Đền Lác, xã Đồng Thái, huyện Ba Vì thờ phụng Tam thánh Tản Viên triều đại Hùng Vương và Phùng Lộc Đại vương triều Trần. Đây cũng là vị trí hành cung phía Tây của Tản Viên Tam thánh.
Trong các hành cung của Tản Viên Sơn Thánh thì Bắc cung thường
được cho là ở đền Thính hay đền Tranh bên Vĩnh Tường. Tuy nhiên, các thần tích
và ghi chép về di tích của Tản Viên Sơn đều không hề nói đến chuyện Tản Viên
thường đi sang bên Vĩnh Tường. Trong khi đó, thần tích như ở Ngọc Nhị ghi:
Vương lúc thì đi ra sông Tiểu Hoành xem đánh cá, qua các huyện
Ma Nghĩa, Phúc Lộc, lạc tới xứ Bi Bi xã Cổ Đằng, thường tạm trú ở đó. Đến xã
Tam Vật Lại thấy phong cảnh đẹp mà lập hành cung.
Hành cung của Tản Viên Sơn ở Tam Vật Lại thường được cho là
đình Tây Đằng, nhưng ở Tây Đằng là đình chứ không phải đền thờ. Đình Tây Đằng
cũng không có ghi chép gì cho thấy ở đó là hành cung.
Trong khi đó ở xã Đồng Thái, huyện Ba Vì, cạnh xã Vật Lai, Vật
Phụ, lại có một ngôi đền rất cổ là đền Lác thờ Tam Vị Tản Viên Sơn. Đặc biệt ở
đền Lác và đình Đồng Thái còn có khá nhiều bia đá từ thời Lê, ghi rõ nơi đây là
Bắc Thần Cung của Tản Viên Sơn (xem ảnh những chỗ khung màu đỏ).
Cuốn Di tích thờ Tản Viên ở Ngọc Nhi chép:
Vương thường đi săn bắn tới xã Cổ Đằng huyện Ma Nghĩa nghỉ
ngơi, lập cung xá gọi là Nam cung điện, ở xứ Bi Bi lập 4 cột đá, 8 con lợn đá gồm
1 lợn mẹ và 7 lợn con để lưu làm di tích. Lấy xã Cổ Đằng làm tạo lệ phụng sự
hương hỏa, mỗi năm mùa xuân tháng 2 dùng trâu một con, dê một con, lợn một đầu
mà làm nghi lễ cúng tế.
Đền Lác nay còn lưu giữ trong cung thờ 3 viên đá tương truyền
là nơi nghỉ của các thánh Tản. Có thể đây là vết tích của những cột đá được nói
đến trong sách trên.
Nam cung điện xưa trong sách có lẽ đã bị đảo ngược thành Bắc
thần cung trên các bia và sắc phong ở Đồng Thái.
Điểm khá đặc biệt nữa ở đây là các bài vị thờ đều ghi Tản
Viên Sơn Tam Vị Quốc chủ Đại vương (trong 1 bài vị). Không hề có dạng bài vị
ghi Cao Sơn hay Quý Minh như những nơi khác.
Đền Lác xây từ thời Lê, hiện còn tấm bia đá có niên hiệu
Chính Hòa 18 (1697). Toà tiền tế được làm muộn hơn vào thời Nguyễn. Trong
toà đại bái, chính điện thờ Tản Viên tam thánh (gồm Sơn Tinh, Cao Sơn,
Quý Minh), gian bên phải thờ Thổ công và gian bên trái thờ Phùng Lộc Hộ
đại vương. Trong hậu cung đền còn lưu giữ được 9 đạo sắc phong của các
triều đình đời xưa.
Theo sử sách, tướng Phùng Lộc Hộ có công giúp vua nhà Trần
đánh đuổi giặc Nguyên Mông xâm lược lần thứ nhất vào năm 1257-1258. Ngài hóa
tại Gò Dung, thôn Dục Mỹ, xã Cao Xá, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Sau đó,
dân thờ ngài tại các thôn Đồng Bảng, thôn Cao Lĩnh (xã Phú Sơn), thôn Hùng Vỹ
(xã Đồng Văn), và cả bên bờ phía bắc sông Hồng tại các nơi ngài dẫn
quân đi qua như: Thổ Tang (Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc), Tứ Xã (Lâm Thao - Phú Thọ),
v.v.. Vua Trần Thái Tông ban sắc phong Phùng Lộc Hộ là “Lân hổ hầu đô thống đại
vương thượng đẳng thần”. Các triều đại sau đó đã tặng thêm nhiều sắc phong
và mỹ tự cho ngài.
Kiến trúc
Đền Lác nằm trên thế đất cao, mặt bằng xây dựng có dạng
“tiền Nhất hậu Công”, gồm tiền tế, đại bái và hậu cung, xung quanh là vườn, diện
tích hơn 2000m2, quay mặt về phía tây bắc. Từ cổng đền xây kiểu nghi môn,
du khách bước qua sân và bậc thềm lên tới tòa tiền tế. Mái lợp ngói ri, bờ
nóc để trơn, trừ hai đầu đắp cách điệu hai con kìm, bờ dải và bờ guột cũng để
trơn, bốn góc đao được đắp hình rồng.
Tiền tế không có cửa vây quanh, bốn góc có xây trụ đỡ
mái đao bằng gạch to từ đời Thành Thái, cùng kiểu gạch được chèn ở toàn bộ
bức tường trình bao ngoài. Bộ vì trên ba gian chính có kết cấu theo kiểu
“thượng giá chiêng, chồng rường, hạ kẻ, bẩy, mái phân thượng tứ, hạ ngũ,” các
hoành vuông làm theo phong cách thời Lê. Bộ vì gian giữa làm trốn một hàng cột
cái phía trước, để lấy không gian cho việc hội họp. Các gian bên vẫn đủ hai
hàng cột cái.
Bộ vì ở hai gian chái được làm theo kiểu “thượng chồng rường,
hạ kẻ”. Các cấu kiện gỗ ở đây chủ yếu để trơn, không trang trí. Chỉ có vài
chi tiết chạm khắc cách điệu tập trung tại các bẩy hiên. Tiền tế không bài trí
các đồ thờ tự. Từ đây bước qua một khoảng sân lọng là tới toà đại bái. Hai
bên tường sân lọng có trổ thủng hai chữ Hán lớn: “Nghiêm” và “Túc”.
Đền Lác. Photo NCCong ©2021
Đại bái cũng xây như tiền tế, bốn góc đao được đắp hình rồng
công phu, kiểu thế kỷ XVIII. Phần vì thượng phía ngoài của hai gian đầu hồi được
đắp hình hổ phù ngậm chữ “Thọ”, các diềm của vì được đắp hình hoa lá tinh tế.
Riêng bộ vì hai gian chái được gắn với khám lửng, dạng ván bưng ở vì thượng.
Gian giữa đặt gác lửng, được bưng kín, bên ngoài được chạm
khắc công phu hình lưỡng long chầu nguyệt và nhiều mảng chạm chim phượng tinh xảo.
Các đồ thờ cũng có niên đại thời Lê như bát hương gốm, long ngai, bài vị... Dưới
chân khám đặt các hòn đá tương truyền là được Tản Viên Sơn Thánh và Mẫu thân
ngồi lên nghỉ.
Gian ống muống nối đại bái với hậu cung có kết cấu bộ vì kiểu
ván bưng với các mảng chạm khắc tinh xảo hình rồng phượng. Bên dưới bài trí hai
hương án gỗ có từ thế kỷ XVIII, trên bày các đồ thờ tự như bát hương, chân
đèn, đài nước... Hậu cung ba gian, bốn mái lợp ngói ri, bốn góc đao cong đắp
các con nghê bằng gốm đất nung từ thế kỷ XVII rất giống với tạo hình ở mái
đình Tường Phiêu. Vào bên trong, bộ vì được tạo tác tương tự như trung cung, phần
gian giữa có khám lửng, là nơi đặt ba cỗ long ngai, bài vị Tản Viên tam thánh,
mang niên đại thế kỷ XVIII.
Di sản
Lễ hội đền Lác được tổ chức hàng năm vào tháng Giêng.
Khai hội mồng 6, đến ngày 7-8 là chính hội, mồng 9 chuyển hoạt động vào đền
Trúc Lâm. Trong dịp này còn diễn ra nhiều trò chơi dân gian như: vật, chọi
gà, kéo co... thu hút đông đảo nhân dân sở tại và khách thập phương tham
gia.
Ngày 23-9-2014, Bộ
Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã xếp hạng đền Lác là Di tích lịch sử, kiến
trúc nghệ thuật quốc gia.