Đền tọa lạc tại thôn Đông Hội, xã Ninh An, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Vùng đất địa linh này là nơi có địa thế hiểm yếu đã chứng kiến và tham gia vào nhiều cuộc kháng chiến của đất nước như thời Hai Bà Trưng, thời Trần, thời Quang Trung.
Đền Đông Hội là nơi thờ ba vị tướng thời Hai Bà Trưng, có
công đánh giặc ngoại xâm Đông Hán ăm 40 là Đống Âm Đống Bụt, Diệu Vũ Dương Uy, Trần Thị
Ngọc Hoa.
Vào khoảng cuối năm 20, ở Tổng Cẩm Bối (Thanh Liêm, Hà Nam)
có gia đình ông Trần Hãn, vợ là Vũ Thị Ba làm nghề bốc thuốc chữa bệnh cứu người.
Ông Trần Hãn còn là người giỏi thơ văn và võ nghệ.
Ông bà Trần Hãn sinh được ba người con: con đầu là Đống Bụt,
con thứ là Diệu Vũ con gái út là Ngọc Nữ Trần Hoa. Hai người con trai lớn lên lại
giỏi võ nghệ. Còn cô con gái út lại có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành.
Đến năm 34 Tô Định được nhà Đông Hán (Trung Quốc) sai sang
làm Thái thú ở Giao Chỉ (nước Việt Nam thời bấy giờ). Nghe đồn Ngọc Nữ Trần Hoa
tài sắc vẹn toàn, Tô Định muốn lấy nàng làm tỳ thiếp nhưng không được, bèn giết
ông Trần Hãn.
Ba người con của ông phải chạy vào vùng đất Hoàng Sơn Hạ Khu
(nay là thôn Đông Hội, Ninh An, Hoa Lư, Ninh Bình) để lánh nạn trong một ngôi
chùa ngày đó có tên là chùa Thanh Xuân rồi luyện tập võ nghệ, tập hợp binh sĩ
nuôi chí báo thù.
Khi nhị vua Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa từ đầu năm 40 để
trả thù nhà, đền nợ nước ba anh em họ Trần triêu mộ được 500 quân sĩ từ Hoàng
Sơn Hạ Khu kéo về Hát Giang theo Hai Bà Trưng (trong đó có 50 quân lính là con
của làng), đánh đuổi Tô Định.
Nhị vua Hai Bà Trưng phong cho Đống Bụt làm Đô Đốc Đại tướng
quân, Diệu Vũ Làm Dương Uy Đại tướng quân. Ngọc Nữ Trần Hoa làm Tham Tán mưu
sư, cùng Hai Bà Trưng đánh giặc. Tô Định phải hốt hoảng bỏ chạy về nước.
Sau khi đánh bại quân Tô Định thu lại 65 thành trì ở Lĩnh
Nam, Trưng Trắc lên ngôi lấy tên là Trưng Nữ Vương, đóng đô ở thành Phong Châu.
Việc lớn hoàn thành, ba anh em xin vua Trưng Nữ Vương được về quê bái yết Tổ Đường
đồng thời trở lại khu Hoàng Sơn Hạ Trang, Dương Vũ, Tống Sơn Vũ sửa sang lại
ngôi chùa, nơi triêu binh và cư trú trước kia của ba vị và đa tạ nhân dân 15
nén vàng để làm công đức cho chùa, bái yết tổ đường song xuôi ba anh em trở về
kinh Đô tiếp tục phục vụ Trưng Nữ Vương.
Trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, cả ba anh em họ Trần
đều đã hi sinh. Trưng Nữ Vương truyền lệnh làm lễ an táng ba vị ở phía trái
thành Phong Châu và sắc phong là Thượng Đẳng Phúc Thần: anh cả là Đống Ấm Đống
Bụt Đại Vương anh thứ là Diệu Vũ Dương Uy Đại Vương, cô em út là: Ngọc Nữ Trần
Hoa Công Chúa.
Sau khi ba vị về trời, tưởng nhớ công ơn của ba vị, người
dân Dương Vũ đã sửa ngôi chùa Thanh Xuân, nơi ba vị đã từng cư trú để cầu Quốc
Thái dân an thành ngôi đền thờ tự chính ba anh em danh tướng triều Trưng.
Đền Đông Hội được xây dựng theo kiến trúc kiểu chữ “đinh’’,
toàn bộ nền nhà tòa Tiền bái, Đệ nhị, Chính cung được lát gạch bát. Tòa Bái đường,
Đệ nhị, Chính cung phần nhiều mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn.
Các nét chạm khắc ở khu đền thực sự tài hoa và đặc biệt là
chạm khắc đá, chủ yếu tập trung ở hai vì kèo chính giữa và hệ thống đá ở phía
trước toà Chính cung. Hiện nay, di tích còn lưu giữ nhiều hiện vật quý như bát
hương, nhang án, chuông đồng, long ngai, bài vị và đặc biệt là 1 quả trống của
quân Tây Sơn.
Hiện nay, đền Đông Hội vẫn là nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh
của nhân dân địa phương và du khách thập phương, là nơi diễn ra những hội hè,
đình đám, lễ tiết mang đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc.
Với những giá trị đó, đền Đông Hội đã được Bộ Văn hóa –
Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử
văn hoá cấp Quốc gia năm 1993.