Đền Chi Cát là di tích lịch sử tọa lạc tại phường Tiên Cát, trung tâm của thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ thờ Cao Quan Đại vương, húy là Thạch Khanh, cùng với đền Tam Giang, thờ phụng Cao Thổ Đại vương đã có công chu du thiên hạ tìm các phương thuốc chữa trị bệnh tật cho muôn dân và âm phù các triều đại đời sau đánh giặc ngoại xâm giữ nước.
Đền Chi Cát có địa thế tọa lạc rất đẹp, được xây dựng trên một
khu đất rộng, bằng phẳng phía ngoài con đê tả Sông Thao, cách hợp điểm Tam
Giang là sông Thao, sông Đà và sông Lô, được gọi là ngã ba sông Bạch Hạc khoảng
200m. Vị trí của Đền trước đây là một ghềnh đá cạnh dòng Sông Thao, không bao
giờ xối lở.
Tọa lạc trong một khuôn viên rộng, cao hơn mặt bằng của của
bãi phù sa tới 5m, ngôi Đền được bao bọc trong mầu xanh của các loại cây xanh,
cây ăn quả, cây cảnh và những rặng tre già.
Một không gian tĩnh mịch, thoang thoảng hương thơm của các
loài hoa, như làm cho ngôi Đền trở nên linh thiêng hơn, nhưng cũng ấm cúng, gần
gũi với đời thường – đó là điểm đầu tiên mà du khách sẽ cảm nhận thấy khi đến
đây.
Trải qua bao nhiêu biến động của lịch sử, ngôi Đền Chi Cát
xưa đã không còn nguyên vẹn kiến trúc cổ ban đầu. Hình ảnh ngôi Đền mà chúng ta
đang thấy là kết quả của lần tôn tạo, xây dựng lại năm 1995. Đền Chi Cát được
xây dựng theo hướng Nam, với một tầm nhìn thật thoáng, rộng, nhìn thẳng sang
dãy núi Ba Vì.
Ngôi Đền có kết cấu theo lối chữ Đinh trên mặt bằng cao hơn
80cm. Trong Đền Chi Cát không còn lưu giữ được Ngọc phả do trải qua nhiều bôn
ba bão táp của khói lửa chiến tranh chống thực dân Pháp. Chỉ còn tài liệu lịch
sử là cuốn Đại Nam Thống Nhất Chí và Việt Đại U Minh còn ghi lại lịch sử về vị
thần Cao Thổ Đại Vương tại Đền Tam Giang Bạch Hạc, từ đó biết được vị nhân thần
được thờ phụng tại đền.
Đền Tam Giang và Đền Chi Cát là nơi kết nghĩa anh em từ thủa
xa xưa. Đền Tam Giang thờ Thần Cao Thổ Đại vương có tên húy là Thổ Lệnh. Đền
Chi Cát thờ Thần Bạch Thiên Hiển thánh có tên húy là Thạch Khanh.
Từ thủa xa xưa nước Việt ta từ thời Hùng Vương thứ 18, ở đất
Hoan Châu- Nghệ An, có hai vợ chồng họ Trần tên Thiệu, vợ họ Nguyễn tên Lân.
Nhà rất giầu có lại nhất mực trung hậu, hiền hòa, đức độ luôn giúp đỡ người
nghèo khó, diệt trừ hung ác cứu người.
Tuổi đã cao mà chưa hề có con. Hai ông bà đi hầu tự khắp mọi
nơi, khi đến chùa Yên Hoa, Đền Ung Sơn làm lễ cầu xin được thần báo mộng thì bà
Lân có thai, đúng vào ngày 10 tháng 03 năm Tân Hợi thì bà sinh được 2 người con
trai khôi ngô tuấn tú.
Ông bà Trần Triệu Nguyễn Lân mừng quá liền đặt tên cho hai
con là Lan và Ngọc. Năm lên 9 tuổi hai anh em học ông Lý Đường tiên sinh, học
ba năm thì thiên kinh vạn quyến đã hiểu, thông minh tài giỏi hơn người, bạn bè
đều kính phục coi như thần đồng giáng thế.
Đến năm hai anh em 19 tuổi thì bố mẹ qua đời, để tang và thờ
phụng bố mẹ trong 3 năm xong hai anh em bàn nhau khăn gói hành trang đi chu du
thiên hạ ngắm cảnh sông núi non nước.
Một hôm hai người nghe nói ở trên núi Tản (là Tản Viên Sơn
Thánh Ba Vì ngày nay) có rất nhiều thần tiên tụ họp. Hai ông quả nhiên thấy
phong cảnh thần diệu tối linh, thế rồi hai ông trèo lên núi thì gặp một vị thiền
sư đang ngồi trên bàn đá lại có Thánh Đồng đứng hầu, hai ông vái lạy Thiền Sư
xong thì trình tâu ý nguyện của mình và từ bỏ giàu sang phú quý để đến với Đức
Phật Quảng đại từ bi giúp đời, cứu người.
Được Thiền Sư chấp nhận cho theo học, khi hai người thành đạt
thì Thiên Sư lấy ra hai vật quý cho hai ông và dặn: “Ta cho các người một cây gậy
trúc và một bầu đá, đầu trên gậy cứu người sống, đầu dưới trừ ác quỷ, bầu đá
dùng để chữa bệnh, người nào có bệnh khó chữa thì lấy gậy gõ vào bầu đá có vật
gì rơi ra thì lấy vật đó ngâm rượu uống rồi sẽ khỏi”, nói xong thì Thiền Sư biến
mất. Để tỏ lòng biết ơn và hậu tạ Thiền Sư về sau hai ông đổi tên thành Thổ Lệnh
là em, Thạch Khanh là anh.
Cho đến đời nhà Trần, Trần Hưng Đạo đánh quân Nguyên xâm lược,
khi Ngài qua ngã ba sông Bạch Hạc. Thổ Lệnh và Thạch Khanh ngầm theo giúp Trần
Hưng Đạo. Nhà Trần sắc phong cho hai ngài là Hộ quốc bảo dân Đại Vương và giáng
chỉ lệnh cho Bạch Hạc- Chi Cát cùng nhiều địa phương khác, đời tiếp đời thờ tự
các vị nhân thần cho đến ngày nay.
Đền Chi Cát thờ Cao Quan Đại vương, húy là Thạch Khanh, cùng
với đền Tam Giang, thờ phụng Cao Thổ Đại vương đã có công chu du thiên hạ tìm các phương thuốc
chữa trị bệnh tật cho muôn dân. Hai vị cũng đã linh ứng, âm phù các triều đại
sau này đánh giặc ngoại xâm giữ nước.
Hiện nay trong Đền Chi Cát còn lưu giữ 01 quả Chuông đồng
kích cỡ cao 1m đường kính 0,5m; thân Chuông là 2 thân rồng uốn tròn dấu vào
nhau; thân Chuông đúc nổi hình hoa cúc, các hình gờ nổi chia thân Chuông thành
các băng ô; 3 mặt trên thân Chuông khắc đầy chữ Hán.
Tượng thờ đức ông Cao Quan Đại vương Thạch Khanh; Tượng đắp
bằng đất cao 1m, được tạo tác rất thành công cả về mầu sắc lẫn dáng dấp, hồn tượng
và tính chất nhân vật lịch sử. Tượng ngồi trên Long ngai có hai đầu rồng vươn
ra phía trước, nét mặt nhân từ, phúc hậu miệng thoáng mỉn cười, thân khoác áo
bào đai trễ, đắp nổi tứ linh, thiếp vàng rực rỡ, chân đi hài cong.
Tượng Đức ông Thạch Khanh có nét nhân từ, đôn hậu như sẵn
sàng chỉ thuốc trị lâm để cứu con người qua cơn thập tử nhất sinh, song cũng
toát lên dáng vẻ cương trực hiển ứng linh thiêng của vị thần linh thiêng Bạch
Thiên Hiển Thánh. Ngoài ra, trong đền còn có Lư hương đồng; Bộ chấp kích và Bức
cuốn thư.
Hàng năm Đền Chi Cát có các ngày tiệc chính; ngày 15/01 âm lịch
Lễ Thượng Nguyên; Ngày 21/5 âm lịch Lễ Trung Nguyên; Ngày 15/10 âm lịch Lễ Hạ
Nguyên.
Nằm trong khu vực “Kinh đô Văn Lang” xưa Đền Chi Cát với những giá trị lịch sử của mình, thực sự
có một ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục truyền thống, làm phong phú truyền
thống văn hóa lịch sử của một miền quê và có giá trị trong hệ thống du lịch
vùng đất Tổ. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, cùng với lòng ngưỡng
mộ của nhân dân địa phương, Đền Chi Cát mới được khôi phục, tôn tạo.
Đền Chi Cát có một kiến trúc chắc khỏe, nội thất đẹp; một
khuôn viên được quy hoạch cẩn thận với không gian thoáng đãng nhiều cây xanh, đảm
bảo sự tôn nghiêm của một ngôi Đền thờ.
Di tích Đền Chi Cát- Phường Tiên Cát đã được vào sổ kiểm kê
danh mục di tích tỉnh Phú Thọ năm 1964 và 1997; được công nhận là Di tích văn
hóa lịch sử cấp Tỉnh theo Quyết định số 2563/QĐ-UBND ngày 10/8/2001./.