Đền Đông, ngoài thờ 18 vị tổ lập làng còn thờ Đô Thiên tôn thần, vị thần tự nhiên trong hệ thống tứ pháp (mây, mưa, sấm,chớp) được phụng thờ nhiều nơi trên đất nước, nhất là các địa phương ở vùng đồng bằng châu thổ Bắc bộ.
Đền Đông thuộc thôn Quả Linh, xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh
Nam Định. Từ thành phố Nam Định đi theo đường 10 về ga Trình Xuyên, đến cây số
8 rẽ trái qua đường sắt khoảng 300m là đến đền Đông.
Thôn Quả Linh ban đầu có tên gọi là Cảo Linh, thời Nguyễn vì
kỵ tên húy nên đổi thành Quả Linh. Đây là vùng đất có lịch sử hình thành và
phát triển từ lâu đời, và là một làng trù phú, một trung tâm kinh tế ở miền hạ
Vụ Bản. Gia phả dòng họ Vũ Đông tại Quả Linh được viết lại vào năm Tự Đức thứ
30 (1877) có đoạn ghi: "Theo như sự tích anh em ông thủy tổ họ Trần ở Thượng
Linh thì các họ lớn ở ấp ta đều bắt đầu từ thời vua Hùng. Họ ta đến cư trú đầu
tiên ở bốn giáp nên tổ ta là tổ đầu tiên của các tổ vậy".
Các họ trong làng cũng thừa nhận họ Vũ Đông là những người đầu
tiên đã về đây khai hoang lấn biển lập làng dựng xóm. Sau họ Vũ tiếp theo là
các họ Nguyễn, Trần, Bùi, Phạm... tổng cộng tất cả là 18 dòng họ, lần lượt có mặt
tại tất cả các mảnh đất đầu sóng ngọn gió này để góp công góp sức, chung lưng đấu
cật đẩy lùi biển cả vượt qua mọi khó khăn xây dựng nên xóm làng trù phú. Chính
vì vậy, ba năm làng vào đám một lần, khi các dòng họ đưa kiệu tập trung tại đền,
kiệu của họ Vũ Đông bao giờ cũng được đặt đầu tiên.
Cuốn ngọc phả đền Riềng (làng Thượng Linh thuộc xã Đại Thắng
nằm bên cạnh xã Thành Lợi), do Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính
biên soạn năm Hồng Phúc thứ nhất (1572) cũng cho biết vào thời Hùng Vương thứ
18, vùng đất Quả Linh là một vùng đất phù sa mới bồi đắp nhưng nhân dân đã đến
tụ họp sinh sống tạo thành quang cảnh trên chợ dưới thuyền.
Đền Đông, ngoài thờ 18 vị tổ lập làng còn thờ Đô Thiên tôn
thần. Theo truyền thuyết ở địa phương thì xưa kia đền Đông dựng gần chợ và trước
đền có một cây gạo to. Qua một đêm mưa to gió lớn, sấm chớp ầm ầm, sáng ra dân
làng thấy cây gạo tách ra làm đôi, ở trong có một kim bài với 18 chữ là:
"Thánh đức linh quang đại đạo Đô thiên đường lộ phong long tinh duật Hoàng
bạch đại vương" (Đại vương Hoàng Bạch là một vị Đô Thiên thánh đức linh
thiêng thần diệu tưới nhuần mưa móc cho dân).
Như vậy đây là một vị thần tự nhiên trong hệ thống tứ pháp
(mây, mưa, sấm,chớp) được thờ ở nhiều nơi trên đất nước ta, nhất là các địa
phương ở vùng đồng bằng châu thổ Bắc bộ. Việc thờ một vị thần gắn bó với nghề
nông, luôn luôn làm nhiệm vụ cung cấp đầy đủ nước cho công việc sản xuất có
liên quan trực tiếp đến nền kinh tế nông nghiệp mà kỹ thuật canh tác, phương thức
sản xuất còn lạc hậu, hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện thiên nhiên như ở nước
ta là một điều dễ hiểu và Đô Thiên được thờ ở địa phương chính là mong ước của
dân làng, cầu cho mưa gió thuận hòa để các vụ mùa được bội thu liên tiếp, nối
nhau về với Quả Linh.
Từ việc thờ 18 ông tổ các dòng họ mang tính chất cộng đồng ở
buổi đầu dựng nước, đến việc thờ một vị thiên thần nhưng thực chất cũng mang một
tính khái quát là ghi nhận công lao của những người có công xây dựng làng xóm,
phát triển nền sản xuất bản địa là nông nghiệp. Thực chất của việc thờ các vị
thánh thần như thế này chính là đã đề cao được vai trò lao động gắn bó với nghề
nghiệp của quê hương.
Theo truyền thuyết đền Đông được xây dựng từ rất lâu và đã từng
được chuyển vị trí. Căn cứ vào dòng chữ Hán khắc trên câu đầu của hậu cung thì
ngôi đền hiện nay được xây dựng vào thời vua Lê Nhân Tông niên hiệu Thái Hòa thứ
6 (1448). Trải qua thời gian, ngôi đền đã được sửa chữa nhiều lần. Triều vua
Thành Thái năm thứ 9 (1898) tòa chính tẩm được trùng tu, đến năm thứ 16 (1905),
nhà tiền tế được sửa chữa. Đời vua Duy Tân thứ 6 (1912), cung tòa trung đường
được dỡ ra làm lại.
Ngôi đền hiện nay nằm quay hướng Nam, trên một khu đất rộng
tách khỏi khu dân cư. Đằng trước khu vực đền là một ao nhỏ, bên phải là con đường
liên huyện nên có nhiều điều kiện để phát huy giá trị của di tích.
Đền được xây dựng theo kiểu tiền chữ nhất hậu chữ đinh. Tòa
tiền đường gồm 5 gian, các bộ vì được làm theo kiểu chồng rường giá chiêng, bẩy
tiền, bẩy hậu. Xà ngang, xà dọc, xà nách cân nhau tạo thành bộ khung vững chắc
đỡ bộ mái lợp bằng ngói nam.
Cũng như tòa tiền đường, tòa trung đường 5 gian cũng được
xây dựng bằng gỗ lim. Từng bộ phận như cột, xà, câu đầu, kẻ, bảy đều được đẽo gọt
chau chuốt. Các thành phần cấu kiện được liên kết chắp nối với nhau, lập thành
một khung kiến trúc rất chắc chắn bởi kỹ thuật mộng ráp rất điêu luyện. Từng bộ
phận của kiến trúc từ to đến nhỏ đều cứng cáp, có sức chịu đựng với thời gian.
Hậu cung ba gian bốn mái với bốn góc đao uốn cong tạo thành
những đầu rồng. Khu nhà này làm xoay ngang so với nhà tiền tế và cung đệ nhị, một
đầu hồi nối với gian chính giữa của cung đệ nhị, ba mặt còn lại xây tường bao.
Hàng năm tại đền Đông ngoài lễ thượng điền, lễ hạ điền, lễ
thường tân (cơm mới) làng còn vào hội từ ngày mồng 6 tháng giêng. Tối mồng 5 có
lệ đốt pháo động thổ và sáng ngày mồng 6 có tế thần và rước kiệu. Các họ rước
hương án đặt bát hương tổ ra đền tham gia rước thần.
Ngoài ra bắt đầu từ ngày mồng 5 tháng 3 âm lịch của các năm
Dần, Thân, Tỵ, Hợi, làng Quả Linh lại tổ chức vào đám hát. Cùng với đình Hát nằm
tại giữa làng, đền Đông là một trong hai địa điểm diễn ra hội với nhiều sinh hoạt
văn hóa truyền thống mang đậm sắc thái quê hương. Hội làng Quả Linh trước đây
kéo dài hàng chục ngày với nhiều sinh hoạt văn hóa phong phú đa dạng như thi
hát, thi dệt vải... Tương truyền lệ thi hát là để mừng chiến thắng chống giặc
Nguyên Mông thời Trần. Khi đó làng Quả Linh có truyền thống tuyển quân và nộp
lương cho nhà Trần rất đầy đủ. Bài ca ngày hội làng Quả Linh có đoạn viết:
...Vua Trần có lệnh tuyển binh
Chống giặc Nguyên thắng thái bình xướng ca
Ba năm một lệ làng ta
Dần, Thân, Tỵ, Hợi múa ca tưng bừng...
Hội làng Quả Linh có quy mô và tầm cỡ lớn ở huyện Thiên Bản
xưa. Hội làng Quả Linh ngày nay đang từng bước phục hồi. Với bản chất tốt đẹp
và giàu bản chất nhân văn của hội này, nó đã và đang góp phần làm giàu thêm cho
nền văn hóa, thúc đẩy sự nghiệp xây dựng đời sống vật chất và tinh thần ở địa
phương.
Đền Đông xã Thành Lợi huyện Vụ Bản là một di tích có giá trị
về mặt lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật đã được Bộ Văn hóa - Thông tin
công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.
Theo: Di tích lịch sử -
Văn hóa tỉnh Nam Định