Đền Bắc Hợp nằm ở phía Bắc thôn Duệ Đông, thị trấn Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Ngôi đền vốn được khởi dựng lâu đời, thờ phụng Đức thánh Tam Giang Trương Hống – Trương Hát có công giúp vua Triệu Việt Vương đánh thắng giặc Lương xâm lược vào thế kỷ thứ VI.
Ngôi đền nằm giáp với đường tỉnh lộ 295B, bên phải và phía
sau là đường giao thông, bên trái là khu dân cư sinh sống. Trong khuôn viên di
tích, nằm ở bên phải là Đền thờ Kiều Nhạc đại vương và lầu Quan Âm.
Toàn cảnh đền Bắc Hợp (ảnh chụp năm 1993)
Cổng đền Bắc Hợp
Xưa kia, đền Bắc Hợp nằm cách vị trí hiện nay khoảng 500 m,
gần đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn. Năm 1892, đền được chuyển về vị trí hiện nay.
Đền xưa có quy mô to lớn gồm 3 tòa: đền Thượng, đền Trung và đền Hạ (đền
Ngoài), xung quanh có tường bao vào cổng lớn.
Năm 1932, tu bổ đền Thượng. Trong giai đoạn kháng chiến chống
Pháp, ngôi đền đã bị tiêu thổ một số hạng mục. Năm 1960 - 1968, tháo dỡ 2 tòa đền
Hạ và đền Trung làm nhà mẫu giáo, không gian còn lại được sử dụng làm kho chứa.
Năm 1990, khôi phục đền Trung (mua lại bộ khung nhà dân).
Năm 1992, dựng lại đền Hạ. Năm 2011, tu bổ đền Thượng. Năm 2015, xây tượng cổng
đền, tường bao xung quanh. Năm 2018, tu bổ đền Trung. Năm 2020 xây dựng lại đền
Thượng.
Các toà kiến trúc đền Bắc Hợp hiện nay
Mặt trước toà đền Hạ
Hiện nay, đền Bắc Hợp gồm các hạng mục công trình: đền Hạ, đền
Trung, đền Thượng.
Đền Thượng gồm 2 tòa tạo thành mặt bằng hình chữ Đinh. Tòa
phía ngoài có kiến trúc kiểu thức “bình đầu bít đốc cột trụ cánh phong”. Bộ
khung chịu lực bằng gỗ lim gồm 4 bộ vì tạo thành 3 gian. Mỗi bộ vì có 2 hàng cột,
kết cấu kiểu “thượng chồng rường, hạ chồng rường" tiền bẩy hậu bẩy. Hậu
cung vuông góc với gian giữa gồm 1 gian.
Đền Trung nằm liền kề phía trước đền Thượng, kiến trúc kiểu
“chồng diêm 2 tầng 4 mái (chồng diêm gian giữa). Bộ khung chịu lực bằng gỗ, gồm
4 bộ vì tạo thành 3 gian 2 dĩ. Mỗi bộ vì có 4 hàng chân cột, kết cấu kiểu “thượng
chồng rường, hạ chồng rường bảy hiên”. Phần gian giữa chồng diêm có 4 mái đao
cong.
Đền Hạ nằm liền kề phía trước đền Trung, kiến trúc kiểu
“bình đầu bít đốc tay ngai cột trụ cánh phong”. Tiền tế có bộ khung chịu lực bằng
gỗ, gồm 4 bộ vì tạo thành 3 gian 2 dĩ. Mỗi bộ vì có 3 hàng chân cột (trốn cột
cái trước), kết cấu kiểu “Thượng chồng rường, hạ kẻ ngồi bảy hiên”. Các công
trình của di tích đều có tình trạng kỹ thuật tốt.
Ban thờ tại gian giữa tòa đền Trung
Trong đền hiện còn bảo lưu được nhiều tài liệu hiện vật có
giá trị tư liệu, mỹ thuật, nghệ thuật. Trong đó tượng Đức thánh là tượng cổ thời
Nguyễn, là số ít tượng Thánh Tam Giang đang có trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, cùng
nhiều đồ thờ tự tiêu biểu như: ngai thờ,
bát biểu, hương án, long đình, hoành phi, câu đối...
Ban thờ tại gian giữa tòa đền Thượng
Đền Bắc Hợp thờ Đức
thánh Tam Giang (Trương Hống) có công giúp vua Triệu Quang Phục đánh thắng giặc
Lương xâm lược ở thế kỷ VI. Lai lịch côn trạng của ngài được tóm lược như sau:
Vào đời vua Lý Nam đế, tại làng Vân Mẫu, huyện Quế Dương, quận Vũ Ninh, có bà họ
Phùng tên là Từ Nhan, nết na thuần thục. Khi bà 18 tuổi nằm chiêm bao tắm ở
sông Lục Đầu thấy Thần Long quấn vào mình mà có thai. Đến mồng 5 tháng Giêng
sinh ra một bọc năm con, 4 con trai và 1 con gái. Con trai đặt tên: Hống, Hát,
Lừng, Lẫy, con gái gọi là Đạm Nương.
Ngay từ nhỏ cả bốn anh em đã tỏ ra thông minh hơn người, bà
cho các con theo học tiên sinh họ Lã, nhanh chóng thông lầu các sách binh thư,
am tường võ nghệ. Gặp khi trong nước có loạn, nhà Lương sai Trần Bá Tiên và
Dương Phiêu đem quân sang đánh nước Nam. Vua Lý Nam đế đem đại binh ra đánh,
nhưng quân Lương thế mạnh, chống địch không nổi. Lý Nam đế uỷ quyền cho Triệu
Quang Phục cầm quân đánh giặc.
Trần Bá Tiên đương khi cường thịnh, Triệu Quang Phục chống
không lại, phải lui quân về Dạ Trạch, tình thế nguy cấp bèn cho người đi tìm
người tài ra dẹp giặc, giúp nước. Khi ấy, anh em Đức Thánh Tam Giang nghe có lệnh
chiêu tài, bèn tìm kế lập thân, mộ quân để giúp nước.
Khi đi đến huyện Kim Hoa vào làng Tiên Tạo đã chiêu mộ được
hơn 300 người chia làm cơ đội, lập đồn đánh giặc. Triệu Quang Phục biết tin,
sai người đến đón, phong cho ông cả làm quan thượng tướng, ông hai làm phó tướng,
ông ba, ông tư đều làm tùy tướng.
Các ông khởi quân tiến trận, xung đột tung hoành, quân Lương
đại bại, chạy về Bắc quốc. Dẹp giặc xong, Triệu Quang Phục kéo quân về đóng đô ở
thành Long Biên xưng là Triệu Việt Vương. Trương Hống được vua phong thực ấp
Kinh Bắc, ông hai được thực ấp Đông Ngàn.
Nước bình rồi, Lý Phật Tử đem hơn 60 vạn quân Xiêm - Lào về
đánh Triệu Việt Vương. Vua liền sai Trương Hống, Trương Hát xuất quân ra đánh,
Lý Phật Tử địch không nổi phải lui quân xin cầu hoà để cho ở yên một xứ.
Về sau Lý Phật Tử bội ước mang quân đánh úp Triệu Việt
Vương, muốn anh em họ Trương phò Lý Phật Tử, vì trung nghĩa với Triệu Việt
Vương nên anh em họ Trương đục thủng thuyền, đánh đắm mà tự vẫn vào ngày 1
tháng 4.
Đời vua Lê Đại Hành, nhà Tống sai Hầu Nhân Bảo đem quân đánh
nước Nam. Nhà vua thân chinh xuất quân chống giặc, khi đến làng Tam Lư, huyện
Đông Ngàn thì trời tối phải tạm đóng quân ở đình làng, liền sửa lễ cầu thần âm
trợ và được thánh Tam Giang ứng trợ giành thắng lợi. Nhà vua khao thưởng quân sỹ,
lại sai dân hai bên sông Nguyệt Đức, sông Nam Bình lập miếu thờ cúng.
Đến thời vua Lý Nhân Tôn, nhà Tống sai Quách Quỳ và Triệu Tiết
sang đánh nước Nam ta. Vua Lý Nhân Tôn sai Lý Thường Kiệt đem quân đi đánh giặc.
Khi đến làng Phương La vào đóng ở trước đền, truyền quân sửa lễ để cầu thần trợ
chiến.Lý Thường Kiệt thắng trận trở về, làm sớ tâu vua, thưởng khen đại công
phù trợ, bèn sai các quan ở hai bên sông Vũ Bình, Nam Bình đều phải lập miếu thờ.
Đến năm Trùng Hưng thứ 4, bên Tầu lại sai đại binh sang đánh
nước ta. Trần Quốc Tuấn phụng mệnh cầu đảo bách thần âm phù trừ giặc. Khi đến
làng Tiên Tạo thấy có đền thiêng, sửa lễ khấn rằng: Xin ra sức giúp công đánh
giặc. Sau bình được giặc Ô Mã Nhi, Trần Quốc Tuấn làm sớ tâu công phù trợ.
Đức Thánh Tam Giang là nhân vật anh hùng lịch sử, sống trực
tiếp đánh giặc cứu nước, chết đủ uy linh đi vào tín ngưỡng dân gian, chỗ dựa
cho các vua minh tướng giỏi đời sau tin tưởng vào chính nghĩa mà chiến thắng giặc
ngoại xâm, giữ gìn độc lập cho tổ quốc, thật đáng tên ngàn thu. Cảm động trước
tấm lòng yêu nước, đánh giặc của các ông, nhân dân địa phương đã thờ phụng tại
đền.
Đền Bắc Hợp đã được nhà nước xếp hạng di tích quốc gia, Quyết
định số 295-VH/QĐ, ngày 12/02/1994.
Ban Quản lý di tích tỉnh
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Tiên Du, Bắc Ninh