Đền làng Nghĩa Chế, xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên thờ vua Ngô Quyền đã được xếp hạng di tích cấp Quốc gia từ năm 1994. Dân làng Nghĩa Chế thờ phụng vua Ngô Quyền là Thành hoàng làng nên còn gọi đền là đình.
Đền được xây dựng từ nhiều thế kỷ trước và được phục chế vào năm 1928. Đền có 5 gian ngoài và một gian
hậu cung thiết kế kiểu chữ Đinh, Trong đền có 2 hàng cột cái 12 cột và 2 hàng cột
quân 12 cột cùng các vì kèo bằng gỗ lim để mộc, trạm trổ rất tinh xảo.
Gian chính thờ Ngô Quyền cùng hai con trai Ngô Quyền là Ngô
Xương Ngập và Ngô Xương Văn. Các hoành phi câu đối sơn son thếp vàng, trạm khắc
rất cầu kỳ.
Từ ngoài nhìn vào gian thờ là bức kính gương đề " Tam vô tư' nói rằng ba vị thờ ở đây rất
vô tư trong sáng, cùng đó là bức đại tự " Tam hậu tại thiên " ý là ba
vị có công giúp nước như trời đã định. Hai bên là hai bức đề " Chính thống
" và " Thế Hùng " ý là cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán ở thế
kỷ thứ 10 của quân dân Triều Ngô là chính nghĩa và thế mạnh lực hùng. Đối diện
với bức đại tự ở gian giữa là bức cuốn thư đề " Nam Đế sơn hà " tức
là nước nam có vua nam, không phụ thuộc ngoại bang.
Trong gian hậu cung còn có
ba cỗ baì vị viết chữ nho vuông nói lên công đức của Ngô Quyền và hai
hoàng tử con trai Ngô Quyền.
Đền Nghĩa Chế hiện còn lưu giữ được 6 sắc phong , 1 của thời
Hậu Lê và 5 thời Nguyễn, trong bản dịch của Bảo tàng tỉnh Hải Hưng có đoạn ghi
rõ trong một sắc phong thời Nguyễn như sau: “ Nghĩa Chế xã, Tiên Lữ huyện, Hưng
Yên tỉnh thờ tam vị đại vương, phụng sự Tiền Ngô Vương, Hậu Ngô Vương, Thiên
Sách Vương, hàng năm mở hội vào dịp rằm tháng hai và lấy đó làm niềm vui của
dân làng ".
Cách đền khoảng 50 mét có phủ thờ vợ Ngô Quyền, bà chính phi
Dương Thị Ngọc.
Theo sử sách : Vào thế kỷ thứ 10 Ngô Quyền đã lấy xứ Kê Lạc
( nay vùng đất làng Nghĩa Chế ) làm nơi luyện tập binh sĩ và đẽo cọc gỗ, chuẩn
bị lương thảo cho thủy chiến Bạch Đằng năm 938, khu vực huyện Tiên Lữ cũng diễn
ra các trận đánh với quân Nam Hán. Tưởng nhớ công đức của Ngô Quyền, nhân dân
đã lập đền thờ từ rất xa xưa.
Lễ hội tưởng niệm Ngô Quyền do UBND xã Dị Chế làm chủ lễ với
sự tham gia dâng hương của ngành văn hóa và lãnh đạo cấp trên cùng khách thập
phương, các hoạt động rước, tế lễ cùng nhiều trò chơi dân gian được tổ chức từ
14 đến 16 tháng hai âm lịch hàng năm.