Đền Ba Sa, thôn Thần, xã Minh Đức, huyện Ứng Hòa - Di tích lịch sử - văn hoá - Kiến trúc nghệ thuật thờ phụng thần Ba Sa - Quảng Bác Đại vương, hoàng tử thứ 2 của vua Hùng Huy Vương.
Theo cuốn ngọc phả tựa đề “Lễ bộ thương thư, quản giám bách thần, triều Lê, phụng sao chuyện”. Được lưu trong đình Giẽ Thượng, cùng với nội dung 19 đạo sắc và những hoành phi, câu đối, những lời kể của nhân dân về nhân vật lịch sử được thờ trong đình như sau:
Tương truyền thần là con của vua Hùng thứ 8 là Huy Vương và
Tiên Dung Châu. Ngày 15 tháng giêng năm Giáp Thìn, đệ nhị tiên cung tên gọi là
Tiên Dung Châu xuất thần hạ giới, tiên nữ giáng sinh. Nàng lớn lên sắc
đẹp tuyệt trần vời khôn tả xiết.
Ngược dòng thời gian, khi có cuộc nhàn du ở Phong Châu vui
duyên tiên lành, Vua Hùng thứ 8 là Huy Vương ưng ý liền phong nàng làm cung phi
chính thất. Bà Dung Châu sinh được 5 người con trai.
Khi trưởng thành 5 anh em
đều lần lượt lập được nhiều công lớn, dẹp giặc ngoại xâm, đem lại bình yên cho đất nước
công tích được tuyên dương nổi tiếng trong thiên hạ. Vua mừng ban cho sắc
phong và quan chức thật hiển vinh, sau khi hóa lại ban cho sắc chỉ phong
Thượng đẳng thần, hương khói thờ phụng vĩnh vĩnh.
Trong đó, tổng Thịnh Đức thờ vị thần thứ 2 trong năm vị hoàng tử. Khi
quan giám Quốc sư mang sắc đến trang Thịnh Phúc triệu tập các vị bô lão trao sắc
và 30 quan tiền để dân thiết lập đền thờ miếu thờ thần đời đời nhớ ơn, hương
khói thờ phụng.
Hàng năm cứ đến ngày 12 tháng 6 hàng năm làng lại mở hội
rước kiệu bát cống, Lọng, Tàn, Kiếm, Kích, Bát bửu, Cờ quạt, đánh bồng, múa rối,
sư tử. Chọi gà, hát chèo mở hội tưng bừng để tưởng nhớ tới công của ngài.
Đền được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa nghệ thuật và kiến
trúc cổ.
Theo các ghi chép lịch sử, đền thờ phụng nhân thần Quảng Bác Đại Vương. Trong tâm thức
dân gian người Việt, thần là biểu tượng anh hùng văn hóa, giỏi đánh giặc, tài
trị thủy, là công thần bảo vệ gìn giữ nước Văn Lang ở vùng phía Nam.
Trong thời
đại Hùng Vương, ở phía bắc vùng núi Ba Vì có Tản Viên Sơn Thánh thì Vùng đồng
trũng này có Quảng Bác Đại Vương, các vị đều là những bậc anh hùng văn hóa
trong thời kỳ buổi đầu dựng nước.
Về kiến trúc nghệ thuật, đền Ba Sa còn bảo lưu được nhiều hiện
vật có giá trị như voi đá, ngựa đá, cây hương đá, chuông đồng… Được biểu hiện
qua tổng thể kiến trúc của đền như sau:
Đền thôn Thần tọa lạc
trên lưng hình con cá chép, đầu cá hướng về ngã ba sông (cống Thần). Đền chính
hướng Đông phía trước là sông Măng Giang, dòng sông nối giữa sông Đáy với sông
Nhuệ, nơi hội tụ ngã ba Cống Thần.
Tổng thể kiến trúc của đền
gồm: ngôi đền Thượng, nhà Tả Vu, đền Mẫu.
Ngôi đền Thượng là công
trình kiến trúc chính được kết cấu theo kiểu chữ đinh có đại bái và hậu đền, tường
xây gạch xung quanh, đầu hồi bít đốc, hai mái chảy lợp ngói ri. Trên đầu hồi có
đấu vuông, giữa bờ nóc là hai rồng chầu mặt trăng (lưỡng long chầu nguyệt) nghệ
thuật phục chế theo lối rồng thời Nguyễn nằm dải uốn cong nhiều lớp hình sin,
đuôi soắn thân rồng thon nhiều lớp vẩy, miệng rồng ngậm viên ngọc quý, bờm bay.
Hậu cung đền làm theo kiểu chuôi vồ đấu chữ đinh vào gian giữa
đại bái kéo dài sâu phía sau. Phía trước treo một tấm đại tự biển gỗ nền đỏ.
Xung quanh viền lưỡng long chầu nguyệt, hoa dây, phượng rồng hóa lá ghi ba chữ
“Tối Linh Từ”.
Chính cung là đền
thờ Đức Thượng đẳng quảng bác Đại Vương. Ngai thờ tạc hình rồng, thân kiểu chấn
song con tiện. Dưới bệ trang trí nhiều ô hoa văn tứ linh.
Nhà Tả vu, nơi khách đến nghỉ ngơi vào thăm quan là ngôi nhà
ba gian hình chữ nhật, kiến trúc vì kèo quá giang hai hàng cột, kỹ thuật bào
trơn đóng bén.
Đền Mẫu nằm phía trái đền Đức Thượng Đẳng sát cạnh bờ sông
Măng Giang. Ngôi đền làm theo kiểu chữ đinh cổ 3 gian đại bái, 3 gian hậu điện,
xây theo kiểu tường hồi bít đốc, kiến trúc vì kèo cầu quá giang theo lối truyền
thống.
Từ những
đặc trưng vể lịch sử văn hoá – kiến trúc nghệ thuật đền Ba Sa được Bộ Văn
hoá thông tin ( nay là Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du lịch) công nhận theo Quyết định
số: 06/2000/QĐ – BVH ngày 13 tháng 4 năm 2000.