Đền Cửa Ngòi thờ Quỳnh Hoa và Quế Hoa công chúa. Theo truyền thuyết, công chúa Quỳnh Hoa là hóa thân của mẫu Thượng Thiên (Liễu Hạnh) và công chúa Quế Hoa là Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn và các vị thần khác như Ông Ngũ Hổ, thần Thổ Công.
Ngày 20/01/1017, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Quyết định số 131/QĐ-UBND công nhận đền Cửa Ngòi, xã Đại Minh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đền Cửa Ngòi
Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX vùng đất Đại Minh nằm trên tuyến
giao thông đường thủy kết nối các vùng đất trên dọc tuyến đường từ vùng Hoa Nam
(Trung Quốc) về Thăng Long. Thời kỳ này vùng Yên Bình có nhiều rừng tự nhiên với
các loại lâm thổ sản quý hiếm, người dân khai thác gỗ, nứa đóng thành bè, mảng
vận chuyển theo dòng sông Chảy về xuôi, rồi lại mang hàng hóa lên trao đổi buôn
bán, tạo nên tuyến giao thông huyết mạch trong vùng, hình thành nên các điểm chợ
sầm uất.
Trong quá trình giao thương hàng hóa, nhận thấy khí chất
linh thiêng của vùng đất này, các thương nhân và nhân dân trong vùng đã xây dựng
ngôi miếu trên mảnh đất ven bờ sông - nơi giao nhau giữa sông Chảy và suối ngòi
Ngà, lấy tên là miếu Cửa Ngòi. Trải qua thời gian, miếu ngày càng thu hút đông
đảo du khách đến chiêm bái, tạo vị thế ngày càng cao trong lòng nhân dân.
Miếu dần phát triển lên thành đền, trở thành điểm sinh hoạt
văn hóa tín ngưỡng của nhân dân. Ngôi đền rất linh ứng khi nhân dân cầu đảo. Di
tích đền Cửa Ngòi được xây dựng từ thời kỳ đó, gắn liền với sự tồn tại và phát
triển của chợ Ngọc, chợ Ngà bên bờ sông Chảy - là nơi buôn bán hàng hóa nổi tiếng
ở vùng Yên Bình trước đây.
Đền Cửa Ngòi thờ Quỳnh Hoa và Quế Hoa công chúa. Tương truyền
công chúa Quỳnh Hoa là hóa thân của mẫu Thượng Thiên (Liễu Hạnh). Do phạm lỗi
làm vỡ chiếc ly ngọc quý nên bị giáng xuống trần gian đầu thai vào nhà họ Lê.
Khi phu nhân Lê Thái Công mang thai gần đến kỳ sinh nở mắc phải bệnh suy nhược,
chỉ thích ăn hoa quả, không có thuốc men nào chữa khỏi.
Một hôm, có một vị đạo sĩ đến xin chữa bệnh cho phu nhân.
Trước ban thờ, người đạo sĩ đọc mấy câu thần chú rồi vứt chiếc búa ngọc xuống đất.
Lê Thái Công bỗng ngã ra bất tỉnh, nằm mơ mình được lên thiên đình dự tiệc do
Ngọc Hoàng khoản đãi và biết việc công chúa Quỳnh Hoa bị đày xuống hạ giới. Sau
khi tỉnh giấc thì hay tin phu nhân vừa hạ sinh được một cô con gái.
Thái Công sung sướng đặt tên con là Giáng Tiên. Lớn lên
Giáng Tiên càng xinh đẹp hơn, rất giỏi văn thơ, ca hát. Sau đó nàng về trời
nhưng do chưa hết hạn đi đày nên Ngọc Hoàng bắt trở lại thế gian.
Bà quay về trần, mang tiên pháp đi khắp thế gian để cứu giúp
dân lành, dạy dân cách khai hoang, trồng cấy, chữa bệnh…Công đức của Thánh Mẫu
vô lượng, được nhân gian tôn kính lập đền thờ.
Quế Hoa công chúa là hóa thân của mẫu Thượng Ngàn. Vào thời
Hùng Định Vương, nhà vua có một hoàng hậu tên là An Nương mang thai mãi không đẻ,
mọi người cũng thấy lo sợ.
Đến năm thứ ba, một hôm hoàng hậu đi chơi trong rừng bất ngờ
cơn đau ập đến, những người theo hầu không biết lo liệu ra sao. Hoàng hậu đau
quá chỉ còn biết ôm chặt lấy thân cây quế, cuối cùng hạ sinh được một cô
con gái nhưng vì quá kiệt sức nên hoàng hậu qua đời, để lại cho nhà vua cô con
gái yêu quý, đặt tên là Mỵ Nương Quế Hoa.
Lớn lên Mỵ Nương Quế Hoa vừa ngoan ngoãn vừa xinh đẹp, tới
tuổi cập kê mà không màng tới chuyện chồng con, chỉ luôn nhắc tới người mẹ yêu
quý đã sinh ra mình.
Sau khi biết rõ ngọn ngành, công chúa quyết chí đi vào rừng
tìm mẹ, không từ gian nan nguy hiểm. Trên đường đi nàng đã chứng kiến những cảnh
tượng đói nghèo cơ cực của dân làng trong những bản làng xơ xác.
Những lúc như vậy công chúa Quế Hoa luôn trăn trở tìm cách
nào đó để giúp những người dân lành lam lũ cực khổ kia. Một đêm giữa rừng núi
âm u, nàng linh cảm thấy hơi ấm của người mẹ, nàng thốt lên gọi: “Mẹ ơi… Mẹ
ơi…”. Như đồng cảm được với nỗi lòng của nàng, một ông tiên bỗng hiện lên trao
cho nàng phép thần thông, có thể dời núi lấp sông, cứu giúp dân lành.
Công chúa Quế Hoa đã cùng mười hai thị nữ dùng phép thuật dời
núi khai sông, đưa nước tưới về cho đồng ruộng tươi tốt, mang lại cuộc sống no ấm
cho dân làng. Sau đó có một đám mây ngũ sắc hạ xuống đón công chúa Quế Hoa và
mười hai thị nữ bay về trời. Nhân dân lập đền thờ tưởng nhớ công ơn của bà.
Ngoài ra đền Cửa Ngòi còn thờ các vị thần khác như Ông Ngũ Hổ,
thần Thổ Công… các vị thần trên luôn hiển linh phù hộ, cứu giúp dân chúng mỗi
khi gặp khó khăn hoạn nạn.
Hiện trạng di tích đền Cửa Ngòi
Năm 2000, nhân dân xây dựng lại đền, có kiến trúc nhà cấp IV
kiểu tường hồi bít đốc rộng khoảng 12m2, mái lợp ngói đỏ. Đền quay hướng Nam -
hướng đẹp mà phong thủy đền chùa thường chọn, bởi đây là hướng của muôn loài
sinh sôi, mùa hè có thể tránh nắng, mùa đông có thể tránh được gió lạnh.
Trong đền bài trí như sau: Ban thờ mẫu Thượng Thiên (Liễu Hạnh),
mẫu Thượng Ngàn và mẫu Thoải. Phía dưới ban thờ đặt bát hương thờ Ông Ngũ Hổ.
Phía trước hậu cung có bức đại tự "Hải Đức Sơn Công” (Công đức lớn tựa
sông núi).
Trước cửa vào có bức đại tự: Thánh mẫu linh từ. Hai bên hai
câu đối: Bên trái: Đại Địa Sơn Khê Trầu Ấp Miếu; Bên phải: Minh Sơn Thánh Mẫu
Giáng Xuân Đài.
Phong tục lễ hội
Lễ cầu an đầu năm (mùng 7 tháng giêng)
Theo tục lệ, cứ vào mùng 7 tháng giêng nhân dân chuẩn bị lễ
vật, mời các bậc thần thánh về dự lễ. Đây cũng là dịp để nhân dân thể hiện lòng
thành kính của mình, cầu mong thần thánh, trời đất phù hộ cho một năm làm ăn
thuận lợi, mùa màng bội thu.
Vào trước ngày lễ nhân dân trong làng chuẩn bị các lễ vật
như: gà, lợn, hương, hoa… Lợn cúng lễ đầu năm phải là lợn đen khoảng từ 35 -
40kg, được tuyển chọn cẩn thận, không bị dị tật và nuôi với chế độ đặc biệt. Đến
ngày tế lễ, thịt lợn chế biến thành các món để dâng lên thần linh.
Mâm cúng gồm các loại thức ăn chế biến từ thịt động vật và
thực vật như thủ lợn, chân giò, thịt, đuôi lợn, rượu, gà, vịt và các loại hoa
quả, gạo nếp, gạo tẻ, cơm lam, xôi nếp, rượu, hương, hoa… là những sản vật do
người dân nơi đây làm ra dâng lên cúng tế tổ tiên, trời đất, các thần thánh nhằm
kính báo, tạ ơn đã che chở, phù hộ cho một năm được mùa, cuộc sống an bình, đồng
thời cầu cho một năm mới gặp nhiều may mắn.
Sau phần lễ là phần hội với những trò chơi dân gian truyền
thống như kéo co, chọi gà, đấu vật… thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham
gia.
Lễ Giỗ mẫu (ngày 12 tháng 8)
Lễ hội được tổ chức hàng năm để tưởng nhớ Quỳnh Hoa và Quế
Hoa công chúa.
Lễ vật chính để cúng trong dịp lễ này bao gồm: xôi, thịt gà,
thịt lợn, hoa quả, vàng hương… Ngoài ra, mỗi dòng họ, gia đình cũng chuẩn bị riêng
một mâm lễ. Sau khi chuẩn bị xong, thầy cúng sẽ trình báo mời các vị thần,
thánh về dự.
Kết thúc phần lễ, tất cả các lễ vật được bày ra các mâm để
nhân dân đến tham dự lễ thụ lộc trong không khí vui vẻ, phấn khởi thể hiện tình
đoàn kết gắn bó giữa các thành viên trong cộng đồng.
Lễ Tất niên (ngày 23 tháng Chạp)
Đây là nghi lễ kết thúc một năm cũ, chuẩn bị đón một năm mới.
Được tổ chức vào tháng Chạp hàng năm, lễ tất niên được người dân tổ chức mang ý
nghĩa xua đuổi những điều không may mắn của năm cũ, chuẩn bị đón một năm mới với
nhiều điều may mắn hơn, tốt đẹp hơn. Lễ vật dâng cúng cho lễ tất niên gồm thịt
lợn, thịt gà, xôi, rượu, hoa, quả…
Đền Cửa Ngòi có từ cuối thế kỷ XIX. Từ khi di tích được xây
dựng đã trở thành điểm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân trong vùng, là
niềm tự hào của nhân dân Đại Minh, nơi lưu giữ kế thừa và phát huy nét văn hóa
cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Do đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã quyết định
xếp hạng Đền Cửa Ngòi là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.