Theo tư liệu lịch sử, thần phả, sắc phong, văn bia, câu đối, đồ thờ tự còn lưu giữ tại đền, đền Chánh thờ Đức Cần Thiện Đại vương – một trong những nam tướng thời Hai Bà Trưng. Như hầu hết các nhân thần được nhân dân tôn vinh, cuộc đời của Đức Cần Thiện thấm đẫm màu huyền thoại.
Đền Chánh xưa nằm trên địa bàn xã Phù Đạm, huyện Kim Bảng,
nay thuộc Thôn 4 xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý. Đền Chánh là một trong 10 cơ sở
tôn giáo tín ngưỡng của nhân dân xã Phù Vân.
Ngoài là cơ sở tín ngưỡng, khác với những nơi khác, đền
Chánh trong kháng chiến chống Mỹ còn là một trong các trận địa pháo phòng không
của Phù Vân chia lửa cùng với Lam Hạ bảo vệ quốc lộ 1A - tuyến đường huyết mạch
nối hậu phương miền Bắc với tiền tuyến miền Nam.
Cha của ông là một người văn võ song toàn tên là Nguyễn Thuần
quê ở Châu Ái (Thanh Hóa ngày nay), mẹ là một cô gái xinh đẹp, nết na, thùy mị
nổi tiếng khắp vùng Phù Đạm, tên tục gọi là Quang. Ông Thuần thấy quê vợ có một
gò đất ở ngã ba sông, thế đất đẹp, người dân lại có cuộc sống sung túc, phong tục
thuần hậu bèn xin dân làng cho lập hành cung để gia đình qua lại.
Một đêm trăng sáng, ông bà nằm ở chính cung, bà Quang mơ thấy
một ngôi sao từ trên trời sa vào miệng, vội nuốt lấy. Từ đó bà mang thai, đến
ngày 12 tháng 11 năm Nhâm Tuất, bà sinh được một người con trai có tướng mạo
khác thường, mặt vuông, tai to, mắt sáng, mày xanh, ông bà đặt tên cho con là
Nguyễn Thiện, đến tuổi đi học nổi tiếng thông minh, học một biết mười lại tinh
thông võ nghệ.
Năm Nguyễn Thiện 20 tuổi, cha ông vì tính tình cương trực đã
bị Tô Định hãm hại, mẹ ông vì thương xót cũng ngã bệnh qua đời, ông bèn chọn
nơi đất tốt an táng. Sau ba năm tròn đạo hiếu, căm thù giặc giết cha, ông cùng
dân làng Phù Đạm nung nấu ý chí quyết tâm trả thù nhà, đền nợ nước.
Khi đó có nhị chúa Mê Linh là Trưng Trắc và Trưng Nhị, dòng
dõi con cháu Vua Hùng dấy binh dựng cờ khởi nghĩa, ông Thiện đã cùng dân làng
Phù Đạm chiêu binh mãi mã phất cờ khởi nghĩa, gia nhập đạo binh của nhị vua Hai
Bà Trưng.
Cuộc khởi nghĩa thắng lợi, ông Thiện làm biểu xin Trưng
Vương cho về Phù Đạm sinh sống cùng dân làng, Trưng Vương ưng thuận và thưởng
cho 10 hốt vàng. Về quê hương, ông đem vàng chia cho dân nghèo, cùng dân cấy
lúa, trồng dâu nuôi tằm, cuộc sống no đủ.
Ba năm sau, nhà Đông Hán lại cho quân sang xâm lược nước ta,
Trưng Vương tiếp tục thống lĩnh đại quân chống lại. Do thế giặc mạnh, lực lượng
của Nhị vua Hai Bà Trưng tổn thất nặng nề, buộc phải rút lui và bị bao vây.
Quyết không để bị rơi vào tay giặc, Hai Bà Trưng đã gieo
mình xuống sông Hát tự vẫn, danh tướng Nguyễn Thiện dẫn binh chống giặc cũng hy
sinh trên chiến trường.
Nghe tin đức ông Thiện hy sinh trên sa trường, dân làng Phù
Đạm vô cùng thương tiếc, dựng đền thờ phụng ngay trên hành dinh chỗ ở cũ của
ông. Tương truyền, tướng Nguyễn Thiện đã hiển linh, tuyên xưng là Cần Thiện Đại
vương, âm phù vua Lý Thánh Tông đánh tan quân Chiêm Thành quấy nhiễu bờ cõi.
Sau khi đánh bại giặc Chiêm Thành, thu được 3 quận, vua ban chiếu sắc phong
ngài mỹ tự: “Hiển ứng hộ quốc, cấp bậc Thượng đẳng thần.”
Đền Chánh, xã Phù Vân, TP Phủ Lý.
Bên cạnh sự tích về Đức Cần Thiện – phúc thần của làng, đền
Chánh còn được biết đến là một trong những địa điểm bố trí trận địa pháo phòng
không Phù Vân trong giai đoạn chống đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc
(1965 – 1972).
Khi đế quốc Mỹ sử dụng lực lượng không quân và không quân Hải
quân tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, thị xã Hà Nam là một trong những
trọng điểm bị địch đánh phá ác liệt nhất, Phù Vân lúc đó cùng với Lam Hạ trở
thành một trong các khu vực chủ yếu triển khai các trận địa pháo phòng không bảo
vệ thị xã. Tại vị trí là hậu cung đền Chánh hiện nay, bộ đội phòng không và dân
quân bố trí một trận địa pháo cao xạ 57 ly. Trận địa có diện tích hơn 3.000m2, triểu
khai 6 khẩu đội pháo.
Đền Chánh trở thành sở chỉ huy chiến thuật trung tâm quan trọng
của xã Phù Vân, hợp đồng tác chiến với các trận địa phòng không trong xã Phù
Vân và những cụm pháo phòng không của Lam Hạ tạo thành thế vòng cung, đánh trả
hiệu quả các đợt đánh phá của máy bay địch nhằm vào những vị trí chiến lược ở
thị xã Hà Nam, bảo đảm giao thông, thông tin liên lạc, phục vụ công tác vận
chuyển lương thực, chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.
Ghi công và tưởng nhớ Đức Cần Thiện Đại vương, giáo dục truyền
thống yêu nước, ý chí chiến đấu quật cường sẵn sàng hy sinh để bảo vệ nền độc lập
của các bậc tiền nhân, sau khi đất nước thống nhất, Đảng bộ, chính quyền và
nhân dân xã Phù Vân đã xây dựng, phục hồi lại đền Chánh theo kiến trúc cổ truyền
của dân tộc.
Đền nằm trên một khu đất rộng có nhiều cây lưu niên tạo cảnh
quan thoáng đãng, mát mẻ. Từ đường thôn vào qua cổng đền có bức bình phong nhằm
ngăn chặn những luồng khí xấu phạm đến ngôi đền.
Đền Chánh có ba tòa, tòa đệ nhất 3 gian, 2 chái, bốn mái uốn
cong đầu đao, phía trước có cấu trúc hai tầng mái. Chính giữa bờ nóc là trang
trí Lưỡng long Quán nhật, thân rồng uốn khúc xen lẫn những làn mây tản, các đầu
bờ nóc đắp hình bông sen, các góc mái đắp đầu đao rồng uốn cong mềm mại. Tòa đệ
nhị bốn mái uốn cong đầu đạo, 1 gian, 2 chái. Tòa đệ tam 1 gian, được coi là Hậu
cung, xây cuốn vòm, bài trí hương án, long ngai, bài vị thờ phụng Đức Cần Thiện
Đại vương.
Đền Chánh được xây dựng với kiến trúc truyền thống thời Hậu
Lê, các mảng chạm khắc ở đền Chánh tập trung vào chủ đề rồng - phượng, theo văn
hóa truyền thống đình đền Việt Nam.
Hằng năm, vào dịp ngày sinh của Đức Cần Thiện, dân làng đều
tổ chức lễ hội trong 3 ngày, từ ngày 10 – 12 tháng 11 âm lịch. Phần Lễ có rước
kiệu ngài từ các đền, miếu, phủ về đình tế lễ, sau đó lại đoàn rước đưa kiệu từ
đình về đền Chánh dự hội.
Ngoài hội chính, những ngày lễ kỷ niệm lớn của đất nước, đặc
biệt Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 hằng năm, các cấp chính quyền và nhân dân
địa phương đều tổ chức lễ dâng hương để tri ân các Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng
hy sinh bảo vệ nền độc lập của dân tộc.
Với giá trị lịch sử to lớn, kiến trúc nghệ thuật độc đáo, cuối
năm 2021, đền Chánh xã Phù Vân đã được UBND tỉnh cấp Bằng Di tích Lịch sử cấp tỉnh.
Đây cũng là cơ sở pháp lý giúp chính quyền địa phương và nhân dân có điều kiện
thuận lợi để quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử của Đền và
trận địa pháo phòng không nằm trong khuôn viên đền Chánh của xã Phù Vân.
Chu Bình
Nguồn: Báo Hà Nam