Đền Bà, còn được gọi là đền Trịnh Uyển (đền Vĩ Thanh) thôn Minh Quang (Vị Thanh), xã Thanh Trù, Thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc thờ phụng nữ tướng Thanh Nương và hai chị là Đạm Nương, Hồng Nương phò giúp Nhị vua Hai Bà Trưng đánh đuổi giặc Đông Hán, giành lại giang sơn.
Đền Bà còn gọi là đền Trinh Uyển nằm bên Đầm Bạc, thành phố
Vĩnh Yên xưa thuộc xã Vị Nội, tổng Hương Canh, huyện Yên Lãng, phủ Tam Đới, trấn
Sơn Tây. Nay Vị Nội đổi là Thanh Trù, sáp nhập vào thành phố Vĩnh Yên. Đền
Trinh Uyển thờ bà Thanh Nương thời Trưng Vương.
Theo cụ từ giữ đền thì không hề có tài liệu nào ghi bà Thanh
Nương là Vĩnh Hoa Công Chúa như các báo mạng hiện nay. Bà Thanh Nương có mẹ họ
Hùng, bố họ Lê. Tích kể bà mẹ sinh ra ba chị em là Thanh Nương, Đạm Nương, Hồng
Nương và một em trai là Lê Tuấn.
Sau ngày tuyên thệ ở cửa Sông Hát, các nữ tướng Đạm Nương, Hồng
Nương, Thanh Nương, An Bình Lý ở Quất lưu, năm vị áp lang ở Thanh Lãng, cùng đạo
quân của Nhị vua Hai Bà Trưng tiến đánh Luy Lâu, thủ phủ của Thái Thú Tô Định -
Bà Trần Thị Thuận người Nội Phật làm nội ứng, mở toang cổng thành. Quân Nhị vua
Hai Bà Trưng tràn vào như vũ bão. Quân Đông Hán thây chất ngổn ngang. Đại quân
Nhị vua Hai Bà Trưng đánh tan tác quân giặc. Tô Định cởi giáp, trốn chạy về Nam
Hải. Trên đà thắng lợi nhân dân các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam đều nổi dậy
hưởng ứng. Nhị vua Hai Bà Trưng nhanh chóng đánh chiếm 65 thành quách, giải
phóng giang sơn.
Ba năm sau, nhà Đông Hán phục thù, sai Mã Viện dẫn đại binh
tấn công Đại Việt, các tướng lĩnh Nhị vua Hai Bà Trưng chống trả quyết liệt, tại
trang Tiên Nha, tam vị nữ tướng Thanh Nương, Đạm Nương, Hồng Nương bị giặc bao
vây bên bờ sông Nguyệt Đức, phía trước thì giặc chặn đầu, phía sau thì giặc đuổi
gấp, giao chiến đẫm máu và ác liệt, tướng sĩ lần lượt hy sinh. Danh tướng Thanh
Nương, Đạm Nương, Hồng Nương đều lao xuống sông tuẫn tiết, Thi thể được sông đẩy
trôi về đầm Bạc. Người Vị Nội thương tiếc vớt lên, chôn cất tại địa phương ngày
14/9 năm Quý Mão (43). Mộ bà nhanh chóng được mối đùn đắp thành ụ lớn.
Theo huyền tích, mộ nàng bị một con trâu đen thường xuyên đến
húc, làm sạt lở phần bồi đắp bên trên. Tình huống khiến trong làng bất an,
thiên tai, dịch họa nhiều hơn, người dân làm ăn khó khăn.
Khi phát hiện trâu đen húc mộ, nhân dân đã vây bắt trâu, làm
thịt tế bà và tôn tạo lại phần mộ bà, đồng thời dựng đền thờ phụng danh tướng
Thanh Nương cùng Đạm Nương, Hồng Nương và các tướng lĩnh khác. Làng Vị Thanh từ
đó có tục lệ ngày hội hiến tế trâu đen để tế lễ danh tướng Thanh Nương.
Hàng năm cứ đến ngày 13 - 14 tháng 10 âm lịch, nhân dân xã
Thanh Trù lại tổ chức lễ hội, dâng hương, khai tiệc Đền Bà, cầu quốc thái dân
an, gia đình ấm no, hạnh phúc.
Năm Vĩnh Tộ thứ 6 (1624), Vua Lê Thần Tông phong cho nàng là
"Tế thế hộ quốc Đại Vương, Anh linh hiển ứng đại Vương". Năm 1852,
Vua Tự Đức sắc phong cho nàng làm Thành hoàng làng Vị Nội, với danh hiệu
"Bản cảnh thành hoàng Linh phù".
Từ năm 1857 đến năm 1880, vua lại tiếp tục truy tặng cho
nàng là "Hoằng hiệp thành hoàng linh phù". Năm 1891, Vua Đồng Khánh
phong cho nàng là "Dực bảo trung hưng" đến niên hiệu Khải Định thứ
hai 1917, vua phong cho nàng là "Trinh uyển Dực bảo trung hưng tôn thần".
Do đó, "Đền Bà" mới có tên chữ "Trinh uyển Linh từ".
Như vậy, "Đền Bà" đã có từ thời Tiền Lê, cách đây
1.027 năm. Nhưng mãi tới ngày 17 tháng 5 năm Giáp Tý, niên hiệu Khải Định thứ 9
(1924), theo chữ ghi ở thượng lương, đền Trinh Uyển mới được xây dựng trên quy
mô hoành tráng, còn lại tới ngày nay.
Lần lượt các câu đối trong đền như sau:
Gian giữa:
"Oanh liệt nhất tràng Trưng Triều hiển thánh
Huân cao vạn cổ Bạc Đàm linh từ"
Tạm dịch là:
Ngang dọc một cõi chiến trường, hiển thánh Triều Trưng
Sáng ngời muôn thu soi bóng, đền thiêng Đầm Bạc.
Niên đại ghi rõ là "Bảo Đại mùa thu năm Canh Thìn
(1940)"
Đôi câu đối thứ hai:
"Hội quyết thư hùng hiển thánh Trưng Triều lưu chính
khí
Nguyên phân Kinh vị giáng thần Bạc Thuỷ mạt ân ba".
Tạm dịch là:
Sống chết phen này, hiển thánh Triều Trưng còn chính khí
Nguồn chia Kinh vị, giáng thần nước Bạc vẫn xôn xao.
Phần lạc khoản đề rõ: Người tỉnh ta ở trung Nguyên, Đông Lỗ,
Yên Lạc, thầy giáo làng là Nguyễn Hữu Đức kính dâng.
Đôi câu đối thứ ba:
"Nộ khí đảo sơn hà, anh phong vạn cổ
Tình trung quân nhật nguyệt, tiết nghĩa nhất môn".
Tạm dịch là:
Cơn giận nghiêng non sông, dáng hùng muôn thuở
Niềm trung sáng đôi vầng, tiết nghĩa một nhà.
Lạc khoản ghi rõ. Người xã ta là Hội viên Phùng Văn Đỗ và
quyền Chánh Tổng Nguyễn Lê, cung kính dâng.
Câu đối thứ tư:
"Địch khái kỳ tâm đồng Trưng phiến anh thư truyền thất
tộ
Ninh dân kỳ lợi, phổ Bạc Đàm linh miếu lịch đa niên".
Tạm dịch là:
Căm thù giặc, cùng vua Trưng nêu gương gái giỏi bẩy triều
Lợi yên dân, khắp Đầm Bạc, soi bóng miếu thiêng nhiều thuở.
Lạc khoản ghi rõ: Người xã ta, chức Tổng Khán thủ là Nguyễn
Khắc Dương cùng Lý trưởng đương nhiệm là Phùng Hữu ích kính dâng.
Trên gian giữa treo bức Biển hiệu, chữ viết và nét khắc rất
đẹp:
"Trinh uyển Linh từ"
Dịnh nghĩa là: "Đền thiêng cô gái anh hùng"
Lạc khoản đề "Bảo Đại Mậu Dần, Trọng Đông cát nhật",
nghĩa là: Ngày lành, tháng 11 mùa Đông, năm Mậu Dần (1924), niên hiệu Bảo Đại.
Đền Bà trước đây là nhà tranh vách đất, đền được xây dựng
quy mô lớn và vững chắc vào thời Nguyễn, cuối thế kỷ 19. Ngôi đền có 3 toà điện
thờ xây kiểu chữ “công”: tiền tế 5 gian,
hai mái bít đốc có cửa gỗ bức bàn, 1 gian ống và 3 gian hậu cung, có tạo gác lửng
làm khám thờ thành hoàng.
Kết cấu bộ khung các tòa nhà là 6 bộ vì nóc kiểu chồng rường
giá chiêng, kỹ thuật mộng sàm đạt đỉnh cao của kỹ nghệ đình đền. Ngôi đền có 32
cột gỗ lim, chân cột kê đá xanh. Mái tòa ống muống và hậu cung thiết kế kiểu chồng
diêm, lợp ngói mũi hài truyền thống.
Bên trong đền Bà, những mảng chạm khắc không nhiều nhưng được
thực hiện bởi các nghệ nhân tài năng, các đường nét chạm khắc sắc nét, điêu luyện.
Những đầu dư, bức cốn được các nghệ nhân xưa chạm khắc thành hình rồng với những
hình dáng khác nhau như rồng cuộn, rồng chầu mặt trời điệu nghệ và sống động.
Những mảng chạm khắc ở đền Bà khiến cho điểm thờ phụng uy nghiêm và linh
thiêng, đồng thời rất gần gũi với truyền thống văn hóa Việt Nam.
Đền còn sở hữu những cổ vật quý như 4 bộ long ngai, các bức
hoành phi, câu đối chữ Hán, được chế tác và chạm khắc công phu, tỉ mỉ, sơn son
thiếp vàng.
Ngôi mộ cổ danh tướng Thanh Nương
Đền Bà lưu truyền những sản phẩm văn hóa phi vật thể hàng
nghìn năm, có giá trị cao, độc đáo nhất là lễ hội tế trâu diễn ra vào ngày 13,
14, 15/10 âm lịch. Hàng năm, ngay từ ngày đầu tiên của tháng 10 âm lịch hàng
năm, công việc chuẩn bị cho lễ tế trâu dâng Thánh được thực hiện nghiêm túc
theo một lễ nghi cổ xưa, chọn trâu lễ, chọn người nuôi trâu lễ, làm chuồng nuôi
trâu lễ và lập hương án.
Lễ hội tế trâu chính thức diễn ra từ trưa ngày 13 tháng 10
âm lịch với các nghi thức theo trình tự là: Lễ cáo, rước ban thờ bộ hạ, dẫn
trâu ra sân đình. Đêm 13 tháng10 tổ chức tế lễ ở đình làng rồi rước trâu ra đền.
Đoàn rước đi đầu là trâu lễ, người nuôi trâu trong trang phục quần áo đỏ, chạc
trâu tết bằng dây đỏ, kiệu bát cống rồi kiệu quan bộ hạ, tiếp theo là các đội tế,
phường bát âm, chiêng, trống, đi sau cùng là dân làng reo hò với hàng trăm bó
đuốc tỏa sáng rực rỡ. Lễ hội tiếp diễn ở đền với các nghi thức nữa: tắm trâu,
làm lễ nghinh thánh, dắt trâu vào đền làm lễ hiến tế. Phần hội tiếp theo là những
trò chơi vui khỏe đến hết ngày 15 mới làm lễ tạ.
Lễ hội Tế trâu phản ánh nét sinh hoạt tín ngưỡng đặc trưng của
cư dân nông nghiệp trồng lúa nước ở đồng bằng sông Hồng thể hiện thông qua nghi
lễ tế trâu cầu mùa.
Tới đền Bà vào mùa lễ hội, khách tham quan không chỉ có cơ hội
chiêm ngưỡng cảnh quan tuyệt đẹp, thanh bình của một di tích cổ mà còn được
tham dự một trong những lễ hội mang những giá trị văn hóa bao gồm lòng yêu nước,
biết ơn những anh hùng dân tộc, nghi lễ hiến tế cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng
bội thu của vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Đền đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm
2004.
Ảnh tư liệu: Nguyễn Huân/Đền Miếu Việt
Nguồn: Tạp chí Văn hóa & Phát triển