Đền An Lá, Nam Trực, Nam Định thờ phụng tướng quân Nguyễn Tấn, năm 967, sứ quân Kiều Công Hãn bại trận từ Phong Châu chạy qua vùng Âu Hóa thì bị Nguyễn Tấn đem quân ra đánh, chém vào cổ, bỏ chạy đến làng Din thì hóa. Vua Đinh Bộ Lĩnh phong Nguyễn Tấn chức Kiểm nghĩa hầu.
Đền An Lá hay còn gọi là Đền Cả tọa lạc trên mảnh
đất rộng hơn 3.000m2, thuộc thôn An Lá, xã Nghĩa An, huyện Nam Trực,
cách thành phố Nam Định khoảng 4km về phía Nam.
Ngôi đền nguyên trước đây nằm trên đất trại An Lá
huyện Thượng Hiền. Năm 1247, Nguyễn Hiền người làng Dương A đỗ Trạng
nguyên nhân dân đã tránh Húy công nên đổi huyện Thượng Hiền thành
huyện Thượng Nguyên.
Đền An Lá thờ Nguyễn Tấn – một vị tướng nhà Đinh ở
thế kỷ thứ X. Nguyễn Tấn là một nhân vật lịch sử đích thực, có
nhiều công lao với dân, với nước. Theo thần phả và truyền thuyết ở
địa phương thì Nguyễn Tần là đời thứ 5 sống trên mảnh đất này.
Ông tổ quê chính ở xã Hoàng Lão, huyện Thiên Bản
(Vụ Bản) đã đi về sinh sống ở quê ngoại là trại An Lá. Bố ông là
cụ Nguyễn Tần, mẹ là cụ Mai Thị Xảo. Hai vợ chồng ăn ở với nhau
rất hòa thuận. Sau tám năm lấy nhau, đến ngày 10/3 năm Nhâm Dần (942)
thì ông bà sinh được người con trai, hình dung tuấn tú, khí vũ hiên
ngang khác với những đứa trẻ bình thường.
Cụ Nguyễn Tần rất đỗi vui mừng, đặt tên con là Nguyễn
Tấn. Đến lúc trưởng thành, Nguyễn Tấn học hành rất chăm chỉ và rất
thông minh, võ nghệ siêu quần. Năm Nguyễn Tấn 16 tuổi, cha mẹ lần lượt
qua đời. Ông chôn cất cha mẹ được mồ yên mả ấm thì gia đình khánh
kiệt.
Trong cảnh nghèo nàn, nhưng ông vẫn một lòng vui với
đạo, ngày gió đêm trăng làm bạn với cái rìu, cái búa kiếm cớ sinh
nhai và ngày ngày chăm chỉ luyện võ nên chỉ một thời gian ngắn ông
trở thành người có võ nghệ cao cường, tài năng xuất chúng.
Sắc phong thời Nguyễn
An Lá xưa vốn là vùng đất hoang hóa, người dân ở trại Âu Hóa
(nay là vùng Xích Thổ, Ninh Bình) theo Nguyễn Tấn về đây lập ấp nên cũng đặt
tên là trại Âu Hóa., Nguyễn Tấn đứng ra chiêu dân, luyện tập võ nghệ. Ở Nam Trực
hiện nay vẫn còn nhiều dấu tích gắn với thời kỳ hoạt động của ông như: cồn Đôi,
cồn Luyện, xóm Trung Quân, xóm Hổ Lửa.
Theo thần phả tại Đền An Lá, Năm 966, năm Nguyễn Tấn
21 tuổi trong cảnh đất nước xảy ra loạn 12 sứ quân, đất nước bị xâu xé,
các thổ hào chia nhau cắt từng vùng rồi đem quân đánh cướp lẫn nhau
làm cho nhân dân vô cùng cực khổ. Đức ông Nguyễn Tấn tụ tập quần hùng
ý muốn vì dân trừ bạo.
Ông chiêu mộ được mấy trăm quân, thường xuyên luyện võ
nghệ. Nhờ có đội quân của Nguyễn Tấn mà cả vùng đất huyện Thượng Hiền
dân cư đã yên ổn làm ăn.
Ngày 10 tháng 2 năm Đinh Mão (967) tướng Kiều Công Hãn
một trong các sứ quân lớn bị thất trận ở Phong Châu (Vĩnh Phú) cùng
một số tùy tùng dùng thuyền theo sông Hồng ra biển vào Châu Ái (Thanh
Hóa) để phối hợp với Ngô Xương Xí. Ông đi tắt qua vùng Giao Thủy để
ra cửa biển Đại Nha.
Khi đi qua vùng An Lá, Nguyễn Tấn đem quân đón đánh.
Một phần vì mỏi mệt, một phần lại đói khát nên qua vài hiệp giao
tranh, Kiều Công Hãn bị chém vào cổ vội phóng ngựa bỏ chạy. Ông
chạy từ Vạn Diệp (nay thuộc xã Nam Phong – Thành phố Nam Định) qua
làng Gin (xã Nam Dương) xuống Vũng Lẫm (xã Đồng Sơn) gặp bãi lầy mới
dừng lại buộc vết thương.
Tại đây có hai giọt máu của ông rơi xuống, sau này
mọc thành 2 cây trò, ông nghỉ một lát rồi đi tiếp nhưng phía trước
lại có quân chặn đánh, Kiều Công Hãn đành phải quay lại, tới thôn An
Lũng (xã Nam Dương) ông được bà hàng nước tên là Phạm Thị Già cứu giúp, dâng rượu
và gỏi cá trắm; ăn xong chạy đến làng Gin (xã Nam Dương), cởi áo chiến
bào xuống đất nằm lên mà hóa. Nhân dân bốn xã Bái Dương, Tang
Trữ, Cố Lũng, Hiệp Luật đã lập
đền thờ ông ngay tại nơi ông hóa.
Ngai thờ tại tòa Tiền đường
Nguyễn Tấn không có ngựa nên không đuổi theo, cho thu
toàn bộ khí giới và lương thực của Kiều Công Hãn rồi về doanh trại
mở tiệc khao quân. Cùng ngày hôm đó, thành Phong Châu bị thất thủ.
Quân của Nguyễn Bặc không tìm thấy Kiều Công Hãn đã cho người đuổi
theo, đội quân này qua vùng đất Thượng Hiền. Nguyễn Tấn lại tưởng
một sứ quân nữa đến cướp đã cho dàn trận đón đánh.
Sau khi hỏi họ tên thì mới biết Nguyễn Bặc là một
danh tướng của vua ĐinhBộ Lĩnh. Nguyễn Tấn bèn quy phục và kể lại
tình hình đã diễn ra khi Kiều Công Hãn qua vùng đất An Lá. Nguyễn
Tấn hợp quân với Nguyễn Bặc, trước khi kéo quân về Hoa Lư, hai ông đã
mở tiệc khao quân ăn mừng.
Vì không đủ bát ăn, quân lính lấy lá cây thay bát nên
ở đây có tên là “Trại An Lá”. Về phò giúp nhà Đinh, Nguyễn Tấn có
nhiều công lớn. Khi đi đánh sứ quân Ngô Xương Xí, ông hiến kế giúp Đinh
Bộ Lĩnh lấy được thành Bình Kiều. Dẹp xong loạn mười hai sứ quân
thống nhất đất nước, Vua Đinh Tiến Hoàng lên ngôi Hoàng đế phong cho
Nguyễn Tấn là Thượng tướng quân tước Kiếm Nghĩa Hầu.
Khi đất nước thanh bình, nhân dân yên vui cấy cày,
Nguyễn Tấn xin triều đình trở về quê hương. Vua Đinh chuẩn tấu và cho
lấy Thượng Hiền làm nơi ngụ tộc. Ông trở lại quê nhà lập hành cung
ở trên đất An Lá (tức trên ngôi Đền ngày nay).
Ông vận động nhân dân nơi khác về đây lập nghiệp, mở
mang khai khẩn ruộng đất để sinh sống, đào sông dẫn nước, dạy dân cấy
cày.... Nhiều dòng họ đã theo ông về đây làm ăn như họ Đào, họ Đinh,
họ Tuấn, họ Tô, họ Vũ, họ Phạm.... Trong vài năm nhân dân trù phú,
địa ấp phì nhiêu, của lắm vật nhiều dân cư ngày một đông đúc.
Ngoài ra ông còn tuyển thêm quân lính, tổ chức luyện
tập võ nghệ để khi cần thì sử dụng. Ông lại khuyến khích nhân dân
đào sông, đắp đường, khai mở thêm đồng ruộng, làm cầu xây bến, đào
giếng, mở chợ...Từ đó nhân dân vùng đất này đời sống ngày một
thịnh vượng.
Ngày nay còn nhiều địa danh gắn liền với một thời
kỳ hoạt động của ông như cầu đôi, vườn cau, cẩu rửa, xóm Trung Quân,
xóm Hố Lửa, xóm Trà...
Nghe tin Vua Đinh bị thích khách giết hại, Nguyễn Tấn
đã tập hợp lực lượng, xây thành, đắp lũy để chiến đấu. Nhưng vì
tuổi già sức yếu lại bị lâm bệnh nặng nên một thời gian sau ông đã
qua đời. Nhân dân và quân lính vùng An Lá vô cùng thương tiếc nên đã
làm lễ an táng ông ở vùng đất cao ráo gọi là Sùng Lăng và lập đền
thờ để phụng sự ngay tại hành cung cũ. Hàng năm vào ngày ông mất,
Nhà nước đều cử các quan về làm lễ. Đền thờ ông được lập tại phía
Bắc của trại quân tục gọi là đền thờ Đức Thánh Cả. Mộ của ông
được đặt trước đền khoảng một trăm mét thường gọi là Mả Vua.
Đền An Lá được xây dựng ngay sau khi Nguyễn Tấn qua
đời. Ban đầu di tích chỉ là một ngôi miếu nhỏ. Mãi đến thời Hậu Lê,
vào thời Lê Trung Hưng ngôi đền mới được xây dựng khang trang và đến
thời Nguyễn đền được xây dựng hoàn chỉnh, với quy mô bề thế theo
kiểu “Nội chữ tam, ngoại chữ quốc”.
Đền xây dựng theo hướng Bắc, phía trước đền có một
giếng hình bán nguyệt. Theo nhân dân kể lại, giếng này có từ thời
Nguyễn Tấn đóng quân ở đây, bên cạnh giếng ở phía Tây có một cây đa
cổ thụ tỏa bóng mát xuống đáy giếng. Từ giếng nhìn vào là bức
bình phong cao 2m, rộng 1,70m được trang trí họa tiết hình Long mã
trông rất khỏe đẹp.
Tiếp đó là cổng vào sân đền, hai bên cổng là hai
cột đồng trụ. Hai cột đồng trụ có nét độc đáo khác hẳn với những
cột đồng trụ khác ở Đền An Lá là xây mộc không trát, các họa tiết
trang trí được đắp nổi, cả hai cột phần ngọn là hai hình nụ sen
cách điệu, trông xa như hai cây bút vậy, dưới chân cột ở phía trong
đắp hai con hổ ngồi chầu.
Hai bên Đông, Tây của cổng chính có hai tòa lâu các,
dùng làm nơi chấn giải đấu cờ, thi hát... Trong các dịp hội hè, lễ
tết Tòa Bái đường gồm 5 gian chính và 2 gian phụ với 4 vì chồng
rường nằm trên 4 hàng cột, bao gồm 20 cột cái và 20 cột quân. Kiến
trúc tòa Bái đường mang rõ phong cách của hai hiệp thợ khác nhau. Đề
tài trang trí ở đây chủ yếu là hình Rồng thể hiện ở nhiều tư thế
khác nhau.
Ngoài ra còn có nhiều mảng chạm khắc trang trí đề
tài Phượng múa, Phượng hàm thư, Long Ly vờn nhau. Đặc biệt là hai đầu
của tòa này, các trái có gắn bạo vào cột, phía dưới là sân gỗ
Lim. Mỗi bên sân được chia thành bậc cao thấp khác nhau. Đây chính là
nét đặc trưng của các đình làng Việt Nam, là chỗ hội họp và chính
đây là vị trí thứ bậc trong làng xã trước cách mạng tháng Tám năm
1945.
Chạm khắc thời Hậu Lê tại tòa Tiền đường.
Tòa đệ nhị nằm cách tòa Bái đường một khoảng sân
hẹp, có 5 gian, dáng thấp. Tòa này
có 8 cột cái và 12 cột quân; cột cái được sơn son vẽ hình Long Vân.
Các vì kèo, bẩy cũng được trang trí theo phong cách của hai hiệp thợ
với tay nghề khác nhau. Nửa phần ở phía Đông đơn giản mộc mạc hơn
nửa phía Tây.
Vì kèo hai ở đầu trên xà giá chiêng đấu soi, câu đầu
soi ống, xà lòng soi ống kẻ, xà lách chạm bong Rồng thời Hậu Lê. Vì
kèo ba giá chiêng đấu soi, còn câu đầu chạm lá lật cách điệu.
Tại hệ thống bẩy tiền, nửa phía Đông chạm lưỡng
Long ngậm ngọc, trúc hóa Long, Long Phượng vờn nhau; nửa phía Tây chạm
mặt hổ phù, Long Vân là hình lá lật cách điệu. Mặt trước tòa này,
đằng trước là hệ thống cánh cửa có chân quay. Ở đây còn để lại một
số mảng chạm khắc thời Hậu Lê (Thế kỷ 17 – 18).
Quán tẩy thời Nguyễn
Tòa chính tẩm ba gian gồm 4 hàng cột với 8 cột cái
và 8 cột quân, cột cái được sơn son vẽ hình Long Vân, cột quân để mộc
với những chân tảng đá rất thấp, xà nách sơn son, chạm rồng mang
phong cách thời Nguyễn và họa tiết lá lật cách điệu. Chính tấm có
cửa bức bàn, nền lát gạch vuông, hiên lát gạch chất, trong đó có nhiều
viên gạch thời Hậu Lê.
Lễ hội Đền An Lá, là một trong những lễ hội lớn
của huyện Nam Trực. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày từ mùng 9 đến ngày
11 tháng 3 âm lịch hàng năm. Với những nghi lễ truyền thống như lễ mở
cửa đền, lễ cài mã, lễ cáo yết, tổ chức rước lễ, lễ dâng hương,
lễ Đại tế, lễ tạ... được đông đảo nhân dân tham gia. Ngoài ra còn có
các trò chơi dân gian phong phú cờ tướng, kéo co, chọi gà, đi cầu
kiều, bịt mắt bắt vịt.... và các diễn xướng nghệ thuật dân gian hát
chèo, hát văn, múa rối nước... thu hút đông đảo nhân dân trong vùng
cùng khách thập phương quây quần tụ họp dưới mái đình cổ kính cùng
tham gia và hưởng thụ những sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc.
Thi đấu Cờ tướng
Đền An Lá, xã Nghĩa An là một trong những ngôi đền
có niên đại sớm vào khoảng thế kỷ 17. Đây là một công trình kiến
trúc mang giá trị lịch sử văn hóa. Đền thờ Nguyễn Tấn người con quê
hương An Lá, một vị tướng thời Đinh có công giúp Vua dẹp loạn 12 sứ
quân, thống nhất đất nước và là người có công lớn trong việc mở mang
và phát triển làng An Lá.
Từ khi ra đời đến nay, ngôi đền đã trải qua hơn 400
năm tồn tại, là nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa có giá trị. Từ các
cấu kiệu kiến trúc, các mảng chạm khắc, đề tài trang trí đến các
hiện vật như: sắc phong, ngai thờ, bài vị, hương án.... Tất cả đã
tạo nên những bức tranh vô cùng sinh động phản ánh cuộc sống, bình
dị của người dân thôn quê cùng những ước mơ khát vọng của họ về một
xã hội công bằng, bình đẳng, ấm no, hạnh phúc, ước vọng, cầu nước
của dân cư nông nghiệp và là những di sản vô cùng quý báu có giá
trị giáo dục rất cao cũng như góp phần tìm hiểu lịch sử anh hùng của
mảnh đất Nam Trực xưa.
Sưu tầm và biên soạn: Trần Duy Huyền
Ảnh: Ngọc Thịnh