Đền Giáp Nhất còn có tên gọi là phủ Giáp Nhất hay phủ Mới, nằm ở địa phận thôn Giáp Nhất, xã Quang Trung, huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định. Đền thờ phụng nữ tướng thời nhị vua Hai Bà Trưng là Đào Quý Nương.
Theo ngọc phả do Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ Nguyễn
Bính phụng soạn năm Hồng Phúc thứ nhất (1572), quan Quản giám bách thần Nguyễn
Hiền chép lại vào năm Vĩnh Hựu thứ 3 (1737) thì thân thế sự nghiệp của danh tướng
Đào Quý Nương như sau:
Bà Đào Quý Nương là người trang Bổng Lai, huyện Từ Liêm, phủ
Quốc Oai (nay là Đan Phượng - Hà Tây). Cha bà là Đào Thọ, mẹ là Trương Thị
Thái. Bà sinh ra khi đất nước đang chịu ách đô hộ của Đông Hán khiến nhân dân lầm
than cơ cực. Năm 40, khi nghe tin nhị Chúa Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa chống
lại ách đô hộ, Đào Quý Nương đã chiêu binh kéo về Hát Môn tụ nghĩa.
Tiền khởi nghĩa, vâng lệnh nhị vua Hai Bà Trưng, bà đã về
khu Giáp Nhất, trang Bảo Ngũ, huyện Thiên Bản để chiêu mộ quân sĩ. Sau khi cuộc
khởi nghĩa giành được thắng lợi, nữ tướng Đào Quý Nương được phong là Giám sát
nguyên súy, hiệu là Công chúa, ban cho thực ấp ở Giáp Nhất.
Trở về Giáp Nhất, bà đã đem toàn bộ bổng lộc chia cho dân
làng, lấy điều nhân nghĩa để đoàn kết mọi người, xây dựng phong tục tốt đẹp, giúp
cho dân làng làm ăn thịnh vượng.
Năm Tân Sửu, vua Hán Quang Vũ sai Mã Viện, Lưu Long, Đoàn
Chí đem 20 vạn quân sang xâm lược nước ta. Lúc này thế giặc quá mạnh, nghĩa
quân không đủ sức chống lại, Đào Quý Nương đã tuẫn tiết theo Hai Bà Trưng.
Để tưởng nhớ công lao Đào Quý Nương đã về vùng đất Giáp Nhất
để chiêu tập binh sĩ, dạy dân làm nghề, gây dựng thuần phong mỹ tục, nhân dân
đã lập đền thờ để tri ân công đức.
Đền thờ nữ tướng Đào Quý Nương nằm ngay trục đường chính của
xã Quang Trung. Tổng thể kiến trúc của ngôi đền gồm các hạng mục: Nghi môn, giếng
nước, shiêu hương, tiền đường, cung cấm và hành lang. Công trình chính của ngôi
đền xây dựng theo kiểu tiền chữ nhất, hậu chữ đinh. Siêu hương được xây dựng
vào năm Khải Định thứ 9 (1924), gồm 3 gian, 4 hàng cột lim. Bốn mái của siêu
hương đều được lợp ngói nam, các đầu đao đều đắp rồng, phượng. Bờ nóc đắp lưỡng
long chầu nguyệt.
Tiền đường và hậu cung ngôi đền được xây dựng từ triều vua Tự
Đức thứ 26 (1873). Tiền đường gồm 5 gian làm theo kiểu kiến trúc gỗ cổ truyền,
phía trước là hệ thống cửa bức bàn, bên trong là những hàng cột, câu đầu, xà, bẩy
đều bằng gỗ lim. Trên mỗi cấu kiện gỗ đều được soi chỉ, chạm khắc họa tiết lá lật
mềm mại.
Gian hậu cung được làm nối với tiền đường theo kiểu giao vần
bắt mái. Hậu cung gồm 3 gian với hệ thống vì cũng được làm bằng gỗ lim. Chính
giữa hậu cung có đặt khám và tượng thờ Đào Quý Nương.
Ngoài công trình kiến trúc, đền Giáp Nhất còn bảo lưu khá
nguyên vẹn các di vật, cổ vật như: sắc
phong có niên đại Cảnh Hưng thứ 44 (1783), Thành Thái năm thứ nhất (1889), Khải
Định năm thứ 9 (1924) cùng ngọc phả, thần vị, câu đối, đại tự...
Đền Giáp Nhất hàng năm còn lưu giữ được khá đầy đủ các sinh
hoạt văn hóa diễn ra trong các kỳ lễ hội như kỷ niệm ngày sinh của Đào Quý
Nương vào ngày mồng 6 tháng giêng, kỷ niệm ngày mất vào ngày mồng 6 tháng 7 âm
lịch. Trong những ngày này song song với các nghi thức tế lễ nhân dân còn tổ chức
các trò chơi dân gian như đánh cờ người, chơi đu, thi nấu cỗ...
Với những giá trị về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, đền
Giáp Nhất đã được Bộ Văn hóa - Thông tin ra Quyết định xếp hạng là Di tích lịch
sử-văn hóa.
Di tích lịch sử - Văn hóa tỉnh Nam Định
Nguồn: Báo Nam Định