Tướng Sùng Hy đến An Nhân, Thành Lợi, Vụ Bản dạy học, từ đây phò giúp nhà Đinh. Ông là người có công phá vòng vây của Ngô sứ quân cứu thoát Đinh Bộ Lĩnh, vua sắc phong ông là Sùng Hy đại vương, thực ấp ở Thiên Bản (Vụ Bản). Khi hóa, người dân thương tiếc thờ phụng ở đình An Nhân.
Thời Đinh Tiên Hoàng ở nước Nam, có người ở động Hoa Lư,sách
Thái Bình tên họ Tạ Long, vợ là Đào Thị Nhàn cùng nhau sinh sống ở động này,
nhiều đời nối nhau làm việc phúc đức, làm thuốc cứu người, bỏ tiền đãi khách,
phong tư hào phóng.
Gia đình ông bà sinh được nhiều con gái, nhưng lại chưa có
con trai. Bà Đào đêm mộng thấy được vào cung điện nhà vua, được Hoàng Hậu ban
cho một viên ngọc trắng liền nuốt mất. Bà kinh sợ tỉnh giấc kể truyện đó cho
ông hay. Ông nói rằng : “Đó tất là điềm báo tốt lành”. Từ đó bà Đào mang thai .
Ngày 12 tháng 02 năm Qúy Mùi (923), bà sinh hạ được một cậu
con trai, đặt tên là Sùng Hy. Sùng Hy thiên tư đĩnh ngộ, hình thể diện mạo khác
thường. Ba tuổi đã biết lễ nghĩa, trên kính dưới nhường, nghe người khác học mà
biết được, nghe âm vận (nhạc ) mà biết cảm nhận. Lên bảy tuổi thì bắt đầu đi học.
Lên 13 tuổi đã tiếp nhận được trân truyền kỳ diệu, nho y lý số không có gì mà
không biết. Đến khi trưởng thành lại tinh thông võ lược .
Lúc đó, bố mẹ ông đều lần lượt qua đời, ông bèn tìm nơi đất
tốt, hành lễ táng cha mẹ ở đó. Ba năm mãn hạn tang , ông vẫn lo lắng thăm viếng
mộ phần, dạy dỗ học trò, khuyên bảo sĩ dân . Về sau kinh tế gia đình ngày càng
túng thiếu, ông từ giã quê nhà ra đi khắp bốn phương, tìm nơi dạy học, lúc nhàn
nhã thì đi vãng cảnh núi sông . Khi đến trang An Nhân Huyện, Thiên Bản Phủ, Nghĩa
Hưng đạo,Sơn Nam hạ, thấy phong tục dân trang thuần hậu, học vấn còn chưa mở
mang. Ông bèn lập trường dạy học. Dân làng đi học rất đông, nhiều người đã
thành đạt .
Từ đó dân làng ngày càng mến mộ ông. Khoảng thời gian đó, thời
tiết thất thường, nhân dân bệnh tật không yên. Lập tức, ông lập tràng làm lễ giải
trừ tai ách ,làm bùa yểm trừ, năm vị sứ giả trấn yểm ở năm phương, diệt trừ âm
binh. Từ đó nhân dân đều yên ổn làm ăn, mọi người đều bái tạ, cảm ơn ân huệ, đức
độ cao ngời của ông.
Nhân đó xin ông lấy ngôi trường ông dạy học để làm nơi thờ tự
ông (thờ sống). Ông cũng thuận lòng mà nói lại với các bô lão trang An Nhân là
: ”Dân làng có ý tốt với tôi, chắc cũng coi trọng lời nói của tôi, nghìn năm
sau dân làng trang ấp nếu mà thờ tự một mình tôi thì khi cúng tế xin khấn thêm
năm vị sứ giả húy hiệu như thế này: “Kỳ Tải tôn thần, Quan Lang tôn thần, Bồ
Câu tôn thần, Độc Cước tôn thần, Uy Linh tôn thần” cùng về phụ hưởng. Ông trong
lòng lo lắng việc nước, muốn dùng trí đức để cứu dân .
Trong giai đoạn này tình hình đất nước có nhiều biến loạn. Từ
năm 944 khi Ngô Quyền mất, Dương Tam Kha cướp ngôi nhà Ngô các nơi không chịu
thuần phục . Nhân đó, các thế lục địa phương nổi dậy cát cứ làm cho triều đình
ngày càng suy yếu.
Năm 965 Nam Tấn vương Ngô Xương Văn bị bắn chết trong một trận
giao chiến ở vùng Thái Bình, Ngô Dương Xí lên nối ngôi,thế lực ngày càng suy yếu
nên từ năm 966 mỗi thủ lĩnh cát cứ một vùng.Trong nước bấy giờ hình thành 12 sứ
quân.Đại Việt sử ký toàn thư kỷ nhà Ngô chép : “Các hùng trưởng đua nhau nổi dậy
chiếm cứ quận ấp :
1: Kiều Công Hãn tự xưng Kiều Tam Chế,giữ Phong Châu-Bạch Hạc
(Việt Trì-Lâm Thao, Phú Thọ).
2: Nguyễn Khoan tự xưng là Nguyễn Thái Bình, giữTam Đái (Vĩnh
Tường-Vĩnh Phúc).
3: Ngô Nhật Khánh tự xưng là Ngô Lãm Công, giữ Đường Lâm (Sơn
Tây-Hà Nội).
4: Đỗ Cảnh Thạc tự xưng là Đỗ Cảnh Công, giữ Đỗ Động Giang
(Thanh Oai,Hà Nội).
5: Lý Khuê tự xưng là Lý Lãng Công, giữ vùng đất Siêu Loại (Thuận Thành-Bắc Ninh).
6: Lữ Đường tự xưng Lã Tá Công, giữ vùng Tế Giang (Văn
Giang,Hưng Yên)
7: Nguyễn Siêu tự xưng là Nguyễn Hữu Công, giữ vùng Tây Phù Liệt (Thanh Trì, Hà Nội).
8 : Kiều Thuận tự xưng là Kiều Lệnh Công, giữ Hồi Hồ-Cẩm Khê
(Phú Thọ).
9: Phạm Bạch Hổ tự xưng là Phạm Phòng Át ,giữ Đằng Châu
(Hưng Yên).
10: Trần Lãm tự xưng là Trần Công Minh, giữ Bố Hải Khẩu- Kỳ
Bố (Thái Bình ).
11: Ngô Xương Xí, tức Ngô Sứ Quân, giữ vùng Bình Kiều (Triệu
Sơn-Thanh Hóa).
12: Lã Đường tự xưng là Lã Tá Công, giữ Tế Giang (Văn Giang
–Hưng Yên)”.
Bấy giờ trong nước không có chủ, 12 sứ quân tranh nhau làm
trưởng không ai chịu ai, lịch sử nước nhà gọi là “Loạn 12 sứ quân “. Lúc này tại
động Hoa Lư (Sơn Phận 2 xã Uy Viễn và Uy
Tế thuộc tỉnh Ninh Bình; Châu Đại Hoàng nay là Gia Phương huyện Gia Viễn –Ninh
Bình) có (vua) Đinh Bộ Lĩnh, Ông là con của thứ sử Châu Hoan Đinh Công Trứ - một
vị tướng thời Ngô. Ngay từ nhỏ (vua) Đinh Bộ Lĩnh đã tỏ rõ tài năng hơn người .
Với tài mưu lược và lòng dũng cảm, (vua) Đinh Bộ Lĩnh thường
tụ tập trẻ chăn trâu quanh vùng phất cờ lau tập trận. Lớn lên, nhờ thông minh cộng
khí phách anh dũng, nhận thấy đời sống nhân dân còn khổ cực vì loạn 12 sứ quân
nên (vua) Đinh Bộ Lĩnh quyết định phất cờ khởi nghĩa .
Trong buổi đầu tập hợp lực lượng, quân đội của Đinh Bộ Lĩnh
lâm vào cảnh thiếu thốn, (vua) Đinh Bộ Lĩnh liền truyền hịch đi khắp nơi kêu gọi
người hiền tài trong các Châu, Huyện, ai có tài văn võ đều tìm về tập trung dưới
cờ dẹp loạn.
Lúc này Tạ Sùng Hy đang dạy học và làm thuốc tại trang An
Nhân, nghe theo lời kêu gọi cứu nước của Đinh Bộ Lĩnh, ông bèn chiêu mộ binh sĩ
trong thôn được hơn nghìn dân binh trong làng, quyết tâm tìm đến dưới cờ khởi
nghĩa của (vua) Đinh Bộ Lĩnh. Vạn Thắng vương Đinh Bộ Lĩnh nhận thấy Tạ Sùng Hy
là người hiểu biết, văn võ song toàn nên đã cử ông làm chỉ huy sứ Tả Tướng Quân
.
Dưới sự chỉ huy tài tình của Đinh Bộ Lĩnh ,các cánh quân của
ông đều nhanh chóng chiến thắng các sứ quân khác. Một hôm, tướng quân Tạ Sùng
Hy cùng Đinh Bộ Lĩnh dẫn quân đến thẳng thành lũy của Ngô Sứ Quân. Đêm hôm đó
quân lính trú tại một ngôi chùa, không ngờ bị quân Ngô bao vây, phục kích tấn
công, trong lúc rối loạn tướng quân, Tạ Sùng Hy dũng cảm chỉ huy quân lính đánh
trả quyết liệt, phá tan vòng vây khiến quân Ngô tan tác, đại bại .
Dựa vào ưu thế của mình, Vạn Thắng vương Đinh Bộ Lĩnh cùng
nhiều tướng lĩnh khác trong đó có tướng quân Tạ Sùng Hy lần lượt đánh bại các sứ
quân thống nhất đất nước. Đến cuối năm Đinh Mão (967) công cuộc thống nhất đất
nước do (vua) Đinh Bộ Lĩnh chỉ huy đã hoàn toàn thắng lợi.
Năm Mậu Thìn (968), Vạn Thắng vương Đinh Bộ Lĩnh chính thức
lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Đinh Tiên Hoàng đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt,
đóng đô tại Trường Yên (nay thuộc huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình ). Sau khi lên
ngôi, vua Đinh Tiên Hoàng liền mở hội lớn, ban thưởng cho các tướng lĩnh có nhiều
công lao.
Nhà vua đã cho tướng quân Tạ Sùng Hy được trở về vùng đất An
Nhân để hưởng thực ấp,về đây ông cùng với dân thôn tu sửa lại dinh thự, mở tiệc
chiêu đãi các bậc phụ lão cùng các sĩ tử trong làng.
Yến tiệc đang tưng bừng, bỗng thấy trời đất sáng rực mây
vàng, từ không trung bay xuống một dải mây đỏ, tướng quân Tạ Sùng Hy liền bước
vào trong đám mây và bay về xóm Đống mà hóa .
Mảnh đất ông hóa trở thành cồn địa, nhân dân vô cùng kinh
hãi, biểu tấu lên triều đình. Hôm đó là ngày 10 tháng 08 năm 968, nghe tin tướng
quân Tạ Sùng Hy mất vua Đinh Tiên Hoàng đích thân ngự giá về An Nhân làm lễ để
bày tỏ lòng biết ơn. Lễ xong, nhà vua sai dân chúng lập miếu phụng thờ thần bốn
mùa khói nhang, cúng lễ linh đình.
Kể từ đó hàng năm đến ngày 10 tháng 08 âm lịch, nhà vua cùng
quần thần thường về đây làm lễ biểu dương công trạng của tướng quân Tạ Sùng Hy.
Nhà vua cho diễn lại trận đánh mà ông đã giải vây cứu nguy
cho nhà vua ở ngôi chùa trước đây. Vua Đinh Tiên Hoàng còn ban sắc phong là:
SÙNG HY ĐẠI VƯƠNG LÀ TĨNH QUỐC PHỔ HUỆ ĐẠI VƯƠNG THƯỢNG ĐẲNG THẦN chuẩn sắc cho
trang An Nhân được thờ tự. Hiện nay, tại đền còn có một số câu đối ca ngợi công
lao của tướng quân Tạ Sùng Hy :
“Khánh hội xuất động thiên hồng nhật khai thiên phù chính thống
Danh giáo hữu lạc địa hoàng vân tiếp địa nhã linh ưu”
Dịch là :
“Gặp vận dời quê hương thống nhất nước nhà phù chính thống
Dạy học nơi đất mới, mây vàng xuống đón đẹp dấu đất thiêng”.
“Thiên khai hoa động hồng huân kỷ
Địa phúc hoàng vân ngọc phổ truyền ”.
“Vạn cổ cương thường doanh tại thế
Ức niên điển tính kỷ
hoa châu ”.
“Bản thế y dân lưu đức trạch
Thần thông quảng đại tác hương thôn”.
“Phù quốc thế dĩ thành công thánh đức dương bắc lĩnh
Bảo dân sinh nhi tế chúng thần uy hách nam bang”.
Dịch là :
“ Cứu giúp nước đã thành công, đức của thánh nêu cao như núi
Bắc
Bảo vệ dân được yên vui, oai của thần hiển hách trời nam”.
Theo nội dung bản thần phả ,khi quân Tống-khoảng niên hiệu
Thái Bình sang xâm lược nước ta ,vua Lê Đại Hành đích thân làm tướng thống lĩnh
10 vạn tinh binh chuẩn bị đánh địch.
Khi đến trang An Nhân huyện Thiên Bảo gặp phải 20 vạn thủy lục
quân do tướng quân Hầu Nhân Bảo, Trần Khâm Tộ chỉ huy. Đêm đó ,nhà vua cho đóng
quân tại đền cầu khấn thần phù hộ đánh thắng giặc. Sáng hôm sau, vua Lê Đại
Hành bèn xuất quân đánh quân Tống, quả nhiên đánh bại được quân của Hầu Nhân Bảo
và đúng như lời khẩn cầu, đã hợp lực đánh bại, bắt sống nhiều tướng giặc giải về
kinh thành.
Chiến thắng trở về, nhà vua mở tiệc ban thưởng cho các tướng sĩ ,nhân dịp đó mà nói rằng: “Ta sớm bình được
giặc Tống là nhờ vào thần lực âm phù”. Để ghi nhớ công lao, nhà vua đã phong
cho thần mỹ tự : “SÙNG HY TẾ THẾ HỘ QUỐC KHANG DÂN, PHÙ VÂN DƯƠNG VŨ, DỰC THÁNH
BẢO CẢNH HIỂN HỮU”. Từ đó về sau dân chúng trong thôn khi lâm cảnh nguy nan tới
cầu đảo phàm mọi việc đều linh ứng .
Khi quân Nguyên sang xâm lược nước ta, kinh thành Thăng Long
bị vây hãm. Quan quân nhà Trần được lệnh rút lui khỏi kinh thành về hành cung
Thiên Trường và Vũ Lâm (Trường Yên ). Thế giặc rất mạnh, vua Trần Thái Tông liền
sai Trần Quốc Tuấn đi cầu khẩn bách thần tại các đền miếu trong vùng. Khi Trần
Quốc Tuấn tới cầu đảo tại đền An Nhân được thần báo mộng phù trợ đánh thắng giặc
do tướng Ô Mã Nhi chỉ huy, vua Trần Thái Tông biết được công lao của thần đã
ban tặng thêm mỹ tự “LINH ỨNG ANH TRIẾT HIỂN, HỮU TRỢ THUẬN ĐẠI VƯƠNG”
Sang thời vua Lê Thái Tổ khởi nghĩa đánh đuổi giặc Minh xâm
lược, vua Lê cũng tới cầu đảo tại đền An Nhân xin thần phù trợ. Sau khi Vua thân
chinh xuất quân đánh giặc, chém đầu Tướng Liễu Thăng tại ải Chi Lăng - Lạng Sơn,
quân giặc như rắn không đầu, quân ta thừa thắng xông lên đuổi chúng ra khỏi bờ
cõi, đất nước không một bóng quân thù, giành lại non sông, thiên hạ thái bình.
Để nhớ công lao của thần tại đền An Nhân ,nhà vua ban cho thần
mỹ tự “PHỔ THẾ CƯƠNG NGHỊ ANH LINH ” lệnh cho nhân dân trang An Nhân trùng tu lại
đền miếu để phụng sự suốt đời không nghỉ. Nhân đó quy định mọi lễ nghĩa đều
theo đúng ngày sinh ,ngày hóa của thần, cấm dùng tên húy “ SÙNG HY ” và trong
khi hành lễ mọi việc ca hát tại đền đều cấm kỵ .
Đã hơn 10 thế kỷ trôi qua ,từ khi tướng quân TẠ SÙNG HY qua
đời ,nhưng người dân địa phương vẫn tin rằng : tướng quân luôn có mặt ở mọi
nơi, mọi lúc, sẵn sàng trừ tà diệt ác để cứu nước cứu dân. Quan niệm tốt đẹp đó
vẫn gần gũi và sống mãi trong tâm thức mỗi người dân thôn An Nhân. Đó là một tập
tục tốt đẹp, một nét văn hóa lành mạnh trong sinh hoạt của nhân dân. Đúng như nội
dung câu đối ghi tại cột hoa biểu trong khu lăng mộ:
“ Hộ Dân An Liệt Vị Trung Quân
Phù Đinh Triều Lưu Danh Quốc Bảo”
Dịch là :
“Bảo vệ dân thôn một lòng trung thành với chủ
Giúp nhà Đinh, tên tuổi còn lưu như báu vật ”
“An Nhân hương phù Đinh nhất thống thác hóa linh thần
Tất lư động bạch ngọc triệu tường đản sinh danh tướng ”
Hiện phần mộ có một số câu đối bằng chữ Hán:
Tạ tướng công linh mộ
“Đinh triều danh tướng thiên niên tại
Thượng đẳng bao phong thế hệ truyền”
Dịch là :
Mộ linh thiêng tướng công họ Tạ
“Tướng thần triều Đinh ngàn năm ở tại đây
Sắc phong thần thượng đẳng muôn đời truyền lại”
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử nước nhà, hiện nay đền
An Nhân còn lưu giữ nhiều tư liệu Hán Nôm liên quan đến di tích và tướng quân Tạ
Sùng Hy như câu đối, đại tự, sắc phong…đặc biệt nhất là cuốn ngọc phả: “ Công Thần
Sùng Hy Đại Vương ”do Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn vào năm Hồng
Phúc nguyên niên (1572 ) và 11 đạo sắc phong cho tướng quân Tạ Sùng Hy và ngũ vị
sứ giả của các vua triều đại phong kiến nhà Nguyễn (1802-1945 ).
Đền An Nhân không chỉ là nơi thờ phụng tri ân công đức của
tướng quân Tạ Sùng Hy mà trong thời kỳ cách mạng kháng chiến chống Pháp, Mỹ; nơi
đây cũng là địa điểm ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử cách mạng địa phương. Xuất
phát từ vị trí địa lý nằm gần thành phố Nam Định, thuận lợi cả giao thông đường
bộ, đường sắt nên thôn An Nhân cũng như nhiều nơi khác trong xã đều trở thành mục
tiêu đánh phá,càn quét của thực dân Pháp.
Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, chính quyền dân chủ
nhân dân được thành lập ở hầu hết các xã trên địa bàn toàn huyện Vụ Bản. Lúc
này tại di tích đền An Nhân ủy ban lâm thời của xã An Nhân được thành lập. Ông
Hoàng Văn Đình được bầu làm Chủ Tịch lâm thời trước sự vui mừng phấn khởi của
đông đảo quần chúng nhân dân .
Chính quyền mới được thành lập đã nhanh chóng vận động quần
chúng nhân dân toàn xã hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ và Hồ Chủ Tịch về
phong trào “ diệt giặc dốt ” mở mang dân trí.
Khắp nơi trong xã các ban bình dân học vụ được thành lập, đền
An Nhân với vị trí ở trung tâm xã địa thế rộng đã trở thành nơi tập trung quần
chúng nhân dân tới tham gia học tập. Các lớp học tổ chức tại đền đều chia thành
từng lớp dưới sự hướng dẫn của thầy giáo Hoàng Văn Canh.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, địch tập
trung lực lượng mở các trận càn đánh vào địa bàn huyện Vụ Bản. Sau trận càn địch
tiến hành xây dựng bốt trên địa bàn xã Lê Lợi ( An Nhân, Qủa Linh ) tại hai vị
trí Qủa Linh và Cầu Chuối nhằm uy hiếp tinh thần đấu tranh của nhân dân. Hệ thống
đồn bốt được dựng xong, quân Pháp tiến hành càn quét, bắt bớ, tra tấn cán bộ
cách mạng cùng nhân dân trong vùng.
Mặc dù địa phương luôn bị nằm dưới sự kiểm soát gắt gao của
địch song trong suốt thời gian 2 năm 4 tháng từ tháng 10 năm 1949 đến tháng 02
năm 1952. Quân và nhân dân trong một xã tích cực đóng góp sức người, sức của
cho cuộc kháng chiến.
Tuy trên cùng một xã nhưng thôn An Nhân không bị quân Pháp
đóng bốt, với vị trí hẻo lánh nhiều cây cối nên di tích trở thành nơi tập kết của
bộ đội huyện,du kích địa phương. Ngay tại di tích còn có hầm bí mật cất giấu vũ
khí cho dân quân du kích (hiện nay tại di tích còn dấu vết cửa hầm bí mật).
Năm 1950 địch từ bốt cầu Chuối bắn đại bác xuống làng làm
thiệt hại nhiều nhà cửa của nhân dân, di tích đền An Nhân cũng bị hư hỏng toàn
bộ hệ thống tường bao, sập hoàn toàn hai tòa tiền đường và trung đường .
Trong thời gian này, quán triệt sâu sắc sự chỉ đạo của Đảng,
nhân dân cùng du kích địa phương tích cực xây dựng phong trào rào làng kháng
chiến góp phần chặn đánh địch khi chúng càn vào địa phương. Lúc này đền An Nhân
trở thành địa điểm tin cậy và an toàn cho dân quân du kích,bộ đội chủ lực về hoạt
động tại địa phương.
Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhân dân toàn
xã tích cực lao động, học tập, sản xuất chi viện sức người, sức của cho chiến
trường miền Nam .Khi đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, di tích đền An Nhân
trở thành địa điểm tiễn đưa con em quê hương lên đường vào Nam đánh giặc.
Ở lại địa phương dân quân du kích vừa sản xuất, vừa chiến đấu
bảo vệ an toàn cho nhân dân lao động sản xuất. Tháng 10 năm 1966 tổ trực chiến
của xã gồm 5 người làm nhiệm vụ trên khu vực “ Mả Nội ”cách đền An Nhân 500 m về
phía bắc đã bắn rơi tại chỗ một máy bay Mỹ. Chiến thắng này là sự đóng góp vinh
quang của xã cùng nhân dân cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Tổng kết thành tích trong công cuộc kháng chiến chống thực
dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhân dân trong xã đã có nhiều gia đình, tập thể,
cá nhân được Nhà nước thưởng huân huy chương các loại.
Có 6 người trở thành liệt sỹ, hai bà mẹ được truy tặng danh
hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó một thời kỳ chống Pháp, một nửa của thời
kỳ chống Mỹ. Đó là những thành tích to lớn trong sản xuất và chiến đấu của địa
phương, có phần đóng góp không nhỏ của di tích đền An Nhân.
Trong những năm đổi mới, Đảng bộ Thôn An Nhân, xã Thạnh Lợi
tiếp tục khơi dậy sức mạnh của nhân dân,phát huy quyền làm chủ của nhân dân bằng
những giá trị tốt đẹp từ quá khứ. Đó là
cơ sở để Đảng bộ củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện thắng
lợi những nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Tiếp tục phát huy những truyền thống tốt đẹp của vùng đất
giàu truyền thống văn hóa, cách mạng gắn liền với lịch sử đền An Nhân thờ danh
tướng TẠ SÙNG HY ĐẠI VƯƠNG triều Đinh, trên cơ sở kế thừa,phát huy những thành
tựu đã đạt được, Đảng bộ và nhân dân thôn An Nhân đã, đang và sẽ không ngừng đổi
mới để lãnh đạo nhân dân địa phương xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn
minh nơi mà Tướng Công Tạ Sùng Hy đã chọn
nơi đây là quê hương thứ hai của mình!
Ngày 27/11/2019 âm lịch, Đoàn họ Tạ Việt Nam đã đến làm lễ
dâng hương tại đền An Nhân do ông : Tạ Văn Động PCT họ Tạ Việt Nam làm trưởng
đoàn, cùng đi có ban Lịch Sử Họ Tạ Việt Nam, Ban Truyền Thông…Sau khi làm lễ
dâng hương xong ,đoàn đã làm lễ thượng cờ Tộc Tạ tung bay phất phới trong gió
vào một ngày đẹp trời tiết xuân.
Tạ Ngọc Nam – Phó Ban Lịch sử Họ Tạ Việt Nam dâng hương.
Cùng ngày đoàn đã bàn bạc với Ban Quản Lý đền, chính quyền
thôn và đi đến thống nhất mở rộng đường vào đền và xây khuôn viên chung quanh đền.
Đây là dấu mốc quan trọng tạo tiền đề sau này nhân dân thôn An Nhân, khách thập
phương, con cháu họ Tạ nói riêng và cả nước nói chung về dâng hương, tri ân
công đức của người!
Dịch Hán Tự và nghĩa : Tạ Văn Vĩnh –Hưng Yên
Tạ Ngọc Nam: Phó Ban
Lịch sử Họ Tạ Việt Nam sưu tầm và biên soạn,17/09/2020