Các bậc thuỷ tổ của họ Nguyễn, Lê, Phạm, Đặng sau khi lập làng đã theo nếp cũ của tổ tiên lập đền thờ Triệu Việt Vương, vị anh hùng dân tộc thế kỷ 6, vừa có công đánh bại nhà Lương xâm lược vừa hết lòng phò đức ngài Lý Bôn lập nghiệp Đế.
Lạc Chính là vùng đất ở phía nam sông Đào, xưa kia gọi là
sông Vỵ, cách xã Yên Nhân và các điểm liên quan đến sự kiện lui binh của Triệu
Việt Vương khoảng 5km. Đây lại là mảnh đất mà lịch sử lập làng có liên quan đến
các dòng họ từ phía Bắc xuống.
Các bậc thuỷ tổ của họ Nguyễn, Lê, Phạm, Đặng sau khi lập
làng đã theo nếp cũ của tổ tiên lập đền thờ Triệu Việt Vương, vị anh hùng dân tộc
thế kỷ 6, vừa có công đánh bại nhà Lương xâm lược vừa hết lòng phò đức ngài Lý
Bôn lập nghiệp Đế.
Tượng thờ Triệu Việt Vương
Đền Lạc Chính thờ các vị tổ có công khai khẩn thiết lập làng
xã cũng như học hành khai phá nền văn minh cho quê hương. Theo tập Hương phả xã
Lạc Chính viết ngày mồng 6 tháng 8 năm Minh Mệnh thứ 2 (1821) thì mảnh đất này
có từ lâu. Thời Hậu Trần do loạn nên nhân dân phải sơ tán chạy đi khắp nơi.
Sau khi Bình Định Vương Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa đánh đuổi
nhà Minh xâm lược, nước ta độc lập nhưng đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó
khăn. Lê Thái Tổ đã ban chiếu cho các địa phương được khai hoang phục hoá, lập
lại làng xã.
Các ông Đặng Quang Đạt, Nguyễn Đức Dụ, Lê Thái Bình, Trần
Thuấn Nhất, Tạ Văn Chuyên và Dương Duy Tân rủ nhau về`đây sinh cơ lập nghiệp.
Nguyên sáu vị đều từ vùng bán sơn địa Phong Châu nơi đồng đất chật hẹp cuộc sống
khó khăn đã về đây hợp lực xây dựng ấp trại lấy nghề nông làm gốc.
Bài vị thờ Triệu Việt Vương
Theo hương phả thì các ông về vào năm Canh Tuất (1430), đến
năm 1435 thì việc đại sự mới thành công. Ruộng đồng được phân theo đỗi, đạc,
xóm thôn có dong ngõ vào ra thuận lợi, dân thôn sống hoà thuận đông vui, nhờ vậy
mà Lạc Chính được ra đời, người người kéo nhau về đây lập nghiệp ngày một
thêm đông.
Truyền thuyết địa phương cho biết: họ Phạm cùng 10 họ khác
tiếp tục về đây lập xã, dựng đền thờ Triệu Việt Vương, dựng chùa thờ Phật theo
nếp cũ của tổ tiên.
Các họ Lê, họ Phạm đều có người đỗ đạt góp phần khích lệ sự
học hành, mở mang dân trí quê hương nên các ngày hội làng khi tế lễ trong văn
chúc đều có nêu tên các ông Lê Lạc Hạnh, Phạm Bãi Lãm, Phạm Hoàng Đan… là những
vị có công mở mang nền học vấn cho Lạc Chính.
Các vị trên đã đỗ thủ khoa các kỳ thi hương, hoặc đỗ cống
sinh nên được làng khắc vào bia đá, thờ tại ban thờ Tiên hiển ở văn chỉ. Khi
làng vào đám các ông còn được rước ở từ đường ra đền, cùng với các tổ lập làng
khác đã thể hiện được tấm lòng đền ơn đáp nghĩa của quê hương.
Kiệu bát cống
Hàng năm, nhân dân thường tổ chức kỷ niệm ngày mất của Triệu
Việt Vương cũng như ngày sinh, ngày hoá của hai vị quan văn, quan võ có công
phò giúp vua Triệu một cách trọng thể, nhưng không kéo dài thời gian, không rước
sách linh đình. Riêng các ngày 12,13,14 tháng 8 âm lịch kỷ niệm Thánh Triệu Việt
Vương mất, nhân dân tổ chức khá sôi nổi.
Các giáp chuẩn bị lễ vật như bánh dày, bánh chưng một cách
công phu, Giáp nào bánh đẹp, sạch và ngon sẽ đoạt giải của làng. Gần đây, các
dòng họ còn tổ chức rước bát hương các vị tổ và lễ vật ra đền. Các tổ chức hội
người già, hội hưu trí, hội cựu chiến binh cũng rước lễ ra đền lễ thánh.
Từ xưa, quan hệ giao hảo giữa các làng có mối liên quan mật
thiết như Đông Lạc, Đồng Quỹ cùng Lạc Chính thường có cử đại biểu sang dâng lễ
và tham dự rước thánh trong thôn rất vui vẻ.
Ngoài phần tế lễ, dâng hương, trong lễ hội còn tổ chức đấu cờ
tướng, tổ tôm điếm, chơi đu, leo cầu phao dây tạo nên không khí tưng bừng trong
ngày hội. Điều đáng quan tâm là sau hội làng các dòng họ, ban đại diện quản lý
đền thường họp bàn rút kinh nghiệm, đề ra phương hướng bảo vệ, xây dựng đền và
làng xóm, đồng thời có kế hoạch cho ngày hội năm sau, đảm bảo sự trang trọng, tiết
kiệm lành mạnh.
Đền Lạc Chính là công trình có từ lâu đời. Đến thế kỷ thứ
17,18 công trình tu bổ khang trang, được triều đình quan tâm ban tặng sắc
phong. Song do thời tiết khắc nghiệt, đến thời Nguyễn di tích lại được đại tu
khang trang to đẹp hơn.
Toàn cảnh đền Lạc Chính
Đền Lạc Chính gồm có ba tòa, kiến trúc kiểu tiền nhất hậu
đinh, tòa tiền đường có 5 gian, đệ nhị 5 gian và chính tẩm 4 gian. Ngoài ra tại
đây còn có tòa giải vũ 3 gian đưa tổng số các gian của 4 tòa lên thành 18 gian
lớn nhỏ.
Cũng như các công trình tín ngưỡng khác, tòa tiền đường đền Lạc Chính là công
trình to lớn hơn cả.
Theo hàng chữ ghi trên thượng lương niên hiệu Thành Thái thứ
8 (l896) thì nơi đây có đặt trụ, gác nóc, cùng với hệ thống cấu kiện của công
trình, có thể khẳng định di tích này được đại tu lớn theo phong cách thời Nguyễn.
Thiết kế công trình theo lối thượng chồng rường hạ bẩy kê là
phong cách truyền thống, vừa chắc chắn vừa tiện lợi khi thi công. Kiến trúc lại
có hình khối rất tiện cho việc chạm khắc các đề tài trang trí.
Điều đáng lưu tâm là bộ khung với hệ thống cột lim đường
kính 30cm, hệ thống xà thượng, xà hạ, xà nách, câu đầu cũng đều bằng gỗ lim
già, có sự lựa chọn gỗ hết sức cẩn thận, được gia công cầu kỳ, theo dạng búp
đòng ở cột, kiểu ống tơ ở xà một cách công phu, sáng tạo.
Tất cả các bộ con rường tuy dài, ngắn khác nhau nhưng đều được
đục chạm lá lật uyển chuyển, đan xen có đấu rế, trụ non chạm cánh sen một cách
tinh tế. Hàng bẩy tiền chạm nổi hình rồng chầu cũng rất cầu kỳ đẹp mắt, cùng với
hệ thống cửa, ngạch ngưỡng theo lối cổ, khiến tòa tiền đường khá hoàn thiện
theo kiến trúc thời Nguyễn.
Nhang án và đồ thờ tự tại chính tẩm
Phía trong tòa tiền đường là 5 gian đệ nhị cung. Tiếp đó là
bốn gian chính tẩm. Công trình này làm theo lối câu đầu, mê cốn. hai hàng cột
cái có đường kính 40 cm cùng các hàng xà ngang xà dọc có quy cách tương xứng,
các mảng mê cốn chạm đề tài tứ linh công phu, khiến phải nghĩ tới ý nghĩa số một
cửa tòa chính tẩm, nơi Ban hưng công đã ưu tiên nguyên vật liệu hơn cả tòa tiền
đường, vì đây là cung có đặt tượng Thánh Triệu Việt Vương và ban thờ chính tẩm.
Ba tòa tiền đường, đệ nhị cung và chính tẩm được làm hoàn toàn bằng gỗ lim, hệ
thống mái bằng ngói nam hàng trăm năm mà vẫn phẳng phiu, mũi ngói vẫn thẳng
hàng đẹp mắt.
Bên cạnh đền còn ngôi chùa, có hồ sen tạo nên sự hài hoà cho tổng thể di tích
đã góp phần làm cho cảnh quan nơi đây có sự hoà nhập giữa công trình với thiên
nhiên, tạo ấn tượng tốt đẹp cho khách hành hương.
Lạc Chính là thôn có lịch sử lập làng khá sớm liên quan đến các tổ họ Đặng,
Nguyễn, Lê, Trần, Tạ, Dương, Phạm và hàng chục họ khác. Các dòng họ này đã từ
căn cứ đầm Dạ Trạch, từ Kinh đô, hoặc ở khắp các miền có bước chân hoạt động
vào lúc cuối đời của Triệu Việt Vương nên việc dựng lập đền thờ trên quê mới Lạc
Chính.
Ngoài việc thờ Triệu Việt Vương là một anh hùng dân tộc ở thế kỷ thứ 6 đã đánh
bại nhà Lương xâm lược, đền Lạc Chính còn thờ các tổ lập làng, các bậc Tiên hiển
có công mở đất, xây dựng quê hương.
Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống đế quốc Mỹ, bắn phá miền Bắc, đền Lạc
Chính đã có những đóng góp thiết thực tạo thuận lợi cho mọi hoạt động kháng chiến
ở địa phương, đóng góp không nhỏ vào chiến công chung của cả nước.
Đền Lạc Chính là công trình kiến trúc cổ còn giữ gìn được
khá hoàn chỉnh, đặc biệt là tòa chính tẩm và tòa tiền đường. Đồ thờ, tượng
thánh ở đây còn rất phong phú về chất liệu đồng cũng như gỗ, về dấu ấn văn hoá
của các thế kỷ 17,18,19.
Những công trình và đồ thờ tại đền có giá trị về lịch sử và
kiến trúc nghệ thuật cao. Từ những giá trị lịch sử và giá trị kiến trúc nghệ
thuật tiêu biểu, đền Lạc Chính xã Nam Tiến huyện Nam Trực đã được xếp hạng di
tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh năm 2002.