Đền Chòi, hay còn gọi là đền Dinh, đền Tam Toà, xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình thờ phụng Đế Thích Phạm Vương và Diêm La Thiên Tử, thực ra hai nhưng là một vì Đế Thích cưỡi Bò Thần Kim Ngưu - Shiva vừa là thần hủy diệt vừa là thần tái tạo. Hai bên ban chính là hai ban thờ hai vợ chồng ông Trần Kỷ và bà Đào Thị Riêu, phía trước là hai vị Điển Công và Đông Công.
Tọa lạc trên một gò đất cao nơi của biển Đại Bàng (nay gọi
là cửa biển Thái Bình), đền Chòi hay còn gọi là đền Dinh, đền Tam Toà (xã Thụy
Trường) được biết đến là chốn linh thiêng lâu nay được rất nhiều du khách trong
và ngoài tỉnh ghé thăm.
Đây cũng là một trong những công trình nằm trong cụm di tích
lịch sử cấp Quốc gia: đền Chòi-chùa Bến-chùa Chỉ Bồ được Bộ Văn hoá Thông
tin cấp bằng công nhận vào năm 1989, nhờ
lưu giữ nhiều giá trị lịch sử văn hoá và có quy mô kiến trúc rất độc đáo.
Tương truyền, vào thời Hùng Vương ở đạo Sơn Tây, phủ Khoái
Châu, châu Xích Đằng có 2 vợ chồng là Trần Kỷ và bà Đào Thị Riêu ăn ở nhân đức,
hay làm việc thiện nhưng về già vẫn không có con. Hai ông bà quyết định phát tán gia tài, sắm sửa lễ vật đến
nhiều chùa chiền, miếu mạo để cầu tự, đồng thời dựng hai toà điện thờ Đế Thích
Phạm Vương và Diêm La Thiên Tử ngày đêm cầu khấn.
Một đêm, bà Đào Thị Riêu nằm mơ thấy có hai người râu tóc bạc
phơ, đầu đội mũ bách tinh bế hai đứa trẻ đứng trước cửa nhà gọi và bảo rằng: ta
phụng mệnh Hoàng thiên cho nhà ngươi hai đứa trẻ ngoan, ngươi phải chăm sóc
chúng cẩn thận, nói xong hai vị trao hai đứa trẻ cho bà rồi bay lên trời.
Bà Đào Thị Riêu hoan hỉ đón hai đứa bé thì giật mình tỉnh giấc
và mới biết là mình nằm mơ. Cũng từ hôm đó, bà mang thai rồi sinh hạ được 2 người
con trai tướng mạo đẹp như tranh. Hai ông bà vô cùng mừng rỡ làm lễ tạ ơn thiên
địa bách thần, đặt tên hai con là Điển Công và Đông Công (hai Công).
Khi hai Công 14 tuổi, phủ Khoái Châu gặp thiên tai, nhân dân
đói khổ, trộm cướp hoành hành, cả gia đình đành lên thuyền xuôi về phương Nam rồi
định cư tại phủ Thái Ninh, huyện Thụy Anh, khu Chỉ Bồ ( thuộc xã Thụy Trường
ngày nay). Điển Công và Đông Công được cha mẹ tìm thầy dạy học, vốn bản tính
thông minh nên chỉ vài năm sau cả hai đều văn võ song toàn.
Một hôm, Điển Công và Đông Công nằm ngủ mơ thấy 2 vị thần là
Đế Thích Phạm Vương và Diêm La Thiên Tử xuất hiện nói: 3 tháng nữa có khí dịch
lưu hành, nhân dân sẽ mắc bệnh mà chết nhiều, các ngươi nên lấy một quyển giấy
bạch chỉ để dành khi bệnh dịch phát thì làm lễ và dùng giấy bạch chỉ đó đốt và
hoà với nước sạch cho người bệnh uống sẽ tai qua nạn khỏi. Quả nhiên 3 tháng
sau, khắp nơi nhân dân bị dịch bệnh, hai ông làm như lời thần dặn thì ai nấy đều
khỏi bệnh.
Cũng vào thời kỳ đó, có bọn giặc thuộc tộc người Xích Tụy khởi
binh tại miền biển Đông, giết hại dân lành, triều đình đã cử nhiều tướng giỏi
đem quân đi dẹp giặc nhưng đều không thành.
Sau khi nhà vua treo
bảng chiêu mộ anh tài, hai anh em Điển Công và Đông Công đã vào kinh thành. Thấy
hai người có tướng mạo oai phong lẫm liệt, vua liền phong tướng và giao quân
cho đi dẹp giặc cứu nước.
Được sự giúp sức của Đế Thích, Diêm La, hai Công đã dẹp tan
giặc dữ thắng trận trở về. Nhà vua mừng
rỡ thưởng vàng bạc, tơ lụa, phong thực ấp cho họ Trần ở khu Thụy Anh.
Sau đó, hai Công về khu Chỉ Bồ thiết lập cung sở để ở, ngày ngày nhàn du vui vẻ cùng nhân dân. Một
hôm, trời đất đang sáng tự nhiên tối sầm lại, mây đen ùn ùn kéo đến, Nhị vị Đại
vương đang ngồi không bệnh mà tự hóa.
Nhà vua nghe tin vô cùng thương xót, xuống sắc cho lập 3 toà
điện nguy nga ở Chỉ Bồ giao cho nhân dân trong vùng cùng thờ phụng: Đế
Thích-Diêm La, Thánh mẫu, Nhị vị tướng quân (Trần Đông, Trần Điển), vì thế ngôi
đền có tên là đền Tam Toà (đền Chòi ngày nay).
Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thế kỷ XIII, đền
Chòi là đồn luỹ đóng quân của quân đội nhà Trần, một trong những trạm gác tiền
tiêu của hệ thống đồn luỹ phòng thủ hai bên bờ sông Hoá.
Cũng tại địa điểm này đã diễn ra hai sự kiện lịch sử quan trọng:
vào năm 1285, trên đường rút quân tránh sự truy đuổi của quân giặc, vua Trần đã
qua đây nghỉ ngơi, nhân dân địa phương đã giúp quan quân làm nhiều thuyền ngự
thả trôi trên biển để đánh lừa quân giặc, giúp đức vua vào Thanh Hoá an toàn.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 3 vào năm 1288, quân đội nhà Trần cùng nhân dân
địa phương đã tham gia đánh tan đạo quân của Ô Mã Nhi đi đón thuyền lương của
Trương Văn Hổ ở cửa biển Đại Bàng. Tục lệ
bơi chải và thả thuyền rồng xuống biển trong lễ hội đền Chòi ngày nay
còn phản ánh sự kiện lịch sử đó.
Trong hồ sơ đề nghị công nhận đền Chòi là di tích lịch sử cấp
Quốc gia đã khẳng định: “Trải qua 700 năm ở một nơi đầu sóng ngọn gió, dấu vết
thành luỹ trên mặt đất không còn song những truyền thuyết, ký ức dân gian có
liên quan đến đền Chòi cũng như những trận chiến oanh liệt của quân và dân thời
Trần tại cửa biển Đại Bàng vẫn còn ghi lại qua các thần phả, của ngôi đình, đền
lân cận.
Hiện tại, quanh khu vực
gò đất cao của ngôi đền này còn tồn giữ được nhiều dấu vết của hệ thống giếng
nước thời Trần.
Vào những năm 1958-1960 khi đắp đê, lấn biển nhân dân còn
phát hiện được nhiều những hiện vật như: ván thuyền, gươm giáo, xương cốt người
chứng tỏ vùng đất này chính là một trong những chiến trận của Đại Bàng mà sử ký
đã ghi chép”.
Trong những năm 1927-1954, đền Chòi là nơi truyền bá Chủ
nghĩa Mác – Leenin cho thanh niên vùng biển Thụy Anh và là nơi đóng quân của du
kích, bộ đội chủ lực thời kháng chiến chống Pháp. Trải qua nhiều lần trùng tu,
tôn tạo, đền Chòi hiện tại là một công trình quy mô tương đối lớn, bề thế, mang
phong cách kiến trúc thời Lê đan xen với thời Nguyễn.
Điểm độc đáo nhất của ngôi đền là nằm trên một cồn cát cao 4
đến 5 m so với bề mặt ruộng đồng xung quanh và tọa lạc ngay trước cửa biển, biểu
tượng cho sự bền vững, phồn thịnh.
Từ ngoài vào trong, đền Chòi là một quần thể di tích được tạo
bởi các công trình: cổng đền, hai dãy nhà chè, toà điện tiền tế, toàn điện đệ
nhị, toà điện hậu cung ....được làm và trùng tu vào các năm 1907 và 1941. Nội
thất được trang trí, điêu khắc công phu, nhiều mảng chạm rất tinh xảo mang
phong cách thời Lê có giá trị nghệ thuật cao.
Đặc biệt, trong đền hiện còn lưu giữ được nhiều đồ thờ tự, tế
khí, bát biểu, nhang án, 17 sắc phong của các đời vua rất quý giá. Những năm
qua, nhờ tấm lòng công đức của người dân địa phương, con em xa quê, khách thập
phương, xã Thụy Trường đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng tu bổ, nâng cấp nhiều hạng mục
công trình của khu di tích đền Chòi.
Lễ hội chính của đền Chòi được mở vào ngày mùng 2 tháng 7 âm
lịch hàng năm. Chính yếu tố: là ngôi đền thờ thần linh gắn với những câu chuyện
kỳ bí, thực hư về các vị thần đã khiến đền Chòi trở thành một điểm du lịch văn
hoá tâm linh hấp dẫn. Theo lời các bậc cao niên, ngôi đền này rất linh thiêng,
trước ngày mở và sau ngày đóng hội đền đều có những trận mưa rào rất lớn.
Vào dịp lễ hội, hàng ngàn du khách ở khắp các tỉnh thành
trong cả nước tìm về dâng hương tế lễ, tìm hiểu những giá trị văn hoá, giá trị
lịch sử của ngôi đền. Trong lễ hội, chính quyền địa phương còn tổ chức các hoạt
động văn hoá, văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian tạo không khí vui tươi, phấn khởi để nhân dân
cùng tham gia, tăng thêm tình đoàn kết xóm làng.
Lễ hội đền Chòi hiện nay được tổ chức rất trang nghiêm,
thành kính, không chỉ là lễ hội của riêng người dân Thụy Trường mà là của nhiều
người dân quê biển tưởng nhớ tri ân những vị thần linh, tướng quân có công dẹp
giặc cứu nước, cứu dân và giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay
và mai sau.
Thời gian tới, Thụy Trường sẽ huy động thêm các nguồn lực từ
nhân dân địa phương, con em xa quê, khách thập phương đồng thời cũng mong muốn
Nhà nước hỗ trợ thêm kinh phí tu bổ, nâng cấp các hạng mục công trình, mở rộng
khuôn viên của ngôi đền cho xứng tầm với một công trình có ý nghĩa lớn về lịch
sử và văn hoá tâm linh.
Cùng với đó, xã sẽ khai thác thế mạnh vùng ven biển, nơi có
hơn 1.300 ha rừng ngập mặn để đưa Thụy Trường trở thành một điểm du lịch sinh thái,
tâm linh hấp dẫn không chỉ của riêng Thái Thụy mà của cả Thái Bình, thu hút nhiều
khách du lịch đến thăm quan, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát
triển.