Đền Đồng Quỹ, xã Nam Tiến, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định là di tích thờ Triệu Việt Vương, vị anh hùng dân tộc có công đánh đuổi giặc Lương giành độc lập cho dân tộc vào thế kỷ thứ VI.
Từ thành phố Nam Định đến khu di tích bằng hai đường bộ
chính sau: Từ phía Tây thành phố qua cầu Vượt quốc lộ 10 lên đường S2 đi khoảng
3km tới ngã giao nhau với đường 490C rẽ tay phải đi khoảng 11km tới ngã tư giao
nhau với tỉnh lộ 487 (đường đen) rẽ tay trái đi khoảng 4km là tới di tích.
Từ trung tâm thành phố Nam Định, qua cầu Đò Quan rẽ tay phải
theo đường 490C đi khoảng 15km, tới ngã tư giao nhau với tỉnh lộ 487 rẽ tay
trái đi khoảng 4km là tới di tích. Từ trung tâm thành phố Nam Định chạy theo Quốc
lộ 21 đi khoảng 17 km tới ngã ba cầu Điện Biên rẽ tay phải theo tỉnh lộ 487 đi
khoảng 7 km là tới di tích.
Theo truyền thuyết ở địa phương khi Triệu Quang Phục được
vua Lý Nam Đế cử làm quan Tiết độ sứ ở đạo Sơn Nam đã có lần ông qua làng Đồng
Quỹ thăm hỏi việc nông trang, cấy cày khuyên dân làm ăn ổn định làng xã.
Khi ông qua đời, nhân dân địa phương đã lập đền thờ và tôn
ông làm Thành hoàng làng Đồng Quỹ.
Trải qua bao biến thiên của lịch sử, thăng trầm của quê
hương, đến nay di tích đền Đồng Quỹ còn giữ được quy mô bề thế, phong cảnh hữu
tình. Đền là công trình kiến trúc được xây dựng lâu đời, đã trải qua nhiều lần
trùng tu, tôn tạo những vẫn bảo tồn được phong cách kiến trúc nghệ thuật của
hai thời Lê – Nguyễn.
Đền Đồng Quỹ, xã Nam Tiến, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Đền Đồng Quỹ làm theo kiểu tiền chữ Nhất hậu chữ Đinh gồm ba
toà: Tiền đường, Trung đường và Chính tẩm.
Tòa tiền đường gồm 5 gian, nóc đắp nổi lưỡng long chầu nguyệt,
bộ khung gỗ lim với các cấu kiện chính như cột đặt trên chân tảng đá cổ bồng nối
liền hệ thống chân cột là ngưỡng cửa đá, chạm khắc họa tiết lá tạo dáng mềm mại
cá bộ vì làm kiểu chồng rường giá chiêng.
Các đầu xà bẩy và các con rường chạm khắc mang phong cách thời
Nguyễn, đường nét thoáng và đơn giản. Riêng gian giữa là nơi thờ chính được chạm
khắc phong phú hơn, ở đây các đầu xà được chạm rồng, nghê xen kẽ có các họa tiết
hoa lá. Phía trên đeo bức đại tự với ba chữ “Thượng đẳng thần” (đền thờ các vị
thần bậc trên). Hai bên có câu đối nói về đền Đồng Quỹ như sau:
“Bộ từ Nha hải tham thiên địa
Đồng miếu Long Biên quán bãi nam”
Tạm dịch:
“Đền Độc Bộ biển Đại Nha tham tán cho trời đất
Miếu Đồng Quỹ nơi Long Biên cai quản Bắc Nam”
Tiếp giáp tòa Tiền đường là tòa Trung đường gồm 5 gian; ba
gian giữa làm bằng gỗ, các cột sơn son thếp vàng, các bộ vì làm chồng rường đấu
rế; hầu hết các cấu kiện như con rường, bảy, kẻ đầu dư được thể hiện với các mảng
chạm khắc tiêu biểu của phong cách thời Hậu Lê (thế kỷ XVII-XVIII) là mặt hổ
phù, mây rồng, hoa lá đường nét tinh xảo mềm mại.
Nổi bật hơn cả là những bông hoa sen đang độ nở, các cánh
sen được thể hiện rõ nét trong khoảng không gian chật hẹp. Trên các mảng chạm
thân rồng ẩn trong các đao mác, hai chân trước của rồng như những bàn tay nắm
chặt lấy râu trông thật tinh nghịch. Rồng lớn quấn lấy rồng nhỏ được thể hiện
trong đề tài “Mẫu long giao tử”.
Các kẻ chuyền chạm khắc các con thú nhỏ mình rồng, phía trước
con lao lên, phía sau con chạy xuống. Các mặt con thú ở đây được các nghệ nhân
cách điệu cao, vừa chạy vừa ngoái lại mỉm cười với mọi người. Các câu đầu chạm
hình trúc hóa long chầu mặt trời.
Như vậy ở toà trung đường từ phong cách kiến trúc đến các mảng
chạm khắc đều mang đậm phong cách thời hậu Lê đã tạo nên giá trị đặc biệt của
công trình. Các đề tài chạm khắc ở đây rất độc đáo và đa dạng về các mô típ
trang trí.
Tuy là chất liệu gỗ nhưng dưới bàn tay sáng tạo của các nghệ
nhân làm cho các mảng chạm khắc hết sức mềm mại, tinh tế, nó minh chứng cho một
giai đoạn kiến trúc và điêu khắc huy hoàng của dân tộc.
Tiếp giáp với toà Trung đường là toà Chính tẩm được phân bố
theo chiều dọc tạo thành khu nội cung có hình chữ Đinh. Toà chính tẩm ở đây được
xây dựng theo kiểu chồng diêm cuốn gạch; nếu đi từ tòa Trung đường vào tòa
Chính tẩm ta đi bằng hai cửa phụ hai bên, còn cửa chính giữa ghép gỗ chạm kênh
bong kiểu rồng chầu mặt trời… mỗi cánh cửa được chạm trọn vẹn một con rồng,
đuôi ở phía trên uốn khúc dần về phía dưới và đầu ngẩng cao chầu vào mặt trời ở
chính giữa được chạm vào mỗi nửa cánh cửa mà chỉ khi đóng lại mới thấy hình ảnh
đó. Con rồng dài nhưng mềm mại như đang uốn lượn giữa bầu trời, nhiều đoạn lẫn
trong mây.
Những hình ảnh chạm ở đây được bố cục rất hợp lý với kỹ thuật
chạm thông phong của những tay nghề tài ba đã góp phần làm tăng giá trị mỹ thuật
cho công trình.
Hàng năm cứ vào dịp kỵ thánh (14/8 âm lịch) nhân dân thôn Đồng
Quỹ lại long trọng tổ chức lễ hội với những hoạt động nghi lễ, các trò chơi dân
gian mang đậm bản sắc dân tộc.
Đền Đồng Quỹ là di tích có giá trị về mặt lịch sử, nơi đây
Triệu Quang Phục và hai người cháu của ông quê ở Nam Định đều có công lớn trong
việc chống giặc ngoại xâm giành độc lập cho dân tộc và nhiều kỷ niệm gắn bó với
mảnh đất Đồng Quỹ.
Về kiến trúc đền Đồng Quỹ là một di tích còn bảo tồn hoàn chỉnh
cả nội và ngoại thất; cả kiến trúc và các đồ thờ tự, cổ vật, cổ thư; đặc biệt
là các cổ vật bằng chất liệu đồng, bạc có giá trị cao về lịch sử và văn hoá lại
do chính bàn tay người thợ thủ công làng nghề đúc đồng Đồng Quỹ sáng tạo ra như
Vạc đồng, Đỉnh đồng, Tượng đồng…
Đền Đồng Quỹ xã Nam Tiến được xếp hạng di tích lịch sử – văn
hoá cấp Quốc gia năm 1993, đây là niềm vinh dự tự hào và cũng là trách nhiệm của
các cấp lãnh đạo Đảng, Chính quyền và toàn thể nhân dân địa phương trong việc bảo
tồn và phát huy giá trị của di tích góp phần thực hiện thắng lợi phong trào xây
dựng nông thôn mới trên quê hương Nam Tiến nói riêng và huyện Nam Trực nói
chung.
Trần Duy Huyền –
Phòng Văn hóa thông tin huyện Nam Trực