Đền Long Đại, Đình Bảo Vệ thuộc thôn Bảo Vệ, xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội thờ phụng Đức Thánh Trương Hát. Cùng cụm là đình Bảo Vệ và xa hơn là đền Vũ Lâm ở Phúc Thọ thờ thánh Cả Trương Hống. Dịch sang phía sông Đáy là đền Hát Môn.
Đình Bảo Vệ được xây ở phía tây của làng Bảo Vệ, xã Long
Xuyên, huyện Phúc Thọ, ngoại thành Hà Nội. Ngôi đình nằm cách trung tâm Thủ đô
khoảng 55km về phía tây. Đi theo đường quốc lộ Hà Nội - Sơn Tây, đến phố Gạch,
rẽ tay phải vào Uỷ ban nhân dân huyện, đi ngược lên đê sông Hồng khoảng 3km, rẽ
qua làng Triệu Xuyên và Phù Long là tới di tích.
Theo cuốn thần phả chữ Hán được chép lại năm Duy Tân thứ 5
(1911) và các đạo sắc phong hiện được lưu giữ tại đình cùng truyền thuyết, di vật
của địa phương thì đình Bảo Vệ thờ tướng Trương Hát - một vị tướng tiên phong của
Việt vương Triệu Quang Phục. Ông đã có công giúp vua đánh giặc, là vị tướng
trung thành của Triệu Việt vương, có công dạy cho nhân dân nhiều thuần phong mỹ
tục.
Theo truyền thuyết, đình Bảo Vệ đã được xây dựng từ lâu đời.
Đình quay hướng tây nam, có kết cấu kiến trúc khá đơn giản theo kiểu chữ
“đinh”, gồm Đại bái và Hậu cung.
Toà Đại bái được chia làm 3 gian. Trong thời kỳ kháng chiến
chống Pháp, nơi đây đã bị tàn phá. Hiện nay, các vì kèo được cấu trúc theo kiểu
chồng rường. Phần kiến trúc thiên về bền chắc, bào trơn, đóng bén.
Hậu cung là toà nhà dọc 2 gian, được tu bổ lớn vào thời Bảo
Đại thứ 6 năm Tân Mùi (1931). Kiến trúc toà Hậu cung được làm tương tự như toà
Đại bái, mái lợp ngói ri cổ. Đây là chốn thâm nghiêm để thờ Thành hoàng làng.
Di vật còn lại trong đình tuy không nhiều, song rất có giá
trị về mặt văn hoá, lịch sử, nghệ thuật như: bức y môn sơn son thếp vàng, trang
trí long mã; bức cuốn thư với 4 chữ “Chính thiên địa khí”; hai bài minh chữ khắc
nạm vàng trên nền son; bức hoành phi “Thánh cung vạn tuể”; long ngai, bài vị chạm
rồng mang đậm phong cách điêu khắc thời Nguyễn.
Đình Bảo Vệ đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích
kiến trúc nghệ thuật năm 1993.