Đền Bà, còn gọi là đền Vị Thanh thờ phụng vị nữ tướng tài giỏi là Thanh Nương đã có công phò giúp Trưng Nữ Vương đánh giặc cứu nước, nhân dân cảm kích lập đền thờ phụng.
Đền Bà hay còn gọi là đền Vị Thanh được xây dựng trên một
khu đất cao, rộng và thoáng đãng ven đầm
Vạc, nay thuộc thôn Vị Thanh, xã Thanh Trù, thị xã Vĩnh Yên.
Trước đền là mặt đầm rộng mênh mông, những tán cây rợp bóng
trên mặt nước, những góc đao cong và mái ngói phủ đầy rêu phong ẩn hiện khiến
ta dễ liên tưởng đến hình ảnh một bến nước, sân dình quen thuộc của làng Việt.
Giữa bình yên của ruộng đồng và làng xóm, ngôi đền hiện lên thâm nghiêm, cổ
kính.
Theo truyền thuyết lưu truyền lại xưa kia nữ tướng Thanh Nương một nội thị đại tướng quân của Hai Bà Trưng khi bà cùng tướng lĩnh chiến đấu với giặc bảo vệ đất nươc, do thế giặc mặc bà và tướng lĩnh đã bại trận ở Đầm Vạc rồi xác bà dạt vào khu vực thôn Minh Quang, được người dân vớt lên và chôn cất.
Ngôi mộ bị mối xông lên và to dần theo thời gian, thấy vậy người dân trong làng đã lập đền thờ để, từ đó nhân dân trong làng làm ăn ngày càng khấm khá.
Tuy nhiên, một biến cố đã xảy ra. Đó là mộ bà bị trâu húc vẹt (mất phần đất nổi lên trên mặt). Từ ngày đó trong vùng liên tục xảy ra thiên tai, dịch họa làm đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn, vất vả.
Thấy vậy, người dân đã đi tìm nguyên nhân và được biết đó là do con trâu húc mộ làm ảnh hưởng, người dân đã tôn tạo lại mộ bà để tỏ lòng thành kính, từ đó người dân làm ăn yên ổn, thiên tai dịch bệnh ít đi. Hàng năm cứ đến ngày 13-14 tháng 10 âm lịch, nhân dân xã Thanh Trù lại dâng hương, mở tiệc cầu cho quốc thái dân an, gia đình ấm no, hạnh phúc.
Tương truyền, có vị nữ tướng tài giỏi là Thanh Nương đã có
công phò giúp Trưng Nữ Vương đánh giặc cứu nước, nhân dân cảm kích lập đền thờ
và gọi là đền Bà.
Ngôi mộ cổ của nữ tướng Thanh Nương
Ban thờ đền thờ phụng ở Chính điện.
Đền được xây dựng vào
thời Nguyễn, khoảng cuối thế kỷ XIX, gồm 3 toà kiến trúc bố cục thoe kiểu chữ “công”: tiền tế 5 gian, hai mái bít đốc có cửa
gỗ bức bàn, 1 gian ống và 3 gian hậu cung, có tạo gác lửng làm khám thờ thần. Kết
cấu 6 bộ vì chồng rường giá chiêng, kỹ thuật mộng sàm đạt đến trình độ cao toàn
đền có 32 cột gỗ chắc khỏe, chân cột kê đá chống ẩm và mối mọt. Bộ mái của tòa ống
muống và hậu cung làm theo kiểu chồng
diêm và được lợp ngói mũi truyền thống.
Ở đền Bà, những mảng chạm khắc tuy không nhiều nhưng đường
nét chạm khắc lại khá sắc nét, điêu luyện. Chẳng hạn, những đầu dư những bức cốn
đã được các nghệ nhân thời xưa tạo thành hình rồng ở những tư thế khác nhau(rồng
uốn, rồng chầu mặt trời) rất sinh động. Chạm trổ ở đền Bà đã góp phần tô điểm cho kiến trúc và tăng thêm vẻ
uy nghiêm của chốn thần linh.
Trong đền gian giữa (chính điện) là ban Đức Mẫu Chúa Bà, bên phải Ban Chúa Thiên, bên trái Ban Mẫu.
Đền còn có 4 bộ long ngai và các bức hoành phi, câu đối chữ
Hán, là những cổ vật quý, được gia cố công phu, trang trí cầu kỳ.
Đặc biệt đền Bà còn lưu giữ được những giá trị văn hóa phi vật
thể tiêu biểu, trong đó độc đáo nhất là lễ hội tế trâu diễn ra vào ngày 13, 14,
15/10 âm lịch. Hàng năm, ngay từ ngày đầu tiên của tháng 10 âm lịch, các công
việc chuẩn bị cho tiệc tế trâu đã được tiến hành như: chọn trâu lễ, chọn người
nuôi trâu lễ, làm chuồng nuôi trâu lễ và lập ban thờ bộ hạ... Lễ hội tế trâu
chính thức diễn ra từ trưa ngày 13 tháng 10 âm lịch với các nghi thức theo
trình tự là: Lễ cáo, rước ban thờ bộ hạ, dẫn trâu ra sân đình.
Ao tắm trâu trong lễ hội tế trâu
Đêm 13 tháng10 tổ chức tế ở đình làng rồi rước trâu ra đền.
Đoàn rước đi đầu là trâu lễ, người nuôi trâu trong trang phục quần áo đỏ, chạc
trâu tết bằng dây đỏ, kiệu bát cống rồi kiệu quan bộ hạ, tiếp theo là các đội tế,
phường bát âm, chiêng, trống, đi sau cùng là dân làng hồ hởi reo hò với hàng
trăm bó đuốc tỏa sáng rực rỡ.
Cuộc lễ được tiếp diễn ở đền với một loạt các nghi thức nữa:
tắm trâu, làm lễ nghinh thánh, dắt trâu vào đền làm lễ hiến tế trâu. Phần hội
còn tiếp diễn thêm với những trò chơi vui khỏe đến hết ngày 15 mới làm lễ tạ.
Lễ hội này phản ánh nét sinh hoạt tín ngưỡng đặc trưng của
cư dân nông nghiệp trồng lúa nước ở đồng bằng sông Hồng thể hiện thông qua nghi
lễ tế trâu cầu mùa. Tới đền Bà vào mùa lễ hội, khách tham quan không chỉ có cơ
hội chiêm ngưỡng cảnh quan thanh bình, đẹp đẽ của di tích mà còn được tham dự một
trong những lễ hội nông nghiệp mang những giá trị văn hóa tiêu biểu của vùng đồng
bằng Bắc Bộ.