Đền Hạ, đền Mẫu nằm ở ngoài đê xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Đền là nơi thờ mẹ Thánh Gióng, cũng gọi là Thánh Mẫu. Đền có tên chữ là “Khánh Quang Điện”.
Trước kia, Thánh Mẫu được thờ chung với Thánh Gióng ở Đền
Thượng. Đến năm Chính Hòa thứ 4 (1683), Thánh Mẫu mới thờ ở đền riêng tại thôn
Ngô Xá (quê của Bà - tức làng Đổng Viên). Mười năm sau (1693) Đền lại được
thiên về gần chùa Giếng (chùa Tập Phúc), tại vị trí hiện nay.
Đền Hạ còn gọi là Đền Mẫu, nằm ngoài đê, ở phía đông Đền Thượng,
cách Đền Thượng 500m, có diện tích rộng khoảng 28.956,2m2. Ngôi đền tọa lạc
trên một thế đất cao, đê đắp vòng xung quanh như được rồng thiêng ôm ấp.
Đền bao gồm các hạng mục: nghi môn tam quan, Nhà tiền tế và
Hậu cung.Qua cổng đền vào sân là hai dãy nhà tả vu, hữu vu với quả chuông đồng
nặng 600kg và khánh đồng nặng 150kg được treo trên giá bằng cột đá, xà đá.
Tiếp đến là hai dãy nhà tiền tế, được trang hoàng bằng nhiều
hoành phi câu đối, sơn son thếp vàng. Từ nhà tiền tế, bước vào nhà cung, gồm 5
gian bằng gỗ lim, có nhiều cột và lợp ngói chắc chắn.
Đền còn lưu giữ được một số hiện vật có giá trị: đôi phỗng
đá, một bộ đài bạc, hai bình hương đá cùng với 14 đạo sắc phong của các triều
vua (từ Lê Hy Tông 1683 đến Duy Tân 1909).
Ngày 21 tháng 02 âm lịch hằng năm là có một số cụ Ban Khánh
tiết ở Đền Thượng, trang phục khăn áo chỉnh tề, đi xuống Cố Trạch làm lễ rồi rước
Thánh Mẫu về Đền Hạ thờ tự.
Từ năm 1986 trở lại đây, các cụ bà và các chùa tổ chức rước
kiệu Thánh, kiệu hoa, kiệu cỗ, kiệu bát cống… trở thành lễ hội “Phụng nghênh”,
có tời hàng trăm người tham gia.
Những ngày lễ, Tết và cả ngày thường quanh năm, phật tử thập
phương đến thắp hương lễ Thánh Mẫu rất đông đảo, cầu mong Mẫu che chở cho con
dân đất Việt được an lạc, thái bình, thịnh vượng.
Đền Hạ là một di tích nằm trong Khu di tích Đền Phù Đổng được
Thủ tướng Chính Phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2013.
Nguồn: Du lịch Phù Đổng