía trước di tích là tam quan đồ sộ có 3 cửa đi vào di
tích: Cửa lớn chính giữa cao hơn hẳn hai cửa bên cạnh có mái cong bảo vệ. Chính
giữa là 3 chữ hán lớn: "Khai giác lộ" (Đường mở ra sự hiểu biết về Phật).
Phía dưới là đôi câu đối được viết trang trọng hai bên:
"Hạnh thông quảng xiển ban y địa
Phương tiện quyền khai tế đê môn"
Dịch nghĩa:
"Cửa thông đạt thuận lợi quay về nơi đất cũ
Tuỳ Phương tiện lợi quyền mở cử tế thế độ nhân".
Phía bên trái là cửa vào nhỏ hơn bên trái có 3 chữ hán
"Ngưỡng Tường Vân" (Đón mây lành).
Bước qua tam quan qua một sân gạch rộng là 6 gian (gồm 3
gian tiền tế của đền phía tay trái, 3 gian tiền đường của chùa phía tay phải) nối
ghép với nhau tạo nên một kiến trúc đồ sộ.
* Đền Xá: Gồm 3 gian tiền tế cao rộng. Kiến trúc kiểu trồng
giường đấu sen, các cột cái đều sơn son thiếp vàng, các bức chạm khắc miêu tả cảnh
Đế Thích trên trời và các vị thiên thần, ngoài ra còn nhiều bức chạm có hoa văn
đẹp, gian chính giữa là gian dùng làm lơi cúng tế, hai gian bên trong và bên phải
là đôi long mã có kích thước khá lớn, sơn son thiếp vàn rất sinh động.
Trên thượng lương của 3 gian tiền tế còn ghi rõ ngôi đền này
được xay dựng dưới thời Nguyễn: "Khải Định lục niên tứ nguyệt lập trụ thượng
lương" nghĩa "Dựng trụ thượng lương tháng 4 niên hiệu Khải Định năm
thứ 6 (1921).
Qua 3 gian tiền tế là 7 gian hậu cung có kiến trúc đơn giản
hơn, kiểu chồng dương đấu vuông, nhưng đặc biệt là 7 gian làm theo một hàng dọc.
Riêng gian thứ 5 kiến trúc cao hơn hẳn so với các gian còn lại,
gian này là cung cấm.
* Chùa Xá: Là ngôi chùa được xây dựng sát vào đền,
ngôi chùa có niên đại muộn hơn ngôi đền (niên đại ất hợi niên trọng đồng sóc nhật
kiên trụ thượng lương" dịch nghĩa: "Ngày mồng 1 tháng 11 năm ất Hợi dựng
trụ thượng lương".
Đền chùa Xá có kiến trúc khá độc đáo, chắc chắn, đồ sộ. Về mặt
lịch sử ngoài việc gắn liền với thần tích nó còn mang đậm mầu sắc tín ngưỡng của
nhân dân ta là một cụm di tích xây dựng theo tín ngưỡng của nhân dân, điều đặt
ra là tín ngưỡng ấy có lợi cho việc cứu dân, cứu nước, mong mỏi cho mùa màng bội
thu là những điều tốt lành.
Thực tế trong khu di tích một số sắc phong của triều đại
phong kiến đã xác nhận công lao của các vị thành hoàng có công trong việc đánh
giặc giữ nước, nhưng người dân nây đây gọi các vị là "người trời" của
vua Đế Thích.
Đền chùa Xá trong kháng chiến chống Pháp là căn cứ địa
ở đồng Bằng, trong chống Mỹ là hậu phương vững chắc cho cách mạng cả nước. Điếu
đó cho thấy một di tích tín ngưỡng bề ngoài âm thầm trang nghiêm nhưng bên
trong lại sục sôi khí thế cách mạng, khiến kẻ thù không ngờ tới và thất bại thảm
hại trước một dân tộc có truyền thống giữ nước anh hùng.
Trải qua hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, khu di tích còn
giữ được nguyên vẹn như ngày hôm nay là một điều hiếm thấy. Nhưng với bề dày lịch
sử và nhiều thành tích cách mạng, di tích đền chùa Xá cần được tu bổ, giữ gìn,
tôn tạo cho các thế hệ mai sau.