Đền Ba Dân, thờ phụng danh tướng Đinh Nga triều đại Đinh Tiên Hoàng đế ở Thụy Lôi Hạ lập bên chân núi Nguỳa, cận kề sông Đáy ngay trên nền đất tướng công đã từng dựng đồn binh, chiến lũy.
Làng Thụy Sơn (xã Tân Sơn, Kim Bảng) dưới chân núi Nguỳa
không chỉ nổi tiếng xưa nay bởi ngón nghề xây đá điêu luyện mà còn được xa gần
biết đến bởi ngôi đền thiêng phụng thờ Đinh Nga tướng công (thời vua Đinh Bộ Lĩnh) và lễ hội Ba Dân độc đáo đầu
xuân với sự thành kính, đồng tâm, gắn bó hiếm thấy của dân chúng ba làng quần tụ.
Trước hết nói về ngôi đền thiêng thờ Đinh Nga tướng công uy
nghiêm dưới chân núi Nguỳa. Tục xưa truyền rằng: Vào thế kỷ X, tại trang Quang
Thừa (nay thuộc xã Tượng Lĩnh, Kim Bảng) có ông bà Đinh Điện, Trần Thị Nguỳ làm
ăn chăm chỉ, hiền lành, hay giúp người, song hiếm muộn về đường con cái.
Thành tâm kêu cầu tại ngôi chùa gần nhà, đến tuổi ngoài bốn
mươi bà mới sinh hạ được một người con trai có tướng mạo khôi ngô, đặt tên là
Đinh Nga. Vốn sáng dạ, chăm chỉ, lại được cha tìm thầy dạy dỗ chu đáo nên Đinh
Nga sớm khôn lớn, thành tài, tỏ rõ một trang tuấn kiệt, văn võ kiêm toàn.
Đền Ba Dân dưới chân núi Nguỳa. Ảnh: Thanh Nghị
Vào tuổi trưởng thành cũng là lúc cha mẹ qua đời, đất nước
trong cảnh loạn lạc 12 sứ quân… nên khi vua Đinh Bộ Lĩnh dấy binh dẹp loạn ở
Hoa Lư (Trường Yên, Ninh Bình), Đinh Nga vô cùng sung sướng vội tìm đến xin được
đầu quân giúp sức. Được vua Đinh Bộ Lĩnh trọng dụng, cử về quê hương Thụy Lôi lập
đồn trại, dinh lũy, chiêu mộ quân sĩ, tạo tuyến phòng thủ từ xa cho đại bản
doanh Hoa Lư, Đinh Nga lập tức hồi hương chọn thế đất hiểm yếu bên chân núi Nguỳa,
cận kề sông Đáy, vừa thuận cho phòng thủ, dễ dàng xoay xở khi tiến quân, vừa tiện
đường thủy, bộ phòng kế rút lui hoặc liên kết, hợp quân với đại binh nơi Hoa
Lư, Trường Yên.
Đã nghe danh tài đức Đinh Nga nên khi vị tướng trẻ chiêu mộ
binh sĩ, lập đồn, xây lũy, trai tráng trong vùng nô nức kéo về tụ nghĩa rất
đông. Đội quân do Đinh Nga chỉ huy phò vua Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn rất thiện chiến,
đánh đâu được đấy, lập nhiều công lớn.
Dẹp xong loạn 12 sứ quân, vua Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế
lấy hiệu Đinh Tiên Hoàng, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, định đô ở Hoa Lư. Tướng
quân Đinh Nga được phong tước Tướng quân Chỉ huy sứ và cử về trấn trị tại bản
quán, hưởng lộc ấp ở Thụy Lôi, Cổ Bảng (tên cũ của Kim Bảng).
Trở về quê nhà, tướng quân Đinh Nga chuyên tâm chăm lo
khuyên dạy dân chúng khai khẩn đất hoang mở rộng trang ấp, xây cầu, lập chợ, dựng
mỹ tục thuần phong, hình thành nên ba vùng dân cư mới: Thụy Lôi Hạ, Hồi Trung,
Trung Hoà sầm uất, bình yên, thuần hậu.
Vốn là một vị tướng tận trung với nhà Đinh nên khi Lê Hoàn kế
nghiệp triều chính, Đinh Nga xin giải ngũ, lui về quê nhà Thụy Lôi cùng dân
chúng vui hưởng cuộc sống canh nông thanh bần, dân dã.
Cuối đời, vị tướng tài danh lẫy lừng một thuở của quê hương
núi Nguỳa sông Đáy thường đi ngao du thiên hạ, vãng cảnh và mất tại núi Kim
Nhan, Châu Hoan (nay thuộc Nghệ An).
Nhớ ơn vị tướng tài danh, đức độ có công khai phá lập làng,
lập ấp nên dân chúng ba xã Thụy Lôi Hạ, Hồi Trung, Trung Hoà (thuộc tổng Thụy
Lôi) đều nhất tâm thành kính dựng đền phụng thờ, tri ân. Đền thờ Đinh Nga ở Thụy
Lôi Hạ lập bên chân núi Nguỳa, cận kề sông Đáy ngay trên nền đất tướng công đã
từng dựng đồn binh, chiến lũy.
Năm 1980, xã Thụy Lôi Hạ đổi thành thôn Thụy Sơn, năm 1990
thuộc về xã Tân Sơn; Hồi Trung, Trung Hòa thuộc xã Thụy Lôi. Tuy ba làng thuộc
hai xã khác nhau và mỗi làng đều thờ Đinh tướng công nhưng hằng năm cứ vào mùng
mười, tháng hai (ngày sinh đức thánh) dân ba làng lại quần tụ về lễ hội tại đền
Thụy Sơn (được coi là đền chính). Danh xưng đền Ba Dân, lễ hội Ba Dân (còn gọi
là đền Ba Xã, lễ hội Ba Xã) được lưu truyền là bởi thế.
Đền Ba Dân Thụy Sơn (được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc
gia năm 1996) với ba gian hậu cung, năm gian tiền tế, hai dải vũ mở dọc hai bên
phía trước… ẩn mình hài hòa dưới tán cây cổ thụ càng trở nên uy nghiêm, cổ
kính.
Ngày nay, nếu về tham quan chiêm viếng ngôi đền thiêng dưới
chân núi Nguỳa du khách xa gần sẽ có dịp tường hiểu thêm về vị tướng tài Đinh
Nga của quê hương Thụy Sơn qua những câu đối ghi công, ca ngợi: “Thái ấp hợp
tam trang, Đinh Huân tướng, Lý hiển thần quang nhạc Hoa Lư sinh hoá dị/ Phong
chương truyền lịch đại, tả thành hoàng, hữu hậu thổ, cao sơn linh miếu địa
thiên trường", (Dịch nghĩa: “Thái ấp gồm ba trang, công với nhà Đinh, ân
phù nhà Lý, sinh hoá rất lạ của đất nước Hoa Lư/ Biểu dương qua các triều, bên
trái là thành hoàng, bên phải là thần đất, đền miếu nơi núi cao mãi mãi anh
linh).
Hoặc: “Tảo đăng kiểu hùng quân, bát loạn công cao Cồ Việt diệu/
Dự phù Đinh chính thống, phân đồn tích hiểu Thụy Lôi Sơn"; (Dịch nghĩa:
Thanh trừ loạn nước, có công lớn với đất Cồ Việt/ Phù sự thống nhất nhà Đinh,
rõ ràng còn dấu tích đồn binh ở núi Thụy Lôi). Dân gian trong vùng còn lưu truyền
rằng:
Có lần vua Lý Công Uẩn trên đường về Hoa Lư tình cờ dừng nghỉ
tại đền Ba Dân, được anh linh Đinh Nga tướng công báo mộng, phù giúp. Sau khi
lên ngôi, nhớ chuyện xưa, vua Lý Công Uẩn tìm về làm lễ tạ ơn và ban sắc phong:
“Nga công hiển linh đại vương thượng đẳng phúc thần".
Giai thoại này được ghi dấu bởi đôi câu đối lưu tại tiền đường
đền Ba Dân: “Bát cảnh giáng thần, dan mã phù Đinh công bất hủ/ Tam trang hiển
thánh, hoàng y phụng Lý mộng do truyền"; (Dịch nghĩa: Giáng thần nơi có
tám cảnh, một ngựa phù nhà Đinh công lao không thể mất/ Hiển thánh nơi ba
trang, mặc áo vàng phù nhà Lý qua giấc mộng còn lưu truyền).
Về lễ hội Ba Dân, đã thành lệ định từ trăm năm trước, cứ vào
mùng mười tháng hai, dân chúng ba làng Thụy Sơn, Hồi Trung, Trung Hòa lại náo nức
quần tụ hẹn nhau về hội. Từ mùng tám, mùng chín, dân làng đã rộn rịch chuẩn bị
bao sái đồ thờ, dọn dẹp đình, đền, đường đi, dựng cờ, bắc rạp, chuẩn bị lễ vật,
các cụ cao niên lên đèn, nhang lễ yết xin mở hội.
Chính hội mùng mười, đám rước của Thụy Sơn có kiệu song loan
(đặt bài vị, sắc phong), kiệu phù giá (đặt lễ vật dân làng dâng cúng) từ đình
ra đến ngã Ba Hàng thì cũng đúng lúc đoàn rước của hai làng Hồi Trung, Trung
Hòa vừa kịp đến. Sau màn chào hỏi cung kính, cả ba đoàn rước theo ngôi thứ anh
trước, em sau nối thành vòng rồi quay tròn trong rộn rã chiêng, trống, bát âm tấu
hòa cùng tiếng hò reo náo nức của muôn nghìn người dự hội.
Kết thúc màn giao hòa náo hoạt, hoan hỉ, các cỗ kiệu ba làng
lại theo ngôi thứ anh trước, em sau được cung kính rước về trước sân đền. Các cụ
cao niên thay mặt dân ba làng cử hành nghi thức tế lễ trang trọng.
Sau tuần lễ chung của làng, xóm tiếp đến phần dâng lễ của
các phường, hội, dòng họ, tư gia và khách thập phương. Phần tế lễ vãn hồi lập tức
đến phần hội với màn múa sinh tiền trước sân, các trò đấu vật, kéo co, bịt mắt
bắt dê… ngoài cổng và trò bắt vịt, đi cầu khỉ… dưới ao.
Quá ngọ ngày mùng mười vãn hội, các cụ cao niên thành kính tấu
trình, xin cho dân làng khởi kiệu rước bài vị, sắc phong đức thánh làng nào về
làng nấy yên vị. Quan viên, dân chúng ba làng bịn rịn chia tay hẹn nhau gặp lại
vào mùa hội năm sau.
Lễ hội Ba Dân được gìn giữ, nối truyền bền chặt đến ngày nay
là bởi trong hương ước đình, đền Ba Dân ngoài cắt đặt chức vị, công việc chung,
quy định nghi trình, nghi thức tế lễ, rước xách rõ ràng, cụ thể còn luôn đề cao
tinh thần người dân ba làng phải nhất mực đoàn kết, thương yêu, gắn bó, tôn trọng,
học hỏi, giúp đỡ nhau, cùng nuôi dưỡng thuần phong mỹ tục. Đây không chỉ là điểm
độc đáo riêng có mà còn là niềm tự hào, động viên, khích lệ dân ba làng đồng
thuận xây dựng quê hương ngày càng văn minh tiến bộ trong thời hội nhập, phát
triển./.
Thế Vĩnh