Đền thờ tướng quân Đinh Điền triều đại Đinh Tiên Hoàng (một trong những công thần khai quốc Đại Cồ Việt) và phu nhân Phan Thị Môi Nương.
Đền Kim Đằng nằm ở trung tâm thôn Kim Đằng, phường Lam Sơn,
thị xã Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên ngày nay. Xưa kia, nơi đây là trang Đằng Man, tổng
An Tảo, phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam thượng. Tương truyền, đền được xây dựng
trên mảnh đất Đinh Điền chọn làm đại bản doanh với thế "Thanh Long, Bạch Hổ
chầu về".
Cuốn "Đại Nam nhất thống chí" có ghi: Tướng quân
Đinh Điền quê ở Gia Phương - Gia Viễn - Ninh Bình, là con nuôi của Đinh Công Trứ
(thân phụ Vạn Thắng vương Đinh Bộ Lĩnh). Từ thuở nhỏ ông đã làm bạn "cờ
lau tập trận" của (vua) Đinh Bộ Lĩnh, lớn lên đã cùng Nguyễn Bặc, Lu Cơ,
Trịnh Tú và vua Đinh Bộ Lĩnh kết nghĩa anh em.
Khi đất nước xảy ra loạn 12 sứ quân, mấy anh em bằng hữu đã
theo sứ quân Trần Lãm chiếm giữ vùng Bố Hải (nay thuộc Tiền Hải - Thái Bình).
Khi đã trở thành Vạn Thắng Vương, (vua) Đinh Bộ Lĩnh giao cho Đinh Điền chỉ huy
10 đạo quân đi thu phục các sứ quân khác.
Khi đến trang Đằng Man, thấy địa thế đẹp, ông liền cho dựng
đại bản doanh và chọn 3 người họ Phan, họ Phạm và họ Nguyễn ở trang Đằng Man
làm gia tướng và chọn người con gái họ Phan tên là Môi Nương làm vợ.
Dẹp xong loạn 12 sứ quân, Vạn Thắng vương Đinh Bộ Lĩnh lên
ngôi hoàng đế, xưng là Đinh Tiên Hoàng, đặt Quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở
Hoa Lư - Ninh Bình. Đến năm Kỷ Mão (979), vua Đinh Tiên Hoàng và con trưởng là
Đinh Liễn bị kẻ phản tặc Đỗ Thích giết hại, Đinh Điền cùng các quan đại thần
tôn Đinh Toàn (khi đó mới 6 tuổi) lên ngôi vua, tôn Dương Vân Nga làm Hoàng
Thái Hậu.
Khi quân Tống lăm le xâm lược biên giới phí Bắc, đất nước đứng
trước họa ngoại xâm, quân sĩ tôn Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi vua, thay
cho Đinh Toàn khi đó còn quá nhỏ.
Không chấp nhận việc đó, quan Ngoại giáp Đinh Điền và Định
quốc công Nguyễn Bặc đang trấn giữ Châu Ái cùng Phạm Hạp dấy binh, đưa quân từ
Thanh Hóa ra đánh Hoa Lư nhưng không thành, Đinh Điền lui quân về trại Đằng
Man. Ngày 17.11 (âm lịch) năm Kỷ Mão (979), Đinh Điền và phu nhân mất, nhân dân
trại Đằng Man đã lập đền thờ trên nền doanh trại, 3 gia tướng của Đinh Diền
cũng được phối thờ tại đây.
Trải qua thời gian, ngôi đền đã được trùng tu nhiều lần. Hiện
nay, Đền Kim Đằng còn giữ được nhiều nét kiến trúc thời Hậu Lê và thời Nguyễn.
Năm 1997, đền đã được Bộ VHTT xếp hạng là di tích lịch sử. Đền có kiến trúc kiểu
chữ đinh, bao gồm 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung.
Tòa tiền tế được làm kiểu chồng diêm 2 tầng, 8 mái; các đao
mái đắp nổi đầu rồng; trên đường bờ nóc đắp hình lưỡng long chầu nhật, 2 đầu
kìm đắp "lưỡng ngư" (2 con cá chép); mái lợp bằng ngói vẩy rồng, phần
cổ diêm đắp 4 chữ "Đinh Đại Linh Từ" bằng chữ Hán. Kết cấu các bộ vì
kèo kiểu quá giang đơn giản, được nâng đỡ bằng hệ thống cột gỗ lim vững chắc.
Nối tiếp với tiền tế là 3 gian hậu cung lợp ngói mũi. Kết cấu
vì kèo kiểu con chồng, đấu sen, trên các con rường được trạm nổi hình hoa lá
cách điệu. Gian trung tâm đặt tượng tướng quân Đinh Điền và phu nhân Phan Thị
Môi Nương, được tạo tác trong tư thế ngồi tọa thiền... Ngoài ra trong di tích
còn lưu giữ một số bức hoành phi, câu đối ca ngợi công đức của thần.
Danh tướng Đinh Điền và đền thờ Kim Đằng.
Hàng năm, lễ hội Đền
Kim Đằng được tổ chức từ ngày 15 đến ngày 17 tháng 11 âm lịch để tưởng nhớ tới
ngày mất của tướng quân Đinh Điền và phu nhân. Trong những ngày diễn ra lễ hội,
ngoài tổ chức rước kiệu còn có các trò chơi dân gian truyền thống như: chọi gà,
múa lân, hát nói, hát trống quân, múa rối nước... để góp phần dựng xây tình
đoàn kết xóm thôn, giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống uống nước nhớ
nguồn của dân tộc Việt Nam.