Đền Hoành Đông, thị trấn Ngô Đồng-Giao Thủy- Nam Định thờ Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng người ở trang Đoàn Tùng, phủ Thượng Hồng tỉnh Hải Dương từng làm quan dưới thời vua Lý Hiển Tông và Lý Chiêu Hoàng, phối thờ Cao Sơn Đại Vương, Đại Hải Đại Vương triều đại Hùng Vương thứ 18.
Đền chùa Hoành Đông thuộc khu I thị trấn Ngô Đồng-Giao Thủy-
Nam Định. Khu di tích này tọa lạc trên một khu đất rộng cạnh tỉnh lộ 489, trên
đường dẫn về trung tâm chính trị hành chính huyện Giao Thủy.
Toàn cảnh khu di tích Đền chùa Hoành Đông
Đền Hoành Đông thờ Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng người ở
trang Đoàn Tùng, phủ Thượng Hồng tỉnh Hải Dương từng làm quan dưới thời vua Lý
Hiển Tông và Lý Chiêu Hoàng.
Sau khi nhà Trần lên ngôi, các trung thần nghĩa sỹ trong triều
nhất loạt từ quan. Để tỏ lòng trung thành với nhà Lý, Đoàn Thượng đã tập
hợp những người dân từ các vùng chống lại nhà Trần nhưng không thành công. Ông
mất vào tháng Chạp năm Mậu Tý. Sau khi ông mất nhân dân trong vùng đã lập đền
thờ để tưởng nhớ một con người có tấm lòng trung nghĩa.
Ngoài ra, Đền Hoành Đông còn thờ Cao Sơn Đại Vương và Đại
Hải Đại Vương. Đây là những vị thần trong truyền thuyết dân gian, biểu tượng
cho sức mạnh của tự nhiên và cũng là đặc trưng tín ngưỡng của nhiều cư dân
vùng ven biển- những người thường xuyên phải đương đầu với thiên tai, bão lũ
với ước mong các thần luôn bảo trợ, che chở cho nhân dân địa phương được yên ổn
làm ăn, tránh được lụt lội để xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp.
Đền làng Hoành Đông
Công trình đền chính làng Hoành Đông
Theo các cụ cao niên trong làng kể lại vào khoảng năm 1680
các vị tổ của các dòng họ Phan, Trần, Nguyễn, Phạm từ làng Đông Gốm huyện Đường
Hòa, tỉnh Hải Dương đưa con cháu về vùng đồng bằng ven biển trấn Sơn Nam Hạ để
khai phá vùng đất bồi.
Sau khi làng mạc hình thành, cuộc sống đã đi vào ổn định,
các vị tổ đặt tên làng là Hoành Đông. Mảnh đất Hoành Đông ngày nay trước đây
còn có tên gọi khác là Hoành Nhất nằm trong lục hoành của huyện Giao Thủy bao
gồm: Hoành Nhất, Hoành Nhị, Hoành Tam, Hoành Tứ, Hoành Nha, Hoành Lộ thuộc phủ
Thiên Trường.
Căn cứ vào nội dung hai đạo sắc phong hiện đang lưu giữ tại
đền có niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 44 (1783) và Cảnh Thịnh năm thứ nhất (1793),
đặc biệt là bản thần phả Đền Hoành Nhị được viết vào năm Vĩnh Hựu thứ hai
(1736) thì vào năm Hoằng Định thứ 12 (1612) có quan tri phủ Thiên Trường là Ngô
Văn Phúc đã hướng dẫn việc đo đất kê khai lập nên làng xã trong đó có trang
Hoành Nhất đã được hình thành và phát triền từ thời Hậu Lê.
Năm 1933 huyện Giao Thủy được thành lập và tách ra khỏi phủ
Xuân Trường. Trung tâm huyện lỵ chuyển về xây dựng trên đất làng Hoành Đông,
Diêm Điền. Hiện nay đã trở thành thị trấn Ngô Đồng, đang giữ vị trí là trung
tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả huyện.
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, làng Hoành Đông cùng
Diêm Điền, Đông Bình hợp thành xã Bình Hòa thuộc tổng Hoành Nha huyện Giao Thủy.
Đến năm 1947 thôn Hoành Đông, Đông Bình sáp nhập thành xã Đông Hòa. Đến tháng 7
năm 1952, Đông Bình và Diêm Điền hợp nhất thành xã Giao Điền Hòa.
Năm 1956 cải cách ruộng đất Giao Điền Hòa tách thành 2 xã
Giao Hòa, Giao Hợp. Năm 1957 cả Giao Hợp đổi tên thành xã Giao Bình, sáp nhập với
Giao Hòa thành xã Bình Hòa. Ngày 31/4/1986, thị trấn Ngô Đồng được thành lập gồm
các thôn: Hoành Nhị, Hoành Đông và 4 xóm thôn Diêm Điền. Đền chùa Hoành Đông
ngày nay nằm trên khu I của thị trấn Ngô Đồng.
Đền Hoành Đông quay về hướng Đông Nam, phía trước cửa đền là
nghi môn có 3 cửa, chính giữa là cửa lớn xây theo kiểu chồng diêm hai tầng tám
mái, hai bên xây theo kiểu cổ đẳng.
Công trình đền chính xây theo kiểu chữ "Đinh" gồm:
tiền đường 3 gian, trung đường 3 gian, hậu cung 1 gian. Hai đầu hồi xây kiểu
bít đốc tạo bờ bảng, bộ nóc đắp họa tiết “lưỡng long chầu nguyệt” theo phong
cách thời Nguyễn.
Bộ khung tiền đường thiết kế theo kiểu giá chiêng chồng rường
trốn cột, nối từ cột cái đến cột hiên là hệ thống xà đinh gia công dạng xà má
chai truyền thống. Nghệ thuật trang trí được tập trung vào gian giữa với đề tài
hoa lá cách điệu và tứ linh.
Trung đường 3 gian dựng theo lối “tứ trụ mê cốn”, bộ khung gồm
hai cột cái nằm chính giữa hai cột quân nằm hai bên. Bộ vì kèo làm theo nối “mê
cốn ” xuyên suốt 3 gian trung đường, mỗi gian lại được chia thành 3 khuông cửa
bao gồm một cưả giữa và hai cửa bên.
Trên mỗi khuông cửa là đề tài “lưỡng long chầu nguyệt”.
Thông qua những đường chạm sắc nét, nghệ nhân đã diễn tả sinh động đề tài trang
trí với những con rồng tạo dáng linh hoạt, đầu ngẩng cao hơn mặt tấm mê, chòm
râu uốn lượn cùng với thân hình mềm mại.
Tòa hậu cung có một gian nối tiếp với trung đường qua khung
gỗ của vách thuận. Đây là nơi thờ tự trang nghiêm và linh thiêng của ngôi đền,
đặt chính giữa là khám và bài vị Đức Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng, bên phải
có bài vị thờ thần Cao Sơn, bên trái có khám và tượng thờ Đại Hải đại vương.
Nằm cách đền khoảng hơn 100 m về phía Đông là ngôi chùa Hoành
Đông còn có tên gọi là Linh Ứng tự. Đây là một ngôi chùa lớn được xây dựng trên
một khu đất rộng khoảng hai mẫu Bắc Bộ và quay theo hướng Đông Bắc, trước chùa
có vườn cây bóng mát quanh năm tạo cảnh quan đẹp cho ngôi chùa.
Chùa được xây theo kiểu chữ "Đinh" gồm: tiền đường
5 gian, tam bảo 3 gian. Công trình kiến trúc chùa Hoành Đông hiện nay có khoảng
hơn 30 gian lớn nhỏ, bao gồm các công trình như: chùa chính, nhà tổ, phủ mẫu đều
xây dựng theo kiểu chữ "Đinh" mang đậm nét phong cách kiến trúc truyền
thống của cư dân miền ven biển.
Hoành Đông là một địa phương hiện còn lưu giữ được nhiều nét
sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc. Hằng năm tại khu di tích, nhân dân thường tổ
chức các sinh hoạt lễ hội truyền thống như: lễ rước đuốc đêm giao thừa, lễ “hạ
điền, thượng điền” cầu mùa màng bội thu vào trung tuần tháng 6 Âm lịch.
Trong tất cả những nét sinh hoạt văn hóa tại đây, tiêu biểu
nhất là trò chơi “thổi cơm thi” vào ngày 15 tháng 2 Âm lịch. Đây là trò chơi được
lưu truyền từ đời nay qua đời khác và được lưu giữ cho tới ngày nay, thu hút được
sự tham gia của đông đảo cộng đồng dân cư trong vùng.
Cũng như một số các di tích của huyện bên cạnh việc thờ tự
phục vụ cho đời sống tâm linh, trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc,
đặc biệt là trong kháng chiến chống Pháp, mặc dù bị địch kìm kẹp trong sự khủng
bố gắt gao, Đền Hoành Đông vẫn là cơ sở tin cậy cho nhiều cán bộ đảng viên.
Khu di tích đã là nơi thành lập và duy trì một đường dây
liên lạc hết sức quan trọng thông qua bến đò “Cống Chúa” để từ khu du kích sang
vùng tự do Thái Bình trong thời kỳ “hai năm bốn tháng", góp phần không nhỏ
vào sự nghiệp đấu tranh giành tự do cho dân tộc.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu đó, năm 2002 Đền
– Chùa Hoành Đông đã được UBND tỉnh Nam Định cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa cấp
tỉnh để bảo tồn và phát huy giá trị tốt đẹp, giáo dục truyền thống yêu quê
hương đất nước cho thế hệ hôm nay và muôn đời sau./.
Như Quỳnh