Đền Dành, xã Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang trước thuộc xã Chung Sơn, tổng Tuy Lộc Sơn, huyện Yên Thế, phủ Lạng Giang, xứ Kinh Bắc. Đền thờ phụng Thánh Cao Sơn Đại vương, Quý Minh Đại vương thời Hùng Vương thứ 18.
Đền Dành, toạ lạc trên đỉnh núi Dành ở độ cao 117m so với mực
nước biển, cảnh quan ngoạn mục và đẹp mắt. Từ trên đỉnh núi có thể nhìn bao
quát toàn cảnh xung quanh khu dân cư xã Liên Chung và các vùng phụ cận của huyện
Tân Yên, huyện Yên Thế.
Đền Dành thờ phụng thần Cao Sơn Đại vương, Quí Minh Đại
vương theo truyền thống văn hoá tín ngưỡng, thờ phụng Hùng Vương của nhân dân địa
phương, qua nghiên cứu khảo sát hiện trạng di tích, căn cứ vào những tài liệu
hiện vật như cột đá, bát hương cổ, cùng nhiều đồ tế khí khác... có thể xác định,
đền Dành được xây dựng từ thời Lê thế kỷ XVIII.
Theo truyền ngôn của người dân địa phương, Đền Dành trước
đây được xây dựng chỉ có 1 gian theo kiểu chữ nhất, cột đền bằng đá xanh. Trong
đền có thần tượng, long ngai và nhiều đồ tế khí khác để thờ phụng. Trong cuộc
kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược những năm 1947-1950, ngôi đền bị giặc
Pháp bắn phá làm hư hỏng nặng.
Những năm gần đây nhân dân địa phương đã đóng góp công sức
và tiền của trung tu đền. Năm 1984, tu sửa đền và khu nội tự xung quanh. Năm
1994 đến năm 2000 xây đường lên đền và tu bổ khu nội tự thêm phần khang trang.
Căn cứ bài vị, văn cúng, tế tại di tích, đền Dành thờ thần
Cao Sơn Đại vương và Quý Minh Đại vương. Theo các tư liệu lịch sử, sách Địa chí
Bắc Giang do Sở Văn hoá Thông tin Bắc Giang và trung tâm Unesco xuất bản năm
2000 và thần tích được lưu giữ các đình đền khác trong tỉnh, thần Cao Sơn Đại
vương, Quý Minh Đại vương là danh tướng đời Hùng Vương thứ XVIII, đã có nhiều
công lao trong những cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm bảo vệ nền độc lập
dân tộc.
Khi tại, thần Cao Sơn Đại vương, Quý Minh Đại vương là những
danh tướng tài giỏi, khi thác hóa thần linh thiêng, hiển thánh âm phù, giúp dân
trừ tai ách, phù trợ người dân an bình, làm ăn thuận lợi. Các triều đại Việt
Nam sau này nhiều lần phong sắc và ban mỹ tự “Thượng đẳng thần” cho các ngài.
Đền Dành là công trình văn hoá tín ngưỡng của nhân dân địa
phương được xây dựng từ lâu đời, có giá trị nghiên cứu về mặt lịch sử văn hoá.
Điều đó được thể hiện ở những tiêu chí sau:
Đền Dành là điểm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cổ, xây dựng từ
thời hậu Lê. Trong kháng chiến, thực dân Pháp đã phá huỷ ngôi đền, nên đền Dành
không còn nguyên vẹn như trước. Mặc dù vậy, đền Dành hiện vẫn còn lưu giữa được
4 cây cột đá, bát hương cổ thời Nguyễn thế kỷ XIX và nhiều đồ tế khí khác.
Lễ hội truyền thống Đền Dành của nhân dân địa phương tổ chức
ngày 19, 20, 21 tháng Giêng Âm lịch.
Khảo tả di tích
Đền Dành toạ lạc trên đỉnh núi Dành, quay hướng Nam ghé Tây.
Cảnh quan đẹp và ngoạn mục, xung quanh đền là đồi cây thông và bạch đàn xanh tốt.
Từ vị trí đền có thể nhìn bao quát toàn cảnh xung quanh và các vùng phụ cận của
huyện Yên Thế, huyện Lạng Giang và huyện Tân Yên.
Đường lên núi Dành đã được xây bậc lát gạch với 345 bậc lên.
Ngay dưới chân núi là giếng nhỏ, có tên giếng Mũi Voi. Giếng sâu khoảng 2m, được
xây bó bờ gạch xung quanh.
Tương truyền giếng không bao giời cạn nước. Đi tiếp khoảng
200 bậc gạch nữa lên núi là thập đá rùa. Đó là những mô đá thiên tạo nằm nhấp
nhô trông giống như hình con rùa. Dân địa phương gọi là thập đá rùa. Trên thập
đá rùa là bệ cây hương thờ hai liệt sỹ Nguyễn Bá Giai và Nguyễn Đình Khái đã hy
sinh tại đây trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 13 tháng 4 năm
1950.
Theo đường lát gạch đi khoảng hơn 100 bậc nữa là lên tới đền
Dành. Đền Dành toạ lạc trên đỉnh núi Dành ở độ cao 117 m so với mực nước biển. Đền
Dành có kết cấu kiểu chữ công, gồm toà bái đường 3 gian nối với toà hậu cung 2
gian bằng một gian ống muống. Toà bái đường dài: 9m, rộng: 5,2 m. Toà hậu cung
dài: 5,5 m, rộng: 4,2 m.
Các khu nội tự xung quanh đều được sửa sang khang trang tố hảo,
phía sau đền là 5 gian nhà khách và 1 gian thờ Mẫu. Phía trước đền là sân lát gạch
vuông.
Đền Dành xây dựng giản đơn, hai mái lợp ngói mũi hài. Bờ nóc
xây gạch phủ ngói bò, bờ dải xây gạch, khúc nguỷnh gắn nghê, tường hồi bình đầu
bít đốc. Tường đền xây gạch chỉ, hai trụ biểu trên đỉnh đắp trang trí hình quả
dành dành và hoa lá cách điệu, thân trụ biểu đắp câu đối chữ Hán. Đến lắp bộ cửa
ván lùa sơn đỏ.
Toà bái đường 3 gian, 4 bộ vì, các vì mái có kết cấu kìm quá
giang. Toà hậu cung 2 gian, 3 vì kèo kìm quá giang. Các bộ vì kèo được chế tác
bằng gỗ tứ thiết, bào trơn đóng bén, không chạm khắc cầu kỳ.
Hội lệ hàng năm tổ chức ngày 19, 20, 21 tháng Giêng Âm lịch.
Phần hội có nhiều trò chơi dân gian mang đậm bản sắc dân tộc như: đấu vật, đánh
đu, chọi gà, hát ví, hát đối, hát ống, lễ ăn thề.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang