Đền Chôi ở Xuân Kỳ, xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn, thờ Đức Hỏa Nhạc đại vương – người có công rèn roi sắt, ngựa sắt, giáp sắt cho Thánh Gióng đánh giặc Ân.
Theo truyền thuyết, vào thời Hùng Vương thứ VI (còn gọi là
Hùng Hy Vương), Đức Hỏa Nhạc làm nghề chế kim rèn sắt, sinh ra ở làng quê Đa Hội
– Bắc Ninh đã giúp triều đình rèn vũ khí để Gióng đánh giặc. Đức Hỏa Nhạc cũng
được cử làm tướng lĩnh Thiên vương đề binh đốc hậu cùng Gióng đi đánh giặc.
Khi phá tan giặc Ân
thì Gióng lên núi Sóc phi thiên hiển thánh, Vua Hùng phong cho người là Thượng
Đẳng Thiên Vương Sóc Sơn Đại Thần bất tử, người đời gọi là Thánh Gióng. Còn Đức
Hỏa Nhạc trở về Xuân Kỳ hiển thánh, hóa tại gò mộ và được Vua Hùng suy tôn Hỏa
Nhạc Đại Vương bất tử, Thượng đẳng Thành hoàng.
Công tích của Đức Hỏa Nhạc trong cuộc đấu tranh chống giặc
Ân là biểu hiện sức mạnh về khả năng chinh phục thiên nhiên, lao động, chế tác
công cụ, vũ khí của người Việt.
Theo dân gian lưu truyền, đền Chôi được xây dựng từ lâu đời.
Theo văn bia tại đền có niên đại Tự Đức năm thứ 2 (ngày 21/11/1849) và thượng
lương của đền ghi năm tu sửa đền “Hoàng triều Bảo Đại, thập nhị niên tứ nguyệt
thập lục nhật” (Hoàng triều Bảo Đại ngày 16/4/1873) có thể khẳng định ngôi đền
được xây dựng ít nhất vào thời Nguyễn – thế kỷ XIX.
Khu kiến trúc chính của ngôi đền được xây dựng theo hướng
đông nam. Cấu trục mặt bằng theo lối tiền chữ Nhất, hậu chữ Đinh gồm tiền tế và
hậu cung.
Tiền tế là một lớp nhà 5 gian, mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp
kiểu bờ đinh, bờ dải bậc thang. Lòng nhà chia thành 5 gian, 3 gian giữa để làm
nơi tế lễ, 2 gian bên được tôn lên cao hơn để làm nơi hội họp khi có việc làng.
Hậu cung là một nếp nhà dọc 3 gian, gắn với gian giữa nhà tiền tế.
Chính giữa hậu cung là một bệ thờ được xây cao từ nền lên
80cm. Trên bệ thờ đặt một sập thờ bằng gỗ, trên đặt ngai thờ và một số đồ thờ tế
mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX. Đây là nơi thờ vị Thành hoàng làng Đức Hỏa
Nhạc Đại Vương.
Hiện nay, đền Chôi còn lưu giữ được một số hiện vật khá
phong phú với nhiều chủng loại và chất liệu khác nhau: 1 hương án, 1 ngai thờ,
2 kiệu (đều bằng gỗ), trong đó có 1 kiệu tam bành (kiệu lễ) và 1 kiệu mui đều
mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX, 1 bức đại tự, 2 câu đối (bằng gỗ) mang
phong cách nghệ thuật thế kỷ XX; 5 bia đá, bia có niên đại sớm là Tự Đức năm thứ
2 (1849).
Trong đền có câu đối, nội dung ca ngợi công đức của Thần
Thành Hoàng và cảnh quan ngôi đền:
Bạch nhật đông không ưng bất tử
Xích quang phi mã bẩm như sinh
Dịch là:
Giữa ban ngày bay lên trời trở thành bất tử
Ngựa phi trong luồng hào quang đỏ y như lúc thần còn sống.