Đền Gin là nơi thờ phụng và tri ân công đức của nhân dân địa phương đối với đức Long Kiều linh Thánh Kiều Công Hãn, có công giúp Ngô Quyền đánh thắng quân giặc Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Tướng công Kiều Công Hãn là một trong 12 sứ quân cát cứ thời Ngô Hậu.
Đền Gin, xã Nam Dương, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định là di
tích có giá trị tiêu biểu về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, đã được Bộ Văn
hoá xếp hạng cấp Quốc gia từ năm 1962.
Ngôi đền là nơi thờ phụng và tri ân công đức của nhân dân địa
phương đối với đức Long Kiều linh Thánh Kiều Công Hãn, người đã có công
giúp Ngô Quyền đánh thắng quân giặc Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938, mở
đầu thời kỳ tự chủ của dân tộc. Sau này, khi triều đình nhà Ngô sụp đổ, âu cũng
do điều kiện lịch sử lúc bấy giờ, Tướng công Kiều Công Hãn trở thành một trong
12 sứ quân cát cứ trong bối cảnh đất nước loạn ly, chia cắt.
Mặc dù danh tướng Kiều Công Hãn cũng như các Sứ quân khác đều
có mục đích là nhanh chóng giành quyền thống trị đất nước về tay mình, chấm dứt
tình trạng loạn ly, chia cắt, nhưng các cuộc chiến tranh thôn tính lẫn nhau gây
nên hậu quả nghiêm trọng.
Nền độc lập thống nhất đất nước bị đe dọa. Trước tình hình
đó, Đinh Bộ Lĩnh người anh hùng “tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược
nhất đời” đã đảm nhận sứ mệnh lịch sử của dân tộc. Sự thống nhất đất nước của
Đinh Bộ Lĩnh mau chóng nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các hào kiệt bốn phương
và nhân dân cả nước.
Cũng có những hào kiệt sớm quy phục khi Đinh Bộ Lĩnh dấy
binh như Phạm Bạch Hổ, Ngô Xương Xí,… Kiều Công Hãn một trong số những hào trưởng
không có may mắn được giúp sức Đinh Bộ Lĩnh với nhiều lý do khác nhau. Ông
đã sớm hy sinh trong cuộc chiến hỗn loạn giữa các thế lực cát cứ địa phương khi
chưa nhận biết được vai trò của Đinh Bộ Lĩnh.
Tượng Đức Thánh Long Kiều
Sử sách và truyền thuyết dân gian ghi lại sự hy sinh anh
dũng của Sứ quân Kiều Công Hãn tại vùng quê Nam Trực, Nam Định như sau:
Năm Đinh Mão (967), Đinh Bộ Lĩnh được Trần Lãm trao binh quyền
ở Bố Hải Khẩu (Thái Bình), với tiềm lực quân sự ngày một lớn mạnh Đinh Bộ Lĩnh
liên tục đánh bại Lã Đường ở Tế Giang, Nguyễn Siêu ở Tây Phù Liệt, Đỗ Cảnh Thạc
ở Đỗ Động Giang… Khi đó thành Phong Châu (Phú Thọ), nơi Sứ quân Kiều Công Hãn
đóng giữ bị lực lượng của Đinh Bộ Lĩnh vây hãm.
Trong tình thế nguy cấp, Kiều Công Hãn đem vài trăm thân
binh mở đường máu, thoát vòng vây chạy về phía Nam. Sáng ngày 10 tháng Chạp năm
Đinh Mão (967), Kiều Công Hãn chạy đến vùng đất Thượng Hiền.
Tại đây Lê Khai và Nguyễn Tấn bố trí sẵn lực lượng đón đánh,
ông bị thương vừa phải chống trả, vừa tháo chạy. Đến Vũng Lẫm (xã Đồng
Sơn, huyện Nam Trực) thì thân binh tan hết, ông quay ngựa trở lại tới
thôn An Lũng (xã Nam Dương, huyện Nam Trực). Ông được bà hàng nước tên là Phạm
Thị Già cứu giúp, dâng rượu và gỏi cá trắm. Ăn xong ông chạy đến Lũng
Kiều, xã Hiệp Luật (nay thuộc thôn Chiền, xã Nam Dương) thì kiệt sức và mất tại
đây.
Sáng hôm sau mối đùn thành mộ che kín khắp người. Nhân dân gọi
là mộ thiên táng. Tương truyền sau khi ông mất, nhân dân bốn xã: Báí
Dương, Tang Trữ, Cổ Lũng, Hiệp Luật lập đền thờ ngay trên phần mộ cũ
(nay thuộc thôn Chiền, xã Nam Dương). Nhân dân còn lập một miếu nhỏ phía ngoài
cổng đền để thờ bà Phạm Thị Già, người có công dâng rượu và gỏi cá trắm
cho ngàiăn trước khi hóa.
Sau khi Tướng công Kiều Công Hãn mất, để tưởng nhớ công lao
của tướng công, nhân dân các địa phương đã xây dựng đền thờ tướng công; hiện
nay có 72 ngôi đền thờ tướng công, kéo dài từ Phong Châu, Bạch Hạc, tỉnh
Phú Thọ về tới tỉnh Nam Định, trong đó trên địa bàn huyện Nam Trực có 2 ngôi đền
thờ tướng công là đền Gin, thôn Chiền, xã Nam Dương và đền Tây lạc, xã Đồng Sơn.
Sắc phong ban cho Đương cảnh Thành hoàng Long Kiều linh Thánh Đại
Vương Niên hiệu Khánh Đức 4/9/1652)
Ngai và bài vị thời Hậu Lê
Thời kỳ chống quân giặc Tống xâm lược, vua Lê Đại Hành
dẫn quân đi qua đây, nghỉ đêm, nhà vua mơ thấy danh tướng Kiều Công Hãn
báo mộng phò giá giúp vua đánh giặc Tống.
Sau khi đánh thắng giặc Tống xâm lược, vua Lê Đại Hành
đã trở lại cho cấp ruộng, sắc phong làm Thành Hoàng. Đến các triều đại
phong kiến về sau đều cấp tế điền và tu sửa đền cho khắc bia đá
ghi việc, cũng như ban hành Sắc phong “Long Kiều linh thánh”.
Công trình kiến trúc đền Gin có quy mô lớn được bố cục đăng
đối, hài hoà, bao gồm các hạng mục: giếng đền, miếu thờ, bình phong, nghi môn,
giải vũ ngoại, tiền các, giải vũ nội và công trình kiến trúc trung tâm (tiền đường,
cung cấm), toạ lạc trong một khuôn viên rộng 3.290 m2.
Đền Gin là di tích còn bảo lưu được gần như trọn vẹn phong
cách kiến trúc nghệ thuật thời Hậu Lê, thế kỷ 17- 18, thể hiện bàn tay lao động
tài hoa và khối óc sáng tạo của nghệ nhân dân gian. Hiện vật được lưu giữ tại
di tích hết sức phong phú và đa dạng, nhất là các cổ vật thời Hậu Lê, thời Nguyễn
như: thần tích, sắc phong, nhang án, ngai và bài vị, tượng thờ, nghê
đá....
Chạm khắc tại Hậu cung
Nghệ thuật trang trí tại đền Gin rất phong phú, sinh động với
các đường đục chạm sắc nét, đề tài trang trí đa dạng, được kết hợp với các kiểu
đục chạm như: thông phong, bong kênh, đã góp phần làm chủ đề cho các đề tài
trang trí tại di tích trở lên sống động mang đậm phong cách truyền thống dân tộc.
Được thể hiện qua các hạng mục kiến trúc như toà Tiền
các, toà Tiền đường, Cung cấm. Các đề tài (Long, Ly, Quy, Phượng) lá lật, lá lật
hoá, hoa văn triện tàu lá dắt, phượng chầu; Long cuốn thuỷ, lưỡng Long chầu
nguyệt và hoa văn mai hoá Long... được trang trí trên các thành phần cấu kiện
kiến trúc đền Gin, đã được các nghệ nhân xưa chế tác với một bố cục chặt chẽ, đề
tài phong phú, sinh động góp phần tôn vinh và khẳng định giá trị kiến trúc nghệ
thuật cho di tích.
Cây cỗ thời Nguyễn
Kiệu Bát cống và kiệu Long đình thời Hậu Lê
Lễ hội truyền thống đền Gin là một trong 10 lễ hội tiêu biểu
của toàn tỉnh Nam Định. Lễ hội diễn ra vào các ngày mùng 8, 9, 10
tháng Chạp (âm lịch) hàng năm với các nghi lễ và sinh hoạt văn hoá dân gian đặc
sắc như rước kiệu, rước nước, hát chèo, tổ tôm điếm, chọi gà... Đặc biệt, trong
lễ hội có tục “tế cá trắm”, ôn lại sự tích nhân dân địa phương đã
dâng gỏi các trắm cho tướng công Kiều Công Hãn trước khi hoá thần.
Nghi
lễ tế cá
Phần rước lễ trong ngày chính kỵ tại đền Gin là nghi lễ quan
trọng nhất, có số kiệu nhiều nhất, số người tham gia đông nhất với đầy đủ các sản
phẩm, lễ vật và có sự tham gia của các vị chức sắc trong 2 xã Nam Dương và
Bình Minh.
Đi đầu mỗi đoàn rước kiệu của các xã là đội múa rồng sau đó
đến múa lân, tiếp theo là đội cờ, đội bát âm. Sau bát âm là kiệu bát cống được
4 chàng trai khoẻ mạnh khiêng, trên kiệu được đặt một mâm đồng lớn, bên trên đặt
3 con cá trắm đen còn sống, con nhỏ nhất khoảng 5kg, con lớn nhất khoảng
10 kg.
Đi hai bên kiệu là các vị chức sắc trong làng. Tiếp theo kiệu
cá trắm là kiệu các loại hải sản như: cua bể, nhệch đều
còn tươi sống được đặt trong quả gỗ sơn thếp cao khoảng 30 cm, kiệu này do 4
thanh niên khoẻ mạnh trong xã khiêng. Đi sau kiệu rước hải sản là kiệu rước
chim két.
Sau kiệu rước chim két là kiệu rướcbánh chưng, bánh dầy.
Tiếp theo là kiệu cỗ ngọc. Sau kiệu cỗ ngọc là kiệu cỗ các,
theo đó là kiệu cỗ đồ đường. Tiếp theo là kiệu giò, sau kiệu giò là
kiệu cỗ tứ linh.
Sau kiệu cỗ tứ linh là kiệu cỗ ngũ sắc. Sau
kiệu cỗ ngũ sắc là đoàn tế nam quan, sau đoàn tế nam quan là kiệu hoa
quả và kiệu rước bát nhang nhà quan. Theo cùng đoàn rước là toàn thể các hương
lão và đông đảo nhân dân và du khách thập phương tới tham dự.
Quang cảnh rước lễ
Đoàn rước lễ về đền Gin có tất cả 48 kiệu rước với chiều
dài khoảng 1 km với một khí thế trống dong cờ mở, giữa một biển người mênh
mông, cờ xí, ô lọng, kiệu rước nối đuôi nhau cùng về đến đền chính theo một trật
tự nhất định.
Trong ván tế tại đền Gin, có tục tế cá trắm rất độc
đáo, nghi thức tế được nhân dân các xã thực hiện theo trình tự nhất định.
Bên cạnh các nghi thức tế lễ trang nghiêm, thì lễ vật dâng
lên Đức Thánh trong lễ hội đền Gin còn mang nhiều nét độc đáo không chỉ thể hiện
sự thành kính của nhân dân mà còn được nâng lên thành nghệ thuật với những quy
trình lựa chọn, sản xuất hết sức công phu, mang tính luật, lệ, nghiêm ngặt
trong suốt quá trình thực hiện, các lễ vật như: cá trắm đen, bánh chưng,
bánh dày, cỗ ngọc, cỗ các, cỗ tứ linh, cỗ ngũ sắc, cỗ đồ đường, giò. Điều đó được
thể hiện ở các sản vật sau:
Cá trắm đen: Cá trắm đen là lễ vật không thể thiếu trong lễ
rước ngày chính kỵ mồng 10 tháng Chạp tại lễ hội đền Gin. Nhân dân quanh vùng vẫn
thường gọi đây là lễ rước Cá.
Để có được 3 con cá trắm đen dâng lên Đức thánh vào ngày
chính kỵ, nhân dân và chính quyền phong kiến của 4 xã, phải tuân thủ theo quy định
bất thành văn của Hàng tổng đó là: Hàng năm vào tháng 5 tháng 6 (âm lịch) mỗi
xã cử ra 5 đến 7 người tỏa đi tìm khắp các địa phương như: Ninh Bình, Thái
Bình, Hưng Yên, Hải Phòng,... để tìm mua cá với một yêu cầu là cá trắm đen, được
nuôi thả tự nhiên.
Khi đã đáp ứng mọi điều kiện, phải đặt trước người nuôi cá một
ít tiền, từ đó trở đi cứ vào ngày Rằm hàng tháng, Hàng xã đều tổ chức đến nơi
đã đặt cá để thăm cá xem cá có còn không.
Cứ như thế, cho đến ngày mồng 8 tháng Chạp (âm lịch), mỗi xã
cử 5 vị có chức sắc cùng chục thanh niên khỏe mạnh đi rước cá về thả trong một
chiếc thuyền được trang trí đẹp, có hoa, lụa đỏ.
Cá trắm được thả vào một cái vạc bằng đồng lớn, đặt ở vị trí
trang trọng nơi thờ bát nhang nhà quan. Sau đó hai vị chức sắc cùng trai
làng bê lục bình nước đã được rước từ giếng đền, đổ vào vạc đồng và ba con cá
trắm sống ở đó đến khi được đưa lên kiệu rước. Trong thời gian cá được thả ở
trong vạc, thường xuyên có 4 người trông coi suốt ngày đêm.
Những con cá trắm được chọn phải là cá to ít nhất cũng phải
được từ 4 “vổ” trở lên (vổ được tính bằng chiều ngang của 4 đầu ngón tay của
người đã trưởng thành sau đó khoanh tròn lên cổ cá) nếu con cá nào đạt từ 4 vổ
trở lên đều là những con cá đạt yêu cầu.
Chính vì điều này, dẫn đến việc chọn mua được 3 con cá đạt
yêu cầu của mỗi xã là một điều rất khó. Song đây cũng là niềm tự hào của nhân
dân Hàng xã, niềm kiêu hãnh của chức sắc Hàng xã mỗi khi họ tìm mua được những
con cá to, chứng tỏ được tâm nguyện của dân làng và tin tưởng rằng trong năm tới
sẽ có nhiều điều tốt lành đến với nhân dân địa phương.
Tác phẩm “tòa Tiền các” làm bằng xôi gấc - lễ vật
dâng thánh
Bánh chưng, bánh dầy: Bánh chưng, bánh dầy là lễ vật có mặt ở
hầu khắp các lễ hội dân gian Việt Nam. Cũng như bao địa phương khác, nguyên liệu
để làm ra bánh chưng, bánh dầy ở lễ hội đền Gin không gì khác là: đỗ xanh, thịt
lợn, gạo nếp.... Nhưng khi nghiên cứu dưới góc nhìn văn hóa chúng ta mới thấy
rõ những đặc trưng riêng biệt đó được bắt đầu ngay từ những công đoạn đầu tiên
đó là trồng lúa nếp, chăm sóc, thu hoạch lúa, xay lúa, chọn gạo, làm bánh và luộc
bánh, giã bánh.
Cỗ ngọc: Cỗ ngọc là cỗ dâng vào cung Thánh gồm 6 thứ
giò, một bát mọc cua bể, một con cá rán, một con chim két, 5 quả nem, một đĩa nộm,
một bát gà hầm nguyên con, một bát lòng lợn bung, một bát thịt lợn giả trâu, một
bát chả quýt, một cái “cảnh lợn” (thịt vai lợn) và một bát chả thìa.
Cỗ các: Cỗ các cũng giống như cỗ ngọc nhưng thêm một
cái thủ lợn
Cỗ tứ linh: Cỗ tứ linh có Long, Ly, Quy, Phượng. Con
Long được làm bằng thịt lợn, con Ly được làm từ chân giò lợn, con Quy được làm
bằng con gà đặt nằm, con Phượng được làm bằng con gà đặt đứng.
Cỗ ngũ sắc: Cỗ ngũ sắc là các loại bánh được làm từ
khoai sọ với bột nếp đem trộn với màu như: màu đỏ từ gấc, màu xanh từ lá cây,
màu vàng từ nghệ, màu tím từ khoai lang, màu trắng từ nguyên liệu gạo
Cỗ đồ đường gồm có: bánh khoai, bánh nếp, bánh giáo,
bánh gai và bánh ngũ vị. Năm loại bánh này có những loại được làm hết sức công
phu và thời gian làm bánh kéo dài suốt 4 - 5 tháng như bánh khoai với
các nguyên liệu như khoai sọ, gạo nếp cấy ở ruộng “huệ điền” và mỡ lợn.
Giò: Giò cũng là một trong những sản vật không thể thiếu
trong mỗi kỳ lễ hội ở đền Gin. Ở đây nhân dân tổng Bái Dương làm tới 8 loại
giò: giò thủ, giò lá lật, giò chân, giò chả hoa, giò lòng, giò lựu, giò nạc và
giò lây. Phương thức làm giò không chỉ dừng lại ở những thao tác đơn thuần mà
đã được người dân nâng lên thành nghệ thuật, thành những bí quyết nhà nghề chỉ
truyền lại cho những người được tín nhiệm của Hàng tổng, Hàng xã.
Tám loại giò đều mang những đặc trưng khác nhau, có chất lượng
rất cao, mang tính nghệ thuật do bàn tay và khối óc sáng tạo của người dân tổng
Bái Dương làm ra chỉ được phép dùng để lễ Thánh và không được làm để ăn, để bán
(đây là một điều cấm kỵ từ trước đến nay).
Bánh ngũ sắc: nhân dân tổng Bái Dương chọn năm màu:
xanh, đỏ, trắng, vàng, tím là năm màu cho bánh ngũ sắc. Năm màu được lấy từ cây
quả, lá như màu xanh từ lá cây, màu đỏ lấy từ gấc, màu vàng lấy từ nghệ... Bánh
ngũ sắc cũng được làm từ khoai sọ, xôi nếp, đường giã nhuyễn với mỗi thứ màu đã
chọn.
Sau đó đóng 5 loại bánh trên vào một cái khuôn hình vuông
cùng với bánh khoai, năm bát chè, một đĩa xôi vò thành một mâm cỗ. Nhân dân
trong các xã cố gắng làm được một mâm cỗ đồ đường vừa chất lượng, vừa đẹp mắt,
để tỏ lòng thành kính đối với Đức thánh và là niềm kiêu hãnh với nhân dân các
xãkhác bởi khối óc sáng tạo và bàn tay khéo léo của mình.
Trong những ngày diễn ra lễ hội, Ban tổ chức cử một tổ trọng
tài để chấm điểm cho phần làm cỗ dâng lên Đức thánh của các cơ sở. Tiêu chí chấm
điểm gồm: trang trí kiệu rước của từng đơn vị, trang phục của người tham gia rước
kiệu, cuối cùng là các sản phẩm, lễ vật trên mỗi kiệu.
Ban tổ chức cũng ưu tiên chấm điểm cho những kiệu rước được
trang trí đẹp. Mọi thành viên trong tổ trọng tài làm việc một cách công bằng,
minh bạch. Kết quả được công bố, trao giải thưởng vào ngày tổng kết lễ hội.
Cùng với phần lễ được tiến hành một cách trang nghiêm thì phần
hội diễn ra rất vui vẻ, phong phú với nhiều trò chơi dân gian, những sinh hoạt
văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao trong suốt ba ngày hội. Buổi tối có hát
chèo cổ, hát ca trù. Ban ngày đông vui hơn cả là xới vật, cờ người, chọi gà người
người đứng vòng trong, vòng ngoài hò reo cổ vũ trong tiếng trống thúc liên hồi.
Rồi quanh các cầu phao, bờ hồ, liên tục những tiếng cười rộ
lên khi các anh chàng leo cầu không giữ được thăng bằng thi nhau rơi xuống nước,
hay những cô gái bắt vịt bị trượt. Nơi các cụ già tập trung đông nhất là tổ
tôm điếm. Ông cụ rao bài luôn miệng ứng tác bằng các bài thơ, câu chuyện hấp dẫn.
Tục thờ tướng công Kiều Công Hãn, duệ hiệu là
Đương cảnh Thành hoàng Long Kiều linh thánh đại vương của nhân dân 4 xã: Bái Dương,
Tang Trữ, Cổ Lũng, Hiệp Luậttrước đây (nay là 2 xã Nam Dương và Bình Minh)
mà nơi thờ chính là Đền Gin (thôn Chiền, xã Nam Dương) không chỉ xuất phát
từ đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” biết ơn người anh hùng có công với dân với nước
mà còn mang tính tín ngưỡng sâu sắc của cộng đồng dân cư làng xã.
Hàng chục đạo sắc phong (đạo sắc sớm nhất được ban tặng ngày
29/3 năm Đức Long 6 (1634) tất cả hiện lưu giữ tại đền đã khẳng định giá trị lịch
sử, sự tri ân công đức của người đời, sự trân trọng của các triều đại phong kiến
đối với đức Long Kiều linh thánh Kiều Công Hãn.
Điều đó có thể lý giải về sự linh thiêng, ứng nghiệm “hộ Quốc,
tí dân” của ngài và cũng là biến thể của niềm tin và kính phục, sự
tôn sùng của dân gian đối với đức Thánh.
Mặc dù, tướng công Kiều Công Hãn hy sinh khi chưa
thực hiện được chí hướng dựng nghiệp lớn nhưng chiến công của tướng công vẫn
sống mãi trong ký ức dân gian, trong sự ngưỡng mộ và khâm phục của người dân địa
phương.
Sự hy sinh của Kiều Công Hãn tại Hiệp Luật (xã Nam Dương,
huyện Nam Trực) còn nói nên vai trò và vị trí của vùng đất Nam Trực nói riêng
và Nam Định nói chung, trong sự nghiệp thống nhất đất nước của Đinh Bộ Lĩnh.
Đinh Bộ Lĩnh, Kiều Công Hãn, Lã Tá Đường, Ngô Nhật Khánh, Quảng Trí Công... là
những người đã sớm nhận ra vai trò, vị trí quan trọng của vùng đất này.
Hơn 10 thế kỷ đã trôi qua, tín ngưỡng thờ phụng tướng
công Kiều Công Hãn trên mảnh đất quê hương Nam Trực, cùng những giá trị kiến
trúc nghệ thuật Lịch sử - Văn hoá đền Gin được lớp lớp thế hệ người dân và
chính quyền từ trung ương đến địa phương giữ gìn, bảo tồn, tôn tạo và phát triển.
Với vị trí nằm sát trung tâm huyện, ngay trên trục đường
490c di tích Lịch sử - Văn hoá đền Gin cùng với di tích lịch sử cấp quốc
gia như: chùa Đại Bi, đền thôn Ba, đền Thôn Nhất, di tích lịch sử cấp tỉnh
đền Thôn Tư và Đền thờ Lục vị Thánh tổ làng rèn Vân Chàng thị trấn Nam Giang với
bán kính khoảng 1 km.
Trong những năm gần đây là điểm đến của hàng ngàn khách du lịch,
được tua du lịch đền Trần - chùa Tháp khai thác hết sức hiệu quả.
Đặc biệt, trong dịp lễ hội chợ Viềng mùng 8 tháng Giêng hàng năm, đền Gin là một
trong những điểm du lịch tâm linh không thể không đến khi tham gia lễ hội chợ
Viềng của du khách đến từ mọi miền đất nước.
Bởi du khách tới đây không chỉ chiêm ngưỡng được vẻ uy nghi,
hoành tráng, cổ kính của công trình kiến trúc nghệ thuật mang đậm phong cách kiến
trúc thời Hậu Lê mà họ đến đây với một niềm tôn sùng và kính phục, luôn tin tưởng
rằng hiện nay và cả mai sau, dù thời cuộc có đổi thay thì đức Long Kiều
linh thánh vẫn luôn hiển linh bảo hộ và phù giúp họ trong mỗi bước đường
xây dựng quê hương đất nước ngày một ấm no, hạnh phúc./.
Sưu tầm và biên
soạn: Trần Duy Huyền, Ảnh: Ngọc
Thịnh
Nguồn: Cổng thông tin huyện Nam Trực