Đền Hoành Tam thờ Đương cảnh thành hoàng Tây Phạm đại vương cùng Tá cảnh thành hoàng Hán Tây Thi, những vị thần đã có công phù hộ dân làng buổi đầu mở đất.
Trước năm 1945 thôn Hoành Tam là xã Hoành Tam thuộc tổng
Hoành Nha phủ Xuân Trường tỉnh Nam Định. Năm 1947 xã Hoành Tam đổi thành thôn hợp
vào các thôn Hoành Lộ, Hoành Tứ thành xã Liên Hoành. Năm 1969 để phù hợp với nền
sản xuất mới, xã Giao Hoành hợp với xã Giao Sơn thành xã Hoành Sơn.
Từ đó đến nay thôn Hoành Tam thuộc xã Hoành Sơn. Hiện nay Đền
chùa Hoành Tam thuộc xóm 16 xã Hoành Sơn.
Qua khảo sát, tìm hiểu các nguồn tư liệu cổ còn lưu giữ tại
địa phương và di tích đền chùa Hoành Tam như: Sắc phong, câu đối, đại tự, gia
phả các dòng họ Lê, họ Phạm, đặc biệt là tấm bia còn lưu giữ tại chùa Hoành Tam
do cử nhân Lê Văn Nhưng soạn vào mùa xuân năm Bảo Đại Bính Thìn (1916) cùng
truyền thuyết nhân dân địa phương thì mảnh đất Hoành Tam xã Hoành Sơn được mở
mang vào thời Lê Trung Hưng do công của 2 vị tổ là: Phạm Chính Tâm và Lê Đình
Phúc.
Lúc đầu Đền chùa Hoành Tam được xây dựng giáp thôn Hà Cát, Hồng
Thuận, mái lợp ngói có gác chuông. Năm Chiêu Thống Đinh Mùi (1787), cửa Ba Lạt
đổi dòng, phá hội trong 3 năm liền làm toàn bộ đất đai cả 5 xứ đồng ngoài cùng
đền - chùa Hoành Tam bị sạt lở hết. Vào năm Gia Long thứ 8 (1809) nhân dân chuyển
đền - chùa về vị trí xóm 16 ngày nay. Đền - chùa lúc mới chuyển về vẫn còn đơn
sơ, chưa phục dựng được như cũ.
Trải qua thời gian cùng những biến thiên của lịch sử, đền
chùa Hoành Tam vẫn tồn tại như một phần không thể thiếu được trong đời sống
tinh thần của người dân, công trình kiến trúc được xây dựng, trải qua bao năm
tháng, qua nhiều lần trùng tu vẫn lưu giữ được phong cách, kiến trúc cổ truyền.
Hiện nay đền - chùa vẫn được chính quyền địa phương quan tâm
tu bổ ngày một khang trang hơn. Điều đó không chỉ đáp ứng đời sống tín ngưỡng
mà còn góp phần giáo dục mọi thế hệ người dân Hoành Tam đạo lý “Uống nước nhớ
nguồn” nhớ ơn các bậc tiền nhân có công mở mang làng xã.
Đền Hoành Tam thờ Đương cảnh thành hoàng Tây Phạm đại vương
cùng Tá cảnh thành hoàng Hán Tây Thi. Việc thờ tự này xuất phát từ yếu tố tín
ngưỡng. Mặc dù các tài liệu về thân thế sự nghiệp của những vị nhân thần này
còn hạn chế, song thông qua sắc phong câu đối, đại tự có thể thấy đây là các vị
thần có công lao và ảnh hưởng khá lớn đến cư dân nơi đây.
Mặt trước chùa Hoành Tam
Ngoài ra đền - chùa Hoành Tam còn là di tích thờ Phạm Chính
Tâm, Lê Đình Phúc, Phạm Đức Trạch, đây là những người đã có công đầu trong việc
tạo dựng làng xã. Việc thờ tự tại đền xuất phát từ truyền thống “Uống nước nhớ
nguồn”, nhớ ơn các bậc tiên tổ. Đây cũng là nét đẹp văn hóa truyền thống cần được
bảo tồn và phát triển.
Đền Hoành Tam xã Hoành Sơn được xây dựng trên một khu đất rộng
2340 m2, nằm quay hướng Đông Nam. Cổng đền được xây sát đường liên thôn, cửa ra
vào xây cuốn vành mai. Cổng được làm hai tầng tám mái tạo giả ngói ống. Đầu đao
được uốn cong mềm mại. Cổ diêm cao khoảng 0,50m, có tạo ô hình chữ nhật đại tự
chữ Hán.
Qua cổng là con đường dài khoảng 50m được lát bê tông bằng
phẳng dẫn tới khu vực nội tự di tích. Khu vực nội tự được bao quanh bởi hệ thống
tường gạch cao khoảng 1m. Trước cửa đền là hai cột đồng trụ thân vuông có chạm
gờ chỉ để đắp câu đối, đế thắt cổ bồng, đỉnh đắp họa tiết nghê chầu.
Tam quan chùa Hoành Tam
Đền xây theo kiểu chữ đinh. Sân đền rộng khoảng 50m2, phần nền
được xây cao hơn mặt sân khoảng 1m có bậc tam cấp để lên xuống.
Tiền đường gồm 3 gian 2 chái, hệ thống bờ bảng xây thẳng có
tạo đấu trụ hình vuông. Bờ nóc xây uốn nhẹ về 2 phía liên kết với đầu kìm đắp họa
tiết triện tàu lá dắt. Ba gian giữa tiền đường có cánh cửa bức bàn chắc chắn. Khung tòa tiền đường gồm 4 bộ vì làm theo kiểu
thượng mê cốn, hạ bảy, xà đinh, trốn cột.
Qúa giang gác lên cột hiên, các hoành mái gối lên hai hồi tường.
Gánh đỡ toàn bộ hệ thống vì kèo tòa tiền đường là 4 cột hiên có đường kính 18
cm và 4 cột cái có đường kính 20 cm được đặt trên chân tảng đá thắt cổ bồng. Phần
trạm khắc trên vì kèo đa phần được bào
trơn đóng bén, soi chỉ kỹ càng tạo sự đơn giản mộc mạc.
Trung đường gồm 3 gian được xây cuốn vòm nối liền với tiền
đường. Gian giữa cao và rộng nhất có đặt 1 nhang án thờ công đồng. Hai gian bên
là nơi thờ tự Tá cảnh thành hoàng Hán Tây Thi và các vị thủy tổ. Nối tiếp trung
đường là hậu cung gồm 3 gian, cửa xây cuốn hình bán nguyệt, trong có đặt khám
thờ và bài vị của đương cảnh thành hoàng Tây Hải Phạm đại vương.
Nằm cách ngôi đền Hoành Tam khoảng 15 cm về phía bên trái là
chùa Hoành Tam (tên tự là Hưng Phúc). Công trình kiến trúc gồm các hạng mục:
Tam quan, bái đường, tam bảo, hệ thống nhà tổ, phủ mẫu, tăng phòng.
Hệ thống tam quan
chùa Hoành tam là công trình được thiết kế tỷ mỉ và đặc sắc, gồm 3 cổng, cổng
chính cao khoảng 10m làm theo kiểu chồng diêm, tầng dưới cao, to hơn cả với 4
góc bổ trụ vuông, có đắp câu đối. Cửa hình vòm cuốn vành mai có tạo gờ chỉ kép
viền mép đều đặn. Trên mái tầng này có xây hành lang hình triện tàu lá dắt tạo
cảm giác hài hòa.
Tầng trên của cổng chính là gác chuông kiểu tứ trụ hai tầng
tám mái lợp ngói nam. Bốn cột trụ được đắp hình tròn với đường kính 10 cm, trên
có vẽ họa tiết long vân. Kìm nóc, góc đao được đắp họa tiết rồng chầu, hoa lá
cách điệu. Cổ diêm tạo ô hình chữ nhật trong đắp đại tự chữ Hán: “Vọng Cao
Sơn” (Mong muốn được cao như núi).
Hai cổng bên thấp nhỏ hơn, được xây theo kiểu chữ đinh, mái
lợp ngói nam. Hai cột đồng trụ giáp hai phái đầu hồi có thế thắt cổ bồng, thân
tạo ô hình chữ nhật chạy gờ chỉ đắp câu đối, đỉnh đắp nghê chầu. Nối tiếp cột
đông trụ là bờ bảng được xây uốn lượn mềm mại. Bờ nóc không xây thẳng mà tạo ô
vuông có điểm xuyết hoa thị tạo cảm giác nhẹ nhàng.
Bái đường gồm 3 gian 2 chái có hệ thống cánh cửa bức bàn bằng
gỗ lim chắc chắn. Cổ đẳng chạy hà diệp thông phong bằng các con tiện dựng song
song. Hệ thống vì kèo được làm theo kiểu thượng mê cốn hạ bảy xà đinh chốn cột.
Các mảng chạm khắc trên từng cấu kiện gỗ của bộ vì mái đều được gia công khá tỷ
mỷ đẹp mắt như triện tàu lá dắt trên các ván mê, lá lật trên các xà, hình ảnh
các con bướm trên đầu các then tàu, các họa tiết tứ linh, tứ quý, hoa văn chữ
thị trên ván tàu.
Hệ thống bảy tiền kéo xuống đầu tiên được uốn cong mềm mại,
các mặt cạnh bên của mỗi bảy chạm khắc các họa tiết hoa văn khác nhau như: Long
uốn thủy, trúc mai hóa long, triện tàu lá dắt…
Nằm sau tòa tam bảo của chùa còn có hệ thống nhà tổ, phủ mẫu
tăng phòng. Các công trình này tuy đều mới xây dựng nhưng vẫn tuân thủ theo
phong cách truyền thống như xây cuốn lợp ngói nam, trang trí đề tài lưỡng long
chầu nguyệt, triện tàu lá dắt. Hầu hết các hạng mục công trình chùa Hoành Tam
đã tạo nên một tổng thể kiến trúc tương đối hoàn chỉnh.
Đền chùa Hoành Tam không chỉ là nơi thờ phụng mà còn là nơi
diễn ra các sự kiện Cách Mạng của địa phương. Đền chùa Hoành Tam là nơi diễn ra
các cuộc mít tinh giành chính quyền, nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng thời kỳ
kháng chiến chống Pháp.
Cùng trong thời kỳ này chùa Hoành Tam đã có 3 nhà sư: Thích
Thanh Tuyến, Thích Tâm Thanh, Thích Tâm Thứ đã giác ngộ cách mạng cởi áo cà sa
ra đi giết giặc cứu nước. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ đền- chùa Hoành
Tam còn là địa điểm tiễn đưa hàng trăm thanh niên lên đường nhập ngũ.
Mặc dù trải qua thời gian lâu dài và đã nhiều lần tu sửa
nhưng đền - chùa Hoành Tam đã bảo lưu được những nét kiến trúc truyền thống. Điều
này là một minh chứng cho ý thức bảo vệ các di sản văn hóa của người dân quê
hương Hoành Tam.
Đền - chùa Hoành Tam còn là nơi diễn ra lễ hội truyền thống
và sinh hoạt tín ngưỡng hướng thiện của nhân dân địa phương. Đó là hội xuân với
nhiều nghi lễ quan trọng và hình thức vui chơi, giải trí được diễn ra góp phần
giữ gìn những thuần phong mỹ tục từ bao đời nay của người dân Hoành Tam xã
Hoành Sơn huyện Giao Thủy.
Phòng Văn hóa- Thông tin huyện Giao Thủy