Đền Kiên Lao, xã Xuân Kiên, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định thờ phụng Đức thánh Triệu Việt Vương và hai vị tướng Nguyễn Phúc, Nguyễn Lộc - những người con quê hương có công giúp Vua Triệu đánh đuổi giặc Lương.
Đã thành thông lệ, cứ vào dịp đầu Xuân mới, người dân xã
Xuân Kiên (Xuân Trường) lại tưng bừng tổ chức lễ hội Đền, Chùa Kiên Lao. Với việc
phục dựng và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tín ngưỡng, trò chơi dân gian, lễ
hội Đền, Chùa Kiên Lao từ lâu đã trở thành nơi hội tụ, phát huy các giá trị văn
hóa truyền thống của tổng Kiên Lao xưa, nay là hai xã Xuân Kiên, Xuân Tiến.
Là vùng đất cổ mang đậm dấu ấn, phong tục tập quán của cư
dân nông nghiệp vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng nên đời sống văn hoá tâm linh
của người dân Kiên Lao luôn gắn liền với tín ngưỡng thờ Phật, nhân thần và tổ
tiên. Trải qua thăng trầm lịch sử, làng Kiên Lao ngày nay trở thành trung tâm
văn hoá, kinh tế sầm uất của huyện Xuân Trường nhưng những dấu tích của một thời
hưng thịnh vẫn còn rất đậm nét.
Điều đó thể hiện qua các công trình văn hoá, phong tục tập
quán truyền thống được lưu giữ trong cộng đồng; tiêu biểu là di tích lịch sử -
văn hoá và lễ hội Đền, Chùa Kiên Lao.
Đền Kiên Lao, xã Xuân Kiên, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định
thờ phụng Đức thánh Triệu Việt Vương và hai vị tướng Nguyễn Phúc, Nguyễn Lộc -
những người con quê hương có công giúp Vua Triệu đánh đuổi giặc Lương.
Ngoài ra, di tích còn phối thờ Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại
Vương Trần Quốc Tuấn và 13 cụ tổ các dòng họ: Nguyễn, Lương, Trần, Phạm, Đào,
Đinh, Trịnh, Đỗ, Mai, Ngô, Lê, Đặng và Vũ - những người có công khai hoang, lập
ấp, thành lập nên mảnh đất Kiên Lao trù phú. Đền Kiên Lao ngày nay được xây dựng
trên khu đất thuộc thôn Đoài Tự (nay là xóm 8, xã Xuân Kiên). Ngôi đền có kiến
trúc hình chữ “nhị”. Từ xa nhìn vào, phía trước đền là cổng tam quan bề thế, đẹp
đẽ. Trên đỉnh trụ cổng có nghê chầu, hai bên xây cuốn vòm theo kiểu “chồng
diêm” thanh thoát.
Qua khoảng sân lát gạch đỏ là toà tiền đường 5 gian nổi bật
với nhiều hạng mục chạm khắc tinh xảo như: vì kèo, xà lòng, xà nách, cột quân,
bẩy tiền, bẩy hậu… mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Trong 5 gian tiền đường trưng bày 4 cỗ kiệu bát cống trang
trí hoạ tiết: long, ly, quy, phượng.
Tiếp theo toà tiền đường là cung cấm 3 gian, kết cấu theo kiểu
“tiền đao hậu đốc” theo phong cách nghệ thuật thời hậu Lê (thế kỷ XVII). Trong
đó, cung bên phải thờ Đức Thánh Trần, cung bên trái thờ các vị tổ làng, cung
chính diện thờ Triệu Việt Vương và Nguyễn Phúc, Nguyễn Lộc. Tại gian chính giữa
có đặt 3 pho tượng, trong đó tượng Triệu Việt Vương là di vật cổ bằng đồng được
đúc năm Duy Tân thứ 4 (1911).
Nằm về phía đông bắc ngôi đền là Chùa Kiên Lao (còn có tên gọi
là Sùng Phúc tự). Theo các văn bia tại chùa thì Chùa Kiên Lao được trùng tu lớn
vào thế kỷ XVII, thiết kế theo kiểu “nội công ngoại quốc”, mặt quay hướng nam.
Tại chùa hiện còn bảo lưu được 2 bia đá cổ có ghi công đức của
những người tham gia tu sửa chùa và đúc 14 pho tượng Phật thời đó. Các pho tượng
Phật được bảo tồn nguyên vẹn, bài trí hợp lý theo bố cục từ cao xuống thấp. Trên
cùng là 3 pho tượng Tam thế; tiếp theo là 2 pho tượng Bồ tát.
Đặc biệt, tại chùa còn lưu giữ được pho tượng Cửu long
(Thích ca sơ sinh) bằng đồng, thếp vàng, chạm khắc công phu, tỉ mỉ. Đây là sản
phẩm của nghệ thuật đúc đồng Kiên Lao xưa. Ngoài đền và chùa, quần thể di tích
Đền, Chùa Kiên Lao còn có các công trình liên đới khác như: tam quan, hành
lang, nhà thờ tổ, tăng phòng, khu tháo mộ... Trước Cách mạng Tháng Tám, lễ hội
Đền, Chùa Kiên Lao được nhân dân địa phương tổ chức vào ngày kị của Triệu Việt
Vương với nhiều phong tục tế, lễ; trong đó, lễ vật dâng Thánh bao gồm: hương,
hoa, xôi, lợn và bánh dầy.
Theo các cụ cao niên trong làng kể lại: Trước đây, tổng Kiên
Lao có 5 giáp thì mỗi giáp làm 1 mâm bánh dầy, giết một con lợn. Sau đó, nhà đền
mang kiệu đến từng giáp rước bánh, xôi, lợn về đền tế lễ. Đến ngày chính kị
(15-8 âm lịch), nhân dân rước 3 bài vị Triệu Việt Vương, Nguyễn Phúc, Nguyễn Lộc
về hậu cung để tế lễ trong 5 ngày.
Trong ngày hội làng ngoài nghi thức tế lễ, rước kiệu trang
trọng, địa phương còn tổ chức các đêm thi hát ca trù đặc sắc; biểu diễn đi kheo
với nhiều tích trò hấp dẫn.
Chùa Kiên Lao
Với những giá trị về lịch sử, văn hoá, nghệ thuật kiến trúc,
năm 1994, Đền, Chùa Kiên Lao được xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc
gia. Đây là niềm vinh dự, tự hào của chính quyền và nhân dân địa phương đối với
di sản văn hoá của cha ông để lại.
Mặc dù, di tích nằm trên địa giới hành chính của xã Xuân
Kiên nhưng nhân dân 2 xã Xuân Kiên và Xuân Tiến đều coi đây là di tích chung và
cộng đồng trách nhiệm trong công tác trùng tu, bảo quản di tích. Từ khi di tích
được xếp hạng, nhiều năm qua, chính quyền và nhân dân hai xã Xuân Kiên và Xuân
Tiến luôn quan tâm đến công tác quản lý và phát huy giá trị di tích nhằm khơi dậy
tiềm năng phát triển du lịch.
Việc tổ chức lễ hội Đền, Chùa Kiên Lao luôn được tổ chức
theo hướng văn minh, tiết kiệm, là nét sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh cộng đồng
giàu bản sắc và giá trị văn hóa cội nguồn. Vào các dịp: 15-8, 20-8, 12-11 âm lịch
hàng năm, tại di tích diễn ra các nghi thức tế, lễ trang trọng để bày tỏ tấm
lòng tri ân công đức đối với các vị thần được thờ phụng.
Lễ hội chính Đền, Chùa Kiên Lao ngày nay được tổ chức hàng
năm vào các ngày mồng 5, 6 tháng Giêng. Phần hội trong thời gian nghi lễ có các
hoạt động văn hoá, văn nghệ, trò chơi dân gian sôi nổi, náo nhiệt như: Hát
chèo, hát ca trù, múa lân - sư - rồng,
thổi cơm thi, giã bánh dầy... Đặc biệt, trong lễ hội còn có các tiết mục đi
kheo, đấu vật, cờ người hấp dẫn thu hút đông đảo nhân dân địa phương, du khách
thập phương, nhất là con em xa quê hương về dự.
Về dự lễ hội Đền, Chùa Kiên Lao, du khách không chỉ được
chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các di tích cổ kính mà còn được đắm mình trong các hoạt
động dân gian truyền thống. Lễ hội được tổ chức thường niên với những đặc điểm
mang ý nghĩa “phồn thực” của cư dân nông nghiệp lúa nước vùng châu thổ đồng bằng
sông Hồng với mong muốn của người dân cầu cho “Quốc thái dân an, mưa thuận gió
hoà, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu”. Lễ hội Đền, Chùa Kiên Lao được tổ chức
vào dịp đầu xuân mới là lễ hội mở màn cho chuỗi các lễ hội của huyện Xuân Trường./.
Lễ hội
Bốn năm một lần tại di tích đền và chùa Kiên Lao vào các dịp:
15/8 , 20/8 và ngày 12/11 (âm lịch), nhân dân địa phương lại tưng bừng tổ chức
lễ hội để bày tỏ tấm lòng tri ân công đức đối với các vị thần được thờ phụng tại
di tích.
Trong ngày hội làng ngoài nghi thức tế, lễ, rước kiệu địa
phương còn tổ chức hát ca trù. Đặc biệt, trong ngày lễ hội còn có sự tham gia của
tiết mục đi kheo biểu diễn các tích trò do con em quê hương Kiên Lao đi khai
hoang lấn biển thuộc các huyện: Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Hải Hậu mang về đã góp
phần cho ngày hội làng thêm phong phú. Ngoài ra, lễ hội chính Đền, Chùa Kiên
Lao ngày nay được tổ chức hàng năm vào các ngày mồng 5, 6 tháng Giêng.